Thứ ba 24/12/2024 10:38 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Văn hóa /

Phát huy những giá trị di sản văn hoá Cố đô Huế

10:08 | 05/11/2024

(Xây dựng) - Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết, công tác bảo tồn phải luôn tuân thủ các yêu cầu rất nghiêm ngặt, vừa phải bảo vệ tổng thể di tích bao gồm bảo vệ các công trình kiến trúc gắn liền với bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, bảo vệ di sản văn hoá vật chất đi đôi với bảo vệ và phát huy những giá trị văn hoá tinh thần.

Phát huy những giá trị di sản văn hoá Cố đô Huế
Di tích Điện Thái Hòa (Đại Nội Huế) được khởi công từ cuối năm 2021, với tổng mức kinh phí gần 129 tỷ đồng. Dự kiến hoàn thành và mở cửa đón khách tham quan vào cuối tháng 11/2024.

Từ khi được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới - di sản văn hóa vật thể đầu tiên của Việt Nam, Quần thể di tích cố đô Huế đã trải qua hai thời kỳ quy hoạch (giai đoạn 1996 - 2010 và giai đoạn 2010 - 2020). Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các ban, bộ, ngành Trung ương và sự giúp đỡ có hiệu quả của các chuyên gia cùng cộng đồng quốc tế, công cuộc bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã triển khai và thực hiện đạt nhiều kết quả rất đáng tự hào. Đã có hàng trăm công trình di tích được bảo quản, tu bổ, phục hồi trong đó có nhiều công trình lớn, có giá trị tiêu biểu cả về lịch sử và nghệ thuật. Các di sản văn hóa phi vật thể cũng được chú trọng nghiên cứu bảo tồn một cách bài bản và phát huy một cách hiệu quả.

Theo Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế: Có thể thấy rằng, bộ mặt di sản Huế không ngừng thay đổi, hồi sinh dần trở lại với diện mạo vốn có trong lịch sử và đang vươn mình với sức sống ngày càng mãnh liệt. Đặc biệt, trong thời gian gần đây, với sự quan tâm của các ban, bộ, ngành Trung ương trong việc tạo những điều kiện thuận lợi nhất cho Thừa Thiên - Huế phát triển đã kịp thời ban hành nhiều cơ chế, chính sách đặc thù tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho chiến lược bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Huế một cách toàn diện.

Sức hấp dẫn lớn của Huế là trải qua bao biến thiên lịch sử Huế vẫn bảo tồn được chân dung của một kinh đô, bảo tồn được một “kiệt tác về thơ kiến trúc đô thị” với hàng trăm công trình nghệ thuật tinh vi, tuyệt mỹ, phong phú, đa dạng về phong cảnh, đậm đà bản sắc truyền thống dân tộc, hoà quyện vào cảnh quan kỳ diệu của thiên nhiên, có giá trị đặc biệt về lịch sử và về văn hoá nghệ thuật. Đó chính là nhân tố chủ yếu cấu thành đặc thù của Huế, là nền tảng để Huế trở thành trung tâm văn hoá du lịch của cả nước. Cũng là một thế mạnh về văn hoá và trong cơ cấu kinh tế của tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết: Dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, Trung tâm đã tôn tạo, trùng tu hệ thống di tích lịch sử một cách toàn diện, có hệ thống. Đến nay, đã có hơn 200 công trình, trong đó có các công trình tiêu biểu Lầu Kiến Trung, Ngọ Môn, điện Thái Hòa, Hiển Lâm Các, cụm di tích Thế Miếu, các lăng vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, lăng vua Đồng Khánh... đã được tu bổ, phục dựng.

Theo Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết: Công tác bảo tồn, tu bổ di tích là một công việc phức tạp có quan hệ đến nhiều lĩnh vực khoa học và công nghệ: Từ lịch sử, mỹ thuật, văn học, Hán học đến khảo cổ, kiến trúc, kết cấu, vật liệu... các công nghệ truyền thống như vôi, vữa, sơn thếp, pháp lam... các nghề thủ công như mộc, chạm khắc, nề ngõa.

Phát huy những giá trị di sản văn hoá Cố đô Huế
Di tích điện Kiến Trung (Đại nội Huế) được khởi công vào năm 2019, với tổng kinh phí hơn 123 tỷ đồng. Công trình mở cửa phục vụ khách tham quan vào dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Vì vậy, hiện nay Thừa Thiên - Huế đang tập trung nguồn lực để xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên - Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, xác định xây dựng và phát triển Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế. Nghị quyết số 54/NQ-TW của Bộ Chính trị là động lực để thúc đẩy phát triển các giá trị di sản văn hóa Cố đô Huế một cách bền vững, đặc biệt là tạo điều kiện thuận lợi cho Thừa Thiên - Huế trong việc huy động các nguồn lực phát triển văn hóa.

Trên cơ sở Nghị quyết số 54-NQ/TW, nhiều chính sách, nhiều kế hoạch phát triển tỉnh Thừa Thiên - Huế đã được ban hành nhằm khơi dậy, phát huy các giá trị văn hóa, sức mạnh con người Huế chung tay bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị di sản văn hóa trên đất cố đô, xây dựng một thành phố Huế vừa cổ kính, vừa hiện đại.

Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết: Công tác bảo tồn, tu bổ di tích đòi hỏi phải được thực hiện theo một quy trình chặt chẽ, tuân thủ nghiêm túc các Công ước và Hiến chương quốc tế mà Chính phủ ta đã thừa nhận và các quy định của pháp luật. Tại Thừa Thiên - Huế, công cuộc bảo tồn, trùng tu di tích Huế, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, tôn tạo cảnh quan môi trường tại khu di sản Huế luôn được chú trọng và gắn liền với việc đẩy mạnh trao đổi hợp tác quốc tế, ứng dụng thành tựu khoa học bảo tồn tiên tiến của thế giới và phát triển nguồn nhân lực địa phương.

Trí Đức

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load