Chủ nhật 13/10/2024 14:15 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Bất động sản /

Cải tạo chung cư cũ: Nhà nước, DNNN nắm vai trò chủ đạo

11:17 | 21/03/2013

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đã bày tỏ quan điểm trên tại lễ khởi công dự án cải tạo, xây dựng lại khu tập thể Nguyễn Công Trứ (Hà Nội), ngày 19/3.


Hiện nay cả nước có hơn 3 triệu m2 nhà chung cư cũ

Cần có cơ chế phù hợp để huy động các nguồn vốn

Bộ trưởng nhận định: Việc cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ là công việc khó khăn của các chính quyền địa phương, đòi hỏi phải có quan điểm khoa học và các giải pháp thực tiễn, khả thi mới có thể thực hiện một cách hiệu quả.

Để góp phần tháo gỡ những vướng mắc cho các địa phương, Bộ Xây dựng đã soạn thảo Nghị định của Chính phủ về cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ. Dự thảo có nhiều điểm mới về quan điểm và các quy định cụ thể so với Nghị quyết 34/2007/NQ-CP về một số giải pháp thực hiện cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ hư hỏng, xuống cấp. Theo đó, sẽ phân loại và xác định rõ các trường hợp chung cư cũ cần cải tạo, xây dựng lại, bao gồm nhà thuộc diện nguy hiểm, hết niên hạn sử dụng, có hệ thống hạ tầng cũng như môi trường sống, cảnh quan không bảo đảm tiêu chuẩn tối thiểu theo các quy định và các khu nhà cũ mà đa số các chủ sở hữu đồng thuận cải tạo, xây dựng lại theo quy hoạch. Quy định cũng sẽ làm rõ quy trình tổ chức khảo sát, đánh giá chất lượng các khu nhà để xác định mức độ nguy hiểm. Từ đó, các địa phương xây dựng và công bố kế hoạch cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ. Chính quyền các cấp là chủ thể có trách nhiệm, tổ chức thực hiện việc hình thành các khu nhà ở mới để phục vụ nhu cầu bồi thường trong trường hợp phải di chuyển các hộ dân đến nơi ở mới (trước khi cải tạo chung cư cũ). Chỗ ở mới phải có hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đồng bộ, có tiêu chuẩn chất lượng nhà ở cao hơn so với khu ở cũ.

Bộ trưởng nhấn mạnh: Để đạt được hiệu quả thực tế trong cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, cần khẳng định vai trò chủ đạo của Nhà nước, các DN Nhà nước thay vì chủ yếu giao khoán cho các DN như hiện nay. Thực hiện nguyên tắc này, cần có cơ chế phù hợp để huy động các nguồn vốn phục vụ cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ… Để có nguồn vốn thực hiện cần tính tới khả năng xây dựng tại chỗ (đối với các khu nhà chung cư không thuộc khu vực hạn chế phát triển, có thể xây dựng cao tầng nhằm khai thác giá trị sử dụng đất, giá trị không gian, lợi thế về vị trí…), hoặc di chuyển dân ra chỗ ở mới với diện tích rộng hơn, chất lượng cao hơn, hạ tầng đồng bộ hơn. Khu đất tại địa điểm cũ sẽ được đấu giá quyền sử dụng đất, giao cho chủ đầu tư khai thác, thực hiện dự án khác để lấy tiền đầu tư khu ở mới.

Sự vào cuộc quyết liệt của các bên liên quan

Trong khi chờ Nghị định mới về cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ được ban hành và có hiệu lực, tại Dự án cải tạo, xây dựng lại khu tập thể Nguyễn Công Trứ, Hà Nội vẫn làm theo cách riêng, với sự vào cuộc quyết liệt của các bên liên quan. Trước tiên, chủ đầu tư - Cty CP Đầu tư Xây dựng Phát triển nhà số 7 Hà Nội (HANDICO7)  - đã tập trung mọi nguồn lực từ tổ chức xây dựng bộ máy quản lý điều hành, cơ sở vật chất, trang thiết bị thi công đến nguồn lực về tài chính để lập dự án đầu tư, chi phí GPMB, ứng vốn xây dựng các khu nhà cao tầng tại dự án khác bảo đảm nhà tạm cư cho các hộ dân cũng như xây dựng nhiều biện pháp, giải pháp tích cực vượt qua khó khăn. HANDICO7 đã xây dựng quỹ nhà tạm cư gần 800 căn hộ, để phục vụ công tác di chuyển, tạm cư cho các hộ dân của dự án theo từng giai đoạn...

Tiếp đó là sự vào cuộc, phối hợp hiệu quả của chính quyền Q.Hai Bà Trưng trong công tác bồi thường, GPMB. Tính đến 10/2012, chỉ có 80% hộ dân nằm trong khu vực phải di chuyển, tháo dỡ để tạo quỹ đất xây dựng công trình N3 – công trình đầu tiên của dự án – chấp thuận tạm cư nơi ở mới. Một số hộ dân còn lại, vì nhiều lý do khác nhau không bàn giao mặt bằng. Trong trường hợp này,  dưới sự chỉ đạo của Bộ Xây dựng và UBND TP, chủ đầu tư đã cùng phối hợp cùng UBND Q.Hai Bà Trưng áp dụng nhiều biện pháp, trong đó bao gồm biện pháp tuyên truyền và thuyết phục đối với trường hợp bị lôi kéo, còn chần chừ, biện pháp cưỡng chế hành chính đối với các đối tượng yêu sách, chây ì, bất hợp tác. Kết quả là vào những ngày cuối cùng tháng 12/2012, hộ dân cuối cùng đã bàn giao mặt bằng mà không cần thực hiện biện pháp cưỡng chế hành chính.

Đặc biệt là sự vào cuộc, tháo gỡ về cơ chế của chính quyền TP. Ông Nguyễn Thế Thảo - Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết: TP đã phải tính toán và cân đối nhiều phương diện như cảnh quan đô thị, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, những vấn đề về văn hóa, xã hội, an ninh, trật tự và phương án cân đối tài chính. Vì bản thân dự án không thể cân đối phương án tài chính và với chủ trương là phải đặt lợi ích của dân cư lên hàng đầu, TP đã thống nhất giao HANDICO7 triển khai dự án theo đúng quy hoạch được duyệt, đồng thời giao cho Cty một số dự án đô thị ở những địa điểm khác để tái định cư, khai thác cân đối nguồn tài chính.

Theo số liệu thống kê từ các địa phương, hiện cả nước có hơn 3 triệu m2 nhà chung cư cũ được xây dựng từ trước năm 1991 với hơn 100 nghìn hộ dân đang sinh sống. Nhiều công trình đã qua thời gian sử dụng 50 năm, đã gần hoặc quá tuổi thọ thiết kế, gần như không được bảo trì, lại bị cải tạo, sửa chữa, cơi nới tự phát nên xuống cấp.

Quý Anh

Theo baoxaydung.com.vn

Từ khóa:
Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load