Bộ Tài chính đang dự thảo Quyết định về cơ chế cấp bù chênh lệch lãi suất do thực hiện chính sách tín dụng theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội.
Ảnh minh họa
Dự thảo Quyết định nêu rõ về cấp bù chênh lệch lãi suất đối với các tổ chức tín dụng. Theo đó các khoản cho vay được ngân sách nhà nước cấp bù chênh lệch lãi suất khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện: Đã ký hợp đồng tín dụng và đã được giải ngân vốn vay tại các tổ chức tín dụng theo đúng quy định tại Nghị định số 100/2015/NĐ-CP và hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; đúng đối tượng và khách hàng vay vốn sử dụng vốn vay đúng mục đích theo quy định của pháp luật; là khoản cho vay trong hạn tại thời điểm cấp bù chênh lệch lãi suất.
Về mức chênh lệch lãi suất cấp bù, dự thảo đề xuất 2 phương án:
Phương án 01: Lãi suất cho vay tham chiếu là mức lãi suất cho vay thấp nhất đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn cùng kỳ hạn trong cùng thời kỳ của từng tổ chức tín dụng. Theo đó, mức chênh lệch lãi suất cấp bù được xác định như sau: Đối với cho vay đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, mức chênh lệch lãi suất cấp bù được tính bằng mức lãi suất cho vay thấp nhất đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn cùng kỳ hạn trong cùng thời kỳ của tổ chức tín dụng trừ đi mức lãi suất cho vay theo quy định tại điểm b khoản 7 Điều 15 Nghị định số 100/2015/NĐ-CP.
Đối với cho vay để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở, mức chênh lệch lãi suất cấp bù được tính bằng mức lãi suất cho vay thấp nhất đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn cùng kỳ hạn trong cùng thời kỳ của tổ chức tín dụng trừ đi mức lãi suất quy định tại điểm b khoản 5 Điều 16 Nghị định số 100/2015/NĐ-CP.
Trường hợp các tổ chức tín dụng không có quy định lãi suất đối với khoản cho vay có thời hạn cho vay dài tương ứng với thời hạn cho vay thực tế của khoản cho vay phù hợp với quy định tại Nghị định số 100/2015/NĐ-CP, để xác định mức chênh lệch lãi suất cấp bù, các tổ chức tín dụng sử dụng mức lãi suất cho vay áp dụng đối với khoản cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn có thời hạn cho vay ngắn hơn gần nhất với thời hạn cho vay thực tế của khoản cho vay. Khi lãi suất cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn có thay đổi, các tổ chức tín dụng có trách nhiệm báo cáo Bộ Tài chính về mức lãi suất cho vay thấp nhất của các kỳ hạn để làm căn cứ xác định mức cấp bù lãi suất.
Phương án 02: Lãi suất cho vay tham chiếu là mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam của tổ chức tín dụng đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực do NHNN công bố. Theo đó, mức chênh lệch lãi suất cấp bù được xác định như sau:
Đối với cho vay đầu tư xây dựng nhà ở xã hội: Mức chênh lệch lãi suất cấp bù được tính bằng mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam của tổ chức tín dụng đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực do NHNN công bố trừ đi mức lãi suất theo quy định tại điểm b khoản 7 Điều 15 Nghị định số 100/2015/NĐ-CP.
Đối với cho vay để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở: Mức chênh lệch lãi suất cấp bù được tính bằng mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam của tổ chức tín dụng đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực do NHNN công bố trừ đi mức lãi suất quy định tại điểm b khoản 5 Điều 16 Nghị định số 100/2015/NĐ-CP.
Khi lãi suất cho ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam của tổ chức tín dụng đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực có thay đổi, Ngân hàng Nhà nước thông báo cho Bộ Tài chính về mức lãi suất cho vay để làm căn cứ xác định mức cấp bù lãi suất.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
Theo Khánh Linh/Baochinhphu.vn