Chủ nhật 22/12/2024 00:19 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Kinh tế /

Cần nỗ lực tháo gỡ tồn đọng quyết toán vốn đầu tư

15:00 | 13/07/2017

(Xây dựng) - Tình trạng nợ đọng trong xây dựng hiện do nhu cầu đầu tư phát triển của xã hội trong thời gian qua rất lớn dẫn đến việc các dự án xây dựng tăng lên nhanh chóng. Một số công trình, dự án thực hiện không thể cân đối nguồn vốn, bố trí kịp thời để thanh toán khối lượng hoàn thành. Do đó đã có sự khác biệt về quyết toán vốn đầu tư của các dự án sử dụng vốn Nhà nước và các dự án đấu thầu quốc tế.


Các công trình điện luôn tồn tại tình trạng nợ đọng vốn đầu tư gây khó khăn cho các doanh nghiệp xây dựng.

Với các hợp đồng thi công các dự án đầu tư sử dụng nguồn vốn Nhà nước hoặc Nhà nước bảo lãnh vay vốn thì các nhà thầu thi công bao giờ cũng bị giữ lại một khoản tiền nhất định (3%, 5% tùy công trình) được thể hiện trong các điều khoản của hợp đồng để chủ đầu tư giữ lại chờ kết thúc thời hạn bảo hành của nhà thầu đồng thời chờ cơ quan thẩm quyền phê duyệt quyết toán vốn đầu tư, nhà thầu chỉ được giải ngân giá trị giữ lại này sau khi quyết toán vốn đầu tư được phê duyệt. Việc chủ đầu tư giữ lại tiền của nhà thầu thi công để chờ phê duyệt quyết toán vốn đầu tư tại các dự án sử dụng vốn Nhà nước có một số bất cập.

Đối với một số công trình lớn, trọng điểm quốc gia như thủy điện Sơn La, thủy điện Lai Châu... thì giá trị chủ đầu tư giữ lại của nhà thầu rất lớn, do đó giá trị dở dang, công nợ của nhà thầu thi công cũng rất lớn dẫn đến thiếu hụt vốn phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh (thủy điện Sơn La có những giai đoạn giá trị giữ lại khoảng 400 tỷ đồng; thủy điện Lai Châu giá trị giữ lại hiện nay cũng khoảng gần 400 tỷ đồng; thủy điện Hủa Na khoảng 80 tỷ đồng; công trình Nhà Quốc hội khoảng hơn 70 tỷ đồng...). Các nhà thầu tham gia các dự án này là những DN lớn như TCty Sông Đà, Trường Sơn, LILAMA, LICOGI… đều đang rơi vào tình cảnh nợ lương công nhân, nợ vật tư, nợ ngân hàng, nợ thuế Nhà nước, dẫn đến một số DN khó khăn đứng trước nguy cơ phải giải thể.

Do thời gian phê duyệt quyết toán kéo dài, không xác định rõ ràng và thường vượt quá thời gian quy định vì phải chờ các thủ tục kiểm toán, phê duyệt quyết toán vốn đầu tư của cấp có thẩm quyền đối với chủ đầu tư. Vì vậy nợ đọng của nhà thầu bị kéo dài, không thanh lý được hợp đồng và không giải quyết dứt điểm được công nợ. Thủy điện Sơn La khánh thành từ cuối năm 2012, Lai Châu khánh thành cuối năm 2016, Công trình Nhà Quốc hội vận hành từ kỳ họp Quốc hội tháng 11/2015 đến nay vẫn chưa được phê duyệt quyết toán vốn đầu tư, đặc biệt dự án đường Hồ Chí Minh khởi công năm 2000, nghiệm thu hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng năm 2006, năm 2013 mới được Bộ Tài chính phê duyệt quyết toán và nhà thầu thanh lý hợp đồng với chủ đầu tư. Tuy nhiên đến nay vẫn còn 1,6 tỷ đồng giá trị giữ lại chờ quyết toán chưa được chủ đầu tư thanh toán. Trong khi đó đối với các dự án không sử dụng vốn Nhà nước và đặc biệt là các dự án ở nước ngoài thực hiện theo hình thức đấu thầu quốc tế thì nhà thầu thi công không phải có trách nhiệm đối với thủ tục phê duyệt quyết toán vốn đầu tư của chủ đầu tư mà chỉ hoàn thành nghĩa vụ bảo hành là có thể giải quyết dứt điểm công nợ và thanh lý hợp đồng.

Như vậy, việc gắn trách nhiệm của nhà thầu thi công cùng với chủ đầu tư trong vấn đề phê duyệt quyết toán vốn đầu tư đối với các dự án sử dụng vốn Nhà nước hoặc Nhà nước bảo lãnh vay vốn là chưa phù hợp với thông lệ quốc tế. Làm cho tình trạng dở dang công nợ của nhà thầu lớn, kéo dài, không thanh lý được hợp đồng, nhà thầu phụ thuộc vào quyết định của cơ quan thẩm quyền trong quá trình phê duyệt quyết toán vốn đầu tư của chủ đầu tư (trường hợp cơ quan thẩm quyền quyết định xuất toán) đồng thời gây khó khăn cho các nhà thầu quốc tế khi tham gia thi công các dự án đầu tư tại Việt Nam. Do vậy, các nhà thầu đã có đề nghị các cơ quan chức năng xem xét lại các quy định có thể theo hướng hồ sơ thanh toán từng đợt được dùng làm hồ sơ quyết toán để giảm bớt khó khăn cho nhà thầu, giảm bớt sự khác biệt giữa các dự án có nguồn vốn đầu tư khác nhau.

Khắc phục tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản cũng là góp phần tháo gỡ ảnh hưởng xấu đến an ninh tài chính, an toàn nợ công và tăng trưởng kinh tế bền vững. Các DN xây dựng đang mong chờ động thái tích cực của các cơ quan quản lý để giải quyết dứt điểm tình trạng này, tạo động lực cho DN xây dựng Việt đứng vững trên sân nhà.

Lê Mỹ

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load