Thứ sáu 08/11/2024 12:32 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Văn hóa /

Bình Định: Vẻ đẹp kiến trúc Lăng Ông Nam Hải - vạn đầm Xương Lý

17:27 | 20/02/2024

(Xây dựng) – Công trình Lăng Ông Nam Hải - vạn đầm Xương Lý thuộc thôn Lý Chánh, xã Nhơn Lý, thành phố Quy Nhơn, có lối kiến trúc Phật giáo cổ điển, thông thoáng, trang nhã đậm nét và đầy tôn kính nghiêm trang với tường thành cứng vững chãi, mắt cổng thành hướng về biển Đông và phục vái kính ngưỡng Quán Thế Âm Bồ Tát.

Bình Định: Vẻ đẹp kiến trúc Lăng Ông Nam Hải - vạn đầm Xương Lý
Lăng Ông Nam Hải của vạn đầm Xương Lý thuộc thôn Lý Chánh, xã Nhơn Lý, thành phố Quy Nhơn.

Lập Lăng thờ phụng cá Ông

Lăng Ông Nam Hải là địa điểm tham quan mang tính chất tâm linh, một nét tín ngưỡng phổ biến của ngư dân tại các vùng ven biển Việt Nam. Một trong những công trình đặc biệt, di sản văn hóa phi vật thể tại thôn Lý Chánh, xã Nhơn Lý, thành phố Quy Nhơn là Lăng Ông Nam Hải của vạn đầm Xương Lý.

Lăng tọa lạc trên triền núi có tên gọi là Núi Đơn (người dân địa phương gọi là Núi Cấm), mặt trước hướng về biển Đông, phía trên là tượng Bồ Tát Quán Thế Âm, phía dưới chân núi là một làng chài cổ kính với hàng nghìn hộ ngư dân của hai thôn Lý Chánh, Lý Hòa đang sinh sống.

Bình Định: Vẻ đẹp kiến trúc Lăng Ông Nam Hải - vạn đầm Xương Lý
Lăng tọa lạc trên triền núi có tên gọi là Núi Đơn.

Con đường đến Lăng Ông Nam Hải ngày nay là những bậc tam cấp bằng đá, tô đậm hai bên là những hàng cây xanh tự nhiên của rừng núi Đơn. Lăng Ông Nam Hải tọa lạc vững chắc trên hệ thống tường thành với cổng lăng và điện thờ mang đậm nét cổ kính và sự tôn nghiêm. Lăng Ông Nam Hải không những là nơi thờ phụng tâm linh mà còn là nơi sinh hoạt văn hóa của ngư dân miền biển, nhất là vào dịp tổ chức lễ hội cầu ngư hàng năm của vạn đầm Xương Lý.

Bình Định: Vẻ đẹp kiến trúc Lăng Ông Nam Hải - vạn đầm Xương Lý
Con đường đến Lăng Ông Nam Hải ngày nay là những bậc tam cấp bằng đá, tô đậm hai bên là những hàng cây xanh tự nhiên của rừng núi Đơn.

Theo tác giả Võ Ngọc An - “Bãi ngang xưa và nay”, thôn Xương Lý trước năm 1815 chỉ là một xóm nhỏ bên bãi Nồm (còn gọi là Vũng Nồm), thuộc thôn Hưng Lương xã Nha Phiên huyện Phù Ly. Năm Minh Mạng thứ 20 (1839) mới lập làng Xương Lý (hay còn gọi là Vũng Nồm).

Theo dòng chảy của thời gian, qua các thời đại, ngày nay làng chài Vũng Nồm - Xương Lý được chia thành hai thôn Lý Chánh và Lý Hòa thuộc xã Nhơn Lý, thành phố Quy Nhơn và có cùng chung một Lăng Ông Nam Hải - vạn đầm Xương Lý. Lăng Ông Nam Hải là nơi bảo tồn và lưu giữ di cốt và thờ cúng cá Ông với niềm kính trọng, yêu thương trong tiềm thức của ngư dân vạn đầm ven biển xã Nhơn Lý.

Trùng tu, tôn tạo Lăng nhiều lần

Trò chuyện với chúng tôi về công trình xây dựng Lăng Ông Nam Hải – vạn đầm Xương Lý, ông Đinh Văn Quang – Thư ký Bản đầm Xương lý kể rằng: Từ ngày đầu mới họp thành xóm ấp năm 1815 (Gia Long thứ 14) đã có lăng Ông, gọi là Trường Lăng cất theo chiều dài, phần nội tẩm để hài cốt cá Ông, nơi thờ phụng; phần ngoại tẩm là nơi hội họp của chư nghiệp hộ; địa điểm lăng Ông Nam Hải tại gần hố Nhà Cang thuộc Lý Hòa.

