Thứ năm 26/12/2024 23:29 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Kinh tế /

Cao Bằng: Chuyển đổi hơn 18ha rừng tự nhiên để làm thủy điện

15:35 | 19/11/2024

(Xây dựng) - Nhà máy thủy điện Bảo Lạc A (Cao Bằng) dự kiến khởi công trong quý III/2024. Dự án này cần chuyển đổi 18,08ha rừng tự nhiên.

Cao Bằng: Chuyển đổi hơn 18ha rừng tự nhiên để làm thủy điện
Hơn18ha rừng tự nhiên tại Cao Bằng sẽ được chuyển đổi mục đích sử dụng để phục vụ xây dựng thủy điện Bảo Lạc A.

Dự án nhà máy thủy điện Bảo Lạc A được UBND tỉnh Cao Bằng chấp thuận đầu tư theo Quyết định số 1639/QĐ-UBND (ngày 28/11/2023) có tổng vốn đầu tư 1.144,2 tỷ đồng, công suất 30MW.

Nhà máy được xây dựng trên sông Gâm đoạn qua địa bàn xã Cô Ba, dự kiến khởi công vào quý III/2024, hoàn thành phát điện trong quý II/2026. Dự án hoàn thành dự kiến sẽ sản xuất 115 triệu kWh/năm, đóng góp vào ngân sách Nhà nước khoảng 26 tỷ đồng/năm.

Để phục vụ dự án này, ngoài việc chuyển đổi mục đích sử dụng hơn 18ha rừng tự nhiên còn có khoảng 40 hộ dân bị ảnh hưởng; 27 hộ dân đã đồng ý với phương án đền bù, giải phóng mặt bằng mà địa phương đưa ra.

Trước đó, tại Quyết định số 1381/QĐ-UBND (ngày 23/10/2024), UBND tỉnh Cao Bằng cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng 18,08ha rừng tự nhiên sang mục đích khác để thực hiện dự án thủy điện Bảo Lạc A thuộc địa bàn 2 xã Cô Ba và Khánh Xuân, huyện Bảo Lạc. Khu vực chuyển đổi bao gồm 17,27ha rừng phòng hộ và 0,81ha rừng sản xuất, nằm trên địa bàn hai xã Cô Ba và Khánh Xuân.

Để thực hiện và giám sát quá trình chuyển đổi này, UBND tỉnh Cao Bằng đã giao nhiệm vụ cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cao Bằng chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan để quản lý, kiểm tra quá trình chuyển mục đích sử dụng rừng, đảm bảo tuân thủ pháp luật. Chi cục Kiểm lâm tỉnh Cao Bằng có trách nhiệm cập nhật diễn biến rừng và giám sát việc khai thác lâm sản tại khu vực chuyển đổi.

Cùng với đó, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Cao Bằng cần phối hợp cùng các Sở, ngành để hoàn thiện các thủ tục pháp lý về đất đai, đảm bảo quá trình thực hiện dự án tuân thủ đúng quy định.

Ngoài ra, UBND huyện Bảo Lạc cần chỉ đạo các phòng ban liên quan và chính quyền địa phương giám sát chặt chẽ việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, đảm bảo đúng vị trí, ranh giới và diện tích đã phê duyệt, đồng thời xử lý nghiêm các vi phạm.

Được biết, sông Gâm là một nhánh cấp I nằm bên bờ trái của sông Lô, đồng thời là nhánh cấp II của sông Hồng, bắt nguồn từ vùng núi Vân Nam (Trung Quốc). Để khai thác hiệu quả dòng nước, ngày 2/8/2007, Bộ Công Thương đã có Quyết định số 2704/QĐ-BCT phê duyệt quy hoạch bậc thang thủy điện sông Gâm. Theo đó, với khoảng 60km chảy qua Cao Bằng, sẽ có 6 thủy điện được xây dựng dọc tuyến sông.

Đinh Vũ

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load