(Xây dựng) - Giá trị của khu phố cổ Hà Nội (KPCHN) là sự tổng hòa cả về kinh tế - văn hóa - xã hội cùng với cấu trúc không gian đô thị, những công trình kiến trúc có giá trị, mang đậm dấu ấn hơn 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Tuy nhiên, những giá trị ấy đang có nguy cơ ngày một mất đi khi việc khôi phục, bảo tồn còn tồn tại nhiều thách thức.
Để giải quyết được những tồn tại, thách thức trong việc bảo tồn Di sản phố cổ Hà Nội, trong giai đoạn tới cần có sự tham gia của các cấp ngành liên quan và của cả cộng đồng, xã hội… |
KPCHN đang chứa đựng một kho tàng giá trị vật thể gồm 121 di tích, trong đó có 83 di tích lịch sử văn hóa, 30 di tích lịch sử cách mạng và 8 di tích khác; hiện có 25 di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia với đầy đủ các loại hình tôn giáo, tín ngưỡng: đình, đền, chùa, hội quán, nhà thờ Hồi giáo, miếu, am…, cùng các giá trị phi vật thể đa dạng, hấp dẫn như các hoạt động sinh hoạt hàng ngày trên phố của người dân; ẩm thực; các hoạt động biểu diễn văn hóa nghệ thuật dân gian như ca trù, hát xẩm…; những lễ hội truyền thống (Lễ hội đền Bạch Mã, đình Yên Thái, Lễ hội Trung thu, Lễ hội Kim hoàn,…) đã góp phần làm nên giá trị di sản của Hà Nội hơn 1.000 năm văn hiến.
Việc khôi phục, bảo tồn và phát huy giá trị KPCHN thời gian qua, tuy đạt được một số kết quả đồng bộ nhưng vẫn còn tồn tại không ít những thách thức cho các nhà quản lý, nhà khoa học, các chuyên gia quy hoạch, kiến trúc.
Chỉ ra nguyên nhân, bà Trần Thị Thúy Lan - Phó BQL KPCHN cho biết, bên cạnh những kết quả đã đạt được trong việc quản lý, hiện việc bảo tồn các di sản vật thể ở khu vực này vẫn còn nhiều hạn chế do khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, nguồn lực và quy trình để thực hiện các dự án đầu tư. Tiến độ thực hiện công tác giãn dân chậm, chưa có quỹ nhà giãn dân phố cổ tại Khu đô thị mới Việt Hưng - Long Biên, chưa cụ thể hóa được các chính sách đặc thù...
Do đó, việc khôi phục, bảo tồn rất cần những ý kiến, giải pháp đến từ các chuyên gia, nhà khoa học để đẩy mạnh công tác này, để KPCHN thực sự là một sản phẩm du lịch có giá trị cao về kiến trúc vật thể và phi vật thể, là sản phẩm du lịch văn hóa có sức hút đối với du khách trong nước và thế giới.
Tại Hội thảo Bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di sản KPCHN trong tiến trình phát triển Thăng Long - Hà Nội do UBND quận Hoàn Kiếm phối hợp với Hội Di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội, Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội tổ chức mới đây tại Hà Nội, một số chuyên gia cho rằng, tất cả các nghiên cứu từ trước đến nay đều khẳng định các giá trị của KPCHN là yếu tố quan trọng để nhận diện bản sắc văn hóa đô thị của Hà Nội. Đối với việc khôi phục, bảo tồn, cần đưa ra những giải pháp hiệu quả đảm bảo được sự hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, nâng cao chất lượng không gian, kiến trúc cảnh quan khu phố.
Bởi, các giá trị này không chỉ là những di tích, ngôi nhà cổ với những đặc thù về quy hoạch, xây dựng, kiến trúc, với những dấu tích lịch sử mà còn là những giá trị văn hóa tồn tại bên trong từng ngôi nhà, từng gia đình, từng con người thông qua những nét sinh hoạt thường nhật, những hoạt động ẩm thực, lễ hội...
Đồng quan điểm trên, PGS.TS Đặng Văn Bài - Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia đề xuất, không gian trong phố cổ có rất nhiều không gian công cộng nhỏ, cần biến những không gian này thành tiểu không gian sáng tạo để thúc đẩy sự sáng tạo cho giới trẻ, giới tri thức, thu hút khách du lịch. Từ đó, sẽ nâng tầm giá trị bảo tồn khu phố cổ, biến di sản văn hóa thành động lực cho sự phát triển…
Đồng thời, cũng cần quan tâm hơn đến công tác quy hoạch KPCHN, bổ sung hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội như không gian công cộng, trường học, bãi đỗ xe, không gian ngầm, bảo vệ giữ gìn môi trường… nhằm tạo tiện nghi, tiện ích sống cho người dân…
Đại diện lãnh đạo UBND quận Hoàn Kiếm cũng cho rằng, để giải quyết được những tồn tại, thách thức trong việc bảo tồn Di sản phố cổ Hà Nội, trong giai đoạn tới cần có sự quan tâm của cả hệ thống chính trị, của Đảng, Nhà nước, TP Hà Nội, của cộng đồng, các tổ chức xã hội nghề nghiệp và các tổ chức quốc tế.
Dân số KPCHN hiện có hơn 66 nghìn người, mật độ 823 người/ha, đây là mật độ quá lớn so với tiêu chuẩn sống của một đô thị hiện đại. Cũng vì mật độ đông nên tốc độ xây dựng tại khu vực này diễn ra nhanh, ảnh hưởng lớn đến kiến trúc nhà ở và cảnh quan chung.
Do đó, “Giãn dân KPCHN cũng là điều kiện bắt buộc để có thể bảo tồn được giá trị di sản đặc sắc làm nên hồn cốt của Hà Nội…”, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam nhấn mạnh.
Linh Đan
Theo