Thứ sáu 27/12/2024 02:03 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Kinh tế /

Cafe nhà thầu xây dựng: Bước đường cùng mới phải đưa ra kiện tụng

08:50 | 25/08/2024

(Xây dựng) – Theo đại diện Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình, nợ đọng là vấn đề trầm kha của ngành xây dựng. Dòng tiền là mạch máu của doanh nghiệp, chủ yếu là dùng vốn vay ngân hàng. Cần có kiến nghị các cơ quan liên quan đưa vào luật hoá để có cơ chế ràng buộc trách nhiệm thanh toán, có định chế về bảo lãnh thanh toán. Trong 4-5 năm gần đây, ngành xây lắp không có tiến bộ gì mới về công nghệ, quy trình. Mà chủ yếu giành cho “nỗi lo tài chính” khi 90% dành cho mối lo này, còn 10% cho chuyên môn. Bước đường cùng nhà thầu mới phải đưa ra toà kiện tụng.

Cafe nhà thầu xây dựng: Bước đường cùng mới phải đưa ra kiện tụng
Toàn cảnh buổi toạ đàm “Cafe nhà thầu xây dựng” tháng 8/2024 tại trụ sở Tổng Công ty 319 (Bộ Quốc phòng).

Đó là một trong các nội dung được bàn luận tại phiên “Cafe nhà thầu xây dựng” do Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) tổ chức vào ngày 24/8 tại trụ sở Tổng Công ty 319, Thành phố Hà Nội.

70% doanh nghiệp bất động sản nằm im, nhà thầu xây dựng tiếp tục khó khăn

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam cho biết, mặc dù tình hình kinh tế năm 2024 đang diễn biến sôi động nhưng đánh giá như thế nào lại là vấn đề khác. GDP nếu tính tổng thể thì khả năng kinh tế đạt được 6,5-7% là khá cao. Chỉ số lạm phát CPI trong vòng kiểm soát dưới 4,5%. Thực ra, sự tăng trưởng chỉ tập trung vào một số ngành, như nông sản xuất khẩu, đầu tư hạ tầng kỹ thuật tất cả các tuyến đường. Năm 2024 chính phủ đầu tư tập trung vào lĩnh vực này đạt 420 nghìn tỷ đồng và đây là số tiền khổng lồ.

Trong khi đó, sức khoẻ của doanh nghiệp tư nhân đang giảm sút. Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam có khảo sát, số liệu cho thấy 10 nghìn doanh nghiệp trên 63 tỉnh thành, chỉ có 25-27% doanh nghiệp trả lời là sẽ mở rộng hoạt động. Còn lại là đều xác định không phát triển được hoặc không trả lời, tỷ lệ thấp hơn cả thời cao điểm dịch Covid-19. Có 110 nghìn doanh nghiệp mở cửa mới, nhưng số doanh nghiệp giải thể chiếm con số tương đương. Như vậy tình hình doanh nghiệp rất khó khăn.

“Đối với thị trường bất động sản, có đến 70% doanh nghiệp bất động sản nằm im chờ thời, thậm chí giải tán bớt quy mô nhân sự và hoạt động. Nhà thầu xây dựng hết sức khó khăn về công việc, đặc biệt là nhà thầu dân dụng. Đó là nguyên nhân dẫn đến việc hạ giá gói thầu để kiếm việc. VACC muốn lắng nghe ý kiến của đơn vị thành viên để có cách hợp tác với nhau như nào, kiến nghị với Nhà nước ra sao về những vấn đề đang tồn tại như điều chỉnh định mức đơn giá và định mức đơn giá nhân công; chính sách thuế, chính sách cho vay ưu đãi, vấn đề nợ đọng và xây dựng văn hoá nhà thầu xây dựng... Dựa trên ý kiến của các đơn vị, VACC sẽ có kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ và thiết lập các cuộc làm việc tiếp theo với các ngân hàng, với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng và các cơ quan tổ chức khác”, ông Nguyễn Quốc Hiệp chia sẻ.

