Nam Ninh về đêm.
“Cầu được ước thấy”- Bất ngờ, áp tết Mậu Tý, chúng tôi có một chuyến du ngoạn không hề định trước nhưng khá ấn tượng, sang tận Nam Ninh, thủ phủ tỉnh Quảng Tây của nước bạn Trung Hoa, nổi tiếng bởi công trình lịch sử Vạn lý trường thành, bởi cảnh đẹp Hoa sơn luận kiếm, Thạch Lâm rừng đá và những bộ phim dã sử làm xao xuyến người xem như Ngoạ hổ tàng long, Hoàng Kim giáp...
Một chuyến đi ngắn, theo kiểu “cưỡi ngựa xem hoa” nhưng cũng đủ cảm xúc để có thể viết hầu bạn đọc đôi điều bên chén trà xuân ngày tết.
Nam Ninh - ấn tượng đầu tiên qua kính xe
áp tết 2008, bất ngờ và tình cờ, chúng tôi nhận được liên tiếp lời nhắn tìm của một người quen cũ đã xa gần 30 năm. Lời nhắn tìm chứa chan ân nghĩa đủ để làm tươi mới lại rất nhiều hoài niệm thời thiếu nữ, về một miền đất vùng biên giới cực Bắc trong chúng tôi và làm nóng lại ước muốn về một chuyến đi xa. Vào lúc quyết tâm đi gặp lại người quen cũ tưởng như đã bất thành, sau nhiều hứa hẹn vì việc chung, riêng quá bận rộn - Thì cũng bất ngờ, chúng tôi rời Hà Nội vào một ngày mưa rét, ngược Lạng Sơn. Dự kiến là chỉ sang đến Bằng Tường, để trước hết, đáp lại tấm thịnh tình trước sau của người bạn cũ, sau là đủ tư liệu và cảm xúc viết một bài tết, về một vùng đất mới, cho có hương vị lạ ngày xuân. Nhưng rồi, những bất ngờ thú vị của cuộc sống, cảm xúc gặp lại người quen cũ, tưởng như không bao giờ còn gặp, đã cuốn chúng tôi đến tận Nam Ninh…
Rất cảm động là Ngàn Trường Sinh cùng bạn anh là Vương Việt đã vượt trên 200km, ra tận Hữu Nghị Quan đón chúng tôi. Dù xa gần 30 năm, nhưng may mắn chúng tôi đã nhận ra nhau ngay, giữa đông đúc, ríu rít du khách có mặt tại Hữu Nghị Quan, ngày nghỉ cuối tuần bữa ấy. Kiệm lời, nhưng rất chu đáo, Sinh đánh xe đưa chúng tôi về Bằng Tường nghỉ chốc lát cho bữa cơm mang tính gia đình thân mật và ấm cúng tại nhà người quen của anh (thật thích thú là cả vợ chồng chủ nhà đều nói rất thạo tiếng Việt). Sau đó là một cuộc phân tích nhanh nhưng kỹ, Sinh và bạn anh muốn chúng tôi được thăm thú xa hơn nhân dịp này, nên lập tức chúng tôi hướng Nam Ninh, thủ phủ tỉnh Quảng Tây, thẳng tiến theo con đường cao tốc nối từ Hữu Nghị Quan, trên chiếc xe có biển số khá đẹp của Sinh.
Nam Ninh - Thành phố của hoa.
Vài năm trước, chúng tôi đã có dịp sang Châu Vân Sơn (Côn Minh), nhưng chuyến đi này vẫn khiến chúng tôi hết sức ngạc nhiên, bất ngờ. Đầu tiên là vì hệ thống đường cao tốc của Quảng Tây. Với kim chỉ tốc độ luôn báo 100km/h trên chiếc xe êm ru của Sinh, chúng tôi hiểu đúng tiêu chuẩn và quy định của một đường cao tốc. Tiếp đó, là quy hoạch đô thị bài bản của Quảng Tây: Hai bên đường 200km đường cao tốc, nhựa phẳng lỳ từ Hữu Nghị Quan tới Nam Ninh, tuyệt nhiên không hề có một căn nhà nào, dù nhỏ. Trải dài, chỉ là liên tiếp những dãy đồi, núi xanh thắm, ngăn nắp những hàng cây thứ tự cao thấp theo độ cao thấp của đồi, núi. Và ta-luy những qủa đồi cao đã được kè vững chắc và thẩm mỹ bằng đá, để phòng ngăn lở đất. Thấy chúng tôi ngó nghiêng chăm chú, Sinh cho biết, hầu như tốc độ, quy hoạch hệ thống đường cao tốc ở 13 TP của Quảng Tây nói riêng, toàn Trung Quốc nói chung đều như vậy.
