Thứ tư 15/01/2025 11:17 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Bảo vệ cây xanh đô thị tại Hà Nội: Cần một giải pháp quản lý thống nhất, toàn diện

10:34 | 16/09/2024

(Xây dựng) – Cơn bão số 3 đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho hệ thống cây xanh đô thị Hà Nội, với hàng chục nghìn cây xanh bị bật gốc, gãy đổ. Trước tình hình này, việc bảo vệ và khôi phục cây xanh trở thành nhiệm vụ cấp bách, đòi hỏi một giải pháp quản lý thống nhất, toàn diện cùng với việc nâng cao kỹ thuật trồng và chăm sóc để giảm thiểu rủi ro trong tương lai.

Bảo vệ cây xanh đô thị tại Hà Nội: Cần một giải pháp quản lý thống nhất, toàn diện
Cơn bão số 3 khiến hàng chục nghìn cây xanh ở Hà Nội gãy đổ.

Cây xanh bị gãy đổ nhiều nhất trong nhiều năm trở lại đây

Theo số liệu thống kê sơ bộ, cơn bão số 3 đã gây ra thiệt hại cho hơn 40.000 cây xanh trên địa bàn Thành phố Hà Nội, bao gồm cả cây đô thị và các loài cây quý hiếm. Việc hàng loạt cây xanh trong khu vực nội đô dễ dàng bị gãy đổ, bật gốc, thậm chí có nhiều cây bị đổ lộ ra lưới bọc bầu đất chưa được tháo gỡ, đã khiến dư luận không khỏi băn khoăn.

Anh C.T, một người dân sống lâu năm tại Hà Nội chia sẻ sự tiếc nuối trước hậu quả nặng nề của bão. Anh cho rằng nếu việc cắt tỉa cây xanh được thực hiện thường xuyên, thiệt hại có thể đã được giảm bớt. "Ở khu Đống Đa, nhiều cây xà cừ gần 20 năm tuổi bị đổ. Trước đây, vào tháng 7-8, luôn có đội quản lý cây xanh đến cắt tỉa cành để phòng chống bão. Nhưng vài năm trở lại đây, việc cắt tỉa cây xanh không còn được thực hiện đều đặn như trước, dẫn đến tình trạng cây xanh dễ bị gãy đổ khi có bão”, anh T nói.

Còn với chị C.L, cư dân quận Thanh Xuân cho rằng ngoài việc tỉa cành, cần tập trung đánh giá một cách nghiêm túc về quy hoạch vỉa hè hiện tại nhằm đảm bảo môi trường cho cây xanh phát triển. Chị L bày tỏ: "Cần xem lại quy hoạch làm vỉa hè hiện tại, khi bê tông được đổ quây kín gốc cây, rễ cây không còn đường thở, rễ chính bị thối, không phát triển, chỉ còn những rễ phụ đâm ra thì cây không thể vững chắc được, gặp bão gió là đổ hết".

Bảo vệ cây xanh đô thị tại Hà Nội: Cần một giải pháp quản lý thống nhất, toàn diện
Một cây xanh đổ lộ nguyên bầu đất sau cơn bão vừa qua. (Ảnh: K.A)

Ông V.Q, cư dân quận Cầu Giấy bày tỏ lo ngại khi thấy nhiều cây lớn bị bật gốc để lộ bầu đất còn nguyên lưới bọc, khiến ông hoài nghi về quy trình trồng cây: "Trước đây, tôi nghĩ cây xanh được trồng chắc chắn, nhưng sau bão, nhìn thấy những bầu đất không hề có rễ cây phát triển sâu, tôi cảm thấy rất lo lắng. Nhiều cây có vẻ như chỉ được trồng tạm bợ, rễ không bám sâu vào đất nên chỉ cần gió mạnh là đổ. Điều này không chỉ gây nguy hiểm trong mùa mưa bão mà còn khiến cảnh quan đô thị xấu đi, cần phải xem xét lại cách trồng và chăm sóc cây xanh ở thành phố”.

