(Xây dựng) – “Hoà Bình dự kiến sẽ đạt doanh thu 2 tỷ USD thời gian tới, ngay cả khi thị trường trong nước như cơn bão vẫn còn dữ dội. Chúng tôi sẽ gây dựng nên một dấu ấn mới mang tên Hoà Bình ở châu Phi”. Đó là quyết tâm của “cánh chim đầu đàn” - Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình khi đặt ra kế hoạch cho tương lai trong điều kiện kinh tế vô cùng khó khăn.
Ông Lê Viết Hải - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (thứ ba từ trái sang) gặp gỡ Thủ tướng nước Cộng hòa Kenya - ngài Masalia Madavadi để trao đổi về những cơ hội hợp tác giữa Hòa Bình nói riêng và các doanh nghiệp Việt Nam nói chung với doanh nghiệp Kenya trong lĩnh vực xây dựng. |
Vượt gió rẽ sóng
“Phải vượt bão mới thấy được lửa thử vàng, gian nan thử sức. Doanh thu của Hoà Bình năm nay không đạt chỉ tiêu, nhưng chúng tôi vẫn đang cố gắng để có được sự bứt phá vào năm tới”, ông Lê Viết Hải - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoà Bình (HBC) cho biết với ánh mắt đầy quyết tâm.
Điểm lại những nốt trầm liên tiếp từ sau đại dịch Covid-19, những tưởng đại dịch qua đi sẽ chấm dứt khó khăn một thời gian dài ngưng trệ của ngành Xây dựng, nhưng thực tế ngược lại. Kinh tế thế giới rơi vào suy thoái, chiến tranh xảy ra, còn trong nước thì nhiều công ty đóng cửa, thị trường BĐS đóng băng. Khách du lịch giảm sút, nhà đầu tư ít quan tâm tới BĐS nghỉ dưỡng, kéo theo thị trường BĐS nghỉ dưỡng lâm vào cảnh đìu hiu. Trong khi đó, hầu hết các chủ đầu tư lớn ở Việt Nam đều dồn lực vào làm BĐS du lịch, khi thị trường này lao dốc, khiến cho các nhà thầu xây dựng, trong đó có Hoà Bình cũng lao đao.
Đa số các ông chủ dự án BĐS nghỉ dưỡng lớn trở thành “con nợ” của tổng thầu, còn tổng thầu trở thành “con nợ” của các nhà thầu phụ, cứ thế vòng xoáy nợ nần bủa vây lấy các DN. “Đã có lúc nghẹt thở, chúng tôi phải nghĩ cách tìm khách nước ngoài để bán máy móc thiết bị đi, khi nào cần tới thì thuê lại”, ông Hải chia sẻ.
Có thể nói, năm 2023 là năm khó khăn nhất từ trước tới nay đối với những DN trong ngành Xây dựng, đặc biệt là các nhà thầu. Nhiều ông chủ BĐS lớn giờ nợ Hoà Bình mỗi “ông” hơn một ngàn tỷ đồng. Đấy là chưa kể khoản nợ kếch xù từ một nửa trong số 60 khách hàng của công ty. Sơ sơ các “con nợ trăm tỷ” đang “ôm” của Tập đoàn khoảng 3.000 tỷ đồng. Trong khi đó, Hoà Bình phải chịu áp lực thanh toán cho hơn 1.400 nhà thầu phụ.
Thế nhưng, áp lực lớn nhất, thách thức lớn nhất đối với những chủ thầu như Hoà Bình, có lẽ chính là phải “dứt ruột” bán đi máy móc, thiết bị hàng trăm triệu USD mà bao năm công ty gây dựng để mua. Ông Hải ví như phải “bán máu” của mình vậy. Thế nhưng, “bán máu” cũng không xong, số thiết bị máy móc sau khi định giá 1.400 tỷ đồng lại gặp trục trặc. Vậy là, vừa không có tiền xoay vòng, trả nợ, vừa phải chịu hư hao, thiết bị đem xếp kho. Ông nhẩm tính, sơ bộ cũng tới 60 cái cần cẩu, 119 cái vận thăng, hơn 700.000 cái khung giàn giáo thép… đang nằm phơi nắng phơi sương ở khắp các bãi của công ty bởi các kho chứa trên toàn quốc đã đầy.
Ông Hải cho biết thêm, năm nay Hoà Bình thu khoảng 7.800 tỷ đồng, không đạt chỉ tiêu doanh thu. Thế nhưng, công ty lại ký được nhiều hợp đồng lớn, 22 hợp đồng đang triển khai, hứa hẹn năm tới gặt hái khoảng 12.000 tỷ đồng. Trước mắt đó là, 5.500 tỷ đồng doanh thu từ hợp đồng đã ký và đang thi công dang dở; 3.500 tỷ đồng doanh thu hợp đồng mới; 1.200 tỷ đồng doanh thu thị trường xây dựng nước ngoài; 600 tỷ đồng doanh thu từ công ty con.
Tính riêng năm 2023, Hoà Bình trúng thầu 5 dự án lớn như: 10 tòa chung cư nhà ở xã hội ở Hải Phòng của chủ đầu tư Thái - Holding với giá trị 3.000 tỷ đồng; dự án The 9 Stellars (quận 9 cũ, TP.HCM) của chủ đầu tư Sơn Kim Land; Chung cư Thăng Long Home Hiệp Phước (Đồng Nai) của chủ đầu tư Thăng Long Real Group. Dự án Nam An Azure của chủ đầu tư An Nam đã chốt xong. Hiện Xây dựng Hòa Bình đang tham gia đấu thầu một dự án quy mô lớn của Gamuda Land.
