(Xây dựng) – Báo cáo mới nhất của công ty kiểm toán EY Singapore cho biết, những trở ngại liên quan đến chính sách và khuôn khổ pháp lý là rào cản chính cản trở sự phát triển của năng lượng tái tạo ở châu Á.
Năng lượng tái tạo sẽ là chìa khóa để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và giảm phát thải tại châu Á (Ảnh minh họa). |
Châu Á sẽ chứng kiến nhu cầu năng lượng tổng thể tăng khoảng 80% vào năm 2050. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) ước tính rằng 75% nhu cầu bổ sung này sẽ được đáp ứng bởi nhiên liệu hóa thạch. Điều này sẽ khiến lượng khí thải CO2 của khu vực tăng thêm 35% so với năm 2020. Do đó, năng lượng tái tạo sẽ là chìa khóa để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và giảm phát thải tại châu Á. Tuy nhiên, đầu tư vào năng lượng tái tạo ở châu Á - Thái Bình Dương, ngoại trừ Trung Quốc, chỉ chiếm 14% tổng đầu tư vào năng lượng tái tạo toàn cầu vào năm 2022 (theo dữ liệu của BloombergNEF).
Theo kết quả nghiên cứu mới nhất của công ty kiểm toán EY Singapore, đầu tư vào năng lượng tái tạo là một cơ hội đang chờ được khai thác. Báo cáo đã phân tích các rào cản đối với việc tài trợ cho các dự án năng lượng gió và năng lượng mặt trời quy mô lớn ở châu Á. Dữ liệu của báo cáo lấy từ hơn 170 cuộc tham vấn với các nhà phát triển, người cho vay, nhà đầu tư, hiệp hội ngành và tổ chức tài chính phát triển (DFIs) để hiểu rõ hơn về các dự án năng lượng ở 9 quốc gia, bao gồm Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Philippines, Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc, Bangladesh và Pakistan. Theo nghiên cứu, nguồn tài chính sẵn có cho năng lượng tái tạo không được coi là rào cản chính ở hầu hết các nước châu Á, ngoại trừ một số thị trường mới nổi như Bangladesh và Pakistan.
Báo cáo cũng cho thấy, các nhà đầu tư muốn đầu tư vào tài chính năng lượng tái tạo đang phải đối mặt với việc thiếu các dự án khả thi để đầu tư do những trở ngại về chính sách và quy trình. Các rào cản phi tài chính liên quan đến cấp phép, quy trình phát triển, thu hồi đất, thiếu chuỗi cung ứng địa phương và các yêu cầu về dự án địa phương có tác động dây chuyền đến rủi ro, tiến độ, chi phí và khả năng huy động vốn tổng thể của dự án. Điều này tác động đến chi phí và điều kiện tài trợ, và tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của rủi ro, thậm chí có thể hạn chế khả năng tiếp cận nguồn tài chính sẵn có.
Các chuyên gia nhận định, những trở ngại liên quan đến chính sách và khuôn khổ pháp lý là rào cản chính cản trở sự phát triển của năng lượng tái tạo ở châu Á (Ảnh: Hữu Mạnh). |
Theo báo cáo của IEA, khu vực châu Á có tiềm năng gió và mặt trời rất lớn. Các quốc gia Đông Nam Á có tiềm năng tăng gấp ba lần công suất năng lượng mặt trời và năng lượng gió vào năm 2030, đồng thời nguồn tài nguyên gió dồi dào ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam và Philippines đã thu hút sự quan tâm đáng kể đến tiềm năng phát triển điện gió ngoài khơi. Việc sử dụng các nguồn tài nguyên tái tạo ở châu Á có thể mang lại nhiều lợi ích bao gồm an ninh năng lượng, tăng trưởng kinh tế và giảm phát thải.
Trong tháng 12, Hội nghị thượng đỉnh Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP28) sẽ thảo luận về mục tiêu tiềm năng nhằm tăng gấp 3 lần công suất lắp đặt năng lượng tái tạo vào năm 2030. Bởi vậy, EY Singapore khuyến nghị các nền kinh tế châu Á nên xem xét các giải pháp tạo ra môi trường chính sách và pháp lý thuận lợi để giải phóng hàng tỷ USD đầu tư nhằm thúc đẩy tiến trình hướng tới các mục tiêu năng lượng tái tạo.
Phương Trang
Theo