(Xây dựng) - Từ 2 khu công nghiệp được thành lập theo mô hình quản lý kinh tế mới, đến nay sau 25 năm, Long An đã có 37 khu công nghiệp với tổng diện tích quy hoạch là hơn 12.000ha.
Chỉ chiếm 1,5% diện tích toàn tỉnh nhưng năm 2022, các khu, cụm công nghiệp tỉnh Long An đã đóng góp khoảng 5.600 tỷ đồng (chiếm hơn 25% ngân sách tỉnh), góp phần để Long An đạt chỉ tiêu tăng thu ngân sách mỗi năm trên 12%. Để các khu, cụm công nghiệp là “điểm tựa” cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh như ngày hôm nay, Long An đã chú trọng thu hút đầu tư với phương châm “cái khó của doanh nghiệp là cái khó của mình”.
Nhà máy Coca Cola Việt Nam, một trong những dự án được kỳ vọng sẽ mang tới nhiều lợi ích kinh tế và vị thế ngày càng lớn trong mắt nhà đầu tư quốc tế. |
Đất lành chim đậu
Năm 1997, Long An chỉ là tỉnh nông nghiệp, công nghiệp mới phát triển, đầu tư phân tán, cặp các tuyến giao thông chính, quy mô nhỏ lẻ, nằm xen kẽ dân cư. Để thu hút đầu tư tạo bước đột phá, Long An xác định mục tiêu: “Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển công nghiệp và xúc tiến việc thành lập các khu công nghiệp”.
Năm 1997, vận dụng Nghị định số 36/CP về Quy chế khu công nghiệp, Long An đã thành lập hai khu công nghiệp đầu tiên là Đức Hòa 1 và Đức Hòa 2 (nay là khu công nghiệp Xuyên Á), với quy mô 120ha, mở ra mô hình mới với xu thế mở cửa và giao thương quốc tế.
Những người đặt nền móng làm điểm tựa cho các nhà đầu tư và góp phần phát triển kinh tế tỉnh Long An. |
Đầu năm 1998, Ban Quản lý các khu công nghiệp Long An được thành lập nhằm thực hiện chức năng quản lý Nhà nước theo cơ chế “một cửa, tại chỗ” tạo thuận lợi và phục vụ tốt nhất cho các nhà đầu tư.
Từ khi Long An gia nhập vào vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, năm 2000 làn sóng đầu tư khu công nghiệp về Long An và lan tỏa mạnh hơn khi nước ta trở thành thành viên thứ 150 của tổ chức WTO vào năm 2007.
Chỉ tính riêng năm 2022, Long An thu hút được 102 dự án mới tăng 23%, vốn cấp mới và tăng vốn FDI là 539 triệu USD (tăng 30%), vốn đầu tư trong nước hơn 16.500 tỷ đồng (tăng 59% so cùng kỳ). Lũy kế đến nay, có khoảng 1.800 dự án, trong đó có 849 dự án FDI với vốn cấp mới và tăng vốn là 5,666 tỷ USD chiếm 57% vốn dự án FDI toàn tỉnh và 913 dự án tư nhân với vốn là 114.000 tỷ đồng chiếm 51% vốn dự án tư nhân toàn tỉnh.
Hiện Long An có 36 tập đoàn đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào các khu công nghiệp chiếm tỷ trọng 54% tổng vốn đầu tư như: Hong Kong 853 triệu USD với 77 dự án, Hàn Quốc 805 triệu USD với 145 dự án, Nhật Bản 767 triệu USD với 120 dự án, Singapore 705 triệu USD với 39 dự án...
Ông Nguyễn Thanh Tuấn – Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Long An, nguyên Trưởng ban Ban Quản lý khu kinh tế Long An nhớ lại: Những ngày đầu mới thành lập, chúng tôi gặp nhiều khó khăn nhưng Long An xác định “phát hiện của doanh nghiệp là phát hiện của địa phương, khó khăn của doanh nghiệp là khó khăn của địa phương, thắng lợi của nhà đầu tư là thắng lợi của mình” vì vậy Long An luôn tạo mọi điều kiện, sát cánh cùng các doanh nghiệp từ những bước đầu của quá trình đầu tư và hoạt động tại Long An.