Chạy được chặng dài, Sinh chợt cua xe vào một khu nhà hiện đại (mà thoạt nhìn dễ tưởng là khách sạn 2 - 3 sao hay siêu thị nào đó) nằm lùi sâu bên đường, nhìn ngoài rất đẹp: Xanh tươi hoa lá, cỏ cây. Sau mới biết, đó là những trạm đổ xăng, đồng thời là nơi nghỉ ngơi dọc đường của hệ thống đường cao tốc. Đây cũng là chỗ duy nhất có thể dừng xe cho du khách giải quyết những nhu cầu tối thiểu cá nhân trên đường về Nam Ninh. Và cũng là siêu thị mi-ni cho những du khách muốn mua sắm đồ ăn thức uống hay đồ lưu niệm nhỏ xinh, kỷ niệm cho chuyến đi (tiếc là vì thay đổi kế hoạch chuyến đi bất ngờ, chúng tôi chẳng kịp đổi đồng nhân dân tệ nào nên chẳng thể mua bán gì được). Và trên các trạm soát vé dọc đường luôn là những cô gái cười rất tươi, chỉnh tề trong những bộ com-lê chuyên ngành chuẩn, cảm ơn lái xe đã đóng góp lệ phí để bảo dưỡng hệ thống đường…
Nam Ninh - thành phố xanh
Sinh xa Việt Nam đã lâu, nhưng nói tiếng Việt vẫn còn khá chuẩn và kho từ vựng tiếng Việt của anh cũng khá phong phú, dồi dào. Còn anh bạn hiền lành của Sinh là Vương Việt, thì không biết tiếng Việt Nam nào, muốn trò chuyện, chúng tôi đều phải nhờ “phiên dịch” Sinh (nhưng ngờ rằng Sinh dịch không hết ý), nên thỉnh thoảng, chúng tôi lại bắt vở Sinh, rồi cười rôm rả, rất vui.
Gần đến Nam Ninh, khung cảnh càng đẹp, càng hiện đại và càng thấy rõ tính bài bản, chiến lược trong công tác quy hoạch của Quảng Tây. Dịp chúng tôi đến Nam Ninh, Hội chợ và Hội nghị Thượng đỉnh Đầu tư - Thương mại ASEAN-Trung Quốc vừa mới kết thúc (đoàn Việt Nam do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu sang dự). Đây là Hội chợ triển lãm giao lưu thương mại mang tính quốc tế do Bộ Thương mại Trung Quốc và 10 nước trong khu vực ASEAN… đồng tổ chức, chính quyền Khu Tự trị dân tộc Choang đăng cai, mỗi năm tổ chức định kỳ tại Nam Ninh. Năm 2007, là năm số lượng các DN nhiều đến nỗi Ban Tổ chức đã phải từ chối rất nhiều lời đăng ký xin đặt gian hàng… Dấu ấn hoành tráng, tưng bừng của Hội chợ vẫn còn in đậm trên từng hàng cây, bồn hoa, băng rôn, áp phích hai bên đường tiến vào Trung tâm TP. Với lòng hiếu khách giản dị nhưng tinh tế và chu đáo, cũng là để chúng tôi có dịp ngắm nhìn Nam Ninh từ nhiều phía hơn, ở góc độ quy hoạch đô thị, Sinh rẽ vào sân bay Nam Ninh, được xây dựng hiện đại, trên một khuôn viên rộng mà từ khoảng sảnh trước sân bay nhìn xuống, thấy tràn tầm mắt là màu sắc tươi thắm đỏ, xanh, tím, vàng, trắng… của hoa lá, cỏ cây, rất ấn tượng, dù Nam Ninh bữa ấy thật lạnh và lộng gió.
Sinh cũng đưa chúng tôi lên tận đỉnh quả đồi mênh mông, nơi đã diễn ra Hội chợ ASEAN lần thứ IV. Đứng trên quảng trường rộng lớn, ngắm nhìn lá cờ đỏ sao vàng, biểu tượng của đất nước Việt Nam thân yêu sánh ngang hàng kiêu hãnh cùng cờ những nước tham dự hội chợ, chúng tôi thấy quá tự hào.
Từ đây chúng tôi vào nội đô TP, trên những tuyến đường rộng rãi và thoáng đãng, được phân luồng rõ ràng, bằng những rặng cây xanh um, tuyệt nhiên không có nhà bám mặt đường, theo kiểu phân lô, nhà ống, không có người “hồn nhiên” trèo qua dải phân cách, không có nhà siêu mảnh, kiến trúc lô xô, cơi nới, đua chen… Cả TP được quy hoạch rất bài bản, không chỉ nhà cửa, giao thông đường sá, mà ngay cả những bồn hoa nhỏ ven đường, vẻ như cũng được trồng tỉa, theo một quy hoạch được tính toán hợp lý và khoa học (vì tuyến phố nào trồng loại cây gì đều rất thống nhất, nề nếp hàng lối…).
