(Xây dựng) - Nằm cách trung tâm thành phố Quy Nhơn chừng 5km về phía Nam, làng phong Quy Hòa thuộc phường Ghềnh Ráng, thành phố Quy Nhơn đang là điểm đến du lịch xanh, văn hóa tâm linh mang nét đẹp cổ kính với kiến trúc của đạo công giáo được bao bọc bởi núi Xuân Vân và biển Quy Hòa giữa không gian xanh ngát.
Làng phong Quy Hòa đang là điểm đến du lịch xanh, văn hóa tâm linh mang nét đẹp cổ kính với kiến trúc của đạo công giáo. |
Từ trung tâm thành phố Quy Nhơn, chúng tôi vượt đèo Quy Hòa hơn 5km là đến làng phong Quy Hòa của Bệnh viện Phong – Da liễu Trung ương Quy Hòa. Đây là quần thể danh thắng diễm lệ vừa mang nét cổ điển vừa mang nét hiện đại với kiến trúc của đạo công giáo. Nơi đây đang trở thành điểm hẹn lý tưởng cho chuyến dã ngoại của những người yêu thích khám phá thiên nhiên, những vùng đất xưa và muốn tìm hiểu về cuộc đời nhà thơ Hàn Mặc Tử.
Làng phong Quy Hòa là nơi kết nối tình thương con người, đặc biệt là những bệnh nhân phong. |
Ngoài những nét đẹp cổ điển, trầm mặc, nhẹ nhàng, thanh thoát, yên tĩnh mang dấu tích đạo công giáo, điểm nổi bật vẻ đẹp ở đây khiến chúng tôi ngạc nhiên và thích thú là ngôi làng phong Quy Hòa được che phủ bởi màu xanh của cây cỏ, hoa lá.
Rất nhiều loài cây xanh được trồng trong làng, từ cây lâu năm như dừa, phi lao đến loài cây hoa dại mọc bên đường đều xanh ngát một màu, hòa quyện với màu xanh của mây trời, màu xanh của nước biển Quy Hòa tạo nên hình khối bức tranh thiên nhiên tươi đẹp lấy màu xanh làm chủ đạo. Điểm xuyến giữa màu xanh của cây lá là màu vàng, đỏ, tím, hồng của loài hoa ngũ sắc, hoa giấy nở rực rỡ trong tiết trời ấm áp.
Hàng trăm ngôi nhà cấp 4 được xây dựng từ thời Pháp. |
Từ xưa đến nay, làng phong Quy Hòa - nơi kết nối tình thương con người, đặc biệt là những bệnh nhân phong. Đây cũng là nơi mà nhà thơ Hàn Mặc Tử đến điều trị bệnh phong vào những năm tháng cuối đời trước khi về với đức mẹ, thiên chúa. Quy Hòa đã trở thành nguồn cảm hứng để nhà thơ sáng tác cho ra nhiều thi phẩm nổi tiếng trong nền thi ca Việt Nam.
Dạo xung quanh ngôi làng Quy Hòa, chúng tôi thấy hàng trăm ngôi nhà cấp 4, không có nhà cao tầng, tất cả được xây dựng từ thời Pháp. Màu sắc, kiến trúc của các ngôi nhà đều giữ nguyên cho đến nay. Được biết, khoảng năm 1929, linh mục người Pháp có tên Paul André Maheu đã phát hiện ra sự yên bình, vắng lặng hiếm có của làng phong Quy Hòa. Ông quyết định xây dựng một khu điều trị cho bệnh nhân phong mang tên Bệnh viện Laproserie de Quy Hoa.
Làng phong Quy Hòa được bao bọc bởi núi Xuân Vân và biển Quy Hòa giữa không gian xanh ngát. |
Ông Trần Văn Bảnh, một bệnh nhân phong sống tại làng phong Quy Hòa chia sẻ: Ở đây, có khoảng 200 ngôi nhà, tuy nhiên không nhà nào giống nhà nào hết. Tất cả đều được xây dựng từ rất lâu. Cuộc sống nơi đây vô cùng thoải mái. Trước kia, tôi sống ở làng biển Nhơn Hải, bắt đầu năm 1965 tôi vào làng phong Quy Hòa điều trị bệnh phong, tạo lập gia đình và sinh được hai người con.
Không chỉ riêng ông Trần Văn Bảnh mà những người sinh sống trong làng phong Quy Hòa đều là bệnh nhân phong và gia đình của bệnh nhân. Nhiều bệnh nhân đến làng để chữa bệnh rồi cùng nhau tạo lập gia đình, sinh con đẻ cái, sống hết quảng đời tại làng phong.
Ở đây, có khoảng 1.000 nhân khẩu với gần 300 hộ gia đình. Người dân phần lớn là đồng bào công giáo, họ sống đoàn kết, yêu thương giúp đỡ lẫn nhau, cùng nhau vượt lên nỗi đau bệnh tật để cuộc sống của họ trở nên ý nghĩa, quý giá đáng trân trọng.
Định hướng đến năm 2025, phát triển làng phong Quy Hòa trở thành một địa điểm du lịch tâm linh văn hóa, kiến trúc độc đáo. |
Ông Võ Chí Thiện - Chủ tịch UBND phường Ghềnh Ráng cho biết: Hiện nay, tại làng biển Quy Hòa ở tổ 11, 12, 13, 14 thuộc khu phố 2 là nơi sinh sống của các người dân bệnh phong. Bà con ở đây sống vui vẻ, hòa đồng với mọi người. Định hướng của phường Ghềnh Ráng đến năm 2025, sẽ phát triển làng phong Quy Hòa trở thành một địa điểm du lịch tâm linh văn hóa, kiến trúc độc đáo. Ở đây, mỗi ngôi nhà thực sự là một bảo tàng về kiến trúc và mỗi cư dân là một đại sứ du lịch cho khu dân cư và cộng đồng.
Mỹ Bình
Theo