(Xây dựng) – Đó là nhận định của PGS.TS. Trần Chủng - Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI) tại Hội nghị Đối thoại doanh nghiệp cải cách thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng và lĩnh vực liên quan diễn ra tại Hà Nội sáng 26/11.
PGS.TS. Trần Chủng - Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI). |
Theo PGS.TS. Trần Chủng - Chủ tịch Hiệp hội VARSI thì: Tháng 6/2020, Quốc Hội khóa 14 đã thông qua “Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư” và có hiệu lực từ ngày 01/01/2021. Là một Luật quy định về hoạt động đầu tư theo phương thức mới nên để đảm bảo không xung đột với các Bộ Luật hiện hành có liên quan trong đầu tư, đã không tránh khỏi những vướng mắc.
Hiệp hội VARSI đã có Văn bản số 19/2021/VARSI ngày 26/8/2021 nêu lên các vướng mắc hiện nay, như: về cơ chế tài chính, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến việc xác định tổng vốn đầu tư, yêu cầu công nghệ, xác định giá trị công trình, quyết toán vốn đầu tư, thời điểm thanh toán và tính toán lãi suất, lợi nhuận của nhà đầu tư thực hiện dự án, giá dịch vụ, chí phí quản lý dự án.
Chủ tịch Hiệp hội VARSI chỉ ra một số vướng mắc thuộc thẩm quyền của Bộ Xây dựng liên quan khi triển khai các dự án hạ tầng giao thông đường bộ theo phương thức đối tác công-tư (PPP). Đó là:
Thứ nhất, do Luật PPP mới ban hành nên chưa có sự thống nhất giữa Luật Xây dựng và Luật PPP về quyền và nghĩa vụ của hai chủ thể này. Theo Luật PPP, “Cơ quan có thẩm quyền” được quy định tại khoản 1 Điều 5 là Bộ, UBND cấp tỉnh, cơ quan được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập. Trong hệ thống hành chính quốc gia, các cơ quan này là các cơ quan quản lý Nhà nước. Tuy vậy, khi họ xuất hiện trong phương thức đối tác công tư thông qua hình thức hợp đồng dự án PPP thì họ là “đối tác” bình đẳng với nhà đầu tư trên phương diện Luật Dân sự (hợp đồng kinh tế). Vì vậy, do xuất hiện một chủ thể mới trong hoạt động xây dựng, Luật Xây dựng cũng cần có các quy định về quyền và nghĩa vụ cụ thể của các “Chủ thể” mới này.
Về quyền, nghĩa vụ của nhà đầu tư và cơ quan có thẩm quyền trong dự án PPP có cấu phần xây dựng: Luật Xây dựng (Khoản 9 và Khoản 27 Điều 3) nêu các khái niệm chủ đầu tư (đối với dự án PPP là doanh nghiệp dự án) và người quyết định đầu tư (cá nhân hoặc người đại diện theo pháp luật của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có thẩm quyền phê duyệt dự án và quyết định đầu tư xây dựng). Theo đó, Điều 68, Điều 72 Luật Xây dựng có quy định về trách nhiệm của chủ đầu tư và người quyết định đầu tư. Tuy nhiên, Luật Xây dựng chưa quy định trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền và nhà đầu tư trong vị thế đồng ký hợp đồng PPP. Trong vị thế là cơ quan quản lý Nhà nước nhưng khi xuất hiện trong vị thế “đối tác” thì phương thức hoạt động vẫn mang dậm dấu ấn của cơ quan công quyền, cơ quan quản lý dẫn đến sự không bình đẳng giữa cơ quan có thẩm quyền và nhà đầu tư theo nguyên tắc hợp đồng dân sự (Hợp đồng Dự án PPP).
Vì vậy, VARSI mong muốn Bộ Xây dựng sớm nghiên cứu, bổ sung các quy định về quyền và nghĩa vụ của hai chủ thể (mới xuất hiện) trong hoạt động xây dựng theo phương thức đối tác công-tư nhằm bảo đảm nguyên tắc bình đẳng, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của các Bên tham gia Hợp đồng dự án theo quy định của pháp luật.