Cảm giác Sinh gắn bó rất sâu nặng với Nam Ninh, vì thấy rõ sự trìu mến khi nói về TP. Tối ấy, khi đứng trên tầng thượng mênh mông (có thể làm bãi đáp cho cùng lúc 3 trực thăng lớn) của một tổ hợp khách sạn, siêu thị… 59 tầng (được coi là công trình lớn nhất ở phía Tây Trung Quốc) của một tập đoàn tư nhân, gió lồng lộng lạnh, nhìn xuống mặt đất, nơi người và xe đang chảy trên đường trông bé xíu. Sinh đột nhiên thăng hoa nói rất hay, khi chỉ xuống dòng sông Ung Giang, mang vẻ đẹp độc đáo cho TP, lá phổi lớn của Nam Ninh, hai bên bờ đều đã được kè cẩn thận, có đường dành riêng cho người đi bộ ngắm nhìn khung cảnh. Ung Giang có tới 9 cây cầu bắc qua và cả một đường hầm chạy dưới lòng sông, chia TP làm hai khu. Khu Bắc là khu đô thị cổ lâu đời và khu Nam là khu đô thị mới với hàng trăm toà nhà chọc trời (Sinh đưa chúng tôi tham quan qua cả hai khu), lấp lánh chảy dưới muôn vàn ánh sáng điện từ các công trình cao tầng, hiện đại hai bên TP hắt xuống.
Thủ phủ Nam Ninh, có diện tích tới gần 2.000km2, với dân số khoảng 6 triệu người, và cấu trúc đô thị là 5 khu: Láng Đông, Láng Tây, Minh Tú, Tân Dân, Bẩy Sao và 7 huyện: Ung Ninh, Ung Châu, Vũ Minh, Thành Bắc... Là một TP lớn, nhưng cả bốn hướng chính Đông, Tây, Nam, Bắc của Nam Ninh đều có khu vui chơi giải trí, với công viên có quy mô hàng ngàn ha, được quy hoạch rất bài bản, bắt mắt, sạch sẽ, ngăn nắp.
Tiếc là do thời gian quá eo hẹp, nên chúng tôi không tới được Thạch Môn Sơn để thăm động Y Lĩnh Võ Minh, địa danh đã được chọn quay nhiều cảnh cho phim Tây Du Ký nổi tiếng…
Nam Ninh - Hẹn gặp lại
Dù Sinh cùng Vương Việt bạn anh rất hiếu khách. Đặc biệt, hệ thống giao thông ở Nam Ninh rất tuyệt vời vì luôn thông suốt, dù lưu lượng người và xe tham gia giao thông rất lớn (hầu hết các khách sạn đều kín chỗ, ngay cả khách sạn 5 sao chúng tôi ở). Chú ý ghi nhận, thấy hầu hết các luồng đường nội thị đều được thiết kế rất rộng rãi, hợp lý cho lưu thông, khi quay đầu xe, rẽ trái, phải… Rồi ngay cả khu đi bộ (được coi là phố cổ vì tồn tại nhiều ngôi nhà lâu đời gắn với các cửa hiệu như ở Hàng Ngang Hàng Đào - Hà Nội của ta) của Nam Ninh, thì sự thông thoáng vẫn hiện diện. Không hề thấy sự cải tạo, cơi nới, rối rắm chắp vá của các loại kiến trúc… Thì chúng tôi vẫn chỉ đành “cưỡi ngựa xem hoa” Nam Ninh rộng lớn. Đã đến lúc trở về.
Quay lại Hữu Nghị Quan trên con đường cao tốc vừa đi hôm trước, nay vẻ như đã quen hơn - Chúng tôi cùng Sinh và Vương Việt, bạn anh, chia tay nhau tại vạch cột mốc biên giới hai nước. Và hẹn gặp lại ngày không xa, với lời hứa, lần gặp tới cả hai bên đều có thể chào nhau bằng ngôn ngữ của chính đất nước bạn mình - Bởi hai nước - Người và cảnh thật gần gũi, đúng như lời một bài hát đã có từ xa xưa: “Việt Nam - Trung Hoa/ núi liền núi/Sông liền sông…/ Mối tình hữu nghị sáng như rạng đông…”. Bước qua cột mốc Hữu Nghị Quan, chúng tôi thấy quá đỗi thân thương và yêu dấu biết bao Việt Nam - Hà Nội, dù trong quy hoạch đô thị hôm nay Thủ đô đang còn nhiều vấn đề vẫn cần phấn đấu lắm.