(Xây dựng) – Bình Dương là tỉnh có tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hóa nhanh của cả nước, bên cạnh những thành tựu về kinh tế - xã hội việc bảo vệ môi trường cũng là vấn đề được các cấp chính quyền tỉnh đặc biệt chú trọng. Thời gian qua, tỉnh Bình Dương đã triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm bảo vệ môi trường phát triển bền vững với phương châm “không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế”.
Bình Dương kiên quyết “không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế”. |
Chào đón đầu tư nhưng có chọn lọc
Theo kế hoạch, giai đoạn 2020 - 2025, Bình Dương đặt mục tiêu thu hút 9 tỷ đô la Mỹ vốn FDI, trong đó ưu tiên thu hút đầu tư vào các ngành nghề ứng dụng công nghệ cao, sử dụng ít lao động và đạt giá trị gia tăng cao. Mục tiêu thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 1,8 tỷ đô la Mỹ trong năm 2025.
Với quan điểm “Sự thành công của các nhà đầu tư là sự thành công của tỉnh”, lãnh đạo tỉnh Bình Dương đã có nhiều buổi gặp gỡ, đối thoại để lắng nghe doanh nghiệp chia sẻ, qua đó hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Số liệu từ Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương, trong năm 2024, tỉnh đón nhận dòng vốn mạnh từ các dự án đầu tư mới (với 96 dự án có tổng vốn đầu tư đăng ký đạt hơn 464,6 triệu đô la Mỹ, bằng 129% so với cùng kỳ năm 2023) và từ các dự án điều chỉnh tăng vốn (với 60 lượt điều chỉnh với tổng vốn đăng ký thêm là 275,8 triệu đô la Mỹ, gấp 4,5 lần so với cùng kỳ năm 2023).
Đến cuối năm 2024, tỉnh Bình Dương đã vượt mặt Thành phố Hà Nội để đứng thứ 2 trên cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần trên toàn tỉnh hơn 1,9 tỷ đô la Mỹ, tăng hơn 24% so với cùng kỳ và vượt 6% kế hoạch.
Trong đó, các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương đã thu hút 157 dự án đầu tư đăng ký mới, 120 lượt điều chỉnh tăng vốn, 08 lượt điều chỉnh giảm vốn và 60 lượt dự án đăng ký góp vốn, mua cổ phần, với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt gần 1,7 tỷ đô la Mỹ, tương đương 198% so với cùng kỳ, chiếm 89% tổng vốn đầu tư nước ngoài toàn tỉnh. Bên ngoài các khu công nghiệp, tỉnh ghi nhận 49 dự án đầu tư mới, 31 dự án điều chỉnh tăng vốn, 5 lượt điều chỉnh giảm vốn và 67 dự án đăng ký góp vốn, mua cổ phần, với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 206,6 triệu đô la Mỹ.
Lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với 151 dự án đầu tư đăng ký mới, 135 lượt dự án điều chỉnh tăng vốn và 90 lượt dự án đăng ký góp vốn, mua cổ phần với tổng số vốn đầu tư là 1,7 tỷ đô la Mỹ, chiếm 91,8% tổng vốn đầu tư đăng ký. Lĩnh vực vận tải kho bãi đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư đăng ký 83,5 triệu đô la Mỹ, chiếm 4,4% tổng vốn đầu tư đăng ký. Lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký 39,8 triệu đô la Mỹ, chiếm 2,1% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Mục tiêu của Bình Dương trong năm 2025 là thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 1,8 tỷ đô la Mỹ. Trong đó, ưu tiên thu hút đầu tư vào các ngành nghề ứng dụng công nghệ cao, sử dụng ít lao động và đạt giá trị gia tăng cao. (Ảnh minh họa) |
Các nhà đầu tư này đến từ 32 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó Singapore dẫn đầu với tổng vốn đăng ký 460,6 triệu đô la Mỹ, chiếm 24,3% tổng vốn đầu tư. Hồng Kông đứng thứ hai với tổng vốn đăng ký 341,7 triệu đô la Mỹ, chiếm 18%. Samoa xếp thứ ba với tổng vốn đăng ký đạt 304,6 triệu đô la Mỹ, chiếm 16,1%. Các quốc gia và vùng lãnh thổ tiếp theo bao gồm Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, British Virgin Islands, Ấn Độ, Seychelles...
