Thủ tướng vừa ban hành Chỉ thị số 13/CT-TTg về đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng xây dựng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Theo đó, với mục tiêu tổng số dự án đầu tư công từ nguồn ngân sách trung ương của cả nước giai đoạn này là khoảng 5.000 dự án. Đây là một con số rất ý nghĩa, song, điều quan trọng nhất ở đây là dự án phải đi vào thực tiễn, có tác động mạnh mẽ, lan tỏa.
Ngược lại, nếu dự án được trình và duyệt nhưng lại không thể triển khai, rơi vào tình trạng "treo", đội vốn năm này qua năm khác thì chẳng những không mang lại lợi ích gì cho nền kinh tế mà còn kèm theo gánh nặng nợ nần, tốn kém chi phí cơ hội.
Do vậy, trong Chỉ thị trên, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu từng bộ, cơ quan, địa phương phải tập trung rà soát kỹ, giảm mạnh số lượng dự án, nhất là các dự án khởi công mới.
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh: Kiên quyết xóa bỏ cơ chế "xin - cho" và chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm; siết chặt kỷ luật, kỷ cương; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phân công, phân nhiệm đi đôi với tăng cường giám sát, kiểm tra, đánh giá thực hiện và khen thưởng, kỷ luật nghiêm minh.
Thủ tướng yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ở trung ương, Bí thư tỉnh ủy, thành ủy và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ, Thủ tướng về chất lượng, hiệu quả, tiến độ của việc xây dựng, triển khai kế hoạch đầu tư công.
Thiết nghĩ, việc gắn trách nhiệm cho người đứng đầu là rất cần thiết để thúc đẩy đầu tư công trên cả nước. Điều này đòi hỏi lãnh đạo địa phương phải đặt lợi ích chung lên trên hết, nói không với thỏa hiệp và tiêu cực. Hay nói cách khác là không được để xảy ra chuyện "sân sau", "chạy dự án", "xin - cho dự án" theo mối quan hệ của ông A, bà B nào đó.
Nếu khắc phục được tình trạng này, môi trường đầu tư và kinh doanh của địa phương sẽ được nâng lên. "Đất lành, chim đậu", không lo sẽ không có nhà đầu tư lớn, dự án lớn về triển khai.
Bằng chứng là những địa phương có chỉ số PCI (năng lực cạnh tranh cấp tỉnh) đạt thứ hạng cao trong những năm vừa qua đều là những địa phương tăng trưởng mạnh mẽ, chính quyền được doanh nghiệp đánh giá, "chấm điểm" cao.
Lấy ví dụ Bình Dương, theo kết quả PCI năm 2020 mới công bố hồi tháng 4 vừa qua, PCI tỉnh này có sự cải thiện mạnh mẽ nhất với mức tăng 2,78 điểm và tăng 9 bậc so với kết quả năm 2019. Các cấp, các ngành ở địa phương này được cho biết là đã hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi, giải quyết các vướng mắc để các dự án sớm được triển khai để đi vào sản xuất kinh doanh.
Do đó, không hề ngạc nhiên khi Tổng cục Thống kê mới đây công bố, người dân tại tỉnh Bình Dương có thu nhập bình quân năm 2020 đạt 7 triệu đồng/tháng, cao nhất cả nước. Con số này thậm chí đã vượt qua cả hai đầu tàu kinh tế là Hà Nội và TPHCM.
Tóm lại là "được đơn, được kép". Dự án thành công, doanh nghiệp được lợi, kinh tế địa phương phát triển, lãnh đạo được "tiếng thơm" và được ghi nhận về "đức, tầm, tài"; còn cuộc sống người dân được nâng lên. Còn lợi ích gì hơn thế?
Theo Bích Diệp/Dantri.com.vn