Chủ nhật 05/01/2025 13:45 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội / Nông thôn mới

Bình Liêu (Quảng Ninh): Huyện vùng cao biên giới đạt chuẩn nông thôn mới đầu tiên của cả nước

17:16 | 12/03/2024

(Xây dựng) - Ngày 6/2/2024, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 148/QĐ-TTg công nhận huyện Bình Liêu (Quảng Ninh) đạt chuẩn nông thôn mới năm 2023. Đây là huyện dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới đầu tiên của Việt Nam đạt chuẩn nông thôn mới theo bộ tiêu chí giai đoạn 2021-2025, phóng viên Báo điện tử Xây dựng đã thực tế huyện đạt thành tích cao quý này.

Bình Liêu (Quảng Ninh): Huyện vùng cao biên giới đạt chuẩn nông thôn mới đầu tiên của cả nước
Ngày 15/3/2024, huyện Bình Liêu tổ chức Lễ công bố Quyết định số 148/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2023.

Bí thư Huyện ủy Nguyễn Thị Tuyết Hạnh, người sinh trưởng ở đây cho biết: Bình Liêu là huyện miền núi, biên giới vùng rừng Đông Bắc (Quảng Ninh) có 7 đơn vị hành chính gồm 6 xã và 1 thị trấn; diện tích tự nhiên 470,76km2; dân số 33.386 người; đồng bào dân tộc thiểu số chiếm khoảng 96% chủ yếu là dân tộc Tày, Dao, Sán Chỉ... Năm đầu đưa chương trình xây dựng nông thôn mới về địa phương trong hoàn cảnh khó khăn, nhiều khe bản còn phải vận động nhân dân định canh - định cư, nhiều xã còn trong diện xóa đói - giảm nghèo (135), sản xuất tự sản tự tiêu; đồng bào dân tộc ít người còn nặng hủ tục văn hóa cũ. Các thế hệ cán bộ và nhân dân; trong đó có nguyên Bí thư Huyện ủy nay là Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tường Huy đã đoàn kết, quyết tâm triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới phù hợp với đặc điểm địa kinh tế và văn hóa địa phương.

Bình Liêu (Quảng Ninh): Huyện vùng cao biên giới đạt chuẩn nông thôn mới đầu tiên của cả nước
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Ký vui mừng khi bà con dân tộc thiểu số Bình Liêu biết làm kinh tế hàng hóa, trồng hoa thu nhập cao.

Phóng viên Báo điện tử Xây dựng tìm hiểu thời gian 13 năm Bình Liêu triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới thấy rằng, Bình Liêu xây dựng nông thôn mới có khác các địa phương bạn; không có sự chắp vá các công trình cho đủ tiêu chí, khi đạt được danh hiệu nông thôn mới rồi công trình lại bỏ hoang, hoặc chất lượng xây dựng quá kém không sử dụng được. Bình Liêu đặt nền móng chương trình xây dựng nông thôn mới có các giải pháp thực hiện cụ thể; và địa phương đã sớm tìm ra khâu đột phá là kết cấu hạ tầng, trong đó hạ tầng giao thông- đô thị là động lực.

Bình Liêu (Quảng Ninh): Huyện vùng cao biên giới đạt chuẩn nông thôn mới đầu tiên của cả nước
Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tường Huy tặng quà chúc mừng bà con dân tộc thiểu số vùng cao xây dựng được căn nhà mới.

Thực mục, đường sá mở đến đâu dân giàu lên đến đó, người dân no ấm thì sôi nổi hưởng ứng các phong trào văn hóa - xã hội mà địa phương phát động; đường sá thông thương không chỉ phát triển tốt kinh tế hàng hóa, người dân còn được du nhập nếp sống văn mình, tiếp thu văn hóa mới… rất đáng để các địa phương trong toàn quốc tham khảo cách xây dựng nông thôn mới.

Bình Liêu (Quảng Ninh): Huyện vùng cao biên giới đạt chuẩn nông thôn mới đầu tiên của cả nước
Bí thư Huyện ủy Nguyễn Thị Tuyết Hạnh, người sinh trưởng ở Bình Liêu cho biết, huyện Bình Liêu đạt chuẩn nông thôn mới năm 2023 là nhờ các thế hệ cán bộ và nhân dân Bình Liêu trên 13 năm bền bỉ phấn đấu mà thành.

