(Xây dựng) - Người đứng đầu Chính phủ đã có lần chỉ thẳng: Trong DNNN không chỉ có “sân trước sân sau”, thậm chí còn có cả “vườn sau”. Thậm chí có vị ngồi họp đây có tới hơn chục cái DN “sân sau”!
Mới thấy chuyện “sân trước sân sau” từ lâu đã là rào cản khuynh đảo nền kinh tế không ít. Rõ ràng những chiếc “vòi bạch tuộc” của “sân trước sân sau” này đã “ăn” quá sâu vào tận gan ruột của tài sản quốc gia, khuynh đảo nền kinh tế ở nhiều lĩnh vực không phải người đứng đầu Chính phủ không biết, mà đã chỉ ra rất thẳng!
1 Nói DNNN là nói đến vai trò chủ lực của các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty do Nhà nước quản lý. Vốn Nhà nước nằm trong đó, đất đai tài nguyên quốc gia cũng đều trao cả vào tay những DN lớn này. Kỳ vọng của đất nước với những “ông lớn” này là “trụ cột đầu tàu”, là tiên phong chủ đạo, là “quả đấm thép” dẫn dắt thị trường. Cái đích của DNNN là tiên phong xây dựng mô hình kinh tế DN với phương thức sản xuất kinh doanh chủ động đi thẳng vào cơ chế thị trường hội nhập. Nhưng qua hơn 30 năm đổi mới lĩnh vực các DNNN đã làm được những gì? Không phủ nhận những đóng góp không nhỏ của các tập đoàn, các tổng công ty cho nền kinh tế. Nhưng nhìn thẳng thì những gì mà các DN này làm được chưa như kỳ vọng, chưa xứng với những ưu đãi cả về đất đai, bạc tiền vốn liếng mà đất nước dành cho. Đã thế nhìn sâu vào hoạt động của các DNNN đang lộ ra nhiều bất cập. Hình như DNNN càng được trao quyền lớn, thoải mái sử dụng tài nguyên, đất đai, dễ dàng tiếp cận vốn tín dụng của các ngân hàng, thì càng lộ ra những “con cưng”, những ông “giời con” tự tung tự tác. Bên cạnh những DN làm ăn khá, biết tuân thủ pháp luật, vẫn không ít những DNNN “nói xuôi nhưng làm ngược” rất giỏi né luật, lách luật. Một thời mở loạn ngành nghề, mở bừa các dự án với cái lý tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước là phải đa chức năng, đa ngành nghề. Thế là đầu tư ra ngoài ngành loạn xạ. Thế là ỷ thế, mượn danh DNNN mở loạn các công ty con, cháu đến cả các công ty chắt. Các DN “sân trước sân sau” nở rộ như nấm sau mưa. Không thiếu chuyện DNNN uy oai còn nhờ cậy Chính phủ bảo lãnh vay vốn từ nước ngoài. Buồn nỗi khát vọng thì lớn, nhưng tầm nhìn tưởng xa dài, nhưng chiến lược lại quá ngắn, nên nhiều DN sản xuất kinh doanh bê trễ để “âm vốn, mất vốn” nặng nề. Nhiều món vay nước ngoài Chính phủ phải trả nợ thay. 12 dự án ngàn tỷ “đắp chiếu” quá tai tiếng của Bộ Công Thương cũng “phôi thai” ra từ tư duy DNNN phải đa chức năng đa ngành nghề mà giờ nên cơ sự để lại gánh quá nặng Chính phủ đang phải lo xử lý.
