Thứ ba 31/12/2024 01:04 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Kinh tế /

Bộ Công Thương cân nhắc việc điều chỉnh giá điện

18:50 | 20/12/2022

Theo Bộ Công Thương, thời gian qua giá đầu vào sản xuất điện tăng mạnh không chỉ ở Việt Nam mà cả trong khu vực và trên thế giới.

Bộ Công Thương cân nhắc việc điều chỉnh giá điện
Công nhân Tổng Công ty Điện lực TP Hà Nội vận hành cung cấp điện. Ảnh minh họa: Ngọc Hà/TTXVN

Hiện nay, Bộ đang cùng các bộ, ngành rà soát trên cơ sở đề xuất điều chỉnh giá điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) theo Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định 24) quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân cũng như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Ngoài ra, Bộ Công Thương cân nhắc các phương án điều chỉnh giá điện căn cứ vào sức chịu đựng của nền kinh tế, người dân và doanh nghiệp.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải mới đây cũng cho hay, giá đầu vào sản xuất điện tăng nên cần cân nhắc điều chỉnh giá bán lẻ, nhưng tăng ở mức nào phải rà soát, sau đó đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Hiện mức tăng giá bán lẻ điện bình quân đã vượt thẩm quyền của EVN (tăng trên 5%) và giá bán lẻ vẫn ở mức thấp thì ngành điện không thể chịu đựng được lâu dài.

Theo quy định tại Quyết định 24 khi các thông số đầu vào làm biến động giá bán điện từ 3 - 5%, EVN được phép điều chỉnh giá bán điện bình quân ở mức tương ứng, sau đó báo cáo Bộ Công Thương để kiểm tra, giám sát; ở mức 5% đến dưới 10%, EVN báo cáo Bộ và tăng giá sau khi được chấp thuận. Đối với mức giá điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 10% trở lên hoặc điều chỉnh ngoài khung giá quy định do những tác động mạnh làm tăng chi phí, EVN sẽ trình phương án tăng giá và Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành rà soát, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét.

Ông Hồ Sỹ Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho biết, Việt Nam đang trong lộ trình hướng tới thị trường điện cạnh tranh, Ủy ban rất mong muốn có cơ chế để đưa giá điện hiện nay về sát với giá thị trường, doanh nghiệp có cơ sở tự xem xét hiệu quả hoạt động đầu tư cũng như chi phí sản xuất kinh doanh để đưa ra mức giá phù hợp. Khi chưa thực hiện được vấn đề này thì sẽ ảnh hưởng tới hiệu quả kinh tế và sự phát triển của ngành điện. Đồng thời, việc xã hội hóa, thu hút đầu tư cũng gặp khó khăn, ảnh hưởng cung ứng điện cho nền kinh tế.

Hiện nay, Việt Nam đang là nước nhập khẩu ròng năng lượng với mức nhập khẩu đáng kể than, dầu và thời gian tới sẽ là khí tự nhiên hóa lỏng (LNG)… Do vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, về chính sách cần có những quy định, hướng điều chỉnh phù hợp, kịp thời để đảm bảo vận hành hiệu quả hệ thống điện, an ninh năng lượng quốc gia.

Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính cho rằng, thực hiện theo Quy định 24 thì EVN được quyền điều chỉnh giá 6 tháng/lần nếu các thông số đầu vào biến động tăng 3% trở lên so với giá bán hiện hành. Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chỉnh giá khi giá bán điện bình quân tính toán cao hơn giá điện hiện hành từ 10%. Tuy nhiên, để kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, Việt Nam giữ ổn định giá bán điện từ tháng 3/2019 đến nay trong điều kiện giá bán điện thấp hơn chi phí sản xuất.

"Để sản xuất điện, chúng ta phải nhập nguyên liệu đầu vào. Giá điện trong nước đang không phản ánh giá trị thị trường thế giới của những loại đầu vào này và những yếu tố khác. Do vậy, việc điều hành giá điện theo cơ chế giá thị trường cần cân nhắc lựa chọn", ông Nguyễn Tiến Thỏa nói.

Ông Thỏa cho biết thêm, xăng dầu là mặt hàng bình ổn giá, doanh nghiệp được quyền quyết định giá, còn điện là mặt hàng nhà nước định giá chứ không phải EVN. Mặt khác, việc điều chỉnh giá điện phải được tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng vì nó tác động rất lớn tới sản xuất - kinh doanh của toàn bộ nền kinh tế.

Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, chi phí đầu vào và các chi phí sản xuất, quản lý tăng, trong khi giá bán điện cố định không điều chỉnh thì ngành điện lỗ nặng là điều đương nhiên và sẽ tiếp tục lỗ nếu không có sự điều chỉnh kịp thời. Đến năm 2023 sẽ là 4 năm Việt Nam chưa tăng giá điện, nhưng nếu tăng phải cân nhắc mức tăng sao cho phù hợp với tăng trưởng, lạm phát cũng như những tác động tới người dân, doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn hiện nay.

Trước đó, theo đề xuất của EVN, do biến động giá nhiên liệu như: than, dầu, khí trên thế giới khiến chi phí sản xuất điện và mua điện của EVN tăng rất cao. Căn cứ diễn biến giá nhiên liệu các tháng đầu năm 2022 và kế hoạch vận hành hệ thống điện đã được Bộ Công Thương phê duyệt từ đầu năm thì năm nay EVN có thể lỗ lên tới 64.805 tỷ đồng.

