Kể từ ngày 15/8/2020 tất cả dự án BT chưa phê duyệt chủ trương đầu tư đã phải dừng thực hiện. Vậy các dự án đã và đang triển khai sẽ như thế nào?
Kiểm toán Nhà nước nhận định, việc thực hiện dự án BT không thực sự giảm gánh nặng cho ngân sách. (Ảnh minh họa/nguồn: Báo Đấu Thầu). |
Trao đổi với Dân trí, PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng việc dừng tất cả dự án BT chưa phê duyệt chủ trương đầu tư là đúng đắn. Đối với những dự án đã và đang triển khai, việc rà soát lại cũng là cần thiết để đảm sự minh bạch cũng như đảm bảo tiến độ các dự án...
Tháng 6/2020, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) được thông qua. Theo đó, các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT) chính thức bị loại bỏ. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn những tranh cãi xung quanh quyết định này. Góc nhìn của ông ra sao?
- Tôi nghĩ rằng dừng lại là đúng. Thời gian qua, nhiều dự án đầu tư PPP, trong đó có BT đã bộc lộ một số sơ hở, thiếu sót, là lỗ hổng gây thất thoát ngân sách Nhà nước.
Đặc biệt, vấn đề định giá ở dự án BT Nhà nước đang thiệt cả hai đầu, trong khi đó chủ đầu tư thì lợi cả đôi đường.
Mục tiêu quan trọng nhất của hình thức BT đó là huy động tốt được nguồn lực xã hội vào đầu tư phát triển hạ tầng, nhất là trong bối cảnh ngân sách Nhà nước khó khăn, không đủ nguồn đáp ứng phát triển hạ tầng kinh tế xã hội.
Bản chất BT không xấu nhưng việc vận dụng nó thì nảy sinh nhiều bất cập. Cơ chế của nó sinh ra thất thoát. Và ngay mục tiêu quan trọng nhất của nó không đạt được khi mà nhiều chủ đầu tư thậm chí còn "tay không bắt giặc" với số vốn ít ỏi.
Nhiều doanh nghiệp tham gia dự án BT với số vốn chỉ cần thấp nhất 15%, còn lại phần lớn là đi vay. Vậy với nhiều dự án, mục tiêu chúng ta huy động nguồn lực trong dân có đạt được hay không, rõ ràng là không.
Rồi đến vấn đề định giá, đổi đất lấy hạ tầng. Nhiều dự án ở các thành phố lớn, chỉ vài km đường mà đổi lấy bạt ngàn đất. Vấn đề xác định đúng giá trị của cả công trình hạ tầng và tài sản công đem đổi là lâu này đã làm tốt chưa? Khi các quy định về xác định giá trị không cụ thể, thiếu minh bạch, nhất là tồn tại nhiều khoảng trống thì nguy cơ tham nhũng lớn luôn gắn với các dự án BT.
PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng việc dừng tất cả dự án BT chưa phê duyệt chủ trương đầu tư là chủ trương đúng đắn. |
Được chỉ ra rằng hợp đồng BT của Việt Nam không hoàn toàn đúng bản chất của dự án PPP, kể từ ngày 15/8/2020, tất cả dự án BT chưa phê duyệt chủ trương đầu tư sẽ phải dừng thực hiện. Vậy các dự án đã và đang triển khai nên như thế nào?
- Kể cả những dự án đã và đang triển khai rồi cũng cần phải được rà soát lại hết.
Trong kinh tế thị trường, giá của sản phẩm, hàng hóa dịch vụ được quyết định không chỉ bởi cơ chế giá cả mà phải xét đến tác động của quan hệ cung - cầu và quan hệ cạnh tranh.
Giá dự toán của công trình BT chủ yếu do tư vấn thiết kế tính toán và giá đất do các chuyên gia về giá đề xuất chủ yếu dựa trên cơ chế giá cả. Đây là biểu hiện của sự kém minh bạch trong các hợp đồng BT và mặc dù triển khai rồi nhưng vẫn cần rà soát lại.
