Thứ tư 06/11/2024 03:52 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Các dân tộc tỉnh Phú Yên đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững

11:15 | 28/09/2024

(Xây dựng) – Các chương trình, dự án về phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Phú Yên đã được triển khai đạt nhiều kết quả tích cực. Bà con đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh luôn đoàn kết, ra sức lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, xây dựng thôn, buôn, quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Các dân tộc tỉnh Phú Yên đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững
Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên Phạm Đại Dương phát biểu chỉ đạo Đại hội.

Ngày 27/9, tỉnh Phú Yên đã tổ chức Đại hội đại biểu các DTTS lần thứ IV năm 2024. Gần 250 đại biểu đại diện cho hơn 60.000 đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh về dự Đại hội. Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Phú Yên lần thứ IV năm 2024 không chỉ là dịp để tổng kết những thành tựu đã đạt được mà còn là diễn đàn quan trọng nhằm củng cố niềm tin của đồng bào vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.

Tỉnh Phú Yên có 32 DTTS, chiếm 6,9% dân số toàn tỉnh, trong đó chủ yếu là các dân tộc Ê đê, Chăm, Ba Na. Trong 5 năm qua, nhiều chương trình và chính sách xã hội đã được triển khai tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, mang lại hiệu quả tích cực. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện. Nhiều công trình hạ tầng thiết yếu đã được xây dựng, góp phần làm thay đổi diện mạo các huyện miền núi.

Các dân tộc tỉnh Phú Yên đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Thông phát biểu tại Đại hội.

Điển hình trong giai đoạn 2022-2024, Phú Yên được phân bổ hơn 598,5 tỷ đồng đầu tư cho các dự án phát triển kinh tế - xã hội tại vùng DTTS. Theo đó đã thực hiện hỗ trợ nhà ở cho 426 hộ DTTS nghèo; hỗ trợ đất sản xuất cho 05 hộ; xây dựng 08 công trình nước sinh hoạt tập trung; đầu tư cho 18 hạng mục công trình thuộc 8 dự án bố trí sắp xếp ổn định dân cư các xã vùng đồng bào DTTS và miền núi; đầu tư, nâng cấp 187 công trình thiết yếu vùng đồng bào DTTS và miền núi; thực hiện đầu tư 17 hạng mục công trình tại 3 trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện Sông Hinh, Sơn Hòa, Đồng Xuân và trường dân tộc bán trú Đinh Núp - xã Phú Mỡ; sửa chữa, nâng cấp 26 công trình Nhà văn hoá thôn, buôn; hỗ trợ thiết lập 12 địa điểm hỗ trợ đồng bào DTTS ứng dụng công nghệ thông tin tại UBND các xã đặc biệt khó khăn…

Trong 5 năm (2019-2024), thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh bước đầu đã góp phần thúc đẩy thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân từ 0,7 - 1%, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3%/năm. Chương trình tập trung hỗ trợ người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, có việc làm, sinh kế bền vững và nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống.

Các dân tộc tỉnh Phú Yên đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Thông trao bằng khen của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho các tập thể, cá nhân xuất sắc trong giai đoạn 2019-2024.

Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Thông ghi nhận những kết quả đã đạt được của Đảng bộ, chính quyền và quân dân các dân tộc tỉnh Phú Yên trong thời qua, đặc biệt biểu dương sự cố gắng nỗ lực của đồng bào các DTTS đã chung sức, đồng lòng từng bước làm “thay da đổi thịt” vùng dân tộc thiểu số, góp sức cùng nhân dân cả nước trong công cuộc đổi mới, phát triển và bảo vệ đất nước hiện nay.

Đồng thời, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Thông đề nghị tỉnh tập trung nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh công tác xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các DTTS, thực hiện hiệu quả 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-20230 trên địa bàn tỉnh. Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực, nhất là cán bộ người dân tộc thiểu số tại chỗ, tăng cường cán bộ có năng lực, tâm huyết đến công tác tại các địa bàn khó khăn; phát huy vai trò của người có uy tín và mọi tầng lớp nhân dân trong xây dựng và củng cố hệ thống chính trị cơ sở. Quan tâm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp, các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của các dân tộc thiểu số; xóa bỏ các hủ tục lạc hậu; nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác giáo dục, đào tạo…

Phát biểu chỉ đạo Đại hội, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên Phạm Đại Dương biểu dương những thành tích mà đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh đã đạt được trong 5 năm qua. Theo Bí thư Tỉnh ủy Phạm Đại Dương, dù trong thời kỳ nào, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh luôn đoàn kết, thống nhất, chung tay vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc và sự phát triển của tỉnh nhà.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, người đứng đầu tỉnh Phú Yên cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế như: Kinh tế vùng đồng bào DTTS và miền núi có phát triển nhưng chưa thật sự bền vững. Kết cấu hạ tầng được đầu tư nhưng chưa thực sự đồng bộ. Việc triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia có thời điểm còn chậm. Tỷ lệ lao động qua đào tạo chưa đạt mức trung bình chung so với các vùng trên địa bàn. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội khu vực miền núi còn tiềm ẩn những yếu tố phức tạp…

Các dân tộc tỉnh Phú Yên đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững
Đồng bào các DTTS tỉnh Phú Yên tích cực lao động sản xuất, vươn lên thoát nghèo.

Từ đó, Bí thư Tỉnh ủy Phạm Đại Dương đề nghị tiếp tục triển khai hiệu quả các chương trình, dự án về phát triển vùng đồng bào DTTS và miền núi như Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; chú trọng thực hiện các chính sách cải thiện hơn nữa đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số; tăng cường cơ hội để đồng bào được tiếp cận tốt hơn, công bằng hơn đối với thành quả phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và của tỉnh.

“Đối với đồng bào các DTTS, tôi mong rằng đồng bào chúng ta hãy tiếp nối truyền thống tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, phát huy tinh thần tự lực tự cường, đoàn kết, yêu thương giúp đỡ lẫn nhau; tin tưởng vào sự lãnh đạo, quản lý, điều hành của Đảng, Nhà nước, của cấp ủy, chính quyền các cấp tại địa phương; phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình; ra sức thi đua lao động sản xuất để thoát nghèo bền vững, xây dựng đời sống ngày càng sung túc, góp phần xây dựng quê hương Phú Yên ngày thêm giàu đẹp, văn minh”, Bí thư Tỉnh ủy Phạm Đại Dương đề nghị.

Các dân tộc tỉnh Phú Yên đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững
Giá trị văn hoá truyền thống của đồng bào các DTTS được bảo tồn và phát huy.

Dịp này, thừa ủy quyền của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Thông đã tặng bằng khen cho 1 tập thể, 5 cá nhân; trao kỷ niệm chương Vì sự nghiệp phát triển các dân tộc cho 4 cá nhân. Chủ tịch UBND tỉnh Tạ Anh Tuấn cũng tặng 30 bằng khen cho 12 tập thể, 18 cá nhân có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong thực hiện chính sách dân tộc giai đoạn 2019-2024.

Thu Loan

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load