(Xây dựng) – Những cây cầu chỉ dài khoảng 15 – 30m nhưng được xây dựng bằng chính đôi bàn tay của người dân tại địa phương, trên nguồn vốn của các nhà thiện nguyện đã mang lại những giá trị thiết thực cho cuộc sống của người dân vùng núi.
Cây cầu đã được dựng xong khung và chuẩn bị đổ bê tông.
Nhịp cầu kết nối những trái tim yêu thương
Ngày 10/7, cây cầu Song Thôn bắt đầu được đổ bê tông kết cấu nhịp cầu dầm bản sau khi đã xây dựng xong phần khung cầu. Được biết, đây là cây cầu thứ 3 mà nhóm thiện nguyện “Nhịp cầu hạnh phúc” đã giúp người dân của xã kết nối với những nhà đầu tư để quyên góp và xây dựng.
5h30 sáng, xe chúng tôi đến nơi. Trời mưa ẩm ướt, con đường đất nhỏ hẹp cũng trở nên khó đi hơn, tiếng suối réo cùng với dòng nước chảy xiết. Hòa cùng với thiên nhiên là tiếng gọi nhau của những người trong thôn, tiếng cười vui đùa của những thanh niên, tiếng máy cẩu chuẩn bị hoạt động, tiếng xe máy nổ mọi người đèo nhau chở nguyên vật liệu tới thi công, thỉnh thoảng vang lên tiếng khóc của trẻ nhỏ. Tất cả đều gợi lên một bầu không khí vui vẻ, háo hức trước giờ thi công.
Mặc dù trời vẫn còn sớm, thế nhưng người dân trong thôn đã bắt đầu tập trung để chuẩn bị đổ bê tông kết cấu nhịp cầu.
Thật không dễ dàng khi có thể chứng kiến một hình ảnh xây cầu mà người dân đều nhiệt tình tham gia, cười nói vui vẻ, một khung cảnh thực rất đời thường và gần gũi. Có lẽ, đó chính là điều đặc biệt mà nhóm thiện nguyện “Nhịp cầu hạnh phúc” đã mang lại, nhịp cầu mang đến những hạnh phúc, nhịp cầu gắn kết những trái tim xích lại gần nhau hơn.
Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Mạnh Hà - chuyên gia cao cấp của Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải, một trong những người thành lập “Nhịp cầu hạnh phúc” cho biết: “Những cây cầu này đều được xây dựng bằng nguồn vốn hỗ trợ xã hội. Nhóm thiện nguyện sẽ đứng ra kêu gọi các tổ chức, nhà hảo tâm hỗ trợ nguồn vốn. Sau đó, nhóm sẽ kết nối họ tới chính quyền địa phương để trao đổi những mong muốn của 2 bên”. Thiết kế và chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật sẽ do chính ông Hà hỗ trợ và phụ trách.
Cây cầu chính là thành phẩm của sự kết nối những trái tim nhân ái, những nhà hảo tâm và nhóm thiện nguyện tới đồng bào vùng sâu, vùng xa, góp phần nâng cao và giúp họ cải thiện cuộc sống khó khăn.
Trời mưa không lớn, nhưng dòng suối Thản vẫn chảy khá mạnh.
Những hạnh phúc lớn lao mà cây cầu nhỏ mang lại
Hình ảnh những cô gái, cậu thanh niên, những người dù tóc đã điểm bạc đều hăng hái tham gia xây dựng khiến tôi cùng đồng nghiệp không khỏi xúc động. Bên bờ, những người đã lớn tuổi hay những em nhỏ không đủ sức lao động đều đến ngóng trông nhịp cầu hoàn thành.
Tiến gần đến 2 bà cháu, tôi hỏi: “Cầu được xây, bà có vui không?”. Vừa bế cháu nhỏ, bà vừa cười trả lời tôi một cách niềm nở: “Vui chứ, háo hức lắm. Có cầu, bà con không vất vả, lũ đến không còn sợ nữa. Hôm qua trời mưa, chúng tôi sợ lũ, mọi người đều kéo nhau ra trông cầu vì sợ lũ cuốn trôi mất vật liệu, hôm nay không làm được”.
Nụ cười của người dân trông mong nhịp cầu hoàn thành.
Mùa lũ đến, dòng suối Thản xiết mạnh, nước dâng cao, cầu tạm đã được người trong thôn dựng lại nhiều lần vì mỗi khi lũ về, cầu đều bị lũ cuốn trôi. Những ngày bình thường, người dân muốn băng qua suối đều phải qua cây cầu tạm, thế nhưng nó cũng chẳng hề an toàn, “người nào đi xe máy phải vững tay lắm mới qua được”, chị Bưởi (36 tuổi) - một người dân tham gia thi công kể lại.
Cây cầu chính là những hy vọng của người dân mỗi mùa lũ, là niềm vui khi được qua suối an toàn, được giao lưu cùng nhau giữa các thôn, các bản.
Một cây cầu khác – cầu Trung Sơn đã được khánh thành trước đó, cũng do nhóm thiện nguyện “Nhịp cầu hạnh phúc” giúp đỡ xây dựng đã giúp ích cho người dân vô cùng lớn. Qua cây cầu khoảng 4km là khoảng 100 hộ dân của người dân tộc Pà Thẻn. Lũ đến, các em nhỏ không còn phải nghỉ học vì không qua được suối, những người dân bị bệnh sẽ có con đường thuận lợi để đến trạm y tế...
Những đứa trẻ vui đùa trên nhịp cầu yêu thương.
Không chỉ thế, việc xây cầu còn mang đến cho người dân trong thôn một nguồn thu nhập khác. Chị Bưởi tâm sự rằng: “Một mình chị phải nuôi 2 con nhỏ, may mà có những công trình này, mình xin đi theo làm việc, mỗi ngày được 250 nghìn đồng, cũng có thêm thu nhập”.
Xứng – cậu bé 16 tuổi (áo kẻ sọc đen) cũng hào hứng tham gia cùng mọi người, kiếm thêm thu nhập cho gia đình trong thời gian nghỉ hè.
Được trả công là một phần, nhưng điều làm họ vui hơn đó là được lao động, được làm việc cùng nhau. Chị Bưởi nhớ lại “có những ngày mình ốm sốt, không được đi làm cùng mọi người nên buồn lắm. Khỏi ốm là mình tới tham gia với mọi người ngay”.
Ai nấy đều vui vẻ với công việc, xong việc họ lại làm cơm mời nhau, có khi thịt cả con lợn để khao cả thôn.
Kết thúc công việc, mọi người quây quần bên mâm cơm, cả cán bộ xã, cán bộ thôn, nhóm thiện nguyện đều cùng nhau nâng ly rượu chúc mừng. Tất cả như một đại gia đình cùng nhau ăn bữa cơm ấm áp.
Những cây cầu như vậy chính là hạnh phúc lớn mà những nhà hảo tâm, những nhà thiện nguyện mang đến cho đồng bào dân tộc miền núi. Bởi vậy, họ coi những người giúp đỡ mình như người một nhà.
Rời xa những ngôi nhà sàn đơn sơ, những ruộng lúa mới cấy, tôi nhận ra rằng: Chỉ cần chúng ta có trái tim yêu thương, chúng ta đều sẽ hạnh phúc.
Quyên Hoàng
Theo