Cạnh tranh giá thấp, nhà thầu không chết trước cũng chết sau

Đại tá Nguyễn Tuấn Anh, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn cho rằng đã có bước tiến về định mức, đơn giá. Bổ sung được 14 định mức mới, sửa đổi, điều chỉnh được một số định mức, ảnh hưởng hiệu quả lớn đến nhà thầu tại Thông tư 12. Tuy nhiên còn định mức nhân công vẫn bất cập, chưa theo được đơn giá của thị trường nên cần tiếp tục có ý kiến tại Thông tư 13.

Nguồn vật liệu cho công trình giao thông bị thiếu đất đắp, cát. Đã được thực hiện đặc thù tại một số địa phương, nhưng chỉ đáp ứng về mặt tiến độ, còn về mặt thanh toán là vẫn rất khó, không có hướng dẫn cụ thể, mỗi nơi một phách. Chỉ dám tạm ứng, tạm tính, càng làm nhà thầu càng lỗ và hậu kiểm sau này tiềm ẩn rủi ro nguy cơ pháp lý rất cao.

Các dự án đều gặp về vấn đề mặt bằng, dự án bị tắc lại dù chỉ 5% diện tích chưa giải phóng mặt bằng. Số liệu báo cáo và số liệu thực tế đều khác nhau, nhưng khúc cuối là áp lực thúc tiến độ, cuộc đua thời gian chất lượng trở thành vấn đề nan giải.

“Vấn đề cạnh tranh đấu thầu phá giá ngày càng khắc nghiệt, không chỉ có ở các nhà thầu nhỏ mà giờ ở cả các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp có uy tín, giờ cũng xông vào “cuộc chiến” này. “Giờ cá mập ăn cả cá con con”. Việc giảm giá 17-25-30% là chuyện bình thường. Thậm chí có gói thầu san nền tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để giá thấp giảm đến 50%. Điều đáng sợ là thiết lập mặt bằng giá mới. Giá bỏ thầu thấp đặt ra câu hỏi doanh nghiệp làm lỗ làm sao cứ phải trúng thầu, lại trúng giá thấp mà lại cứ đi kiến nghị tăng đơn giá định mức. Đến lúc cần trấn tĩnh xem xét lại, nếu tiếp diễn tình trạng nhà thầu từ uy tín đến vừa và nhỏ đều tham gia bỏ giá thấp để tránh thực trạng cạnh tranh không lành mạnh. Nhà thầu không chết trước sẽ chết sau”, Đại tá Nguyễn Tuấn Anh nêu ý kiến.

Mối nguy hại cho cả ngành Xây dựng

Đại tá Phan Phú, Chủ tịch Tổng Công ty 319 phát biểu: Tổng Công ty 319 là đơn vị 100% vốn Nhà nước. Đồng ý với ý kiến về Thông tư 12, rất thiết thực nhưng sau thông tư này, liên quan đến thanh toán cơ chế đặc thù về cấp mỏ, cần có hướng dẫn. Các doanh nghiệp làm về cao tốc rất nóng dòng tiền. Tổng Công ty 319 phấn đấu xong dự án cao tốc trước tiến độ 6 tháng, hiện đã xong hết phần nền nhưng mới thanh toán được 70% giá dự thầu. Dòng tiền rất khó do doanh thu của nhà thầu chỉ là 1 chút nhân công. Cần có hướng dẫn Thông tư 12 thì mới thanh toán được cho các nhà thầu.

Các đơn vị cũng đang rất khó khăn về chi phí giải phóng mặt bằng mỏ vật liệu (không nằm ở diện tích được thu hồi) giao cho các nhà thầu tự đi thoả thuận với dân nên rất khó, có chỗ gấp cả chục lần thông thường. Cần có vật liệu để phục vụ dự án nên phải chấp nhận. Vì vậy đề nghị trong chủ trương thực hiện dự án, xác định lấy mỏ nào thì thu hồi luôn mỏ đó.

