Thứ ba 03/12/2024 00:05 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Kinh tế /

Cần hỗ trợ trực tiếp khu vực kinh tế tập thể

15:29 | 09/02/2009

 

Một giờ thực hành cho lao động xuất khẩu tại VINAGIMEX
(Liên minh HTX Việt Nam)

Các HTX đang tạo việc làm cho hàng chục triệu lao động chủ yếu là nông dân, với thu nhập ổn định và dần được cải thiện. Để kinh tế HTX phát triển, rất cần sự ưu đãi, hỗ trợ tích cực từ các cấp, ngành liên quan.

Nâng cao năng lực sản xuất cho người nghèo

HTX có tác động kinh tế quan trọng ở những nước đang phát triển trên nhiều lĩnh vực. Vai trò đầu tiên của HTX là hỗ trợ người nghèo, nông dân có nhu cầu vốn cho sản xuất được tiếp cận nguồn vốn của các tổ chức tín dụng; góp phần nâng cao năng lực sản xuất cho người nghèo, nâng cao tay nghề lao động ở  nông thôn, khuyến khích phát triển làng nghề ở các HTX thủ công mỹ nghệ... Nhiều HTX, nhất là HTX ở vùng ven đô đã tiếp cận được thị trường nhờ ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường năng lực cạnh tranh qua tiếp cận sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế. HTX luôn là công cụ hữu hiệu để người dân, nhất là những người nghèo, thiếu vốn, năng lực kinh tế hạn chế, những cá thể trong xã hội liên kết, hỗ trợ nhau phát huy các nguồn lực, nâng cao khả năng cạnh tranh phát triển kinh tế. HTX đóng vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế - chính trị - xã hội của nhiều quốc gia, kể cả những nước tư bản phát triển như Mỹ, Anh, Đức, Pháp, Thụy Điển, Ca-na-đa, Nhật Bản, Hàn Quốc... đặc biệt trong các lĩnh vực tín dụng, ngân hàng, bảo hiểm, bán lẻ, nông nghiệp, nhà ở.

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết TƯ 5 (khóa IX), số HTX đã tăng lên đáng kể. Các HTX cũ cơ bản được chuyển đổi, phát triển đa dạng hơn về ngành nghề, quy mô và trình độ. Nhiều HTX đã vươn lên phát triển mạnh, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động như các HTX Saigon Co.op, Song Long... Tuy nhiên, vốn, cơ sở vật chất kỹ thuật, khả năng tiếp cận công nghệ thông tin của nhiều HTX còn yếu, vì thế chưa mở rộng được hoạt động dịch vụ, hiệu quả thấp, khả năng đáp ứng nhu cầu dịch vụ cho xã viên còn hạn chế. Hơn nữa, trong điều kiện mới khi HTX chuyển sang các hoạt động gắn với cơ chế thị trường, thực hiện liên kết, hợp tác liên doanh với các thành phần kinh tế khác... rất khó khăn. Đã vậy, trình độ cán bộ quản lý HTX còn hạn chế không đáp ứng cơ chế quản lý mới. Sau chuyển đổi, mặc dù bộ máy quản lý HTX đã gọn hơn, nhưng đội ngũ cán bộ quản lý hầu hết hoạt động theo kinh nghiệm, chưa được đào tạo cơ bản, nên khả năng dự báo, sự linh hoạt để thích ứng trong cơ chế thị trường còn hạn chế... Đó là chưa kể, nhiều chính sách, hành lang pháp lý tác động đến sản xuất, kinh doanh của các HTX cũng không được cập nhập thường xuyên... Theo báo cáo của ngành chức năng, trên địa bàn cả nước hiện có 41,93% HTX làm ăn khá giỏi, 44,13% được xếp loại trung bình, số còn lại là yếu kém. Kinh tế HTX thực sự đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, rất cần sự đầu tư với những chính sách hỗ trợ phù hợp...

Cần có chính sách đặc biệt

Kinh tế HTX rất cần được Chính phủ hỗ trợ thường xuyên bằng những ưu đãi về thuế trong kinh doanh, để nâng cao sức cạnh tranh hỗ trợ tài chính theo chương trình, hỗ trợ hạ tầng kỹ thuật và hoạt động xã hội có tính cộng đồng; tạo điều kiện để các HTX vay tín dụng với lãi suất ưu đãi nhằm phục vụ sản xuất, kinh doanh… Trong một số trường hợp, Chính phủ có thể xem xét áp dụng những chính sách đặc biệt với HTX nông nghiệp để bảo vệ HTX, nông dân trước những diễn biến bất lợi của thị trường, giảm chênh lệch thu nhập giữa thành thị và nông thôn, điều tiết lợi ích của nền kinh tế công nghiệp, dịch vụ và xuất khẩu.

Ngày 15-1 vừa qua, Thường trực Chính phủ đã có quyết định các phương án sử dụng khoản kích cầu đầu tư 1 tỷ USD trong năm 2009 bảo đảm hiệu quả. Chính phủ đã có chủ trương là dành một khoản đầu tư lớn cho kích cầu với các ngành công nghiệp, xây dựng... Nên dành một khoản trong gói kích cầu để đầu tư, hỗ trợ trực tiếp tới khu vực kinh tế tập thể, HTX, vì đây là khu vực rất cần vốn, cần sự đầu tư thỏa đáng để thoát nghèo, ổn định đời sống và góp phần rút ngắn khoảng cách giàu nghèo. Điểm hạn chế nhất trong phát triển nông nghiệp - nông dân - nông thôn hiện nay là sản xuất manh mún, đầu tư không đồng bộ và liên kết lỏng lẻo. Do đó, để kích cầu có hiệu quả vào lĩnh vực này, nhà nước mà trực tiếp là chính quyền các cấp cần đóng vai trò "nhạc trưởng", tạo mối liên kết đồng bộ giữa HTX với các doanh nghiệp, các ngành liên quan, các nhà khoa học và các hộ nông dân.

Thanh Hiền (HNM)

Theo baoxaydung.com.vn

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load