Thứ năm 26/12/2024 21:21 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Kinh tế /

Cần gỡ khó để công nhân được vay vốn ưu đãi

14:19 | 10/11/2024

(Xây dựng) - Từ khi quy định mới ra đời, công nhân lao động gần như không thể vay vốn với lãi suất ưu đãi tại Tổ chức Tín dụng vi mô CEP, càng gặp thêm nhiều khó khăn trong cuộc sống…

Cần gỡ khó để công nhân được vay vốn ưu đãi
Nhân viên CEP giới thiệu về các chương trình vay vốn cho công nhân lao động

Điểm tựa cho lao động nghèo

Những năm qua, thông qua Công đoàn cơ sở tại các Công ty, doanh nghiệp, nhiều tổ chức tín dụng, Công ty tài chính đã và đang cung cấp ra thị trường nhiều sản phẩm cho vay tiêu dùng phục vụ người dân, nhất là đối với công nhân lao động nghèo, có hoàn cảnh khó khăn. Trong số này phải kể đến, tổ chức Tài chính Vi mô CEP.

Đây là Tổ chức tài chính do Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh sáng lập năm 1991, hoạt động phi lợi nhuận với sứ mệnh giảm nghèo trong công nhân, người lao động. CEP chuyên cung cấp các khoản vay cho công nhân với lãi suất thấp, dao động 0,4-0,65% mỗi tháng, tương đương 4,8-7,8% mỗi năm. Tính đến hết tháng 6, CEP đã cung cấp dịch vụ tín dụng, tiết kiệm và phát triển cộng đồng cho trên 5,8 triệu lượt khách hàng công nhân lao động nghèo và người có thu nhập thấp với số tiền trên 92.085 tỷ đồng.

Ghi nhận tại tỉnh Long An, đến nay CEP có 4 chi nhánh đang hoạt động ở huyện: Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước và thành phố Tân An, với hơn 43.000 công nhân lao động đang vay vốn, tổng dư nợ cho vay gần 600 tỷ đồng. Còn tại Tiền Giang, trong năm 2023, chi nhánh CEP Mỹ Tho và Châu Thành đã cho hơn 15.000 lượt công nhân lao động vay vốn, với tổng số tiền vay hơn 332 tỷ đồng.

Các sản phẩm tín dụng dành cho công nhân lao động đa dạng, bao gồm: Tín dụng tăng thu nhập đoàn viên Công đoàn; tín dụng học nghề đoàn viên Công đoàn; tín dụng sửa chữa nhà đoàn viên Công đoàn; tín dụng khẩn cấp; tín dụng tăng thu nhập hộ nghèo, cận nghèo. Ngoài ra, CEP còn cung cấp sản phẩm tiết kiệm đoàn viên và tiết kiệm có kỳ hạn cho công nhân lao động.

Mức vay tối đa là 50 triệu đồng, tùy từng gói vay mà thời hạn vay khác nhau, tối đa là 3 năm. Các sản phẩm của CEP hỗ trợ công nhân lao động có lãi suất cho vay theo dư nợ ban đầu từ 0,4%-0,55%/tháng. Những năm qua đã giúp cho rất nhiều công nhân lao động tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để trang trải cuộc sống, góp phần giảm tình trạng "tín dụng đen”.

Lao đao vì quy định mới

Tuy nhiên, từ đầu tháng 7 vừa qua, Thông tư 33/2024 do Ngân hàng Nhà nước ban hành có hiệu lực – đã đưa ra quy định mới. Theo đó, người lao động ở khu vực đô thị có mức thu nhập mỗi tháng từ 9 triệu đồng, ở khu vực nông thôn 7 triệu đồng không thể vay vốn Tổ chức Tài chính vi mô CEP.

Cần gỡ khó để công nhân được vay vốn ưu đãi
Công nhân lao động mong được gỡ khó để tiếp tục vay vốn ưu đãi.

Anh N.Đ.T (huyện Bến Lức, tỉnh Long An) là công nhân của một may mặc xuất khẩu, trước đây, thông qua Công đoàn giới thiệu nên anh tiếp cận vay các gói tín dụng của Tổ chức Tài chính vi mô CEP với lãi suất thấp. “Từ khi Thông tư mới ra đời tôi đã không thể vay vốn tại đây được nữa do thu nhập của tôi cao hơn 7 triệu đồng/tháng, trong khi Bến Lức được xếp vào vùng nông thôn. Hết cách tôi đành phải đi vay vốn bên ngoài 10 triệu đồng, đến nay vẫn phải gồng mình đóng lãi hàng tháng”, anh Ng.Đ.T chia sẻ

Anh N.Đ.T nói và cho biết thêm: Hơn 10 năm làm việc, vợ chồng anh tích lũy được một khoản tiền kha khá. Vừa qua, anh dự định vay thêm 50 triệu đồng từ CEP để mua nhà ở xã hội. Nhiều năm qua, vợ chồng anh phải thuê trọ rất tốn kém. Tuy nhiên, hồ sơ vay vốn của anh đã bị loại.

Ông Lê Văn Giáp, Giám đốc Tổ chức Tài chính vi mô CEP – chi nhánh Bến Lức, tỉnh Long An cho biết: Hiện có 8.600 công nhân lao động đang vay vốn tại Chi nhánh. Bến Lức được xếp vào vùng nông thôn, hầu hết công nhân lao động đều có thu nhập trên 7 triệu đồng/tháng. Từ khi Thông tư 33 có hiệu lực, đã gây ra rất nhiều khó khăn, gần như công nhân lao động không thể tiếp tục vay vốn do vướng thu nhập.

Theo thống kê, đến nay, CEP đã mở rộng mạng lưới hoạt động với 36 chi nhánh trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh và 9 tỉnh miền Đông Nam bộ, Đồng bằng sông Cửu Long, nếu tuân thủ đúng theo quy định mới, thì sẽ có hơn 147.000 công nhân, người lao động đang vay vốn CEP có mức thu nhập từ 9 triệu đồng/tháng trở lên phải ngưng vay vốn CEP. Trong đó phần lớn là công nhân trực tiếp tại các khu chế xuất, khu công nghiệp (chiếm 42% tổng số khách hàng đang vay vốn CEP), tương ứng giảm dư nợ cho vay 2.928 tỷ đồng (chiếm 52% tổng dư nợ cho vay của CEP).

Trước tình hình trên, Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh đã có văn bản gửi đề xuất Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có văn bản gửi Ngân hàng Nhà nước tạo cơ chế cho phép CEP được phục vụ công nhân, đoàn viên Công đoàn, người lao động. Cụ thể, cá nhân có thu nhập thấp là người đang làm việc tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế hoặc người lao động tự do có mức thu nhập của bản thân không quá 15 triệu đồng/tháng đối với người độc thân hoặc thu nhập của bản thân và vợ (chồng) không quá 30 triệu đồng/tháng đối với người đã kết hôn.

Đề xuất này dựa trên Nghị định 100 quy định người độc thân có thu nhập mỗi tháng không quá 15 triệu đồng và hai vợ chồng là 30 triệu đồng thì được xem là người có thu nhập thấp và được xét mua nhà ở xã hội. Trong khi Thông tư 33 chỉ cho tối đa 7 và 9 triệu đồng, dẫn tới sự không đồng bộ…

Phạm Hổ

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load