Thứ sáu 29/03/2024 16:44 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Các nhóm vấn đề được lựa chọn chất vấn gắn với cải cách tư pháp

07:56 | 21/03/2023

Chiều 20/3, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá các nhóm vấn đề được lựa chọn chất vấn đúng và trúng, vừa có tính thời sự, vừa là những vấn đề quan trọng gắn với cải cách tư pháp...

Các nhóm vấn đề được lựa chọn chất vấn gắn với cải cách tư pháp
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu kết luận phiên chất vấn. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Phát biểu kết luận Phiên chất vấn trong Phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chiều 20/3, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá phiên chất vấn diễn ra trong không khí sôi nổi, thẳng thắn, dân chủ, thu hút được sự quan tâm rộng rãi của nhân dân và cử tri cả nước.

Các nhóm vấn đề được lựa chọn chất vấn đúng và trúng, vừa có tính thời sự, vừa là những vấn đề quan trọng gắn với cải cách tư pháp, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Cũng theo Chủ tịch Quốc hội, phiên chất vấn được đại biểu Quốc hội, nhân dân, cử tri và dư luận xã hội quan tâm. Diễn biến của phiên chất vấn cho thấy các đại biểu Quốc hội từ kinh nghiệm hoạt động của mình đã nêu câu hỏi phản ánh sát với diễn biến thực tế và đời sống, nguyện vọng của cử tri và nhân dân.

Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, các Bộ trưởng và Trưởng ngành đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, nắm chắc thực trạng ngành, lĩnh vực phụ trách, rất nghiêm túc và cầu thị lắng nghe, tiếp thu đầy đủ ý kiến xác đáng của các đại biểu Quốc hội; thẳng thắn giải trình, làm rõ nhiều vấn đề.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các đại biểu Quốc hội đánh giá cao phần trả lời chất vấn, tán thành và ghi nhận các giải pháp, cam kết của Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao và các Bộ trưởng, Trưởng ngành tại phiên chất vấn này.

Căn cứ kết quả phiên chất vấn, đối với từng lĩnh vực, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đã có kết luận cụ thể. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ ban hành Nghị quyết về chất vấn.

Bảo đảm tranh tụng trong xét xử, coi đây là khâu đột phá của hoạt động tư pháp

Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh một số nhiệm vụ giải pháp chủ yếu sẽ được nêu trong Nghị quyết này; yêu cầu Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao, Chính phủ, các Bộ trưởng, Trưởng ngành hữu quan quan tâm triển khai thực hiện trong thời gian tới.

Trong công tác xét xử, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao tiếp tục triển khai các giải pháp, nhất là các giải pháp đột phá để nâng cao chất lượng xét xử, giải quyết các loại án, bảo đảm tranh tụng trong xét xử, coi đây là khâu đột phá của hoạt động tư pháp; chấp hành nghiêm thời hạn xét xử được luật định, xét xử các vụ án hình sự phải bảo đảm nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để xảy ra oan sai, bỏ lọt tội phạm.

Cùng với đó là thực hiện đầy đủ, đồng bộ các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ xét xử các vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng, chức vụ, các vụ án được dư luận xã hội quan tâm, đặc biệt là các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi và chỉ đạo; thực hiện nghiêm quy định của pháp luật hình sự về nguyên tắc xử lý đối với người phạm tội tham nhũng, chức vụ, theo đó nghiêm trị người chủ mưu, cầm đầu; có hành vi khoan hồng theo quy định của pháp luật đối với những người tự thú, đầu thú, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tự nguyện sửa chữa hoặc tự nguyện bồi thường thiệt hại gây ra.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh xét xử, giải quyết các vụ án dân sự, hành chính bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự; chú trọng công tác hòa giải, đối thoại tại Tòa án để giảm bớt các vụ án phải mở phiên tòa xét xử và góp phần giải quyết triệt để, hiệu quả; khắc phục hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong giải quyết các tranh chấp khiếu kiện về đất đai; tổng kết thực tiễn thi hành Luật Tố tụng hành chính năm 2015, đề xuất bổ sung, sửa đổi nếu thấy cần thiết; phối hợp với các cơ quan hữu quan tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản, nhất là về thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, doanh nghiệp không cung cấp tài liệu, chứng cứ, không hợp tác với Tòa án; chỉ định quản tài viên, việc thực hiện trách nhiệm của quản tài viên, xác định mức chi phí phá sản...

