(Xây dựng) – 9 tháng đầu năm 2023, tỉnh Bình Phước đã áp dụng nhiều giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và thu hút các nguồn vốn ngoài Nhà nước cho đầu tư phát triển, nhưng tốc độ giải ngân và thực hiện vốn đầu tư công còn chậm so với kế hoạch. Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội tăng 30,08% so với cùng kỳ năm 2022.
Đồ án đầu tư công 9 tháng năm 2023, tỉnh Bình Phước. |
Theo thông tin từ Cục Thống kê tỉnh Bình Phước, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội 9 tháng đầu năm 2023 đạt hơn 23.400 tỷ đồng (tăng 30,08% so với cùng kỳ năm 2022). Trong đó, khu vực kinh tế tư nhân chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng vốn đầu tư (74,79%) và đạt tốc độ tăng cao nhất (tăng 49,88%).
Quý III/2023, vốn đầu tư toàn xã hội đạt gần 8.600 tỷ đồng (tăng 15,34% so với cùng kỳ năm trước, trong đó vốn khu vực nhà nước giảm 30,60%, khu vực ngoài Nhà nước tăng 38,09%, còn khu vực có vốn đầu tư nước ngoài giảm 7,11%. Đáng chú ý, trong tổng vốn đầu tư từ vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý thực hiện trong 9 tháng qua giảm gần 11% so với cùng kỳ năm trước.
Hiện, nguồn vốn từ ngân sách tỉnh đang tập trung triển khai các công trình trọng điểm trên địa bàn gồm: Xây dựng hoàn thiện hạ tầng Khu công nghiệp Chơn Thành II; Xây dựng đường trục chính từ ĐT.741 vào khu công nghiệp và khu dân cư Đồng Phú; Xây dựng mương thoát nước mưa và thoát nước thải ngoài hàng rào khu công nghiệp Minh Hưng III mở rộng; Xây dựng mương thoát nước mưa và thoát nước thải ngoài hàng rào khu công nghiệp Minh Hưng - Hàn Quốc kéo dài; Xây dựng cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Bình Phước (giai đoạn 2)…
Được biết, nguyên nhân dẫn đến giải ngân vốn đầu tư công còn chậm là do công tác đấu giá quyền sử dụng đất gặp khó khăn, ảnh hưởng đến nguồn thu và giải ngân từ nguồn vốn này. Một số đơn vị thi công còn cầm chừng, nhất là các dự án giao thông chờ nguồn thu đấu giá quyền sử dụng đất của tỉnh; công tác giải phóng mặt bằng kéo dài và phối kết hợp giữa chủ đầu tư với Sở, ngành, địa phương chưa kịp thời…
Bức tranh kinh tế tại Bình Phước trong 9 tháng qua có nhiều điểm sáng như: Tổng thu hút đầu tư FDI bao gồm cấp mới và tăng thêm là hơn 743 triệu USD, vượt gấp 2,47 lần so với kế hoạch. Tính đến ngày 14/9, số dự án FDI trên địa bàn tỉnh Bình Phước là 396 dự án, vốn đầu tư là gần 4.165 triệu USD. Tuy nhiên, với dòng đầu tư trong nước, Bình Phước chỉ mới thu hút đạt 35,89% kế hoạch đề ra.
Bằng nhiều biện pháp để tháo gỡ khó khăn như các chính sách về thuế; tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng, tập trung vốn tín dụng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh; tăng cường hiệu quả cải cách thủ tục hành chính. Bên cạnh đó, tỉnh Bình Phước đã quyết liệt chỉ đạo đẩy mạnh công tác giải ngân vốn đầu tư công, để tạo thêm động lực cho tăng trưởng kinh tế. Đồng thời tạo thị trường cho các ngành công nghiệp, triển khai các giải pháp hiệu quả để tìm kiếm thị trường cho sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo trên địa bàn. Từ đó, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 9/2023 ước đạt gần 101,6% so với tháng trước và gần 120% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, ngành công nghiệp khai khoáng tăng 0,90% so với tháng trước; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng khoảng 5%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng khoảng 16%.
Khu công nghiệp Becamex Bình Phước tại huyện Chơn Thành. |
Để hoàn thành kế hoạch đề ra, UBND tỉnh Bình Phước đã yêu cầu các đơn vị, địa phương khẩn trương thực hiện nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; trong đó, xác định giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên; đề cao kỷ luật, kỷ cương trong quản lý đầu tư công, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, cản trở làm chậm tiến độ giao vốn, giải ngân vốn; nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, gắn kết quả giải ngân với đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Yphong
Theo