Thứ bảy 27/04/2024 05:04 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Bình Định: Khánh thành Đền thờ Đại Tư đồ Võ Văn Dũng

20:20 | 17/01/2023

(Xây dựng) - Trong không khí hân hoan, phấn khởi chào đón xuân Quý Mão 2023, chào mừng Kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/02/1930 - 3/02/2023), sáng 16/1 tại xã Tây Phú, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định tổ chức Lễ khánh thành Đền thờ Đại Tư đồ Võ Văn Dũng.

Bình Định: Khánh thành Đền thờ Đại Tư đồ Võ Văn Dũng
Đền thờ Đại Tư đồ Võ Văn Dũng tại xã Tây Phú, huyện Tây Sơn.

Đại Tư đồ Võ Văn Dũng sinh trưởng tại thôn Phú Lộc, huyện Tuy Viễn, phủ Quy Nhơn (nay là thôn Phú Mỹ, xã Tây Phú, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định). Ông tham gia phong trào Tây Sơn từ buổi đầu khởi nghĩa, là người thông minh tài trí lại giỏi võ nghệ nên sớm trở thành một võ tướng kiệt xuất của nhà Tây Sơn.

Năm 1771 đến năm 1785, ông tham gia cùng quân Tây Sơn giải phóng Phủ thành Quy Nhơn, bốn lần vào Gia Định dẹp loạn chúa Nguyễn ở Đàng Trong và đánh tan hơn 5 vạn liên quân Xiêm - Nguyễn trận Rạch Gầm - Xoài Mút. Năm 1786, ông cùng Nguyễn Huệ tiến quân ra Bắc lật đổ chúa Trịnh, xóa bỏ ranh giới sông Gianh chia cắt đất nước trên 200 năm.

Năm 1789, sau chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa, ông được Hoàng đế Quang Trung cử đi sứ, thiết lập bang giao hòa hiếu với nhà Thanh; năm 1791, giữ chức Chiêu viễn Đại Đô đốc, tước Võ Quốc công; năm 1792, tham gia đoàn sứ bộ sang triều kiến vua nhà Thanh. Năm 1795, vua Cảnh Thịnh phong ông chức Đại Tư đồ. Năm 1800 - 1801, ông cùng với Thiếu phó Trần Quang Diệu chỉ huy quân Tây Sơn bao vây và đánh lấy lại thành Bình Định từ quân Nguyễn.

Bình Định: Khánh thành Đền thờ Đại Tư đồ Võ Văn Dũng
Quang cảnh Lễ khánh thành Đền thờ Đại Tư đồ Võ Văn Dũng.

Võ Văn Dũng là một trong "Thất hổ tướng", "Tứ trụ đại thần" của triều Tây Sơn, ông được sự ngưỡng mộ và đầy lòng tôn kính của nhân dân. Sau khi ông mất, con cháu thờ phụng ông tại Từ đường họ Võ ở thôn Phú Mỹ, xã Tây Phú, huyện Tây Sơn. Ngày 16/11/1988, Bộ Văn hóa, nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xếp hạng Từ đường họ Võ là di tích lịch sử quốc gia. Hằng năm, cứ đến ngày mùng 8 tháng 2 âm lịch bà con họ Võ cùng chính quyền địa phương tề tựu tại Từ đường tổ chức lễ kỷ niệm ngày mất của ông.

Bình Định: Khánh thành Đền thờ Đại Tư đồ Võ Văn Dũng
Nghi thức cắt băng khánh thành Đền thờ Đại Tư đồ Võ Văn Dũng.

Để tưởng nhớ vị anh hùng dân tộc của quê hương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Định thống nhất chủ trương đầu tư xây dựng công trình Đền thờ Đại Tư đồ Võ Văn Dũng tại thôn Phú Lâm, xã Tây Phú, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định, là quê quán của ông nhằm phục vụ nhân dân và du khách thăm viếng. Qua đó, giáo dục tinh thần yêu nước, truyền thống lịch sử hào hùng của dân tộc cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Bình Định: Khánh thành Đền thờ Đại Tư đồ Võ Văn Dũng
Lãnh đạo tỉnh Bình Định tham quan khu Đền thờ.