Để ứng phó vấn đề này, Tập đoàn đã thực hiện triệt để việc tiết kiệm và cắt giảm chi phí như: tiết kiệm 10% các chi phí thường xuyên; cắt giảm từ 20 - 30% chi phí sửa chữa tài sản cố định; tạm chi lương cho cán bộ công nhân viên bằng 80% mức lương bình quân năm 2020; tăng cường quản trị các khoản giảm giá thành điện... Đồng thời, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp tối ưu hóa dòng tiền, thu cổ tức của các công ty cổ phần có vốn góp của EVN trong năm 2022.

Bên cạnh các giải pháp về quản trị, trong sản xuất EVN vận hành tối ưu hệ thống điện để phát tối đa nguồn thủy điện (chi phí thấp); điều phối các hợp đồng mua than, ưu tiên các nguồn than có giá rẻ hơn để giảm chi phí phát điện; đàm phán với các chủ đầu tư các nhà máy điện BOT về sản lượng phát điện để tối ưu hóa chi phí chung...

Đại diện EVN cho hay, trong bối cảnh tình hình tài chính hiện nay khiến Tập đoàn gặp rất nhiều khó khăn và có thể kéo sang các năm tiếp theo. Trước mắt là khó khăn trong việc không cân đối được dòng tiền để thanh toán chi phí mua điện cho các đơn vị phát điện, ảnh hưởng đến khả năng hoạt động liên tục của các nhà máy điện và đảm bảo cung cấp điện.

Ngoài ra, những năm gần đây chi phí sửa chữa lớn phải cắt giảm theo định mức từ 10 - 30% và việc sửa chữa tiếp tục cắt giảm sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến an toàn vận hành hệ thống điện thời gian tới. Đặc biệt là khó khăn trong huy động, cân đối nguồn vốn để đầu tư các dự án điện, sửa chữa, bảo dưỡng các công trình điện...

Theo dự báo của các Tổ chức quốc tế, giá nhiên liệu thế giới năm 2023 chưa có dấu hiệu giảm xuống mức bình quân năm 2021; tỷ trọng các nguồn điện có giá thành rẻ như thủy điện có xu hướng giảm và tăng tỷ trọng các nguồn điện có giá bán cao; tỷ giá USD liên tục tăng trong thời gian qua...

Vì vậy, EVN kiến nghị áp dụng cơ chế thị trường cho giá điện, tương tự như cơ chế điều chỉnh giá xăng dầu hiện nay.

Theo Đức Dũng (TTXVN)

Cùng chuyên mục
  • Bắc Giang: Công bố điều chỉnh Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

    (Xây dựng) – Mới đây, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Giang đã ban hành văn bản, về việc công bố điều chỉnh Quy hoạch tỉnh Bắc Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

  • Đà Nẵng: Sẽ thay đổi giá nước sạch từ ngày 01/01/2025

    (Xây dựng) - Từ đầu năm 2025, thành phố Đà Nẵng sẽ điều chỉnh tăng giá nước sạch nhằm bù đắp chi phí cho công tác vận hành và duy trì hoạt động cấp nước.

  • Quản lý vận hành hiệu quả dự án xanh: Từ thiết kế đến sử dụng năng lượng

    (Xây dựng) - Để được công nhận là công trình xanh, ngoài đáp ứng các tiêu chí bền vững về xây dựng thiết kế, vật liệu thi công, các dự án cần phải đáp ứng hiệu suất môi trường, vận hành tiết kiệm năng lượng. Việc quản lý vận hành dự án xanh cũng cần tập trung một cách toàn diện vào nhiều yếu tố từ khâu thiết kế, xây dựng hướng tới hiệu quả sử dụng tối đa nguồn năng lượng điện, nước, chất lượng không khí, các phương pháp quản lý tối ưu.

  • Hà Tĩnh: Tốc độ tăng trưởng ngành Xây dựng vượt 306% so với kế hoạch

    (Xây dựng) - Năm 2024, ngành Xây dựng Hà Tĩnh triển khai nhiệm vụ dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, điều hành của UBND tỉnh, Sở Xây dựng đã chủ động triển khai thực hiện nhiệm vụ bám sát các nghị quyết, chương trình, kế hoạch của tỉnh, vận dụng vào từng nhiệm vụ cụ thể với sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Sở và nỗ lực của toàn thể cán bộ công nhân viên chức nên đã đạt được những kết quả quan trọng.

  • Thị xã Việt Yên: Vươn tầm trước kỷ nguyên vươn mình

    (Xây dựng) – Xác định là điểm đến hạnh phúc của người dân và doanh nghiệp, thị xã Việt Yên đặt mục tiêu lên thành phố trực thuộc tỉnh vào năm 2027. Đứng trước kỷ nguyên vươn mình, thị xã Việt Yên mang sứ mệnh là địa bàn kinh tế trọng điểm không ngừng nỗ lực, phấn đấu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội, góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh Bắc Giang. Phóng viên Báo điện tử Xây dựng đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đại Lượng, Chủ tịch UBND thị xã Việt Yên về những mục tiêu quan trọng này.

  • Bổ sung, cập nhật Danh mục các loại hình nguồn điện, lưới điện vận hành giai đoạn tới năm 2030

    (Xây dựng) - Ngày 28/12, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn đã ký Quyết định số 1682/QĐ-TTg phê duyệt bổ sung, cập nhật Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load