Khẩn trương “cứu” tối đa cây gãy, đổ

Sau cơn bão số 3, Sở Xây dựng Hà Nội đã huy động toàn bộ lực lượng và phương tiện để giải tỏa cây xanh bị gãy đổ. Tính đến ngày 12/9, 660 cây đã được dọn dẹp, 6.729 cây khác đã được xử lý tạm thời để đảm bảo giao thông, và 118 cây còn lại đang tiếp tục được xử lý. Hiện tại, 250 cây đã được dựng lại, 2.600 cây đã cắt tán chờ dựng, và 232 cây khác chưa cắt ngọn để chuẩn bị trồng lại.

Bảo vệ cây xanh đô thị tại Hà Nội: Cần một giải pháp quản lý thống nhất, toàn diện
Trồng lại cây xanh bị đổ do bão số 3 trên đường Phạm Văn Đồng (quận Cầu Giấy).

Liên quan đến công tác khắc phục tình trạng cây gãy đổ do bão, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn đề nghị chuẩn hóa số liệu thống kê thiệt hại về cây xanh, phân loại rõ ràng cây cổ thụ, cây có thể trồng lại, và cây cần mang đi ươm trồng để đạt hiệu quả cao nhất. Đồng thời, Phó Chủ tịch UBND Thành phố yêu cầu Sở Xây dựng phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan để xử lý cây xanh gãy đổ, thực hiện đúng chỉ đạo "cứu" tối đa số lượng cây xanh, dự kiến khoảng 3.000 cây, trong đó có 100 cây quý hiếm.

Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong thông tin, Sở đang phối hợp với các bộ phận chuyên môn để lập phương án tổng thể, với các giải pháp hữu hiệu nhằm khôi phục lại những cây bị đổ và gãy cành, cố gắng giữ lại tối đa số lượng cây. Đối với những cây bị đổ hoặc bật gốc, các đơn vị sẽ cắt tỉa cành, dựng lại cây hoặc mang về ươm trồng, sử dụng thuốc kích thích rễ để cây hồi phục. Đặc biệt, những cây quý và cổ thụ sẽ được bảo vệ tối đa. Các loại cây như: Bằng lăng, phượng, và muồng - mặc dù có hoa đẹp nhưng dễ đổ gãy - cũng sẽ được dâm ủ để khôi phục và trồng lại tại các công viên và vườn hoa, tạo cảnh quan đẹp và bóng mát.

Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Mạnh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Công viên cây xanh Hà Nội cho biết, đơn vị sẽ cố gắng giữ tối đa cây xanh để trồng lại nhưng trên tinh thần các cây này phải bảo đảm đủ các tiêu chuẩn và an toàn. Ông Nguyễn Đức Mạnh cũng chia sẻ rằng khi có thông tin về bão số 3, Công ty đã huy động lực lượng tăng cường kiểm tra, rà soát những cây có nguy cơ nguy hiểm, cây sâu mục và tiến hành cắt tỉa để phòng chống gió bão. Tuy nhiên, sức mạnh của bão vẫn khiến hàng nghìn cây xanh không thể trụ vững.

Cần thống nhất trong việc quản lý

Thiệt hại từ bão Yagi là bài học lớn cho các cơ quan quản lý về tầm quan trọng của việc bảo vệ cây xanh đô thị, đặc biệt là trong mùa mưa bão, cũng như đảm bảo cây xanh phát triển phù hợp với điều kiện đô thị.

Theo PGS.TS Đặng Văn Hà, Viện trưởng Viện Kiến trúc cảnh quan và cây xanh đô thị (Trường Đại học Lâm nghiệp) hệ thống cây xanh bóng mát đường phố Hà Nội đa dạng về thành phần, nhiều nhất là các loài như: xà cừ, bằng lăng, lim xẹt… đã chứng minh được sự thích nghi với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng, phát triển tốt, ít sâu bệnh. Tuy nhiên, hệ thống cây xanh ở Hà Nội hiện phải chịu nhiều áp lực do phát triển đô thị, hạ ngầm các công trình, nên diện tích đất dành cho trồng cây bị thu hẹp.

