(Xây dựng) - Tốc độ tăng trưởng cao sẽ tác động tích cực lên kết quả kinh doanh của các ngân hàng trong năm 2022.
Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, trong quý 1 năm nay, tín dụng trên toàn hệ thống tăng 5,04%, cao hơn đáng kể so với mức tăng cùng kỳ năm ngoái. Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho rằng, tốc độ tăng tín dụng cao gấp 4 lần năm ngoái chứng tỏ nền kinh tế đang phục hồi tích cực, khi các biện pháp phòng chống dịch và phục hồi kinh tế của Chính phủ đang phát huy hiệu quả.
Dựa trên tín hiệu khả quan trong quý 1, nhiều ngân hàng đã đưa ra kế hoạch khá tham vọng về tăng trưởng tín dụng trong năm nay, nhằm tận dụng tốt cơ hội phục hồi kinh tế đang thúc đẩy nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp và khách hàng cá nhân tăng cao. Các ngân hàng như MSB hay VIB đều đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng từ 25%-30%. Những ngân hàng khác như MB và VPBank thậm chí còn đặt mục tiêu lớn hơn, tăng 35% so với năm 2021.
“Do khu vực ngân hàng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phục hồi kinh tế, nên định hướng tăng trưởng tín dụng cao trong trung hạn sẽ cần được thực hiện”, Công ty Chứng khoán Mirae Asset nhận định trong một bản báo cáo phân tích gần đây.
Hạn mức tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng, dĩ nhiên, sẽ phụ thuộc vào phê duyệt của cơ quan quản lý Nhà nước. Dù vậy, các ngân hàng đang tỏ ra khá lạc quan vào triển vọng năm 2022.
Đại diện ban Lãnh đạo VPBank tuần trước khi trao đổi với các nhà đầu tư đã khẳng định, mục tiêu tăng trưởng tín dụng thách thức được ngân hàng này đặt ra dựa trên sự phục hồi kinh tế đang ngày càng rõ nét và các kết quả kinh doanh khả quan của phân khúc khách hàng cá nhân và doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) trong quý 1.
Trong quý 1 vừa qua, tăng trưởng tín dụng của ngân hàng này đạt 10,3%, gấp đôi mức trung bình ngành, trong khi tăng trưởng huy động và các giấy tờ có giá đạt 11,5% so với cuối năm 2021. Đáng chú ý, tăng trưởng tiền gửi không kỳ hạn (CASA) trong quý 1 cũng đạt gần 22%, xấp xỉ bằng mức tăng của cả năm 2021 (~23%).
Vị lãnh đạo VPBank cũng cho biết trong thời gian qua nguồn tài nguyên CASA và huy động ổn định đã giúp ngân hàng này có một bảng cân đối kế toán lành mạnh và nền tảng để tăng cường hoạt động cho vay với lãi suất hợp lý cho khách hàng. CASA của ngân hàng này dù còn khiêm tốn trên hệ thống ngân hàng nhưng tốc độ tăng trưởng đã cải thiện qua từng năm, nhờ vào chiến lược đẩy mạnh số hóa, nâng cao trải nghiệm khách hàng và đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ.
Kịch bản tăng trưởng tín dụng đầy tham vọng 35% của VPBank có lẽ cũng không quá khó để thực hiện, khi ngân hàng này đã có một năm khá thành công với mặt bằng tín dụng và huy động cải thiện đáng kể bất chấp các tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19.
Trong năm 2021, dù đối mặt với các hoạt động kinh tế-xã hội bị đình trệ do giai đoạn giãn cách kéo dài, tăng trưởng tín dụng hợp nhất của VPBank vẫn đạt 18,9%, vượt kế hoạch và cao hơn mức trung bình của hệ thống (13,3%). Năm 2021 cũng là một năm đầy thách thức đối với công ty con FE Credit khi phân khúc tài chính tiêu dùng có tệp khách hàng là các đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp từ đại dịch. Tuy vậy, nhờ sự phục hồi kinh tế, tăng trưởng tín dụng tại FE Credit cũng đã tăng trưởng mạnh trở lại, duy trì thị phần số 1 tại Việt Nam. Tại ngân hàng mẹ, các phân khúc chiến lược khách hàng cá nhân và SME với mức tăng trưởng 33% đã đóng góp đáng kể vào tăng trưởng tín dụng hợp nhất.
Mặt bằng tăng trưởng tín dụng ổn định của VPBank đạt được nhờ chiến lược số hóa toàn diện, liên tục đưa ra thị trường các giải pháp công nghệ tiên tiến nhất, giúp cho ngân hàng có được những tương tác tích cực và tiếp xúc với các nhu cầu vốn của khách hàng. Hiện tại, VPBank đã tối ưu hóa quy trình phát hành thẻ tín dụng trong vòng 1-2 phút hay cho vay ô tô 100% trong vòng 5-10 phút, mang lại những hành trình trải nghiệm trọn vẹn và liền mạch cho khách hàng, trở thành lợi thế cạnh tranh của ngân hàng trên thị trường. Tỷ lệ giải ngân trực tuyến của các sản phẩm vay thế chấp và tín chấp trong quý 1 đạt 80-100%, và tỷ lệ số dư tiết kiệm trực tuyến đạt 61%.
Số hóa cũng đang tiếp tục củng cố hoạt động mở rộng quy mô khách hàng của VPBank. Số lượng khách hàng mới đăng ký sử dụng dịch vụ ngân hàng qua kênh số hóa trong quý 1 tăng 10% so với thời điểm cuối năm 2021. Số lượng giao dịch trung bình hàng tháng qua kênh số tăng gấp 1,7 lần so với cùng kỳ năm 2021. Tính đến hiện tại, tổng số khách hàng của ngân hàng mẹ VPBank đạt hơn 6 triệu. Tính gộp cả ngân hàng mẹ và các công ty con, con số này là gần 20 triệu khách hàng.
Đăng Khôi
Theo