(Xây dựng) - Đây là vấn đề được đề cập tại phiên thảo luận tổ về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước), trong chương trình làm việc Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, chiều 25/5.
Quốc hội thảo luận tổ về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước). (Ảnh: Quốc hội) |
Về cơ bản, các đại biểu thống nhất với sự cần thiết đầu tư dự án cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước), nhằm cụ thể hóa Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021 – 2030) và các Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển vùng Tây Nguyên và Đông Nam bộ; mở ra không gian phát triển mới cho các địa phương, tạo tính kết nối Đông Nam bộ và Tây nguyên, tạo sự lan tỏa, đảm bảo quốc phòng, an ninh. Đầu tư dự án cũng phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch liên quan.
Đề cập nguồn vốn cho dự án, đại biểu Y Vinh Tơr – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk đề nghị Chính phủ cần xác định rõ hơn khả năng đảm bảo nguồn vốn của nhà đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), đồng thời cần tính đến khả năng đảm bảo của phần vốn ngân sách của địa phương, trong bối cảnh thu ngân sách của địa phương không thuận lợi.
Trong khi đó, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa – Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn cho rằng việc đầu tư theo phương thức đối tác công tư PPP đã có kinh nghiệm thông qua triển khai nhiều dự án nhằm huy động, thu hút tối đa nguồn lực xã hội.
Song đại biểu cũng đề nghị cơ quan chủ trì xây dựng chủ trương đầu tư dự án cần làm rõ hơn về tính khả thi trong việc thu hút nhà đầu tư, cơ cấu vốn góp, khả năng tiến độ góp vốn của nhà đầu tư cũng như nguồn vốn ngân sách địa phương để đảm bảo tiến độ dự án.
Đại biểu Nguyễn Minh Sơn – Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang thì nhận định: Thời gian qua, Đắk Nông và Bình Phước chưa thực hiện các dự án hạ tầng giao thông có quy mô lớn, nên việc dự kiến phân cấp cho hai địa phương cần phải được chú ý, quan tâm đến năng lực của Ban quản lý dự án của hai địa phương.
Với tổng mức đầu tư lớn, đại biểu đề nghị trong công tác chỉ đạo, điều hành sắp tới, Chính phủ cũng cần hết sức lưu ý đảm bảo năng lực của hai Ban quản lý này. Các Ban của Bộ Giao thông vận tải có nhiều kinh nghiệm có thể hỗ trợ cho hai Ban quản lý dự án thực hiện (nếu được Quốc hội thông qua), đảm bảo chất lượng, hiệu quả và tiến độ của dự án.
Các đại biểu khác cũng quan tâm đến phương thức đầu tư, bởi theo Tờ trình, Chính phủ kiến nghị đầu tư dự án theo phương thức đối tác công tư. Dự kiến vốn do nhà đầu tư thu xếp chiếm khoảng 50% tổng mức đầu tư dự án, nhưng đại biểu nêu thực tế triển khai các dự án thời gian qua cho thấy, việc thu hút các nhà đầu tư, tổ chức tín dụng tham gia đầu tư các dự án gặp nhiều khó khăn. Do đó, các đại biểu đề nghị bổ sung các cơ sở để bảo đảm tính khả thi cho dự án, tránh trường hợp phải chuyển đổi sang hình thức đầu tư công.
Minh Hằng
Theo