(Xây dựng) – Đã gần hết quý III/2024 nhưng tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 ở Bình Thuận mới chỉ đạt 30% kế hoạch giải ngân mà Thủ tướng Chính phủ giao.
Tiến độ giải ngân đầu tư công ở Bình Thuận chủ yếu do đền bù, giải phóng mặt bằng chậm. |
Tính đến giữa tháng 9/2024, giá trị giải ngân vốn đầu tư công Bình Thuận mới chỉ đạt gần 1.529 tỷ đồng, bằng 30% so kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao.
Đối với các dự án do các địa phương làm chủ đầu tư, mới có 3 huyện, thị xã giải ngân trên 50% kế hoạch vốn: La Gi, Hàm Thuận Bắc và Phú Quý. Riêng huyện Tuy Phong, tiến độ giải ngân vốn đạt dưới 30% kế hoạch.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Bình Thuận, tỷ lệ giải ngân trên địa bàn tỉnh chưa đạt kết quả như mong muốn chủ yếu do công tác chuẩn bị đầu tư dự án kéo dài. Việc lập, thẩm định, phê duyệt, đấu thầu các dự án còn chậm, dẫn đến chưa có khối lượng để giải ngân.
Bên cạnh đó, tỉnh Bình Thuận còn khá nhiều dự án đang triển khai thực hiện vướng đền bù, giải phóng mặt bằng. Nguyên nhân chính là do ảnh hưởng bởi các yếu tố: Xác định nguồn gốc đất, xác định giá đất hoặc người dân chưa đồng thuận với phương án bồi thường, tái định cư.
Để phấn đấu kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công tỉnh Bình Thuận năm 2024 đạt trên 95% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, chính quyền tỉnh Bình Thuận đã đưa ra nhiều giải pháp.
Trong đó, đối với các dự án bố trí khởi công năm 2024, các chủ đầu tư khẩn trương hoàn thành thủ tục đấu thầu xây lắp, chậm nhất đến hết tháng 9/2024 phải hoàn thành xong công tác đấu thầu. Chủ động phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường, các địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Liên quan đến vấn đề này, lãnh đạo tỉnh Bình Thuận cũng đã chỉ đạo, giao trách nhiệm cho các Sở, ngành, địa phương liên quan tập trung rà soát, đẩy mạnh công tác thẩm định hồ sơ, xác định giá đất cụ thể, giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ xây dựng dự án, phấn đấu đảm bảo chỉ tiêu giải ngân vốn trên 95% tỉnh giao.
Công Hưng
Theo