Thứ bảy 20/04/2024 02:14 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Bình Dương nỗ lực xây dựng đô thị thông minh

11:21 | 23/02/2023

(Xây dựng) - Qua 27 năm tái lập và phát triển, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Bình Dương đã phát huy tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo, thực hiện hiệu quả các giải pháp thúc đẩy kinh tế - xã hội, đưa Bình Dương vươn tầm mãnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực, dẫn đầu cả nước về khu công nghiệp (KCN) kiểu mẫu, đô thị thông minh, đổi mới sáng tạo.

Bình Dương nỗ lực xây dựng đô thị thông minh

Công nghiệp, dịch vụ, đô thị phát triển vượt bậc

Tỉnh đã đạt được kết quả nổi bật và toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, là địa phương tiên phong về công nghiệp và thu hút đầu tư của cả nước. Tính đến nay, quy mô kinh tế của Bình Dương đạt trên 412.516 tỷ đồng, gấp 105,3 lần so với năm 1997; GRDP bình quân đầu người đến cuối năm 2022 đạt 166 triệu đồng/người, tăng gần 28 lần so với năm 1997; thu ngân sách hằng năm của tỉnh luôn đạt mức cao và liên tục có đóng góp tích cực cho ngân sách Trung ương, riêng năm 2022 đạt 61.940 tỷ đồng, tăng gần 76 lần so với năm 1997.

Đến cuối 2022, toàn tỉnh có 59.484 DN đầu tư trong nước, với tổng vốn đăng ký 627 nghìn tỷ đồng, tăng gần 49 lần về số lượng DN và tăng hơn 130 lần về vốn so với năm 1997. Tỉnh đã thu hút 4.082 dự án đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đầu tư gần 39,7 tỷ USD, tăng hơn 30,5 lần về số dự án và hơn 32 lần về số vốn so với năm 1997.

Trong suốt chặng đường phát triển, tỉnh Bình Dương quyết tâm đổi mới theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hiện nay từng bước chuyển mình sang giai đoạn mới, đón làn sóng cách mạng công nghiệp lần thứ tư, xây dựng đô thị thông minh, vùng đổi mới sáng tạo, hệ sinh thái công nghiệp kiểu mới. Nhờ đó đã thúc đẩy thương mại, dịch vụ phát triển theo, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng bình quân 25,9%/năm; năm 2022 đạt 269.440 tỷ đồng, tăng gần 88,6 lần so với năm 1997; kim ngạch xuất khẩu năm 2022 đạt 35,7 tỷ USD, gấp 96,8 lần so với năm 1997; thặng dư thương mại của tỉnh năm 2022 đạt gần 10 tỷ USD.

Bên cạnh các thành tựu kinh tế - xã hội, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại tỉnh luôn giữ vững, ổn định; công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được quan tâm, chú trọng và có nhiều chuyển biến tích cực; tổ chức, bộ máy chính quyền các cấp tiếp tục được sắp xếp tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; công tác cải cách hành chính, cải cách tư pháp, ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan Nhà nước được thực hiện quyết liệt; sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc tiếp tục được củng cố, tăng cường...

Xây dựng đô thị xanh, thông minh và bền vững

Bình Dương đặt mục tiêu đến năm 2030, tỉnh trở thành đô thị thông minh, là trung tâm công nghiệp hiện đại và là địa phương đi đầu cả nước về đổi mới sáng tạo. Đến năm 2045, Bình Dương là đô thị thông minh của vùng và cả nước.

Hệ thống đô thị tăng trưởng xanh, thông minh và bền vững; có cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội phù hợp, đồng bộ, hiện đại; có môi trường và chất lượng sống tốt; có khả năng chống chịu, thích ứng với biến đổi khí hậu; có kiến trúc đô thị tiên tiến, bản sắc; có vai trò, vị thế quan trọng trong mạng lưới đô thị của vùng, có tính cạnh tranh cao trong phát triển kinh tế - xã hội của vùng.

Bình Dương nỗ lực xây dựng đô thị thông minh
Bình Dương đang nỗ lực xây dựng thành phố thông minh.

Năm 2025, nâng tỷ lệ đô thị hóa lên 85%, đến năm 2030 đạt trên 85%. 100% các đô thị có quy hoạch chung đô thị, quy hoạch phân khu, chương trình cải tạo, chỉnh trang; có chương trình, kế hoạch cải tạo chỉnh trang, tái thiết và phát triển đô thị.

Đến năm 2025, các đô thị Thuận An, Dĩ An, Bến Cát, Tân Uyên được công nhận là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Bình Dương và thị trấn Dầu Tiếng đạt tiêu chí đô thị loại IV. Các đô thị Thanh Tuyền, Long Hòa (huyện Dầu Tiếng), Lai Hưng (huyện Bàu Bàng) đạt tiêu chí đô thị loại V.