Bình Định: Vẻ đẹp kiến trúc Lăng Ông Nam Hải - vạn đầm Xương Lý
Công trình Lăng Ông Nam Hải- vạn đầm Xương Lý ngày nay có lối kiến trúc Phật giáo cổ điển.

Năm Kỷ hợi (1839 - Minh Mạng thứ 20) làng Xương Lý được lập địa bạ chính thức, Chức việc hương chức làng lựa chọn vị trí mới linh thiêng và tôn nghiêm để xây dựng Lăng Ông mới tại triền núi Đơn với vật liệu mái tranh và vách đất và đưa tất cả hài cốt cá Ông từ Trường Lăng tại hố Nhà Cang – Lý Hòa, tổ chức lễ nghinh thần rước từ Trường Lăng về Lăng Ông mới tại Núi Đơn –Lý Chánh vẫn thuộc địa bàn làng Xương Lý. Năm Ất Hợi (1935) bà con vạn đầm làng Xương Lý tổ chức trùng tu xây dựng cổng lăng, vách bằng tường gạch đúc và thay mái tranh bằng mái ngói âm dương.

Thời kỳ kháng chiến chống Pháp (1945-1954) làng Xương Lý thường xuyên gánh chịu đạn, pháo từ các tàu chiến, máy bay của thực dân Pháp, phát xít Nhật nên Lăng Ông Nam Hải – vạn đầm Xương Lý cũng không tránh khỏi sự tàn khốc của chiến tranh, hư hỏng và xuống cấp trầm trọng. Sau ngày Hiệp định Giơ Ne Vơ được ký kết (21/7/1954), nghiệp hộ và dân làng Xương Lý một lần nữa quyết tâm xây dựng lại Lăng Ông Nam Hải.

Bình Định: Vẻ đẹp kiến trúc Lăng Ông Nam Hải - vạn đầm Xương Lý
Phía trên Lăng Ông Nam Hải là tượng Bồ Tát Quán Thế Âm.

Lăng Ông được xây dựng lại trên khuôn viên mảnh đất cũ, xây bằng gạch, xi măng và lợp mái ngói với kiến trúc cổ và đẹp. Sau khi hoàn thành việc tôn tạo Lăng Ông, vạn đầm Xương Lý tổ chức rước linh cốt cá Ông chôn tạm trong chín năm kháng chiến, rước linh vị từ chùa Bà về lại Lăng Ông thờ phụng.

Kề từ khi Lăng Ông Nam Hải – vạn đầm Xương Lý được xây dựng lại sau hiệp định Giơ Ne Vơ khoảng năm 1955 đến năm 1991 vỏn vẹn tròn 46 năm, Lăng Ông bị xuống cấp. Năm Nhâm Thân (1992), quý cụ trong vạn đầm Xương Lý cùng bà con tiến hành trùng tu tại Lăng Ông Nam Hải. Năm Kỷ Mão (1999), Lăng Ông tiếp tục được trùng tu lần thứ 2.

Năm Nhâm Thìn (2012), mặc dù qua hai lần trùng tu nhưng Lăng Ông Nam Hải vẫn xuống cấp trầm trọng do nền móng yếu, tu bổ giữa cũ và mới không tương thích nên phải tái thiết lại Lăng Ông. Sau hai năm tái thiết với sự chung tay đóng góp tài lực, vật lực của bà con ngư dân cùng quý đồng hương trong và nước ngoài, ngày 17/7 năm Giáp Ngọ (2014), công trình Lăng Ông Nam Hải - vạn đầm Xương Lý được khánh thành trong niềm hân hoan của bà con, quan khách gần xa về chiêm bái.

Bình Định: Vẻ đẹp kiến trúc Lăng Ông Nam Hải - vạn đầm Xương Lý
Lễ hội cầu ngư - vạn đầm Xương Lý vừa tổ chức vào ngày 19/2/2024, nhằm ngày Mùng 10 tháng Giêng năm Giáp Thìn 2024.

Năm Mậu Tuất (2018), Bản đầm cùng bà con ngư dân các nghiệp bộ xây dựng nhà khánh tiết, cổng tam quan, tường rào Lăng Ông. Năm Kỷ Hợi (2019), xây dựng công trình tôn tượng Nam Hải Thần ngư đặt tại tiền sảnh Lăng Ông. Sau gần 6 tháng thi công, với sự nỗ lực ngày đêm công trình tôn tượng Nam Hải Thần ngư được hoàn thành.

Công trình Lăng Ông Nam Hải- vạn đầm Xương Lý ngày nay có lối kiến trúc Phật giáo cổ điển, thông thoáng, trang nhã đậm nét và đầy tôn kính nghiêm trang với tường thành cứng vững chãi, mắt cổng thành hướng về biển Đông và phục vái kính ngưỡng Quán Thế Âm Bồ Tát.

Bình Định: Vẻ đẹp kiến trúc Lăng Ông Nam Hải - vạn đầm Xương Lý
Đông đảo du khách và nhân dân địa phương về dự lễ hội cầu ngư – vạn đầm Xương Lý.

