Thứ sáu 26/04/2024 10:01 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Câu hỏi hóc búa ở thành phố có giá nhà đắt đỏ nhất thế giới

09:00 | 15/03/2023

Giữa cuộc khủng hoảng nhà ở tại Hong Kong (Trung Quốc), nhiều người đặt câu hỏi “Làm gì với 40.000 căn hộ cách ly bị bỏ trống?” và chờ đợi động thái từ chính quyền.

Đằng sau các tòa cao ốc lộng lẫy và những ngôi nhà trị giá hàng triệu USD biến Hong Kong thành thị trường bất động sản đắt đỏ nhất thế giới là thực tế khắc nghiệt hơn nhiều: một cuộc khủng hoảng nhà ở dường như nan giải nhất thế giới, theo CNN.

Ở thành phố này, một ngôi nhà trung bình được bán với giá hơn một triệu USD, thậm chí một chỗ đậu xe có thể lên tới gần một triệu USD. Đó cũng là nơi hơn 200.000 người phải chờ đợi ít nhất nửa thập kỷ để có được nhà ở công cộng.

Nằm thấp hơn nhiều so với dãy The Peak của các tỷ phú và những tài sản độc quyền trị giá hàng trăm triệu USD, cứ 5 người thì có một cá nhân sống dưới mức nghèo khổ và ở các đơn vị chia nhỏ chật chội hoặc “nhà lồng” trong khu chung cư đổ nát.

Nguyên nhân của vấn đề, theo chính quyền Hong Kong, tương đối đơn giản: thiếu nguồn cung kinh niên không thể đáp ứng nhu cầu của hơn 7 triệu người chen chúc trong những khu dân cư đông đúc nhất thế giới.

“Nhà ở đứng đầu chương trình nghị sự”, Đặc khu trưởng Hong Kong John Lee nhấn mạnh trong bài phát biểu về chính sách đầu tiên vào tháng 10/2022, khi ông cam kết xây dựng 30.000 căn hộ trong 5 năm tới.

Tuy nhiên, nhóm phản đối từ lâu đã hoài nghi về sự phụ thuộc của chính quyền địa phương vào phí bảo hiểm đất đai, bán hàng và thuế, chiếm khoảng 20% doanh thu hàng năm. Họ cho rằng dòng thu nhập này khuyến khích việc giữ nguồn cung chặt chẽ, hạn chế những gì có thể làm để giải quyết vấn đề.

Câu hỏi hóc búa ở thành phố có giá nhà đắt đỏ nhất thế giới
Cứ 5 người thì có một cá nhân sống dưới mức nghèo khổ và ở các đơn vị chia nhỏ chật chội hoặc “nhà lồng” trong khu chung cư đổ nát. Ảnh: Reuters.

Trong khi cuộc tranh luận diễn ra sôi nổi, sự thay đổi các biện pháp chống Covid-19 khắc nghiệt của thành phố khiến nhiều người đang kêu gọi chính quyền tái sử dụng các trại cách ly rộng lớn mà thành phố xây dựng trong thời kỳ đại dịch và hiện bị bỏ trống.

Như Paul Zimmerman, ủy viên hội đồng ở quận phía nam của Hong Kong kiêm đồng sáng lập nhóm vận động quy hoạch đô thị Designing Hong Kong, nói: “Bây giờ câu hỏi là: phải làm gì với chúng?”.

Phép thử

Các trại cách ly là một trong những biện pháp chống dịch gây tranh cãi của Hong Kong, bên cạnh quy định đeo khẩu trang lâu nhất thế giới và thời gian cách ly khách sạn bắt buộc lên đến 3 tuần. Chúng bị phản đối vào thời điểm xây dựng, được coi là yêu cầu kiểm dịch hà khắc.

Những nơi này cũng làm dấy lên chỉ trích từ nhóm người cho rằng việc xây dựng nhanh chóng và tốn kém đã tạo ra sự dối trá cho câu chuyện rằng vấn đề nhà ở của Hong Kong đơn giản là không thể giải quyết được.

Chính quyền Hong Kong không tiết lộ chi phí của mạng lưới các cơ sở kiểm dịch. Thế nhưng, tổng hóa đơn chi tiêu cho đại dịch trong 3 năm qua đã lên tới 76 tỷ USD (600 tỷ HKD), theo thư ký tài chính của thành phố.