2 Dư luận lên tiếng rất mạnh về những yếu kém của DNNN khi chềnh ềnh ra những vụ việc đầu tư vào đâu cũng thua lỗ. Nhìn thẳng thì trong khi nhiều DNNN thua lỗ, nhưng có hay cả loạt DN “sân sau sân trước” bám bíu vào các DN này đều “phất lên” như được “lộc giời”. Mổ xẻ, thì đó chính là những chiêu rút ruột từ DNNN đến khó tin. Thôi thì ai đó ngồi ghế chủ tịch, tổng giám đốc tập đoàn, tổng công ty đều tìm cách “nâng tầm” cái uy quyền thanh thế mình nhờ nắm trong tay nhiều DN “vệ tinh”. Nói DN “vệ tinh” cho sang, cho có vẻ khách quan vô tư, nhưng thực chất chính là những cái “sân sau sân trước” thân tín của một số vị lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước và chính quyền các tỉnh thành cả. Nói thân tín, là nói đến các DN tư nhân của chính vợ con anh chị em các vị quyền uy của các DNNN mở ra kinh doanh ngay chính những thứ mà DNNN của ông chồng đang làm. Có vị “tế nhị”, sợ tiếng thì tính bài khôn ngoan thuê người khác đứng tên DN. Nhưng cũng chả thiếu vị vô tư ngang nhiên dùng ngay tư dinh làm trụ sở, lấy ngay tên vợ con để mở DN cứ như quyền mình được thế! Chuyện chưa xa có vị từ anh cán bộ lo tiêu thụ xi măng ở DN xi măng phía Nam thoắt cái được kéo ra làm trợ lý cho ông Tổng giám đốc vì là đàn em thân tín. Khi ông Tổng giám đốc “hạ cánh” về hưu thì được “đôn” vội lên giữ ghế Tổng giám đốc. Nhưng oai uy quyền hành, “mẹo vặt” thì có thừa, song lại quá non tầm, yếu kém trong quản lý “đẻ ra” cả loạt DN “sân sau” cho anh em thân hữu người nhà vụ lợi. Những DN này được chống lưng bợ đỡ toàn quyền “đón lõng” cả đầu vào đầu ra, độc quyền cả khâu vận chuyển hưởng lợi, buộc thanh tra vào cuộc “khui ra” đủ chuyện làm trái làm sai nên giữa đường “gẫy gánh ngã ngựa”!
Mới thấy, thực tế các DNNN còn nhiều lỗ hổng. Nếu các cơ quan thanh tra, kiểm tra vào cuộc ở nhiều tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, cũng chả thiếu những chuyện đủ cả “khóc - cười” trong điều hành sản xuất kinh doanh, trong cách chọn người, dùng người hiện nay…
Khi các DN “sân sau sân trước” càng nở rộ, DN vệ tinh, DN thân hữu “bung ra” càng nhiều cứ bám bíu vào các DNNN như “tầm gửi” trong mối quan hệ chằng chịt ngang dọc, ắt sẽ phát sinh ra đủ thứ làm ăn bát nháo bất minh. Thôi thì “xin - cho” từ đầu vào đến đầu ra. Thôi thì ban phát cho DN tư nhân này lo cái vỏ bao đóng gói, DN tư nhân kia lo nguyên liệu đầu vào, độc quyền khâu vận chuyển, khâu tiêu thụ… Cứ thế các DN “nối cầu” nhau, “tung hứng” nhau, “bắt tay ngầm” với nhau trong ánh mắt và nụ cười cùng chia chác nhau hưởng lợi.
Chính vì có quá nhiều DN tư nhân “sân sau sân trước” và bây giờ lại có cả “vườn sau” bám bíu vào, nên DNNN vô tình như người “khổng lồ” bị rút ruột. Âm vốn, mất vốn cũng từ đây mà ra. Nội bộ đấu đá nhau, kết bè kéo cánh cũng từ đây mà ra!
Ai hay: Mở DN giờ dễ dàng là chủ trương tạo thuận lợi cho mọi người vươn lên làm giàu chính đáng. Nhưng lỗ hổng quá to của chuyện mở DN thông thông dễ dàng, lại là cơ hội cho các DN “sân sau sân trước” của các DNNN thả sức tung hoành. Người đứng đầu Chính phủ chưa xa đã chỉ thẳng giữa một hội nghị các DN lớn: Tôi biết có ông DNNN ngồi đây có tới hơn chục “sân sau”! Bây giờ lại nghe chính Thủ tướng nói đến không chỉ có “sân trước sân sau” mà còn có cả “vườn sau” nữa. Dư luận nghe càng thêm giật mình!