Cách đây 5 năm, Bình Liêu đã xây dựng xong 250km đường giao thông liên xã khép kín kết nối 104 thôn bản, là huyện có hệ thống giao thông liên xã dài nhất tỉnh. Đường xã dài 83,74 bê tông hóa, nhựa hóa đạt 100%; đường ngõ, xóm sạch và đảm bảo đi lại thuận tiện quanh năm dài 76,81km được nhựa hóa, bê tông 100%, cao hơn mức quy định của tỉnh. 100% hộ dân ở phân tán trong các khe bản khuất hẻo ở Bình Liêu được phủ lưới điện quốc gia. Phủ lưới điện nhẹ, thông tin liên lạc 100% xã, thôn.

Bình Liêu (Quảng Ninh): Huyện vùng cao biên giới đạt chuẩn nông thôn mới đầu tiên của cả nước
Đường ngầm qua cặp cửa khẩu Hoành Mô (Việt Nam) - Động Trung (Trung Quốc), khi chưa triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới (Ảnh tư liệu).
Bình Liêu (Quảng Ninh): Huyện vùng cao biên giới đạt chuẩn nông thôn mới đầu tiên của cả nước
Cây cầu nối cặp cửa khẩu Hoành Mô (Việt Nam) - Động Trung (Trung Quốc) hiện nay.

Chủ tịch UBND huyện Phạm Đức Thắng cho biết, theo Bộ tiêu chí xã nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 ban hành theo Quyết định số 318/QĐ-TTg ngày 08/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ, Bình Liêu đạt tất cả các chỉ tiêu, tiêu chí, nhiều chỉ tiêu, tiêu chí còn chạm mức nông thôn mới nâng cao. Những chỉ tiêu - tiêu chí mà Báo điện tử Xây dựng quan tâm là huyện Bình Liêu có quy hoạch chung xây dựng xã được phê duyệt phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của xã giai đoạn 2021-2025, trong đó có quy hoạch khu chức năng dịch vụ hỗ trợ phát triển kinh tế nông thôn và được công bố công khai đúng thời hạn; huyện đã Ban hành quy định quản lý quy hoạch chung xây dựng xã và tổ chức thực hiện theo quy hoạch.

Bình Liêu (Quảng Ninh): Huyện vùng cao biên giới đạt chuẩn nông thôn mới đầu tiên của cả nước
Bình Liêu có trên 250km đường giao thông liên xã khép kín kết nối 104 thôn bản, là huyện có hệ thống giao thông liên xã dài nhất tỉnh.

Về xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, toàn huyện có 419,8 km đường giao thông, trong đó đường huyện có 101,68km; đường xã có 83,74km; đường thôn có 121,95km; đường ngõ xóm có 76,81km; đường nội đồng 46,99km. Hệ thống đường trên địa bàn huyện được bê tông, nhựa hóa đạt 100%; khu vực đông dân cư được chiếu sáng, trồng cây xanh, cây hoa; hệ thống đảm bảo an toàn giao thông được đầu tư đồng bộ. Khu vực trung tâm các xã, thị trấn được đầu tư vườn hoa, tiểu cảnh, cây xanh… Hệ thống thoát nước được xây dựng đảm bảo an toàn cho người dân theo quy định với số km kênh mương được vệ sinh, nạo vét, khơi thông dòng chảy, phát quanh kè bờ tạo cảnh quan, không gian xanh - sạch - đẹp, an toàn trên địa bàn toàn huyện là: 291,5km; Hệ thống chiếu sáng trên địa bàn xã, thôn được đầu tư xây dựng 107,8/205,7km đạt 52,4%.

Bình Liêu (Quảng Ninh): Huyện vùng cao biên giới đạt chuẩn nông thôn mới đầu tiên của cả nước
Bình Liêu khí hậu mát mẻ, đất đai màu mỡ phù hợp với cây hoa phát triển, huyện có thêm nguồn thu từ dịch vụ du lịch sinh thái, du lịch Lễ hội.

