Thứ năm 26/12/2024 22:47 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội / Nông thôn mới

Bố Trạch (Quảng Bình): Xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển du lịch

23:02 | 28/10/2022

(Xây dựng) - Xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển du lịch nông thôn được xem là định hướng đúng đắn của tỉnh Quảng Bình, bởi địa phương này có lợi thế về địa hình, thổ nhưỡng, làng nghề đa dạng, nhiều đặc trưng văn hóa nông nghiệp, nông thôn tiêu biểu.

bo trach quang binh xay dung nong thon moi gan voi phat trien du lich
Lưu trú Homestay, loại hình du lịch gắn kết du khách với địa phương.

Gắn kết du lịch với nông thôn

Có dịp được về tham quan, ghi nhận thực tế ở xã Cự Nẫm và Sơn Lộc (huyện Bố Trạch) của tỉnh Quảng Bình, chúng tôi được đến thăm một số mô hình sản xuất nông nghiệp nơi đây. Cự Nẫm là địa phương thường xuyên hạn hán nên việc phát triển cây trồng khó khăn. Sau quá trình tìm hiểu, các thành viên Hợp tác xã Cự Nẫm nhận thấy cây cà gai leo và cây thìa canh có thể phát triển trên vùng gò đồi.

Với sự hỗ trợ các cơ quan chức năng, từ 1,5ha trồng cà gai leo ban đầu ở những đồi hoang, đến nay, hợp tác xã đã có 8ha trồng dược liệu trong đó cà gai leo 5 ha, thìa canh 2ha, chè vằng 1ha. Nhờ sản xuất theo hướng hữu cơ, các loại dược liệu của hợp tác xã luôn phát triển tốt trên vùng đất khô cằn.

Nhiều khách hàng còn đến tận vườn tham quan và đặt hàng trực tiếp. Đến nay, hiệu quả kinh tế của mô hình gấp 5-8 lần so với cây hoa màu như ngô, sắn… Bên cạnh đó, hợp tác xã còn đầu tư dây chuyền máy móc hiện đại phục vụ chế biến các sản phẩm từ thảo dược. Mô hình của hợp tác xã trở thành một trong những mô hình điểm được huyện Bố Trạch chủ trương nhân rộng.

Tương tự, tại xã Sơn Lộc, mô hình trồng nấm VietGAP, thân thiện môi trường, với dấu ấn nổi bật từ Hợp tác xã Nấm sạch Tuấn Linh cũng đang phát huy hiệu quả, tạo thu nhập khá.

Ông Nguyễn Quốc Hương - Giám đốc Hợp tác xã chia sẻ: Nhờ sản xuất an toàn, Hợp tác xã Nấm sạch Tuấn Linh cung ứng ra thị trường hơn 100 tấn nấm chất lượng cao mỗi năm, mang lại doanh thu 7 - 8 tỷ đồng, tạo việc làm cho hơn 20 lao động thường xuyên, mức lương ổn định ở mức 4,5-5 triệu đồng/người/tháng.

Ngoài những lợi thế về địa hình, thổ nhưỡng, từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, sự thuận lợi về vị trí, khoảng cách của các hợp tác xã với các khu du lịch cũng tạo điều kiện tốt cho việc gắn kết sự phát triển du lịch với các sản phẩm nông nghiệp.

Đặc biệt, tại xã Sơn Trạch (thị trấn Phong Nha, huyện Bố Trạch), gần đây đang phát triển mạnh loại hình du lịch Homestay (hình thức du lịch tại gia), Farmstay (du lịch cộng đồng trải nghiệm). Đây chính là hình thức khuyến khích người dân phát triển kinh tế du lịch của tỉnh Quảng Bình.

Anh Nguyễn Văn Sỹ (quản lý điểm lưu trú Sỹ Homestay) cho biết: Nắm được nhu cầu ở của khách du lịch, anh đã vay vốn đầu tư xây dựng khu nhà homestay. Mới đầu anh xây dựng 3 phòng với kinh phí hơn 1 tỷ đồng, diện tích nhỏ có 2 giường tầng, rất thích hợp cho một gia đình nghỉ lại đây. Chi phí 50 USD/đêm, trung bình mỗi ngày được khoảng 12 khách. Sau đó, anh cho xây dựng thêm 8 khu nhà homestay cũng như có kế hoạch xây dựng trang trại vườn để thu hút khách địa phương. Do đó, anh mong muốn tiếp tục có sự hỗ trợ của chính quyền địa phương.