Chủ tịch Quốc hội nêu yêu cầu khẩn trương tổng kết thực hiện thi hành Luật Phá sản và báo cáo kết quả đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong năm 2023, trên cơ sở đó đề xuất sửa đổi, bổ sung cho phù hợp; tiếp tục triển khai hiệu quả việc tổ chức phiên tòa trực tuyến, góp phần giảm thiểu thời gian, công sức cho người dân, cơ quan, tổ chức tham gia phiên tòa, tiết kiệm chi phí cho xã hội, tăng hiệu quả giải quyết đối với một số loại án, nhất là án hành chính; chỉ đạo các Tòa án có biện pháp khắc phục khó khăn về kinh phí, cơ sở vật chất để bảo đảm cho việc tổ chức phiên tòa trực tuyến; đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến đến người dân về ý nghĩa của phiên tòa trực tuyến.

Khắc phục triệt để việc xảy ra một số trường hợp oan sai

Trong công tác thực hành quyền công tố và kiểm soát hoạt động tư pháp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao tiếp tục triển khai các giải pháp để nâng cao chất lượng công tác, chấp hành nghiêm thời gian tố tụng, khắc phục triệt để việc xảy ra một số trường hợp oan.

Việc truy tố phải bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, tăng cường kiểm soát bên trong việc thực hiện quyền công tố, nâng cao hơn nữa trách nhiệm và chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên tại Tòa án, nhất là tại các Viện Kiểm sát Nhân dân cấp huyện. Mọi quyết định phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, áp dụng biện pháp tạm giữ, tạm giam và các biện pháp ngăn chặn khác phải bảo đảm đúng căn cứ, điều kiện theo luật định. Thường xuyên kiểm tra tính hợp pháp và sự cần thiết của các biện pháp ngăn chặn đã áp dụng; kịp thời hủy bỏ hoặc thay đổi những biện pháp đó nếu xét thấy có vi phạm pháp luật hoặc không còn cần thiết.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh đến việc đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý nghiêm các vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng, chức vụ, các vụ án gây bức xúc trong dư luận xảy ra thời gian gần đây trong các lĩnh vực chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, đấu thầu, đấu giá, đăng kiểm, "tín dụng đen," mua bán người, mua bán dữ liệu thông tin cá nhân, tội phạm trên không gian mạng... Qua đó chú trọng phát hiện những sơ hở, thiếu sót trong quản lý nhà nước là nguyên nhân, điều kiện phát sinh vi phạm, tội phạm để kiến nghị khắc phục, phòng ngừa và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.

Các nhóm vấn đề được lựa chọn chất vấn gắn với cải cách tư pháp
Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Lê Minh Trí trả lời chất vấn. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Cùng với đó là tăng cường trách nhiệm của Viện Kiểm sát Nhân dân trong kiểm soát hoạt động giám định tư pháp, định giá tài sản trong tố tụng; kịp thời phát hiện và yêu cầu khắc phục vi phạm trong việc trưng cầu giám định, yêu cầu định giá không cụ thể, không rõ ràng, vượt quá thẩm quyền, không đúng đối tượng hoặc cố tình né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, chậm trễ kéo dài việc giám định định giá.

Viện Kiểm sát chủ động rà soát, yêu cầu Cơ quan điều tra tích cực xác minh các trường hợp tạm đình chỉ điều tra, nhất là những trường hợp sắp hết thời hạn truy cứu trách nhiệm hình sự để phục hồi điều tra ngay khi có căn cứ, tránh bỏ lọt tội phạm, báo cáo Quốc hội về nội dung này trong báo cáo công tác hằng năm.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao tiếp tục có giải pháp tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra; gắn công tố với hoạt động điều tra, kiểm soát chặt chẽ quá trình điều tra để hạn chế trả hồ sơ điều tra bổ sung nhiều lần, nhất là do lỗi chủ quan của các kiểm sát viên, yêu cầu khởi tố tội phạm mới và khởi tố người phạm tội mới. Tăng cường hiệu quả hoạt động của cơ quan điều tra Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, kịp thời phát hiện, điều tra các tội phạm thuộc thẩm quyền theo luật định; nâng cao tỷ lệ giải quyết tố giác tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; tỷ lệ điều tra khám phá tội phạm đạt chỉ tiêu Quốc hội giao.

Xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, liêm chính

Về một số công tác khác thuộc lĩnh vực của Tòa án Nhân dân và Viện Kiểm sát Nhân dân, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao tiếp tục có giải pháp nâng cao chất lượng công tác giải quyết đơn giám đốc thẩm, tái thẩm; chú trọng phát hiện oan, sai để xem xét việc kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm.

