(Xây dựng) - Diễn đàn Doanh nghiệp và Báo chí 2020: Cơ hội hợp tác phát triển từ "Khủng hoảng Covid-19" do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức tại Hà Nội vào ngày 14/7 đã ghi nhận nhiều ý kiến về mối quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp trong quá trình phát triển sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, báo chí đã trở thành phương tiện truyền thông có hiệu quả cao nhất trong việc phòng chống dịch bệnh; phản ánh những kiến nghị của doanh nghiệp - doanh nhân, góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh...
Báo điện tử Xây dựng đã ghi nhận ý kiến từ các diễn giả và đại biểu tham dự Diễn đàn xoay quanh chủ đề này:
Toàn cảnh diễn đàn Doanh nghiệp và Báo chí 2020: Cơ hội hợp tác phát triển từ " Khủng hoảng Covid-19". |
Ông Lê Mạnh Hùng – Phó Trưởng ban Ban Tuyên giáo Trung ương: Thông tin là nguồn lực đồng thời cũng là động lực
Ông Lê Mạnh Hùng – Phó Trưởng ban Ban Tuyên giáo Trung ương. |
Báo chí và doanh nghiệp hoạt động có đặc thù nhưng luôn là những người bạn đồng hành. Doanh nghiệp phát triển thì hợp tác truyền thông phát triển, doanh nghiệp không phát triển thì sự hợp tác truyền thông cũng gặp những khó khăn. Sự đồng hành là tính tất yếu trên con đường phát triển. Báo chí là kênh cung cấp thông tin, truyền tải đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với doanh nhân, doanh nghiệp và người dân trong xã hội. Đồng thời báo chí có vai trò lớn trong giới thiệu, quảng bá hình ảnh thương hiệu cho doanh nghiệp. Trong bối cảnh dịch Covid-19 báo chí còn đóng vai trò là diễn giả, đề xuất với Đảng, Chính phủ và các cơ quan chức năng để tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp.
Nếu báo chí nhìn nhận, đánh giá, kiến giải và tìm ra những đề xuất sâu sắc các vấn đề doanh nghiệp đang cần chắc chắn sẽ thúc đẩy doanh nghiệp phát triển. Nếu chúng ta nghiên cứu chưa sâu sắc ở 1 bài báo hay ý kiến nào đó thì doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn khi đưa thông tin ra thị trường.
Trong quá trình phát triển có doanh nghiệp gặp khó khăn, có doanh nghiệp chưa đi đúng pháp luật của Nhà nước trong kinh doanh nếu báo chí nâng đỡ chia sẻ, chỉ ra sai sót với tấm lòng chân thành, xây dựng, góp ý thì chắc chắn doanh nghiệp sẽ trưởng thành và khắc phục, hạn chế những sai sót. Nếu thấy những sai sót và chỉ định không thẳng thắn, không chia sẻ thì doanh nghiệp sẽ đổ vỡ, dẫn theo nhiều hệ lụy.
Ông cho biết, trong quản trị xã hội hiện nay, khi triển khai một chương trình, một dự án thường doanh nghiệp đặt 4 vấn đề: Truyền thông, nội dung, nguồn nhân lực và điều kiện tổ chức thực hiện nên vấn đề truyền thông không thể thiếu trong quá trình phát triển của một tổ chức, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Do đó, công tác truyền thông phải đặt lên hàng đầu.
Ông Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam: Trong thời kỳ khủng hoảng do Covid-19, báo chí và doanh nghiệp càng phải đồng hành, hỗ trợ nhau hơn nữa
Ông Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam. |
Hiện thế giới vẫn đang ở tâm điểm của cuộc khủng hoảng Covid-19. Nhưng trái với bức tranh bi quan của thế giới, Việt Nam đã vượt qua dịch bệnh và chúng ta có thể tin tưởng sẽ chiến thắng Covid-19. Nhiệm vụ lúc này của chúng ta là kiểm soát dịch bệnh, nhưng quan trọng hơn, quyết liệt hơn là phục hồi kinh tế, xã hội. Thoát khỏi Covid-19 sớm, phục hồi sớm là một cơ hội lớn của Việt Nam để thu hút nguồn vốn đầu tư từ các nước ngoài.
Trong khi đó, doanh nghiệp Việt Nam đang phục hồi với một tinh thần mới. Dù đâu đó vẫn có một số doanh nghiệp đang đứng trên bờ vực suy sụp, nhưng họ vẫn tin tưởng rằng có thể gượng dậy đứng vững và phát triển.
Những năm vừa qua, doanh nghiệp và báo chí đã có mối quan hệ tương hỗ, gắn bó cùng phát triển. Tuy nhiên, cũng có những điều mà cả doanh nghiệp và báo chí chưa thể hài lòng với mình, cũng như với đối tác. Tựu chung lại, báo chí và doanh nghiệp vẫn luôn có trách nhiệm với nhau trong sự phát triển chung.
