Thứ hai 02/12/2024 20:53 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Kinh tế /

Bình Dương: Đột phá để về đích năm 2025

17:28 | 02/12/2024

(Xây dựng) – Năm 2025, Bình Dương đặt mục tiêu trở thành một điểm sáng phát triển với những nỗ lực đột phá trong đầu tư hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội và chuyển đổi số. Toàn bộ hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân trong tỉnh đang gấp rút thực hiện phong trào thi đua “400 ngày đêm” chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII.

Bình Dương: Đột phá để về đích năm 2025
Bình Dương sẽ tập trung thực hiện đột phá để về đích trong năm 2025.

Khắc phục tồn tại để phát triển bền vững

Bình Dương nhận định, năm 2024, mặc dù các chỉ tiêu kinh tế của tỉnh có dấu hiệu tăng trưởng khởi sắc, nhưng vẫn còn những chỉ tiêu chưa đạt và thấp hơn so với bình quân chung của cả nước.

Trong đó, giải ngân vốn đầu tư công giảm sâu so với cùng kỳ năm 2023. Công tác thẩm định giá đất còn chậm, thiếu quyết liệt dẫn đến không khai thác được nguồn lực từ đất. Nhiều dự án phải chờ giá đất để thực hiện nghĩa vụ tài chính, chậm giao đất để triển khai thực hiện dự án. Một số công trình giao thông trọng điểm, công trình y tế, văn hóa - xã hội còn chậm triển khai do vướng mắc hồ sơ, thủ tục.

Chưa triển khai thực hiện được Đề án khai thác quỹ đất, tạo nguồn thu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Chất lượng đô thị chưa cải thiện nhiều, ngập úng cục bộ khi mưa lớn, triều cường ở các đô thị vẫn xảy ra. An ninh trật tự còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, thách thức, nhất là tại các dự án bất động sản. Một số chủ trương, chính sách lớn của Tỉnh ủy còn chậm triển khai thực hiện như: Chính sách di dời các doanh nghiệp phía Nam lên các khu, cụm công nghiệp phía Bắc; bộ tiêu chí xác định khu công nghiệp sinh thái, doanh nghiệp sinh thái; chính sách thu hút, chế độ hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; di dời các cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập vào Trung tâm Thành phố mới...

Đồng thời Bình Dương cũng yêu cầu các ngành, các cấp phải khẩn trương xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện các giải pháp trọng tâm, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ của năm 2025.

Bình Dương: Đột phá để về đích năm 2025
Chính sách di dời các doanh nghiệp phía Nam lên các khu, cụm công nghiệp phía Bắc và bộ tiêu chí xác định khu công nghiệp sinh thái, doanh nghiệp sinh thái… vẫn là trăn trở của tỉnh Bình Dương khi chưa thể triển khai.

Về vấn đề này, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi nhận định, năm 2025 có ý nghĩa rất quan trọng đối với tỉnh, do đó cả hệ thống chính trị phải tập trung thực hiện 03 đột phá như dự thảo Nghị quyết đã đề ra. Tập trung tháo gỡ khó khăn trong thực hiện các dự án đang chậm triển khai do các doanh nghiệp đang thực hiện…

Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương cũng đề nghị Becamex và các doanh nghiệp báo cáo nguyên nhân, giải pháp để đẩy nhanh tiến độ các dự án chậm triển khai, ngưng trệ. Các ngành, địa phương tập trung tham mưu điều chỉnh quy hoạch theo thẩm quyền để tạo nguồn lực từ đất. Đồng thời rà soát lại công tác đầu tư công và đầu tư xã hội, đầu tư hạ tầng kết nối, tập trung đầu tư các dự án kết nối cảng biển, sân bay, kết nối các tỉnh, thành, phát triển công nghiệp sinh thái. Tăng cường đầu tư hướng tới đô thị không ngập, không rác, không ùn tắc giao thông, đô thị phải an toàn, xanh.

Đối với các dự án giao thông trọng điểm, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương đề nghị, hoàn thành việc nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13 trong năm 2025; phải khởi công đường Cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Thủ Dầu Một – Chơn Thành, đường Vành đai 4 trong quý I/2025; đầu tư đường ven sông Sài Gòn đoạn từ Thủ Dầu Một kết nối với Thành phố Hồ Chí Minh. Tiếp tục thực hiện chuyển đổi số, cải cách hành chính; sắp xếp tinh gọn bộ máy theo tinh thần Nghị quyết số 18 của Trung ương…

Bứt phá để về đích

Năm 2025 là năm cuối của nhiệm kỳ, do vậy cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân phải cố gắng nỗ lực, quyết tâm phấn đấu, thực hiện tốt phong trào 400 ngày đêm thi đua chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII và các ngày lễ lớn trong năm.