Nhằm đưa công trình vào khai thác phát huy hiệu quả tích cực trong thời gian đến, UBND tỉnh Bình Định giao Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp với các Sở, ngành liên quan, UBND huyện Tây Sơn và xã Tây Phú tổ chức tiếp nhận, quản lý, khai thác công trình đảm bảo phát huy hiệu quả, thiết thực, tiếp tục hoàn thiện các phần việc còn lại và thực hiện công tác duy tu, bảo trì hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật, chăm sóc cây xanh, vệ sinh môi trường.

Bình Định: Khánh thành Đền thờ Đại Tư đồ Võ Văn Dũng
Đền thờ Đại Tư đồ Võ Văn Dũng là một địa chỉ văn hóa hấp dẫn.

Đồng thời có kế hoạch, đề án quản lý bảo vệ và phát huy công trình, nâng cao giá trị về lịch sử, văn hóa, kiến trúc cảnh quan công trình và khu vực chung quanh; bổ sung thêm các dịch vụ tiện ích, giải trí, kết nối tour du lịch gắn kết với Khu di tích quốc gia đặc biệt Đền thờ Tây Sơn tam kiệt và danh lam thắng cảnh Hầm Hô, để công trình Đền thờ Đại Tư đồ Võ Văn Dũng thực sự trở thành một địa chỉ văn hóa hấp dẫn, nơi nhân dân và du khách gần xa đến chiêm bái, tưởng nhớ công đức của tiền nhân, bày tỏ lòng thành kính thiêng liêng đối với người anh hùng dân tộc Đại Tư đồ Võ Văn Dũng.

Mỹ Bình

Theo

Cùng chuyên mục
  • Ninh Bình: Khai mạc Lễ hội Tràng An năm 2024

    (Xây dựng) – Ngày 26/4, tại Danh thắng Tràng An, Lễ hội Tràng An năm 2024 đã chính thức được khai mạc. Đây là một trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới.

  • Di tích lịch sử Cầu Gãy

    (Xây dựng) - Cầu Gãy là minh chứng lịch sử hào hùng, cho sức mạnh và tinh thần yêu nước của dân tộc Việt Nam. Cầu Gãy đã đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực, nối liền Bình Dương, Bình Phước và các tỉnh Tây Nguyên trong nhiều năm sau giải phóng miền Nam. Năm 2012, Cầu Gãy được công nhận là Di tích lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh.

  • Lễ hội sen Đồng Tháp sẽ diễn ra vào trung tuần tháng 5

    (Xây dựng) – Sáng 25/4, UBND tỉnh Đồng Tháp đã ban hành Thông cáo báo chí Lễ hội Sen Đồng Tháp lần thứ II năm 2024. Theo Thông cáo, Lễ hội Sen Đồng Tháp lần thứ II năm 2024 với chủ đề “Rạng ngời sắc Sen” sẽ diễn ra tại Công viên Văn Miếu (đường Lý Thường Kiệt, phường 1, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp), từ ngày 16-19/5/2024.

  • Hội thảo “Di sản Kiến trúc trong dòng chảy phát triển”: Điểm nhấn trọng tâm về học thuật

    (Xây dựng) - Ngày 23/4, Hội thảo khoa học “Di sản Kiến trúc trong dòng chảy phát triển” đã diễn ra tại Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế, trở thành điểm nhấn trọng tâm về học thuật trong khuôn khổ Festival Sinh viên kiến trúc toàn quốc lần thứ XIV tại Huế.

  • Quảng Ninh: Kỷ niệm 513 năm ngày cụ Vũ Phi Hổ đỗ tiến sỹ

    (Xây dựng) - Ngày 23/4, xã Lê Lợi, thành phố Hạ Long nòng cốt là Hội đồng dòng họ Vũ Võ tỉnh Quảng Ninh vừa tổ chức Lễ dâng hương kỷ niệm 513 năm ngày cụ Vũ Phi Hổ, người dân của địa phương đỗ tiến sĩ.

  • Hoàn thành giai đoạn 1 tu bổ nơi Tổng Bí thư Trần Phú bị giam giữ và hy sinh

    Bệnh viện Chợ Quán xây dựng xong vào năm 1864, được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam, đơn vị trực thuộc Trung ương Hội Kỷ lục gia Việt Nam công nhận là "Bệnh viện lâu đời nhất Việt Nam."

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load