Hiện chúng ta đang có khoảng 750 nghìn – 800 nghìn doanh nghiệp lớn nhỏ. Đối với doanh nghiệp, để làm ăn trong thời buổi bình thường đã rất khó, tại thời điểm khủng hoảng Covid-19 này còn khó khăn hơn. Doanh nghiệp tiên phong trên mặt trận kinh tế, còn báo chí lại tiên phong trên mặt trận tư tưởng thông tin. Trong thời kỳ khủng hoảng do Covid-19 gây ra, báo chí và doanh nghiệp càng phải đồng hành, hỗ trợ nhau hơn nữa.
Báo chí cần tuyên truyền làm sao để hơn 100 triệu dân có thể tiêu thụ được hầu hết các sản phẩm của doanh nghiệp trong nước.Để làm được điều đó, phía doanh nghiệp cũng cần phải cố gắng hơn nữa, tạo ra các sản phẩm sáng tạo, độc đáo, giá thành phải chăng, làm hài lòng người tiêu dùng Việt Nam. Có như vậy, doanh nghiệp Việt Nam mới được chỗ đứng vững chắc trên chính đất nước mình.
Ông Nguyễn Anh Tuấn - Tổng Biên tập Tạp chí Nhà đầu tư: Báo chí sẽ hỗ trợ doanh nghiệp làm ăn chân chính
Ông Nguyễn Anh Tuấn - Tổng Biên tập Tạp chí Nhà đầu tư |
Có một thực tế là nhiều doanh nghiệp sợ và muốn né tránh báo chí. Nhưng bằng thực tế nhiều năm làm báo, ông thấy rằng các thương hiệu chân chính không bao giờ sợ báo chí. Những doanh nghiệp sân sau, doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở của pháp luật để làm ăn bất chính thì rất sợ báo chí.
Tuy nhiên, hiện nay, vẫn có những cơ quan báo chí sai khi cung cấp những thông tin chưa đúng về doanh nghiệp. Trong trường hợp này, báo chí nên nghiêm khắc phê bình và rút kinh nghiệm.
Muốn có nền kinh tế mạnh phải có doanh nghiệp mạnh, để làm được điều này thì sự hỗ trợ của báo chí đối với sự phát triển của doanh nghiệp là điều vô cùng cần thiết. Về lâu dài, muốn hỗ trợ doanh nghiệp, báo chí phải dũng cảm đương đầu với tiêu cực để hỗ trợ các doanh nghiệp làm ăn chân chính.
LS. Trần Hữu Huỳnh – Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam: Trong bối cảnh hậu Covid-19 mối quan hệ báo chí và doanh nghiệp là “đồng cam, cộng khổ”
LS. Trần Hữu Huỳnh – Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam. |
Đối với doanh nghiệp, những cái khó cũ muôn đời là về vốn, đất đai, hạ tầng, nhân lực, hành chính, thanh kiểm tra, điều kiện môi trường kinh doanh. Trong bối cảnh hậu Covid-19, doanh nghiệp lại đang đối mặt với những cái khó mới khi cả thị trường tiêu thụ và thị trường nguyên liệu đều bị thu hẹp. Bản thân doanh nghiệp cũng đang phải chịu rất nhiều chi phí để duy trì và tồn tại. Đây chí là mảnh đất để các nhà báo khai thác đề tài, đồng hành, cộng khổ với với doanh nghiệp.
Khi doanh nghiệp khó, báo chí cũng gặp vô cùng khó khăn dưới sức ép của mạng xã hội. Theo đó, báo chí phải định vị được mình trong bối cảnh mới, báo chí cần 4 S gồm: Sung, sáng, sạch và sắc. Báo chí phải dũng cảm khi đấu tranh chống tiêu cực, ngăn cản những doanh nghiệp sai trái, trở thành diễn đàn tin cậy của doanh nghiệp và công chúng, góp phần cổ vũ mạnh mẽ lòng yêu nước.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Việt Nam: Doanh nghiệp mong sự đồng hành với báo chí
Ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Việt Nam. |
Doanh nghiệp hiểu rõ báo chí là quyền lực thứ 4 cung cấp món ăn tinh thần cho xã hội. Đây là nhu cầu tất yếu của xã hội và người đọc yêu cầu món ăn tinh thần đó phải ngày một ngon hơn, đa dạng hơn với nhiều thể loại khác nhau, có những bài chính luận, phản biện và cũng cần có những bài giới thiệu điển hình hay đấu tranh tiêu cực.
Doanh nghiệp mong sự đồng hành với báo chí. Trong ngành Xây dựng và bất động sản, doanh nghiệp vướng nhiều cơ chế luật pháp vì vậy, tiếng nói của doanh nghiệp đến được Chính phủ, Quốc hội chỉ có thể qua báo chí. Với những doanh nghiệp chân chính, làm đúng, làm tốt cho xã hội, thì mong muốn báo chí giới thiệu tới nhiều độc giả hơn nữa. Báo chí hãy công tâm, khách quan tìm hiểu, nghe thông tin từ nhiều chiều xem doanh nghiệp làm sai hay do sơ suất. Nếu sơ suất, báo chí hãy góp ý cho doanh nghiệp khắc phục.
Bảo Anh (Tổng hợp)
Theo