Rễ cây thay vì cắm sâu vào đất, buộc phải phát triển theo chiều ngang, và thường bị chặt đứt trong quá trình cải tạo, chỉnh trang vỉa hè. Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến cây xanh đô thị dễ bị đổ gãy khi gặp tác động lớn từ thiên nhiên. PGS.TS Đặng Văn Hà cũng chỉ ra rằng nhiều đô thị hiện nay gặp khó khăn trong việc lựa chọn chủng loại cây phù hợp cho đường phố và công viên.

PGS.TS Đặng Văn Hà cũng cho biết việc quản lý cây xanh hiện nay chủ yếu vẫn dựa trên kinh nghiệm và thiếu sự thống nhất, dẫn đến nhiều bất cập trong công tác chăm sóc và bảo vệ cây. "Ở một số nơi, việc quản lý được giao cho Sở Xây dựng, trong khi ở nơi khác lại thuộc về chính quyền địa phương. Thông thường, sau khi thi công đường sá, họ chỉ đào một cái hố nhỏ để trồng cây. Cây có thể phát triển bình thường trong vài năm đầu, nhưng sau 5-10 năm, các vấn đề bắt đầu xuất hiện do chất lượng cây và kỹ thuật trồng không được đảm bảo. Vì vậy, khi có hiện tượng thời tiết bất thường, nguy cơ rủi ro là rất cao nếu không có sự quản lý toàn diện”, PGS.TS Đặng Văn Hà chia sẻ.

Về thiết kế và kỹ thuật trồng cây, PGS.TS Đặng Văn Hà đề xuất cần có sự quản lý thống nhất, đặc biệt là các sở Xây dựng cần có đơn vị chuyên môn với đội ngũ cán bộ chuyên trách, được đào tạo và có chuyên môn sâu về cây xanh. Hiện tại, nhiều địa phương còn thiếu chuyên môn trong quản lý cây xanh và công tác dự báo rủi ro còn yếu.

PGS.TS Đặng Văn Hà cũng lưu ý rằng kỹ thuật trồng cây đô thị tại Việt Nam còn nhiều vấn đề. Các cây trồng thường chưa được ươm tạo đầy đủ trước khi đưa vào đô thị. Trong khi ở các nước phát triển, cây được nuôi dưỡng trong vườn ươm từ 8-10 năm trước khi trồng, tại Việt Nam, cây giống thường mua từ vùng nông thôn hoặc rừng núi và trồng ngay, dẫn đến chất lượng cây trồng không đạt yêu cầu.

Diệu Linh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
  • Bình Phước: Gỡ vướng tại dự án nâng cấp đường ĐT741

    (Xây dựng) – Ngày 14/1, bà Trần Tuệ Hiền, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước đã chủ trì cuộc họp bàn tìm phương án giải quyết các tồn đọng tại dự án nâng cấp, mở rộng đường ĐT741 (đoạn Bàu Trư - Đồng Xoài). Đây là dự án giao thông quan trọng theo hình thức đối tác công tư (PPP), với tổng vốn đầu tư hơn 931,3 tỷ đồng.

    19:26 | 14/01/2025
  • Đồng Nai: Giám đốc Sở Xây dựng được bầu làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh

    (Xây dựng) - Ngày 14/1, tại Kỳ họp thứ 24, Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Đồng Nai khóa X, nhiệm kỳ 2021 - 2026, có 69/69 đại biểu HĐND đã bỏ phiếu bầu ông Hồ Văn Hà, Giám đốc Sở Xây dựng Đồng Nai, giữ chức Phó Chủ tịch UBND tỉnh, nhiệm kỳ 2021-2026.

