(Xây dựng) - Mấy hôm nay, dư luận ồn ào bởi thông tin TP Hà Nội mỗi tháng sẽ phải cấp hàng chục tỷ đồng bù lỗ cho... DN nước ngoài bởi việc mua nước sạch của Cty CP nước mặt Sông Đuống.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet). |
Nhà máy nước mặt sông Đuống nằm tại huyện Gia Lâm với tổng công suất dự kiến 1,2 triệu m3/ngđ sau năm 2030. Giai đoạn 1 đã được khánh thành vào ngày 05/9/2019 với công suất 300 nghìn m3/ngđ. Cách đây ít ngày, một Cty của Thái Lan đã nắm trọn 34% cổ phần của Cty nước mặt này.
Việc chuyển nhượng cổ phần trong các DN là rất bình thường, mà việc bù lỗ cho các DN công ích cũng là việc rất bình thường nếu như TP quyết định mua với giá thấp hơn giá bán đầu ra của DN. Thế nhưng riêng với nước mặt Sông Đuống lại có vấn đề cần phải bàn.
Đó là việc TP chấp nhận giá đầu ra của nước sạch Sông Đuống đang quá cao so với nước sạch Sông Đà,...
...cụ thể là trong khi Sông Đà bán giao với giá 5.069,76 đ/m3, thì Sông Đuống có giá bán tạm tính gấp đôi, tới 10.264 đ/m3. Mà giá mua đầu vào cao, giá bán đầu ra thấp thì đương nhiên ngân sách phải bù lỗ.
Nỗi băn khoăn của nhiều người nằm ở chỗ, mặc dù nước sạch Sông Đà chỉ bán với giá 5.069,76 đ/m3 nhưng tính từ những năm đầu đến nay, lợi nhuận sau thuế của Cty này tăng gấp hàng trăm lần (năm 2012 Cty chỉ lãi 215 triệu đồng đến năm 2018 đã lên tới hơn 218 tỷ đồng).
Các nguồn thông tin cho hay, trong 4 năm gần nhất, mỗi năm Cty nước sạch Sông Đà đều đạt trên 400 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận sau thuế đều trên 100 tỷ đồng: 147 tỷ đồng (năm 2015), 167 tỷ đồng (năm 2016), 169 tỷ đồng (năm 2017), 218 tỷ đồng (năm 2018).
Cùng mang danh là nước sạch, cùng theo một tiêu chuẩn của quốc gia, cùng chung trên địa bàn TP, vậy tại sao giá nước sạch Sông Đuống lại “vượt mặt” nước sạch Sông Đà với khoảng cách khủng khiếp như vậy?
Đó là chưa kể thị trường được phân chia của nước sạch Sông Đuống “độc quyền” lớn gấp 3 lần so với nước sạch Sông Đà, khoảng 3 triệu dân so với khoảng 1 triệu dân.
Tuy biết rằng quy trình thẩm định và phê duyệt giá nước sạch tối đa cho các nhà máy nước của Hà Nội được tiến hành khá chặt chẽ, có đủ các thành phần của Sở Xây dựng, Sở Tài chính, Sở LĐTB&XH, rồi lại phải được phê duyệt của Chủ tịch UBND TP, nhưng thực tiễn nhiều lần đã chứng minh rằng, chỉ lơi mắt ra một tý là “con voi vẫn chui lọt lỗ kim”.
Và hy vọng một điều nữa, ngân sách TP vốn chẳng dày dặn gì, nếu có bù lỗ thì hãy bù lỗ cho người dân. Còn nếu bù lỗ đến 34% cho DN nước ngoài, thật không đáng!
Nguyễn Hoàng Linh
Theo