Một vấn đề cũng cần được chú ý, đó là việc đội vốn rất lớn tại nhiều dự án BT từng được cơ quan chức năng chỉ ra. Việc đánh giá năng lực, lựa chọn nhà đầu tư không đủ năng lực để thực hiện dự án cũng là vấn đề rất lớn cần được xem xét.
Rồi dự án đã triển khai nhưng bị chậm tiến độ so với yêu cầu thì cũng cần được đốc thúc, đẩy nhanh, đáp ứng được yêu cầu của sản xuất. Nếu chậm trễ, kéo dài quá giới hạn thì phải thu hồi, chứ không thể để ảnh hưởng quá lớn tới hoạt động của nền kinh tế nữa.
Tiếp theo nữa là cần chú trọng việc tăng cường kiểm tra, thanh tra đảm bảo chất lượng của các dự án BT.
Theo một số chuyên gia, sau thời gian, số lượng dự án BT tồn đọng bất cập vẫn còn rất nhiều. Thanh tra và xử lý triệt để là điều tiên quyết mà các cơ quan chức năng cần hướng tới, thưa ông?
- Việc xử lý các dự án BT trong thời gian qua chưa tốt. Thanh tra, kiểm tra, chỗ nào cũng có vi phạm, có chuyện nọ chuyện kia… Quy định pháp luật dù có chặt chẽ nhưng yếu tố đảm bảo hiệu quả trong thực tế lại phụ thuộc rất nhiều vào người thực thi. Do vậy đã đến lúc xem xét cơ chế thưởng phạt thật phân minh, làm tốt thì sẽ thưởng còn làm sai thì phải phạt.
Vi phạm lớn thì phải đưa ra xử lý hình sự. Chả có cách nào khác nào cả. Cơ chế cũng phải thay đổi để làm sao thuận lợi được việc giám sát mà cũng không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Còn đối với doanh nghiệp mắc sai phạm, hãy rà soát lại xem đã xử lý triệt để được bao nhiêu vụ? Các chế tài đã đủ răn đe doanh nghiệp sai phạm chưa?
Có ý kiến cho rằng việc dừng phê duyệt các dự án BT sẽ ảnh hưởng tới thị trường bất động sản, ông nghĩ sao về vấn đề này?
- Dự án BT tạm dừng bị phê duyệt nhìn chung không có quá nhiều sự ảnh hưởng đến thị trường bất động sản. Khi hạ tầng và dịch vụ công cộng đã phát triển đến một mức độ nhất định thì hình thức BT cần thu hẹp lại để nhường chỗ cho vốn hóa đất công bằng những hình thức khác mang lại hiệu quả cao hơn.
Đất đổi lấy hạ tầng thì giá rẻ, sau đó chủ đầu tư làm đường, xây lên bán giá cao vời vợi, lợi lộc chủ đầu tư thu hết. Nếu mà phát triển bất động sản như vậy thì cũng bất ổn.
Cái mà chúng ta cần cho thị trường bất động sản là gỡ nút thắt về cơ sở hạ tầng. Đáng lý chúng ta là phải có dự án BT trước nhưng ở nhiều dự án, đường thì chưa làm xong, đất đai đã bán xong rồi.
Nói chung BT dễ dẫn đến những tiêu cực như tham ô, tham nhũng, doanh nghiệp sân sau. Các kết luận cơ quan kiểm toán, cơ quan thanh tra đã từng chỉ ra nhiều sai phạm trong việc thực hiện các dự án BT.
Nó đem lại hệ lụy xấu cho nền kinh tế, làm thất thoát tài sản, mất cán bộ. Do vậy, khi nói đến cái lợi - hại trong việc tiếp tục hay dừng hẳn thì cân nhắc rất nhiều vấn đề. Và đến bây giờ, khi chúng ta quyết định dừng hẳn rõ ràng là có lý do. Trong giai đoạn hiện nay, còn có nhiều điều kiện chưa đáp ứng được thì dừng dự án BT là cần thiết.
Xin cảm ơn ông.
Theo N.K (thực hiện)/Dantri.com.vn