    19:25 | 14/01/2025
  • Thực hiện dân chủ trong công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ

    (Xây dựng) - Bộ Công an đang dự thảo Thông tư quy định về thực hiện dân chủ trong công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.

    18:44 | 14/01/2025
  • Thanh Hóa: Phê duyệt kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu Cửa hàng xăng dầu đa tiện ích Nguyễn Anh

    (Xây dựng) – Mới đây, UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Quyết định số 113/QĐ-UBND về việc phê duyệt kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu Cửa hàng xăng dầu đa tiện ích Nguyễn Anh tại Km0+718, trái tuyến Đại lộ Đông Tây thuộc phường Đông Tân, thành phố Thanh Hóa của Công ty TNHH Dịch vụ thương mại Nguyễn Anh.

    18:41 | 14/01/2025
  • Hiệp hội PCCC & CNCH Việt Nam: Đồng hành cùng doanh nghiệp tháo gỡ những khó khăn

    (Xây dựng) - Với vai trò là tổ chức xã hội nghề nghiệp duy nhất có pháp nhân chính thức hoạt động trong lĩnh vực phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC & CNCH), thời gian qua, Hiệp hội PCCC & CNCH Việt Nam đã trở thành nơi tập hợp, quy tụ, hỗ trợ bảo vệ lợi ích của các doanh nghiệp, đồng thời tháo gỡ khó khăn về chính sách, phát triển các hoạt động sản xuất kinh doanh.

    18:39 | 14/01/2025
  • Quảng Ninh: Sớm đưa Cung Quy hoạch, hội chợ và triển lãm tỉnh vào hoạt động trở lại

    (Xây dựng) - Sau khi trải qua cơn bão Yagi lịch sử vào đầu tháng 9 năm 2024, Cung Quy hoạch, hội chợ và triển lãm tỉnh Quảng Ninh – công trình biểu tượng kiến trúc mới tại thành phố Hạ Long, đã bị hư hỏng nặng nề. Hiện tỉnh Quảng Ninh đang tập trung cho công tác sửa chữa, khắc phục công trình này nhằm khôi phục lại tình trạng ban đầu, sớm đưa công trình vào hoạt động trở lại trong đầu năm 2025.

    18:09 | 14/01/2025
  • Sơn La: Tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ

    (Xây dựng) – UBND tỉnh Sơn La vừa ban hành Chỉ thị số 02/CT-UBND về tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH) trên địa bàn tỉnh Sơn La năm 2025.

    18:05 | 14/01/2025
  • Vĩnh Phúc: Đẩy nhanh sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy các Sở, ngành trước ngày 10/2

    (Xây dựng) - UBND tỉnh Vĩnh Phúc vừa ra thông báo kết luận về việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy các cơ quan, đơn vị, địa phương khối Nhà nước tỉnh Vĩnh Phúc, trong đó chỉ đạo các đơn vị bố trí, kiện toàn, sắp xếp nhân sự lãnh đạo cấp phòng, công chức, viên chức, người lao động xong trước ngày 10/2 để có thể đi vào hoạt động hiệu lực, hiệu quả, thông suốt.

    18:00 | 14/01/2025
  • Ngành Xây dựng Lạng Sơn triển khai nhiệm vụ năm 2025

    (Xây dựng) – Năm 2024, ngành Xây dựng Lạng Sơn triển khai nhiệm vụ trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, dưới sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, thường xuyên của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh, Sở Xây dựng đã đạt được nhiều thành tích đáng khích lệ trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của ngành.

    17:57 | 14/01/2025
  • “Thần đèn” di chuyển biệt thự nặng 3.000 tấn ở Bình Dương

    (Xây dựng) - Sau 18 ngày triển khai, tòa biệt thự có tổng diện tích sàn 600m2, nặng hơn 3.000 tấn tại thành phố Dĩ An (Bình Dương) đang được “thần đèn” Nguyễn Văn Cư di chuyển đến vạch đích theo yêu cầu.

    15:41 | 14/01/2025
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load