Ông Trần Nam Trung - Bí thư Thị ủy Phong Nha, huyện Bố Trạch cho biết, chính quyền tạo mọi thuận lợi cho người dân có thể chuyển đổi từ đất nông nghiệp sang đất ở, xây dựng các phòng ốc, buồng nghỉ làm dịch vụ homestay.

Bên cạnh việc hỗ trợ giúp người dân làm du lịch, huyện cũng đã tổ chức một số lớp đào tạo tiếng Anh miễn phí cho bà con vùng Phong Nha, chỉ đạo các ngành có liên quan tuyên truyền để nâng cao nhận thức về cách ứng xử, văn hóa.

Hướng đến đô thị du lịch chuyên biệt

Chứng kiến sự đổi thay từ 3 xã nghèo của tỉnh Quảng Bình, có thể thấy, sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (2008 - 2022), vai trò, vị trí của nông nghiệp, nông dân và nông thôn trên địa bàn tỉnh Quảng Bình nói chung đã được nâng lên một bước.

Do đó, tới đây, tỉnh Quảng Bình sẽ đẩy mạnh triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm nhằm nâng cao đời sống cho người dân. Đồng thời, tập trung quy hoạch vùng lưu trú trong thôn, xã để giữ chân du khách.

Hơn hết, sự kiện Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 862/NQ-UBTVQH14, thành lập thị trấn Phong Nha trên cơ sở nguyên trạng của xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch kể từ ngày 01/02/2020 đánh dấu việc hình thành một đô thị du lịch chuyên biệt của tỉnh Quảng Bình, cùng một mô hình chính quyền thị trấn đúng nghĩa, với sứ mệnh cụ thể.

bo trach quang binh xay dung nong thon moi gan voi phat trien du lich
Thị trấn Phong Nha được xây dựng thành đô thị du lịch, với quy chế quản lý riêng biệt.

Ông Nguyễn Hữu Hồng - Phó Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch nhìn nhận: Thị trấn Phong Nha được thành lập đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, phù hợp với quy hoạch tổng thể đơn vị hành chính, phát triển đô thị của địa phương; đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước và tạo động lực cho việc phát triển kinh tế - xã hội của huyện Bố Trạch nói riêng và khu vực phía Tây tỉnh Quảng Bình nói chung.

Việc thành lập thị trấn cũng vừa bảo đảm yêu cầu về quốc phòng - an ninh, trật tự toàn xã hội, vừa đáp ứng tâm tư nguyện vọng và lòng mong mỏi của nhân dân, cấp ủy, chính quyền địa phương.

Hệ thống các công trình hạ tầng đô thị sẽ được đầu tư xây dựng để thị trấn phát triển mạnh về nhiều mặt, góp phần cải thiện môi trường, nâng cao chất lượng, điều kiện sống đô thị cho nhân dân khu vực.

Qua thống kế, hiện trên địa bàn huyện Bố Trạch có hơn 170 cơ sở lưu trú du lịch, với trên 1.600 phòng, gần 3.400 giường; có 8 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành tập trung chủ yếu ở thị trấn Phong Nha và các xã: Cự Nẫm, Hưng Trạch, Thanh Trạch. Trong giai đoạn 2016 - 2022, Bố Trạch dự ước đón hơn 5 triệu lượt khách du lịch; tổng doanh thu du lịch đạt 1.200 tỷ đồng.

Trong hơn 6 năm qua, toàn huyện giải quyết việc làm mới cho 3.780 lao động; mức thu nhập bình quân đầu người hàng năm tăng 3,8 triệu đồng, năm 2020 đạt 48,1 triệu đồng/kế hoạch 48 triệu đồng.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch Nguyễn Hữu Hồng, giai đoạn 2022 - 2025, huyện đang chỉ đạo Phòng Văn hóa - Thông tin tiến hành khảo sát các điểm du lịch ở xã Hưng Trạch để xây dựng đề án thành lập Làng du lịch Bồng Lai; đồng thời, phối hợp các Sở, ngành, địa phương triển khai Đề án Làng văn hóa, du lịch xã Cự Nẫm; khai thác dịch vụ du lịch ven biển Đá Nhảy và Trung Trạch…

Nhất Linh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load