Đồng thời, đến năm 2030, các đô thị Lai Uyên (huyện Bàu Bàng), Phước Vĩnh (huyện Phú Giáo), Tân Thành (huyện Bắc Tân Uyên) được công nhận đạt đô thị loại IV và xã Minh Hoà (huyện Dầu Tiếng) được công nhận đạt đô thị loại V.

Bình Dương đưa ra các chỉ tiêu về phát triển đô thị, gắn với xây dựng thành phố thông minh Bình Dương, bao gồm: Tỷ lệ lượng thông tin cung cấp công khai cho người dân có cơ chế phản hồi thông tin đạt 70%; Tỷ lệ bến đỗ, nhà ga có cung cấp thông tin giao thông theo thời gian thực đạt 50%; Tỷ lệ dân cư có bệnh án điện tử đạt 50%; 100% các cơ sở y tế cấp tỉnh, cấp huyện cho phép đăng ký khám chữa bệnh thông qua các ứng dụng ICT; 70% các điểm công cộng được lắp đặt hệ thống giám sát an ninh; 100% các Sở ngành xây dựng danh mục tài nguyên thông tin và thực hiện chia sẻ.

Đến năm 2045, quản lý quá trình đô thị theo hướng bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống đô thị, đảm bảo an sinh và phúc lợi xã hội, an ninh, an toàn và trật tự đô thị.

Tân Uyên - thành phố trẻ, năng động

Cùng 3 thành phố hiện hữu là Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An, ngày 18/02/2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết thành lập TP Tân Uyên trực thuộc tỉnh Bình Dương. Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển đô thị của Tân Uyên và tỉnh Bình Dương. TP Tân Uyên tương lai được kỳ vọng có bước tiến vượt bậc về phát triển kinh tế - xã hội, đô thị hóa và hạ tầng giao thông.

TP Tân Uyên được thành lập có 191,76 km2 diện tích tự nhiên, quy mô dân số 466.053 người; gồm 10 phường (Vĩnh Tân, Phú Chánh, Tân Vĩnh Hiệp, Hội Nghĩa, Khánh Bình, Uyên Hưng, Tân Hiệp, Thạnh Phước, Thái Hòa, Tân Phước Khánh) và 2 xã (Bạch Đằng, Thạnh Hội).

Để chuẩn bị lên thành phố năm 2023, trước đó, Tân Uyên được chính quyền tỉnh Bình Dương đầu tư nâng cấp hệ thống hạ tầng giao thông và các tiện ích xã hội; được hưởng lợi mạnh mẽ từ kế hoạch lớn về giao thông của tỉnh Bình Dương. Hàng loạt các công trình hạ tầng quan trọng như đại lộ Uyên Hưng - Thủ Dầu Một, đại lộ Nam Uyên Hưng, Vành đai 4 và một loạt tuyến tỉnh lộ như ĐT 741, ĐT 742, ĐT 745, ĐT 746, ĐT 747… đã triển khai, nhằm tăng cường năng lực giao thông, vận chuyển hàng hóa.

Ngoài ra, hệ thống hạ tầng giao thông tỷ đô tại Tân Uyên còn có các tuyến giao thông đối nội quan trọng, kết nối với các trục đường chính đô thị như đường Tân Phước Khánh 10, đường LKV14 cũng được đầu tư quy hoạch mở rộng lộ giới lên tới 28m.

Bên cạnh các KCN như Nam Tân Uyên, Tân Lập, Uyên Hưng, Phú Chánh… Sắp tới, KCN VSIP III sẽ được xây dựng, với quy mô 1.000 ha, tổng mức đầu tư hạ tầng dự kiến hơn 6.400 tỷ đồng. Hiện có khoảng 31 DN trong và ngoài nước quan tâm tìm hiểu khả năng phát triển sản xuất tại đây, tương đương 176 ha đất công nghiệp và 1,8 tỷ USD vốn đầu tư dự kiến.

Với những định hướng chiến lược và bước đi phù hợp, Bình Dương sẵn sàng cho những bứt phá mới, ngoạn mục hơn, để phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, góp phần vào sự thịnh vượng chung của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước. Nghị quyết của Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Dương khóa XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đặt mục tiêu phấn đấu xây dựng Bình Dương phát triển bền vững theo hướng đô thị thông minh, văn minh, hiện đại. Đến năm 2030 trở thành trung tâm công nghiệp hiện đại, đến năm 2045 là đô thị thông minh của vùng và cả nước.

Ánh Dương

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load