Tỉnh Bình Dương xác định, năm 2025 là năm tăng tốc, bứt phá, lấy ổn định làm tiền đề cho phát triển và phát triển để làm cơ sở cho ổn định; phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm 2021 - 2025.
Trong đó, tập trung các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng dựa trên năng lực nội sinh, chuyển đổi số và hợp tác quốc tế, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng ngành dịch vụ; tăng cường thu hút đầu tư toàn xã hội và hợp tác công - tư để phát triển hạ tầng, đô thị - dịch vụ bền vững, xây dựng Bình Dương theo hướng đô thị thông minh, văn minh, hiện đại…
Kiên quyết “không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế”
Song song với những thành tựu phát triển mạnh mẽ của kinh tế là áp lực của quá trình đô thị hóa lên môi trường đói hỏi các cấp chính quyền Bình Dương phải có những giải pháp phù hợp đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh, Bình Dương có tốc độ công nghiệp hóa nhanh, do vậy tỉnh chịu áp lực từ phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có vấn đề bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, ngay từ giai đoạn đầu của quá trình phát triển, lãnh đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền tỉnh Bình Dương đã sớm quan tâm và đặc biệt coi trọng công tác bảo vệ môi trường với phương châm “không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế” bằng cách triển khai thực hiện đồng bộ và quyết liệt nhiều giải pháp góp phần cho công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh ngày càng đi vào nề nếp, chất lượng môi trường có nhiều chuyển biến rõ rệt, góp phần vào sự phát triển bền vững.
Để thực hiện đúng theo phương châm đề ra, tỉnh Bình Dương đã và đang thực hiện đồng bộ các giải pháp trong đó tập trung vào: Xây dựng các chương trình, đề án, quy hoạch, kế hoạch một cách rõ ràng, thiết thực để phân giao nhiệm vụ cho các ngành, địa phương thực hiện cụ thể và tiến hành sơ kết, tổng kết để rút kinh nghiệm sửa đổi, bổ sung. Chủ động ban hành và áp dụng đầy đủ, có hệ thống các cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền và trách nhiệm của địa phương như: Quy định bảo vệ môi trường tỉnh; Quy định bố trí các ngành công nghiệp theo định hướng ưu tiên đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp; danh mục các dự án đầu tư, các vùng, các địa điểm có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, sự cố môi trường; Quy định vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất; chính sách di dời các cơ sở sản xuất nằm trong khu dân cư, đô thị vào các khu, cụm công nghiệp…
Một trong những giải pháp về môi trường được Bình Dương sử dụng là thông qua hệ thống quan trắc tự động, đến nay đã kiểm soát 24/24 giờ. (Ảnh minh họa) |
Huy động được cả hệ thống chính trị ở địa phương và luôn đổi mới nâng cao chất lượng giám sát, kiểm tra, công tác tuyên truyền, phổ biến, tập huấn, giáo dục pháp luật để nâng cao nhận thức, chấp hành và hành động về bảo vệ môi trường cho người dân và doanh nghiệp, đặc biệt là đối với người lao động ngoại tỉnh, doanh nghiệp vừa và nhỏ. Bên cạnh đó, căn cứ vào các quy hoạch, kế hoạch bảo vệ môi trường, hàng năm, Bình Dương đã huy động được hàng nghìn tỷ đồng từ nguồn ngân sách Nhà nước, vốn vay ODA và vốn của doanh nghiệp để thực hiện các công trình, dự án thoát nước và xử lý chất thải. Kiên quyết không tiếp nhận các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, không phù hợp với phân vùng môi trường.
Tăng cường hơn công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm để góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về công tác bảo vệ môi trường, nhất là công tác phối hợp với Cơ quan Cảnh sát môi trường khi tiến hành thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm và tập trung vào các nguồn thải lớn có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Ngoài ra, tỉnh Bình Dương cũng đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý môi trường với trọng tâm là trang bị hệ thống quan trắc tự động để quan trắc các thành phần môi trường và kiểm soát nguồn thải; thông qua hệ thống quan trắc tự động, đến nay đã kiểm soát 24/24 giờ được 85% lượng nước thải công nghiệp phát sinh trên địa bàn tỉnh; đã xây dựng được cơ sở dữ liệu môi trường gần 10.000 doanh nghiệp, giúp cho công tác quản lý môi trường ngày càng chủ động; Phối hợp và ký kế hoạch liên tịch với các địa phương giáp ranh để giải quyết các vấn đề tài nguyên và môi trường liên tỉnh…
Công Danh
Theo