Vươn ra biển lớn
Xác định con đường thoát khỏi khó khăn trong nước là phải tìm kiếm cơ hội phát triển ra nước ngoài, Hoà Bình đã sớm lên kế hoạch và mục tiêu của mình từ nhiều năm qua là phải vươn ra biển lớn mới có thể vượt “con sóng dữ”. Dự kiến, Hoà Bình đặt mốc 10 năm tới sẽ đạt doanh thu 20 tỷ USD, trong đó doanh thu từ thị trường nước ngoài đạt 13 tỷ USD, còn lại là thị trường trong nước.
Thị trường châu Phi sẽ đem lại hàng tỷ đô la Mỹ nếu khai thác đúng tầm, nhất là khi được sự ủng hộ của Chính phủ các quốc gia này. Trong nhiều năm qua, Hoà Bình đã tiếp cận, nghiên cứu thị trường kỹ lưỡng, đồng thời công ty nói riêng và DN Việt Nam nói chung đang được sự ủng hộ nhiệt tình của Chính phủ nhiều nước ở châu lục này. Trong một chuyến công tác châu Phi, ông Lê Viết Hải thay mặt Tập đoàn Hoà Bình, cũng là đại diện của Hiệp hội Xây dựng và vật liệu xây dựng TP.HCM (SACA), đại diện cho Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đại diện Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam (VACC) đã có buổi gặp gỡ Thủ tướng nước Cộng hoà Kenya để trao đổi cơ hội hợp tác giữa DN hai nước trong lĩnh vực xây dựng.
Ông Hải nhận định, châu Phi là thị trường đầy tiềm năng đối với ngành Xây dựng nước ta nếu “xuất khẩu” kịp thời. Bởi nơi này vẫn còn sơ khai, công nghệ xây dựng lạc hậu. Khảo sát thực tế tại châu Phi cho thấy, ngay cả tại Thủ đô một nước được xem là tiến bộ, phong cảnh được xem là xếp hàng thứ 6 trên thế giới như Kenya, nhưng khi quan sát 13 công trình đang xây dựng ở đây thì không có công trình nào có giàn giáo thép, không có cần cẩu, không có vận thăng… “Họ đang xây dựng bằng giàn giáo gỗ, dùng ròng rọc kéo vật liệu xây dựng lên, mà các công trình đều cao tới 30 tầng… như hồi làm kim tự tháp. Vì vậy, khi Hoà Bình xuất hiện, các đối tác đều muốn Hoà Bình làm tổng thầu dự án nhà ở xã hội cho họ”, ông Hải tiết lộ.
Rõ ràng, với công nghệ, trình độ xây dựng của người Việt hiện nay, việc lựa chọn nhà thầu Việt để khai mở là lựa chọn hàng đầu của các quốc gia này. Riêng đối với Hoà Bình, máy móc, thiết bị có thừa, trình độ của các nhân sự đã tới tầm quốc tế khi nhiều năm được đào tạo, huấn luyện bài bản, đặc biệt hơn là đội ngũ lao động có tay nghề và bề dày kinh nghiệm. “Trước mắt châu Phi sẽ là thị trường tiềm năng, nằm trong kế hoạch phát triển thị trường một tỷ đô la Mỹ trong kế hoạch 5 năm tới của Hoà Bình. Chúng tôi sẽ chiến thắng giống như cách mà Vietel đã làm, sẽ có một HBC châu Phi”, ông Hải quả quyết.
Kỳ đại hội cổ đông vừa qua, Hoà Bình đặt mục tiêu đạt doanh thu 2 tỷ USD vào năm 2028, trong đó thị trường nước ngoài chiếm 50%; thị trường dân dụng và công nghiệp trong nước chiếm 50% còn lại.
Ngoài thị trường châu Phi, những thị trường mục tiêu như Canada, Mỹ, Úc và châu Âu, Hoà Bình phát triển bằng nhiều hình thức như đồng phát triển, đồng xây dựng, M&A hoặc liên doanh. “Ở nước ngoài, đơn cử là Úc, nguồn cung nhà ở khoảng 1.5 triệu căn, các nhà thầu trong nước không thể đáp ứng được tiến độ, nhiều công ty còn bị phá sản. Vì vậy, Hoà Bình đi đến đâu đều được chính quyền các quốc gia hoan nghênh chào đón”, ông Hải cho biết thêm.
Trước đó, ngay từ năm 2011, Hoà Bình lần đầu bước chân ra thị trường quốc tế bằng dự án chung cư cao cấp 670 căn hộ Le Yuan Residence - dự án đầu tiên có bãi biển nhân tạo ở Kuala Lumpur. Hai năm sau, HBC củng cố sự hiện diện tại đất nước “châu Á thu nhỏ” này bằng dự án Desa Green quy mô 2.080 căn hộ gồm 3 block, 7 tầng hầm, 42 tầng cao với diện tích xây dựng 235.000 m2. 2 năm sau , Hòa Bình đánh dấu dự án đầu tiên tại Myanmar - chung cư GEMS, một trong 2 công trình cao tầng nhất ở đất nước chùa tháp. Và đây cũng là dự án đầu tiên mà một nhà thầu xây dựng Việt Nam cung cấp dịch vụ quản lý thi công tại Myanmar.
“Tập đoàn Hoà Bình như một con cá voi trong ao tù, quá chật chội nên không đủ không gian lớn lên và vùng vẫy. Phải nhanh chóng tìm đường ra biển lớn thì cá voi mới tiếp tục tung hoành và tăng trưởng được. Tôi tin rằng, thời gian tới khi Hòa Bình khắc phục xong vấn đề dòng tiền sẽ nhanh chóng lấy lại vị thế của mình, khẳng định tên tuổi của nhà thầu Việt Nam trên trường quốc tế” - ông Hải nói lên quyết tâm một cách mạnh mẽ.
Minh Khôi
Theo