Các kế hoạch nhà ở công cộng thường phải tuân thủ nhiều năm thủ tục hành chính. Nhưng trong trường hợp các trại cách ly, chính quyền bất ngờ “tìm thấy” khoảng 80 ha đất và xây dựng 40.000 đơn vị kim loại đúc sẵn chỉ trong vài tháng.

Brian Wong, thuộc tổ chức phi lợi nhuận Liber Research Community, nằm trong số những người đặt câu hỏi tại sao chính quyền không thể thực hiện một cách tiếp cận nhanh chóng tương tự để giải quyết những gì họ thừa nhận là cuộc khủng hoảng nhà ở khẩn cấp.

Wong lập luận rằng việc chính quyền bị cáo buộc phụ thuộc vào nguồn thu từ đất đai có nguy cơ biến nhà ở thành “vấn đề cơ cấu” không thể “giải quyết một cách có ý nghĩa”.

“Ngay cả khi muốn làm cho giá đất phải chăng, chính quyền sẽ không làm điều đó vì có quá nhiều rủi ro”, ông nói.

Câu hỏi hóc búa ở thành phố có giá nhà đắt đỏ nhất thế giới
Cơ sở cách ly cộng đồng vịnh Penny ở Hong Kong ngày 1/3/2023. Ảnh: Noemi Cassanelli/CNN.

Wong chỉ trích sự thiếu quyết đoán và không hành động của chính quyền, được cho là sẽ gây thiệt hại cho thành phố và những người nghèo nhất.

Wong coi các trại cách ly bỏ trống là phép thử về quyết tâm hành động của chính quyền và kêu gọi tái sử dụng các đơn vị này thành nhà ở xã hội. Ông cho rằng sẽ “rất xấu hổ nếu những thùng chứa đó bị bỏ trống hoặc lãng phí”.

Khi được hỏi về tương lai của các trại cách ly trước đây, chính quyền Hong Kong cho biết họ sẽ công bố kế hoạch sau khi quyết định được đưa ra.

Nhỏ, nhưng vẫn đáng mơ ước

Chỉ có 3/8 trại cách ly được xây dựng có mục đích đã thực sự đi vào sử dụng. 5 trại còn lại được đặt ở chế độ chờ khi tỷ lệ tiêm chủng tăng lên và số ca nhiễm bệnh giảm xuống.

Trại lớn nhất và có lẽ khét tiếng nhất là vịnh Penny cạnh Disneyland của Hong Kong - nơi có hơn 270.000 người ở trong gần 10.000 đơn vị trong suốt 958 ngày hoạt động, kết thúc vào 1/3.

Trại thứ 2 nằm cạnh bến du thuyền Kai Tak và trại thứ 3 gần cảng container vận chuyển. Phần còn lại nằm rải rác dọc theo vùng ngoại ô phía bắc của thành phố gần biên giới với Trung Quốc đại lục.

Với diện tích khoảng 18 m2, mỗi "căn hộ" có kích thước gần bằng một chỗ đậu xe hơi và có nhà vệ sinh, vòi hoa sen và giường đơn giản. Chỉ một số có nhà bếp.

Tuy nhiên, trong khi các đơn vị ở dạng đơn lẻ, nhiều người cho rằng họ vẫn có thể đưa ra giải pháp tạm thời hấp dẫn cho những người không đủ khả năng chi trả tiền thuê nhà cao của thành phố.

Tại Hong Kong, theo dữ liệu do cơ quan bất động sản Centaline biên soạn, ngay cả những “căn hộ nano” có diện tích 20 m2 gần đây cũng được bán với giá 445.000 USD - tương đương hơn 2.000 USD/0,09 m2.

Câu hỏi hóc búa ở thành phố có giá nhà đắt đỏ nhất thế giới
Sau khi "hoàn thành nhiệm vụ", cơ sở cách ly cộng đồng tại vịnh Penny bị bỏ trống. Nhiều người đề xuất chính quyền cho cư dân thuê lại để phần nào giúp giải quyết cuộc khủng hoảng nhà ở. Ảnh: Noemi Cassanelli/CNN.

Francis Law, người được cử đến vịnh Penny vào cuối năm 2022, nói rằng mặc dù đơn giản, cơ sở vật chất vẫn đủ để đáp ứng nhu cầu cơ bản của một người và sẽ cung cấp lựa chọn tạm thời hấp dẫn cho những người trong danh sách nhà ở công cộng.

“Nếu chính phủ cho thuê các căn hộ với giá khoảng 2.000-3.000 HKD/tháng (254-382 USD) và sắp xếp tuyến xe buýt đến ga xe lửa gần nhất, tôi nghĩ nó sẽ thu hút rất nhiều người nộp đơn, ngay cả khi nó cách xa nhà ga khu trung tâm thương mại chính”, anh nói.