Bình Dương đã đặt ra một số chỉ tiêu chủ yếu năm 2025, trong đó, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) tăng 8,5% - 9%. Cơ cấu kinh tế các ngành Công nghiệp - Xây dựng, Dịch vụ, Nông nghiệp - Lâm nghiệp - Thủy sản, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tương ứng đạt 63,81% - 26,34% - 2,66% - 7,19%. GRDP bình quân đầu người 195 triệu đồng. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng trên 8,7%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 13% - 14%. Kim ngạch xuất khẩu tăng 10,1%. Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt 80.000 tỷ đồng. Tổng chi ngân sách 49.924 tỷ đồng. Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 1,8 tỷ đô la Mỹ. Xây mới từ 20.000 căn nhà ở xã hội… Để đạt được mục tiêu nhiệm vụ đề ra, các Sở ngành chuyên môn trong tỉnh đã phân tích, đánh giá và đề xuất những biện pháp cụ thể.

Bình Dương: Đột phá để về đích năm 2025
Bình Dương sẽ tập trung các phương án đột phá để đạt mục tiêu đặt ra, trong đó, sẽ xây mới từ 20.000 căn nhà ở xã hội.

Trong đó, tập trung thực hiện 3 đột phá gồm: Đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông kết nối vùng; đột phá về huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển công nghiệp, đô thị, dịch vụ, văn hóa, y tế, giáo dục, thể dục thể thao; Tổ chức thực hiện các nhiệm vụ đề ra; Xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển khoa học - công nghệ, chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, gắn với đảm bảo an ninh, an toàn.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh hơn nữa cắt giảm thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; tăng cường thu ngân sách và tiết kiệm chi; phân cấp, phân quyền thực chất, đúng quy định…

Trong đầu tư, ông Phạm Trọng Nhân, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, để triển khai nhanh hơn nữa các công trình trọng điểm đã xác định trong giai đoạn 2021-2025, đồng thời đầu tư thêm một số dự án mới mang tính bứt phá, tạo động lực phát triển theo định hướng quy hoạch tỉnh, Sở đã tham mưu UBND tỉnh báo cáo, xin ý kiến Thường trực Tỉnh ủy thống nhất bố trí số vốn 36.000 tỷ đồng cho các dự án cụ thể. Tuy nhiên, để giải ngân hết số vốn này là thách thức rất lớn, đòi hỏi sự quyết tâm và nỗ lực rất lớn các ngành, các cấp, địa phương và các đơn vị chủ đầu tư.

Trong đó, 3 điều kiện tiên quyết để giải ngân hết nguồn vốn: Các cơ quan chuyên môn cần thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp đảm bảo nguồn thu ngân sách và nguồn vốn cho các dự án giải ngân; Các chủ đầu tư khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án, đặc biệt là các dự án mới để đảm bảo điều kiện phân bổ và giải ngân theo quy định, tránh tình trạng vốn chờ dự án; Tỉnh ủy, UBND tỉnh phải có giải pháp đảm bảo nguồn lực về con người, tổ chức bộ máy,…

Bên cạnh đó, cần tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo, tăng cường vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các ngành, các địa phương trong chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công, nhất là vướng mắc liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng. Tập trung nguồn lực cho công tác đầu tư công, rút ngắn thời gian thẩm định, trình phê duyệt các thủ tục hành chính để đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án.

Đối với các dự án giao thông trọng điểm, ông Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Sở Giao thông vận tải cho biết, tại một số dự án như đường Vành đai 3, tỉnh đã đề nghị các tỉnh khác hỗ trợ nguồn vật liệu san lấp; các địa phương đang quyết liệt triển khai rà soát giải quyết các khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng. Dự án đường Vành đai 4, đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Thủ Dầu Một – Chơn Thành đang thực hiện các bước theo đúng tiến độ đề ra.

Ngoài tập trung triển khai các dự án trên, trong năm 2025, tỉnh tiếp tục nghiên cứu đầu tư, xây dựng tuyến đường sắt Bàu Bàng - Dĩ An; các dự án kết nối giao thông đường bộ giữa Bình Dương với các tỉnh, thành phố lân cận.

Công Danh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load