Năm 2023, Bình Liêu tổng số hộ có nhà ở là 7.780 hộ, khu vực nông thôn có 5804/5.804 hộ có ở kiên cố hoặc bán kiên cố, đạt 100% (trong đó nhà ở kiên cố 5.516 hộ bằng 95%, nhà ở bán kiên cố 288 hộ bằng 5%); khu vực đô thị có 1.976/1.976 hộ có nhà ở kiên cố hoặc bán kiên cố đạt 100% (trong đó nhà ở kiên cố 1.947 hộ bằng 98,5%, nhà ở bán kiên cố 29 hộ bằng 1,5%); huyện không còn nhà tạm, nhà ở dột nát.

Bình Liêu có 34 công trình cấp nước tập trung (khu vực nông thôn 29 công trình, khu vực đô thị 5 công trình), cung cấp nước sạch sinh hoạt cho 4.455/7.780 hộ dân trên địa bàn toàn huyện, đạt 57,26%; trong đó, khu vực nông thôn là 3.200/5.804 hộ, đạt tỷ lệ 55,13%, khu vực đô thị là 1.255/1.976 hộ đạt 63,5%. Chất lượng nước tại các công trình nước tập trung và các nguồn nhỏ lẻ đều đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sạch cho mục đích sinh hoạt QC01 Bộ Y tế. Hiện 6/6 xã có tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung là 3.200/5.804 hộ, đạt tỷ lệ 55,13%

Địa phương cảnh quan, không gian xanh - sạch - đẹp, an toàn; không để xảy ra tồn đọng nước thải sinh hoạt tại các khu dân cư tập trung. Chất thải rắn được thu gom, xử lý đạt 1616,33/1.657,73 tấn/tháng, đạt 97,5%. Nổi bật các phong trào “Ngày Chủ nhật xanh”, “5 không 3 sạch”, các mô hình dân vận khéo do Hội Phụ nữ phát động”, các phong trào thi đua chỉnh trang đô thị, khe bản, làng xã trồng cây xanh, gắn tên đường, số nhà, xây dựng cổng chào thôn khang trang. Theo đó, là việc thực hiện tốt mô hình “Tự quản về an ninh trật tự”; “Thôn xóm bình yên” góp phần làm thay đổi toàn diện bộ mặt nông thôn miền núi.

Trong hơn 13 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, huyện Bình Liêu mũi nhọn là phát triển kinh tế, xóa nghèo, làm giàu trên tinh thần trước là dân giàu thì nước mới thịnh. Bình Liêu tổ chức và vận động nhân dân chuyển nhanh nền kinh tế tự sản tự tiêu sang sản xuất hàng hóa; khai thác dịch vụ hậu cần sau xuất nhập khẩu qua cặp cửa khẩu Hoành Mô (Việt Nam) - Động Trung (Trung Quốc); khai thác tiềm năng kinh tế du lịch sinh thái, du lịch Lễ hội của địa phương.

Bình Liêu (Quảng Ninh): Huyện vùng cao biên giới đạt chuẩn nông thôn mới đầu tiên của cả nước
Hệ thống thư viện, loa phóng thanh công cộng, các thiết chế văn hóa từ huyện đến cơ sở đầu tư có hiệu quả.

Huyện đã chỉ đạo triển khai từng bước thực hiện có hiệu quả Quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung của tỉnh, huyện. Bước đầu đã hình thành được vùng sản xuất tập trung một số cây chủ lực của địa phương như 148,8ha cây dong riềng; trên 7.000ha cây hồi; trên 400ha cây sở; trên 12.000ha cây thông nhựa… Cơ cấu nội ngành chuyển dịch đúng hướng, tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi và dịch vụ nông nghiệp; Phát triển một số mô hình liên kết sản xuất như: Liên kết thu mua củ dong; liên kết sản xuất, chế biến mật ong; đầu tư khoa học công nghệ vào sản xuất, chế biến, bảo quản bột dong sạch. Huyện có 163 công trình thủy lợi, trong đó có 2 hồ chứa, 98 đập dâng và 291,5km kênh mương đã được đầu tư xây kiên cố hóa xây bê tông là 213,8/291,5km, đạt 73,34% phục vụ sản xuất nông nghiệp tăng năng suất lúa màu.