Trong khi một số trại xây dựng trên đất thuộc sở hữu của các "ông trùm" địa phương và được chính phủ cho mượn, một số người cho rằng các đơn vị này có dạng mô-đun và tương đối dễ dàng tháo dỡ nên có thể được chuyển đến các địa điểm lâu dài hơn, nếu chính phủ đồng ý.

“Rõ ràng là chúng ta có đất ở Hong Kong, nhưng không sẵn có để phát triển khu dân cư hoặc thương mại”, Ryan Ip, Phó chủ tịch kiêm đồng trưởng bộ phận nghiên cứu của Our Hong Kong Foundation, cho biết.

“Điều quan trọng là liệu chính quyền có thực sự đẩy nhanh các thủ tục của mình hay không”, ông nói thêm.

Những người khác có nhiều đề xuất sáng tạo hơn, lấy cảm hứng từ cách một số thiết bị tạm thời được thay thế cho mục đích sử dụng khác trong thời gian đại dịch tạm lắng.

Có thời điểm, một số đơn vị ở vịnh Penny được sử dụng để tổ chức kỳ thi tuyển sinh đại học cho học sinh trung học có tiếp xúc gần với các trường hợp nhiễm bệnh. Khi khác, trại tổ chức một điểm bỏ phiếu bầu cử nhỏ.

Kiến trúc sư Marco Siu, tham gia nhóm kêu gọi biến các dãy nhà ở vịnh Penny thành trung tâm chăm sóc sức khỏe, lập luận rằng điều này sẽ chỉ yêu cầu thiết kế lại tối thiểu và cung cấp cho chính quyền lựa chọn mở cửa trở lại nếu một đợt bùng phát khác xảy ra.

Zimmerman, thuộc Design Hong Kong, cho biết khu đất bên cạnh Disneyland có thể được sử dụng để mở rộng công viên giải trí hoặc cải tổ mục đích thành thị trấn mới.

Liệu chính quyền có chú ý đến bất kỳ đề xuất nào trong số này hay không vẫn còn phải xem vì đến nay, họ vẫn kín tiếng về ý định của mình.

Câu hỏi hóc búa ở thành phố có giá nhà đắt đỏ nhất thế giới
Thứ trưởng Bộ An ninh Michael Cheuk tại lễ đóng cửa cơ sở cách ly cộng đồng vịnh Penny hôm 1/3. Ảnh: Noemi Cassanelli/CNN.

Một phát ngôn viên nói với CNN rằng: “Việc phân tích và nghiên cứu chi tiết sẽ được tiến hành với các cơ quan và ban ngành liên quan của chính quyền. Các kế hoạch và sắp xếp trong tương lai sẽ được công bố sau khi có quyết định”.

Tuy nhiên, một phát ngôn viên của Cục Phát triển nói thêm rằng các đơn vị tại vịnh Penny và Kai Tak được “thiết kế theo cấu trúc cho vòng đời 50 năm” và xác nhận chúng được thiết kế để “tháo dỡ, vận chuyển và tái sử dụng ở các địa điểm khác”.

Trong một tuyên bố riêng, Cục Phát triển cho biết thành phố cam kết cung cấp đất “ổn định và bền vững”.

“Như đã thông báo trong Ngân sách 2023-24, chỉ riêng đối với đất dành cho nhà ở tư nhân, chúng tôi sẽ đảm bảo quỹ đất có quy mô gần gấp đôi so với giai đoạn 5 năm trước để sản xuất không dưới 72.000 đơn vị nhà ở tư nhân trong trong 5 năm tới và cung cấp đất cho thị trường thông qua các chương trình bán đất hàng năm và phát triển bất động sản đường sắt”.

Tuy nhiên, những ai chứng kiến lễ đóng cửa của trại cách ly vịnh Penny vào đầu tháng này sẽ thất vọng nếu ôm hy vọng có cái nhìn thoáng qua về tương lai của nó.

Khi cánh cổng đóng lại, ban nhạc chơi bài Auld Lang Syne và Michael Cheuk, Thứ trưởng Bộ An ninh, đặt ổ khóa lớn vào cửa.

“Cơ sở cách ly vịnh Penny đã hoàn thành sứ mệnh”, Cheuk nói với đám đông.

Những từ tương tự được dán trên biểu ngữ treo trên cổng.

Theo Thiên Nhi/Zingnews.vn

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load