Giật mình về cách quản lý giám sát các DNNN chưa chặt! Giật mình về cách chọn người đứng đầu các DNNN nơi này chỗ kia chưa chọn đúng người cần chọn. Giật mình vì DNNN thua lỗ, nhưng quy trách nhiệm cá nhân còn bị né nể giằng co không dễ. Nhiều vị kiếm chác ních đầy túi “hạ cánh” nhẹ nhàng. Tất cả thực tế ấy đều lý giải vì sao nhiều DNNN làm ăn chưa hiệu quả. Liệu đã thu hồi hết vốn Nhà nước khi các DNNN đầu tư loạn ra ngoài ngành về chưa? Liệu những chiêu trò rút ruột Nhà nước rất trắng trợn trong cổ phần hóa DNNN đã chặn lại hết chưa? Những ồn ã về cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn, về Xưởng phim truyện với đủ hổng hểnh đã là bài học đắng chát để bịt lại những lỗ hổng ấy trong quản lý điều hành kinh tế của các DNNN hiện nay chưa? Phải có quyết sách, kế sách mạnh mẽ để bứt bỏ những “sân trước sân sau”, những cái “vườn sau” đang vây quanh bám bíu vào các DNNN như vây quanh bíu bám vào “bầu sữa” Nhà nước. Hãy tổng rà soát lại tài nguyên, đất đai công sở Nhà nước trao cho các tập đoàn, các tổng công ty đang sử dụng quản lý thế nào? Hãy kiểm toán, thanh tra kỹ vốn liếng Nhà nước trao cho các DNNN giờ đang sử dụng ra sao?
Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước ra đời vừa qua là rất trúng! Nhưng hàng triệu tỷ đồng của Nhà nước đang đầu tư vào đâu, dòng tiền rất lớn này đang chảy theo hướng nào, đang đi đâu, về đâu, thì lại cần ở Ủy ban này cả một chiến lược và tư duy kinh tế sắc sảo nhạy bén!
3 Đã đến lúc phải bứt bỏ nhanh những DN “sân trước sân sau” và cả những “vườn sau” đang vây quanh các DNNN. Còn để những DN tư nhân “tầm gửi” này, chính là những DN “nối giáo” để rút ruột Nhà nước. Đó chính là những cái ổ tham nhũng kéo bè kết cánh với nhau đang làm giàu riêng bất chính, còn bạc tiền Nhà nước thì thất thoát. Đó chính là nguyên nhân vì sao DNNN làm ăn kém hiệu quả và ngày càng teo tóp!
Nhìn kỹ hơn thì không chỉ một số lãnh đạo DNNN mở “sân sau sân trước” và “vườn sau” đâu. Cần xem lại cả các bộ ngành, chính quyền 63 tỉnh thành xem có bóng dáng “sân sau sân trước” với cả “vườn sau” trong mối quan hệ ngang dọc với các đại gia tư nhân bám bíu vào không? Cần nhìn từ những đắng chát trong các vụ đại án sắp đưa ra xét xử: Nếu không có những quan chức như 2 cựu Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn ăn hối lộ bọc tiền đô to tướng thì chả có vụ mua giá trị DN ảo AVG? Nếu không có mấy cựu lãnh đạo TP.HCM, Đà Nẵng “hà hơi tiếp sức” thì Vũ “nhôm” cũng chả dễ gì thao túng khuynh đảo đất đai công sản ở những khu “đất vàng” như thế. Nếu không có Tất Thành Cang liều lĩnh ký tá thì cũng chả có những bán mua sang nhượng đất đai mà Nhà nước thua thiệt hàng ngàn tỷ đồng, giờ dư luận vẫn chưa hết nóng…
Bứt bỏ “sân sau sân trước” là kiên quyết loại thẳng tay những ai đó xòe ô dù “chống lưng” đứng đằng sau!
Đỗ Quang Đán
Theo