Cần xây dựng cơ chế khuyến khích áp dụng công nghệ mới trong xây dựng và xác định đơn giá vật tư ở các địa phương. |
Thứ 2, cần xây dựng cơ chế khuyến khích áp dụng công nghệ mới trong xây dựng và xác định đơn giá vật tư ở các địa phương. Một số dự án đầu tư theo phương thức PPP, nhà đầu tư muốn ứng dụng công nghệ mới nhằm rút ngắn tiến độ, đảm bảo chất lượng công trình và kéo dài tuổi thọ nhưng gặp nhiều khó khăn vì không có định mức đơn giá vận dụng phù hợp. Vì vậy, Chủ tịch VARSI đề nghị Bộ nghiên cứu ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định quy trình xây dựng đơn giá, định mức thích hợp để khuyến khích áp dụng các giải pháp công nghệ mới, vật liệu mới đặc biệt các tiến bộ kỹ thuật lần đầu tiên áp dụng ở nước ta nhằm nâng cao chất lượng, đảm bảo tuổi thọ lâu dài và đẩy nhanh tiến độ xây dựng công trình.
Về quá trình lập và công bố giá vật liệu tại các địa phương thường kéo dài và không thống nhất gây trở ngại cho công tác thanh quyết toán, dòng tiền dự án các nhà đầu tư chậm được nhận, dẫn đến phát sinh lãi vay, ảnh hưởng phương án tài chính dự án và nguồn tiền sản xuất kinh doanh của nhà đầu tư. Đề nghị Bộ có hướng dẫn quy trình thống nhất để các địa phương triển khai và quy định thời hạn phải công bố đơn giá đảm bảo kịp thời giá thị trường đáp ứng đặc thù của các công trình giao thông thường đi qua nhiều địa phương.
Thứ 3, có cơ chế giám sát chất lượng nguồn nhân lực trong thực tiễn. Chất lượng nguồn nhân lực là khâu quan trọng nhất để chủ động phòng ngừa chất lượng kém cho công trình xây dựng. Chúng ta đã có quy định về chứng chỉ hành nghề (cho cá nhân) và chứng chỉ hoạt động (cho tổ chức). Hiện nay, trong thực tiễn, có nhiều trường hợp năng lực chưa tương xứng với chứng chỉ nên đây là lỗ hổng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Vì vây, Chủ tịch Hiệp hội VARSI đề nghị cần cân nhắc để có các quy định bắt buộc cho công tác thanh tra, kiểm tra năng lực thực của các cá nhân này trong quá trình thực thi nhiệm vụ. Tránh tình trạng hồ sơ thầu “hoàn hảo” nhưng trên thực tế không như vậy, làm ảnh hưởng rất lớn tới chất lượng công trình và an toàn lao động.
Chất lượng nguồn nhân lực là khâu quan trọng nhất để chủ động phòng ngừa chất lượng kém cho công trình xây dựng. |
Bên cạnh đó, PGS.TS Trần Chủng cũng đề nghị Bộ Xây dựng cần có nghiên cứu chính sách đón đầu về cơ cấu trình độ nguồn nhân lực chất lượng cao trong 2,3 năm nữa sẽ có nhiều biến động. Theo Luật Giáo dục đại học có hiệu lực từ 01/7/2019, hệ thống các trường Đại học sẽ chuyển đổi mô hình đào tạo và sẽ làm thay đổi rất lớn khung trình độ Quốc gia Việt Nam và văn bằng được cấp sau khi tốt nghiệp. Vì vậy, Chủ tịch Hiệp hội VARSI mong, Bộ Xây dựng sớm đưa các nội dung này vào các quy định của pháp luật về xây dựng để không bị vướng mắc các thủ tục hành chính khi chúng ta đối diện với sự thay đổi này trong thời gian gần.
Trong phương thức PPP có 7 hình thức Hợp đồng dự án. Trong mỗi hình thức hợp đồng dự án cần tuân thủ các nguyên tắc được quy định. Khi các Hợp đồng kinh tế được coi là căn cứ pháp lý có giá trị cao nhất khi xử lý tranh chấp, thì các quyền và nghĩa vụ của các chủ thể cần được quy định một cách minh bạch. Giảm bớt các thủ tục hành chính không cần thiết nên làm, nhưng các thủ tục hành chính dứt khoát cần phải có thì cần cân nhắc trước khí loại bỏ. Chủ tịch Hiệp hội VARSI cho rằng, quan trọng nhất là trong thực thi các thủ tục mà ở đó cần thái độ làm việc chuyên nghiệp, văn minh của những người thực hiện.
Bảo Anh
Theo