Bình Liêu phát triển trung tâm thương mại, chợ thường nhật, chợ phiên truyền thống hài hòa. Chợ Trung Tâm huyện được đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động từ tháng 10 năm 2014 với tổng diện tích đất chiếm là 6.710m2, với tổng mức đầu tư 49,662 tỷ đồng; chợ cửa khẩu Hoành Mô… Hệ thống chợ cùng với các nhà hàng cửa hiệu phát triển, giao thương hàng hóa dân có thu nhập, ngân sách có nguồn thu và từng bước thay đổi-bổ sung cơ cấu nguồn thu của địa phương. Năm 2023 thu nhập bình quân của người dân trên địa bàn xã đạt 69,2 triệu đồng/người/năm.

Bình Liêu (Quảng Ninh): Huyện vùng cao biên giới đạt chuẩn nông thôn mới đầu tiên của cả nước
Một góc đô thị thị trấn Bình Liêu.

Ông Nông Xuân Sơn - thôn Chè Phạ, xã Đồng Tâm cho biết về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đem lại cho những lợi ích cho người dân: Khe bản có nhiều nhà xây kiểu biệt thự; trân bò không ở chung với người, gia súc có chuồng trại tách biệt; dân không kiêng để công trình vệ sinh trong nhà, nay xây dựng nhà ở khép kín, công trình vệ sinh liền phòng ở tiện lợi mà hợp vệ sinh.

Huyện Bình Liêu dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới đạt chuẩn nông thôn mới đầu tiên của Việt Nam, tự rút ra 6 bài học kinh nghiệm gồm: Một là, phải có sự tập trung chỉ đạo cụ thể, liên tục, đồng bộ và huy động được sự tham gia của cả hệ thống chính trị. Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia các cấp cần phải thường xuyên rà soát chương trình và quy chế làm việc, phân công mỗi cá nhân, tập thể chịu trách nhiệm một loại việc và địa bàn cụ thể. Đặc biệt, phải phát huy được vai trò người đứng đầu cấp ủy các cấp. Thực hiện kiểm đếm công việc thường xuyên để kịp thời phát hiện khó khăn, vướng mắc để có giải pháp tháo gỡ kịp thời và hiệu quả. Ban chấp hành Đảng bộ huyện Bình Liêu đã ban hành các Nghị quyết chuyên đề về xây dựng nông thôn mới (Nghị quyết số 08-NQ/HU ngày 27/01/2022 về Xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2022, Nghị quyết 14-NQ/HU ngày 28/6/2023 về phát triển nông nghiệp về phát triển nông nghiệp; xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn huyện Bình Liêu đến năm 2025, định hướng đến năm 2030) để lãnh đạo, chỉ đạo cả hệ thống chính trị và Nhân dân trên địa bàn huyện thực hiện.

Hai là, mọi việc làm phải dựa trên nguyện vọng chính đáng của Nhân dân, phát huy tốt nhất vai trò của cộng đồng, quán triệt sâu sắc nguyên tắc: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng”. Thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới theo quy trình: “Từ nhà – Đến ngõ – Đến thôn – Đến xã – Đến huyện”; Quan điểm: “Nhà nước không làm thay người dân mà chỉ đóng vai trò định hướng, hỗ trợ cơ chế chính sách phù hợp để Nhân dân thực hiện”. Hiểu rõ đặc điểm vùng đồng bào dân tộc để phát huy vai trò người có uy tín (già làng, trưởng bản, thầy mo, thầy cúng) trong việc xóa bỏ các phong tục, hủ tục tập quán lạc hậu tồn tại lâu đời trong Nhân dân. Thường xuyên tổ chức gặp gỡ, thông tin tình hình kinh tế - xã hội của địa phương đến người có uy tín để nắm được cùng với hệ thống chính trị - xã hội huyện để tuyên truyền, vận động nhân dân. Cán bộ, đảng viên phải gương mẫu đi đầu trong mọi nhiệm vụ.