Tòa án Nhân dân, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao cần đẩy nhanh việc bồi thường cho người bị thiệt hại theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước và xử lý nghiêm trách nhiệm của người làm oan theo quy định của pháp luật. Tăng cường phối hợp giữa các cơ quan trong giải quyết các vụ án trên cơ sở tuân thủ đúng chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, nhất là phối hợp trong công tác giám định, nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để nhanh tiến độ và nâng cao hiệu quả giải quyết.

Đồng thời, tiếp tục có các giải pháp nâng cao chất lượng giải quyết các vụ án hành chính và kiểm soát thi hành án hành chính như tăng cường xét xử trực tuyến, tăng cường năng lực và bản lĩnh cho đội ngũ thẩm phán, kiểm sát viên. Chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ Tòa án và Viện Kiểm sát có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, liêm chính để thực sự chuyên nghiệp ngang tầm nhiệm vụ trong tình hình mới.

Đề xuất các chính sách để thu hút các chuyên gia về công tác tại Tòa án, Viện Kiểm sát; bổ sung và hoàn thiện pháp luật; chú trọng bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm và giải quyết các vụ án có tính chất đặc thù như phá sản, sở hữu trí tuệ, tư pháp đối với người chưa thành niên.

Thực hiện nghiêm các quy định của Đảng, Nhà nước đối với các biện pháp kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngay trong nội bộ Tòa án và Viện Kiểm sát; siết chặt kỷ cương công vụ, tăng cường thanh tra, kiểm tra, phát hiện kịp thời và kiên quyết xử lý mọi hành vi lợi dụng, lạm dụng quyền lực để tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tư pháp. Chú trọng đề xuất, kiến nghị hoàn thiện hệ thống pháp luật để phòng, chống tham nhũng và tiêu cực.

Các nhóm vấn đề được lựa chọn chất vấn gắn với cải cách tư pháp
Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình trả lời chất vấn. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Tòa án Nhân dân Tối cao chú trọng công tác tổng kết thực hiện xét xử; tăng cường phát triển án lệ; hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật, nhất là đối với các lĩnh vực còn ít án lệ. Tổng kết thực tiễn, nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, xây dựng Luật Tư pháp người chưa thành niên nhằm kịp thời thể chế hóa các chủ trương của Đảng về cải cách tư pháp, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao khẩn trương hoàn thành việc rà soát các luật được giao theo Kết luận 19 của Bộ Chính trị và Kế hoạch 81 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tăng cường công tác thông tin và truyền thông trong tổ chức hoạt động của Tòa án Nhân dân Tối cao và Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành ban hành đầy đủ các quy định giám định, quy chuẩn chuyên môn cho hoạt động giám định tư pháp; chỉ đạo Bộ Tư pháp chủ trì phối hợp với Bộ Công an, Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao và các bộ, ngành tổng kết, đánh giá các vướng mắc, bất cập về giám định, định giá tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng, chức vụ và đề xuất giải pháp tháo gỡ kịp thời. Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, đề xuất, hoàn thiện quy định pháp luật về đất đai, nhằm tăng cường hơn nữa trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước ở địa phương trong việc hòa giải giải quyết tranh chấp đất đai, tạo sự đồng thuận của người dân ngay từ cấp cơ sở.

Chính phủ chỉ đạo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thực hiện nghiêm túc quy định của Luật Tố tụng hành chính về việc cung cấp tài liệu chứng cứ, tham gia đối thoại, tham gia phiên tòa; thực hiện nghiêm túc bản án hành chính để bảo đảm kỷ cương, kỷ luật trong bộ máy nhà nước và quyền, lợi ích hợp pháp của người được thi hành án. Tăng cường phối hợp, kịp thời có ý kiến nhận xét, đánh giá đối với thẩm phán và kiểm sát viên. Kiên quyết xử lý trách nhiệm người phải thi hành án nhưng chậm thi hành hoặc không thi hành...

Trên cơ sở kết quả phiên chất vấn, Ủy ban Tư pháp chủ trì phối hợp với Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Chính phủ và các cơ quan khẩn trương hoàn thiện dự thảo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội sớm xem xét ban hành Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn.

Để Nghị quyết đi vào cuộc sống, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Chính phủ, các Bộ trưởng thực hiện quyết liệt các giải pháp, các cam kết trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các đại biểu Quốc hội, trước nhân dân và cử tri cả nước.

Ủy ban Tư pháp và các cơ quan của Quốc hội giám sát việc thực hiện Nghị quyết và chủ động tổ chức các phiên giải trình theo lĩnh vực phụ trách. Các đại biểu Quốc hội tích cực chủ động hơn nữa trong hoạt động giám sát việc thực hiện giải quyết các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân./.

Theo P.V (TTXVN/Vietnam+)

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load