Chia sẻ với phóng viên Báo điện tử Xây dựng về lễ hội cầu ngư, ông Huỳnh Thông – Trưởng Ban tổ chức lễ hội khai sơn cầu ngư đầm Xương lý cho biết: Hàng năm tại Lăng Ông Nam Hải - vạn đầm Xương Lý diễn ra lễ hội cầu ngư được quy tụ nhiều ngư dân và thập khách bốn phương về tham gia như một lễ hội văn hóa thể thao ngư dân miền biển. Những nét đặc sắc trong diễn trình hát bả trạo: chèo thuyền, kéo lưới, bắt cá, thuyền lắc lư trong sóng gió của các đội chèo bả trạo được dịp bày tỏ vốn nghệ thuật của mình cho các đội bạn thưởng thức, cho ngư dân mọi miền trong tỉnh Bình Định cũng như cả nước cùng chiêm ngưỡng một sắc thái riêng trong nền văn hóa đa dạng, phong phú.

Ông Huỳnh Thông tiếp lời: Lễ hội cầu ngư vạn đầm Xương Lý mang một sắc thái riêng về hình thức tín ngưỡng dân gian độc đáo của ngư dân miền biển Bình Định, góp phần thu hút khách du lịch đến tham quan và chiêm ngưỡng trong những ngày hội văn hóa miền biển tại Lăng Ông Nam Hải- vạn đầm Xương Lý. Vì vậy, lễ hội cầu ngư vạn đầm Xương Lý được đề nghị ghi danh di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là niềm vui, đầy tự hào của người dân miền biển chúng tôi để bảo tồn, giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa miền biển cho thế hệ con cháu mai sau.

Mỹ Bình

Theo

Cùng chuyên mục
  • Đề xuất giải pháp bảo vệ, bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích, di vật tại chùa Phổ Quang

    (Xây dựng) – Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa có Công văn số 4839/BVHTTDL-DSVH gửi UBND tỉnh Phú Thọ đề xuất giải pháp bảo vệ, bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích, di vật tại chùa Phổ Quang.

  • Sóc Trăng: Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo sẽ diễn ra từ ngày 9-15/11

    (Xây dựng) – Nhằm tôn vinh những nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer, đặc biệt là các hoạt động văn hóa lễ hội; đáp ứng tâm tư, nguyện vọng, nhu cầu sinh hoạt đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào các dân tộc trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung, tỉnh Sóc Trăng nói riêng, tỉnh Sóc Trăng tổ chức Lễ hội Óoc Om Bóc - Đua ghe Ngo Sóc Trăng, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ VI và Tuần Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sóc Trăng lần thứ I, năm 2024.

  • Nhiều hoạt động hấp dẫn tại Lễ hội Văn hóa ẩm thực Hà Nội 2024

    (Xây dựng) - UBND Thành phố Hà Nội vừa có kế hoạch tổ chức Lễ hội Văn hóa ẩm thực Hà Nội năm 2024 (The HaNoi Culinary Culture Festival 2024). Lễ hội Văn hóa ẩm thực Hà Nội năm 2024 diễn ra trong 3 ngày (29-30/11 và 1/12) tại Công viên Thống Nhất (quận Hai Bà Trưng).

  • Phát huy những giá trị di sản văn hoá Cố đô Huế

    (Xây dựng) - Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết, công tác bảo tồn phải luôn tuân thủ các yêu cầu rất nghiêm ngặt, vừa phải bảo vệ tổng thể di tích bao gồm bảo vệ các công trình kiến trúc gắn liền với bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, bảo vệ di sản văn hoá vật chất đi đôi với bảo vệ và phát huy những giá trị văn hoá tinh thần.

  • Khám phá 8 di sản thế giới trên vùng đất Cố đô Huế

    (Xây dựng) - Cố đô Huế với bề dày lịch sử và văn hóa đặc sắc, là tỉnh duy nhất của Việt Nam sở hữu 8 di sản được UNESCO công nhận là Di sản thế giới và Di sản khu vực. Trong đó, có 6 di sản của riêng Huế và 2 di sản chung với các địa phương khác.

  • Vĩnh Long: Di sản làng nghề trăm tuổi bên dòng Cổ Chiên

    (Xây dựng) - Nhằm bảo tồn và phát triển “Vương quốc lò gạch” Mang Thít trở thành vùng di sản đương đại có giá trị mang tầm cỡ quốc tế, một điểm đến trên bản đồ du lịch Đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL), tỉnh Vĩnh Long đã phê duyệt Ðề án “Di sản đương đại Mang Thít” với diện tích 3.060ha, thuộc 4 xã: Mỹ Phước, Mỹ An, Nhơn Phú và Hòa Tịnh, với sản phẩm du lịch trọng điểm là “Vương quốc lò gạch”.

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load