Về định mức, Đại tá Phan Phú kiến nghị, có thể thuê đơn vị độc lập để xác định giá. Hiện có nhiều đơn giá thiếu tính thực tế. Chi phí định mức cho khảo sát thiết kế rất thấp, ảnh hưởng đến hiệu quả nhà thầu và rủi ro về mặt pháp lý. Thông báo giá mà các sở ban ngành công bố ở mức khác. Bản chất thực tiễn doanh nghiệp cung cấp cơ quan chức năng 1 giá nhưng bán cho nhà thầu giá khác.

Kiến nghị chung tập thể về các vấn đề “nóng”

Ông Bùi Khắc Sơn, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Xuân Mai cho rằng, cần xem lại quản lý Nhà nước có vướng mắc gì. Mỗi doanh nghiệp đi tìm cho mình thị trường trọng yếu riêng. Nói về văn hoá doanh nghiệp, cần tạo dựng thị trường xây dựng lành mạnh, có sự gắn kết giữa các nhà thầu.

Ông Nguyễn Khắc Hải, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam nêu quan điểm: Làm sao để chính sách đi vào cuộc sống, cụ thể hoá và sát với thực tế cuộc sống. Các vướng mắc cũng được cụ thể hoá, giải quyết được vấn đề. Văn hoá doanh nghiệp nhà thầu cũng phải cụ thể, định lượng và ban hành được bộ tiêu chí chung.

Cafe nhà thầu xây dựng: Bước đường cùng mới phải đưa ra kiện tụng
Ông Nguyễn Thế Mạnh, Chủ tịch Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Hải Phòng và lãnh đạo Tổng Công ty 319 tại sự kiện.

Ông Nguyễn Thế Mạnh, Chủ tịch Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Hải Phòng hiến kế: Hiệp hội các nhà thầu xây dựng thành phố Hải Phòng có gần 300 tập đoàn, công ty hoạt động trong lĩnh vực xây dựng và vật liệu xây dựng.

Ông Nguyễn Thế Mạnh rất quan tâm đến các biện pháp, kết nối hợp tác công việc giữa các thành viên trong hiệp hội Việt Nam, mong được lắng nghe những chia sẻ, đóng góp, đường lối của các tập đoàn, tổng công ty lớn để các doanh nghiệp có thể chia sẻ, kết nối nguồn công việc lớn cùng nhau. Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Hải Phòng sẽ như một tổng công ty lớn với đầy đủ vai trò, nguồn lực nhân công, tiềm lực kinh tế mạnh để có thể đồng hành cùng các tập đoàn và tổng công ty hoàn thành các dự án tại Hải Phòng và trên toàn quốc. Chúng tôi rất mong được đồng hành cùng Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam xây dựng thành phố Hải Phòng và đất nước Việt Nam ngày một phát triển, phồn vinh, giàu mạnh.

Ông Dương Văn Cận, Tổng Thư ký VACC cũng thông tin một số điều khoản mới liên quan đến các Luật, Thông tư, Nghị định trong hoạt động đấu thầu, xây dựng và sớm hoàn thiện Bộ văn bản văn hoá nhà thầu gửi các đơn vị thành viên góp ý và chỉnh sửa dự kiến ban hành vào cuối năm 2024.

Chủ tịch VACC Nguyễn Quốc Hiệp kết luận, thống nhất Hiệp hội sẽ có văn bản tổng hợp kiến nghị tại toạ đàm, đồng thời đề nghị các đơn vị ký trực tiếp để gia tăng tính ảnh hưởng, gia tăng giá trị kiến nghị cộng đồng nhà thầu xây dựng đến Thủ tướng và các cơ quan quản lý Nhà nước.

Đây là phiên toạ đàm “Cafe nhà thầu xây dựng” lần thứ 3 được tổ chức. Theo kế hoạch, phiên toạ đàm tiếp theo sẽ tiếp tục được tổ chức tại Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn vào tháng 12/2024 tới.

Ninh Nhi

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load