Bình Liêu (Quảng Ninh): Huyện vùng cao biên giới đạt chuẩn nông thôn mới đầu tiên của cả nước
Mở đường lên khu Di tích Cao Ba Lanh.

Ba là, xác định được yếu tố là lợi thế, thế mạnh của huyện, “biến khó khăn, thách thức” thành “động lực để phát triển” tạo đột phá trong khu vực nông thôn. Đó là, huyện đã xác định thế mạnh của huyện là văn hóa, con người, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp của Bình Liêu là tiềm năng vô giá để phát triển du lịch. Do đó, từ năm 2015, kinh tế du lịch là hướng đi mới được huyện Bình Liêu quan tâm thúc đẩy nhằm khai thác các tiềm năng về cảnh quan thiên nhiên và giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân. Ban chấp hành Đảng bộ huyện Bình Liêu đã ban hành Nghị quyết số 01-NQ/HU ngày 31/7/2015 về “phát triển du lịch Bình Liêu giai đoạn 2015-2020”, triển khai xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển du lịch huyện đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, ban hành Đề án bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn. Quan tâm hoàn thiện hạ tầng, phát huy hiệu quả 03 tuyến, 07 điểm du lịch. Đến nay huyện Bình Liêu đã được công nhận là Khu du lịch cấp tỉnh và du lịch cộng đồng là nội dung cốt yếu trong phát triển du lịch Bình Liêu gắn với các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, sản phẩm OCOP của địa phương…

Bốn là, Xác định công tác lập quy hoạch là yếu tố tiên quyết, phải đi trước từ đó chủ động xây dựng Đề án, kế hoạch, văn bản để thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ theo lộ trình; bám sát các nội dung chỉ đạo Trung ương, Tỉnh để triển khai thực hiện và nâng cao chất lượng các tiêu chí, chỉ tiêu nông thôn mới theo Bộ tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025.

Năm là, Xác định mục tiêu, phân kỳ đầu tư, huy động hiệu quả, lồng ghép các nguồn lực để thực hiện hoàn thành các mục tiêu xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc, miền núi, biên giới. Có các chính sách an sinh xã hội, chính sách phát triển sản xuất tốt để đảm bảo Chương trình giảm nghèo – bền vững. Do đó, trong giai đoạn đầu thực hiện xây dựng nông thôn mới cần ưu tiên các nguồn lực thực hiện đầu tư nâng cấp hạ tầng cơ sở nông thôn đảm bảo kết nối nông thôn - đô thị và kết nối liên vùng trong đó, tập trung hoàn thiện hệ thống giao thông, hệ thống thủy lợi phục vụ cho phát triển sản xuất; cơ sở vật chất văn hóa thể thao; tu bổ, tôn tạo các di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch nông thôn; cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, chợ an toàn thực phẩm...; Giai đoạn sau khi hạ tầng được đầu tư cơ bản thì tập trung nguồn lực phát triển sản xuất, thu hút đầu tư sản xuất vào lĩnh vực du lịch, nông nghiệp hoặc chuyển đổi nghề để tạo việc làm, nâng cao thu nhập, giảm nghèo cho người dân bền vững.

Sáu là, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân xây dựng nông thôn mới nâng cao, xây dựng những điển hình tiên tiến, những mô hình kinh tế hiệu quả để tuyên truyền, nhân rộng. Tuyên truyền, nâng cao năng lực, nhận thức cho cộng động và người dân nhất là khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo. Đổi mới các hình thức tuyên truyền đa dạng, hiệu quả như thông qua việc “Thôn đạt chuẩn nông thôn mới”, triển khai hiệu quả phong trào “Ngày chủ nhật xanh”, “mô hình hố ủ vi sinh”, “rác thải nhựa”, mô hình “biến rác thành tiền”, “gia đình 5 không 3 sạch”, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh gắn với phong trào thi đua “Cựu chiến binh đoàn kết giúp nhau giảm nghèo, làm giàu chính đáng” và “Thắp sáng đường quê”; Hội nông dân duy trì vận động hội viên tham gia mô hình tuyến đường mẫu, vườn mẫu, gia đình kiểu mẫu.

Vũ Phong Cầm

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load