Thứ sáu 26/04/2024 10:57 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Bình Dương: Phát triển đô thị thông minh gắn với công nghệ thông tin

14:39 | 02/12/2020

(Xây dựng) – Bình Dương đã thực hiện rà soát thực trạng hạ tầng kỹ thuật đang đầu tư nhằm định hướng, xây dựng kế hoạch, giải pháp tổ chức thực hiện đầu tư về hạ tầng kỹ thuật thông minh.

binh duong phat trien do thi thong minh gan voi cong nghe thong tin
Đô thị Bình Dương hiện hữu.

Báo cáo với Đoàn công tác của Bộ xây dựng về Đề án 950 đô thị thông minh, ông Huỳnh Phạm Tuấn Anh – Phó Giám đốc Sở Xây dựng Bình Dương cho biết: Từ năm 2016, UBND tỉnh Bình Dương đã phê duyệt Đề án thành phố thông minh nhằm tạo động lực phát triển đô thị, tận dụng sự phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Đề án được xây dựng với mục tiêu đẩy mạnh hợp tác giữa chính quyền địa phương, các doanh nghiệp, các viện, trường trong tỉnh, đồng thời liên kết linh động với các vùng khác và quốc tế.

Phát triển hạ tầng đô thị thông minh

Trên cơ sở Quyết định và Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 – 2025 và định hướng đến năm 2030, Bình Dương đã thực hiện rà soát thực trạng hạ tầng kỹ thuật đang đầu tư nhằm định hướng, xây dựng kế hoạch, giải pháp tổ chức thực hiện đầu tư về hạ tầng kỹ thuật thông minh. Trong đó, tập trung ưu tiên cho các dự án phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật dùng chung như hạ tầng giao thông, cấp thoát nước, điện, thu gom xử lý chất thải rắn…

Để có nguồn lực đầu tư xây dựng và quản lý hạ tầng đô thị thông minh cần thu hút đầu tư để phát triển đô thị thông minh, lồng ghép trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của ngành, địa phương, đơn vị. Trong đó, chú trọng thu hút nguồn lực đầu tư xây dựng, quản lý phát triển hạ tầng đô thị thông minh đối với: việc cải tạo chỉnh trang hạ tầng kỹ thuật đô thị hiện hữu để ứng dụng công nghệ đô thị thông minh, ứng dụng hệ thống quản lý địa lý (GIS) phục vụ công tác tổ chức, quản lý đô thị.

Đồng thời, đầu tư xây dựng các trung tâm quản lý, điều hành, xử lý tập trung dữ liệu đô thị, đa nhiệm; định hướng, thu hút đầu tư các khu đô thị mới có cơ sở hạ tầng kỹ thuật đồng bộ ứng dụng công nghệ đô thị thông minh; định hướng, thu hút đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị thông minh ưu tiên (chiếu sáng đô thị, giao thông, logistic, đường sắt đô thị, cấp nước, thoát nước, thu gom, xử lý chất thải rắn, lưới điện, cảnh báo); ưu tiên phát triển khu vực phát triển đô thị dọc theo các trạm, tuyến giao thông công cộng; đầu tư nâng cấp phát triển hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông các đô thị, nâng cao mức độ phổ cập sử dụng kết nối các thiết bị đầu nối thông minh.

Cung cấp tiện ích đô thị thông minh

Theo ông Huỳnh Phạm Tuấn Anh, để tiến đến đô thị thông minh, thì công tác quy hoạch xây dựng phải quan tâm đến vấn đề phát triển đô thị bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường. Hiện nay, Bình Dương đang triển khai lập quy hoạch tỉnh, đồ án sẽ tích hợp các nội dung về phát triển đô thị thông minh. Dự kiến sau khi đồ án được duyệt, Bình Dương sẽ triển khai lập và điều chỉnh các đồ án quy hoạch xây dựng đô thị gắn với đề án xây dựng thành phố thông minh được duyệt.

“Riêng công tác quy hoạch đô thị trực thuộc tỉnh, Sở Xây dựng đã tham mưu UBND tỉnh Bình Dương ban hành Chỉ thị số 14/2019 nhằm chấn chỉnh công tác quy hoạch xây dựng, quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch được duyệt. Qua đó việc thực hiện các nội dung quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch đều được quan tâm, đánh giá về đáp ứng các nhu cầu về hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật của cư dân, quan tâm hơn các vấn đề về tầng cao, mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất và khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển đô thị thông minh, bền vững”, ông Huỳnh Phạm Tuấn Anh nói.

Bên cạnh đó, Bình Dương cũng cung cấp một số tiện ích đô thị thông minh như: hệ thống quản lý thông tin địa lý (GIS) đã hoàn thành và đưa vào sử dụng bằng các APP ứng dụng, trang web. Những ứng dụng này đã kịp cung cấp thông tin quy hoạch và các chức năng tra cứu, tìm kiếm, báo cáo sự cố... cho người dân.

Đặc biệt, Đề án đô thị thông minh có nội dung quan trọng là triển khai cơ sở dữ liệu không gian đô thị thông minh được kết nối liên thông (Đề án GIS). Do đó, những năm qua Bình Dương đã có nhiều văn bản về “Xây dựng hệ thống thông tin địa lý và các phần mềm chuyên ngành xây dựng”, nhằm mở rộng khả năng áp dụng hệ thống thông tin địa lý vào quản lý xây dựng tại tất cả huyện, thị trên địa bàn tỉnh và mở rộng áp dụng cho tất cả các quy trình tác nghiệp của Sở Xây dựng.

Hiện các dịch vụ cung cấp dữ liệu liên quan thông tin địa lý chuyên ngành xây dựng đã hoàn thành để người dân dễ dàng truy cập tại địa chỉ www.gisxd.binhduong.gov.vn. Mô hình hệ thống được xây dựng theo mô hình 3 lớp với đa nền tảng và đa ứng dụng trên tất cả các thiết bị máy tính để bàn, máy tính bảng, điện thoại di động.

Hơn 15 ứng dụng được tra cứu dễ dàng từ: Thông tin quy hoạch xây dựng, quản lý quy hoạch xây dựng, hạ tầng kỹ thuật đô thị, tính toán tiêu chí hạ tầng kỹ thuật trong báo cáo chỉ số phát triển đô thị, cấp phép xây dựng, thông tin nhà ở và bất động sản, phản ánh sai phạm xây dựng…

Thời gian tới, Bình Dương tiếp tục nghiên cứu ứng dụng công nghệ hiện đại tiên phong định hướng phát triển ngành như 3D, AI, BIM và từng bước tích hợp BIM với GIS nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả quản lý.

Cao Cường

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load