Với chính sách hỗ trợ toàn diện nhất trong lịch sử, Chính phủ kỳ vọng sẽ giúp nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6-6,5% năm 2022. Theo chuyên gia kinh tế, để đảm bảo tăng trưởng, giải pháp kiềm chế lạm phát phải đặt lên hàng đầu, cùng với đó nắn dòng tiền hỗ trợ vào sản xuất.
Việc nắn dòng tiền hỗ trợ vào sản xuất sẽ góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2022 |
Nắn dòng tiền vào sản xuất
Sau khi Quốc hội thông qua chương trình phục hồi, phát triển kinh tế giai đoạn 2022 - 2023, hàng loạt chính sách hỗ trợ nền kinh tế bắt đầu thực hiện. Trong đó, với tổng nguồn hỗ trợ 350.000 tỷ đồng, gói hỗ trợ này kỳ vọng giúp nền kinh tế tăng trưởng trở lại.
Theo TS Bùi Quang Tuấn - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, việc thực hiện gói hỗ trợ gây ra lo ngại về áp lực lạm phát. Vì vậy, Chính phủ, Quốc hội và các cơ quan tham mưu cần phối hợp chặt chẽ trong việc tính toán nhằm bảo đảm dòng tiền hỗ trợ thực sự được đưa vào hoạt động sản xuất của doanh nghiệp và hộ gia đình thay vì chuyển qua kênh đầu cơ các tài sản tài chính rủi ro, vốn không đóng góp cho phục hồi tăng trưởng.
Theo Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ năm 2022, GDP phấn đấu đạt mức tăng trưởng 6-6,5%, GDP bình quân đầu người 3,9 nghìn USD. Để thực hiện được kế hoạch này, Việt Nam đã xây dựng hai kịch bản cho nền kinh tế trong nước. Trong đó, nếu Việt Nam thực hiện tốt chương trình phòng, chống dịch COVID-19 để phục hồi, phát triển kinh tế xã hội, GDP có thể tăng trưởng 6,5-7%. Trường hợp Việt Nam phòng, chống dịch chưa hiệu quả, chậm triển khai chương trình phục hồi, phát triển kinh tế xã hội thì GDP có thể chỉ tăng 5-5,5%.
Trao đổi với PV Tiền Phong, một lãnh đạo Bộ KH&ĐT cho biết, kế hoạch tăng trưởng GDP năm 2022 được xây dựng từ đầu năm và thường xuyên được cập nhật từng tháng, từng quý, dựa trên thay đổi của nền kinh tế.
Trong bối cảnh, bộ ngành tập trung thực hiện chính sách hỗ trợ, Bộ KH&ĐT cập nhật tiến độ thực hiện, từ đó đánh giá tác động tới nền kinh tế. Trong đó, chính sách hướng dòng tiền vào sản xuất, kinh doanh, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế.
Công ty chứng khoán VN- Direct nhận định, các dấu hiệu phục hồi của nền kinh tế Việt Nam đang rõ nét. Tháng 2/2022, Chỉ số Sản xuất Công nghiệp (IIP) của Việt Nam đã tăng 8,5%. Tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 421,8 nghìn tỷ đồng. Trong đó doanh thu dịch vụ lưu trú ăn uống và doanh thu lữ hành tăng mạnh, nhờ hàng không và du lịch mở cửa trở lại.
“Chúng tôi dự báo tăng trưởng GDP quý 1/2022 ở mức 5,5% và giữ nguyên dự báo tăng trưởng GDP của nền kinh tế Việt Nam ở mức 7,5%”, chuyên gia của Cty VN-Direct dự báo.
Tháo gỡ giá xăng, dầu, kiềm tỏa lạm phát
Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, hiện nay, xăng dầu đóng góp 3,52% GDP và chi tiêu cho xăng dầu chiếm 1,5% trong tổng tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình. Trong khi, giá xăng chịu tác động biến động rất lớn trên thế giới, tất cả các nước đều phải gánh chịu.
Để đảm bảo sự an toàn về năng lượng và cho hoạt động của kinh tế, Việt Nam cần có chiến lược lâu dài, đặc biệt cần tạo dự trữ chiến lược xăng dầu quốc gia. Điều này góp phần giải quyết việc giá xăng dầu tăng phi mã, kéo theo lạm phát.
Một trong những áp lực ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế năm 2022 là nguy cơ bùng phát lạm phát trở lại. Giá xăng dầu tăng cao, gần mức 30.000 đồng/lít đã khiến hàng loạt mặt hàng tăng giá. |
Ông Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Thống kê cho biết, kinh tế nước ta phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu từ bên ngoài, với tỷ lệ chi phí nguyên vật liệu nhập khẩu trong tổng chi phí nguyên vật liệu của toàn nền kinh tế là 37%.
Đối với nền kinh tế Việt Nam, khi giá xăng dầu tăng 10% làm GDP giảm khoảng 0,5%. Đặc biệt, khi giá xăng dầu liên tục tăng cao sẽ làm giảm hiệu quả và có thể vô hiệu hóa chính sách tài khóa cắt giảm 2% thuế VAT đang triển khai thực hiện nhằm kích cầu tiêu dùng, kích thích tăng trưởng và giảm áp lực lạm phát, dẫn tới không đạt được mục tiêu tăng trưởng, thất thu ngân sách nhưng lạm phát vẫn gia tăng.
Theo Ngọc Linh/Tienphong.vn
Link gốc: https://tienphong.vn/cach-nao-de-tang-truong-kinh-te-6-6-5-post1425485.tpo