Khẳng định sự thân thiện, cầu thị của Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh Long An, ông Ma Sheng Jian – Phó Tổng Giám đốc Công ty Công nghiệp Huafu Việt Nam cho biết: Ngay từ khi thành lập, chúng tôi đã được Ban Quản lý khu Kinh tế Long An hướng dẫn các thủ tục chứng nhận đầu tư cũng như các chính sách của địa phương đã giúp chúng tôi không bỡ ngỡ khi lần đầu tiên đầu tư vào Long An. Lãnh đạo Ban Quản lý khu kinh tế Long An thường xuyên đến thăm và nắm bắt tình hình hoạt động của chúng tôi, đặc biệt giai đoạn phòng chống dịch Covid-19. Chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng nhà máy sợi tại huyện Đức Hòa với quy mô 500.000 cọc sợi, hứa hẹn sẽ đóng góp vào sự phát triển kinh tế tại Long An.
Hiện nay có gần 1.600 doanh nghiệp hoạt động với gần 180.000 lao động, trong đó có 1.780 lao động nước ngoài; có 631 doanh nghiệp FDI đã tạo ra giá trị xuất khẩu hơn 1,000 tỷ USD, xuất siêu hơn 45.00 triệu USD và ước đóng góp vào ngân sách tỉnh gần 3.000 tỷ đồng; hơn 900 doanh nghiệp trong nước tạo ra giá trị xuất khẩu 611 triệu USD và ước đóng góp vào ngân sách tỉnh gần 2.700 tỷ đồng.
Ông Trần Duy Đông - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định: Long An là 1 trong 10 địa phương có thu hút đầu tư lớn nhất cả nước. Đặc biệt, trong năm 2021 dù có nhiều khó khăn do dịch Covid-19 nhưng Long An đã thu hút được hơn 3,8 tỷ USD, đứng thứ 2 cả nước. Qua đây cho thấy, sự nỗ lực của tỉnh Long An cùng tiềm năng lợi thế của tỉnh Long An trong việc phát triển khu công nghiệp, khu chế xuất. Vì vậy, có thể khẳng định các khu, cụm công nghiệp của tỉnh Long An đã có những đóng góp quan trọng vào phát triển của tỉnh Long An nói riêng và Việt Nam nói chung trong thời gian vừa qua.
Bứt phá tạo “điểm tựa” kinh tế
Sau đại dịch Covid-19, hàng loạt các tập đoàn lớn trong nước và quốc tế đã đầu tư vào Long An như việc dự án khu công nghệ cao phức hợp Thái Tuấn với tổng vốn đầu tư hơn 20.000 tỷ đồng, nhà máy Coca Cola Việt Nam với vốn đầu tư hơn 136 triệu USD, một trong những dự án được kỳ vọng sẽ mang tới nhiều lợi ích kinh tế và vị thế ngày càng lớn trong mắt nhà đầu tư quốc tế.
Ông Nguyễn Thành Thanh - Trưởng Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh Long An cho biết: Đến nay, Long An có 37 khu công nghiệp với tổng diện tích quy hoạch là hơn 12.000ha. Chỉ trong năm 2022 có thêm 4 khu công nghiệp với diện tích gần 1.800ha được cấp Quyết định chủ trương đầu tư, 32 khu công nghiệp được chấp thuận chủ trương đầu tư với diện tích là hơn 10.000ha đạt gần 83% so tổng diện tích quy hoạch.
Long An - Nơi hội tụ nhiều tập đoàn lớn trên thế giới. |
Năm 2022 là một năm “tất bật” của 25 công chức và các viên chức Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh Long An bởi các hoạt động như: tổ chức xúc tiến đầu tư, tọa đàm với các doanh nghiệp Hàn Quốc, Nhật Bản, đối thoại doanh nghiệp các tại huyện trọng điểm, khởi công nhiều dự án lớn… tham gia xúc tiến đầu tư tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc... Đặc biệt, 100% hồ sơ được giải quyết đúng hạn, trong đó trước hạn trên 90%, đặc biệt, có trên 35% giấy chứng nhận đăng ký đầu tư được cấp trong ngày khi nộp đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định là 15 ngày.
Ông Nguyễn Minh Lâm – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An đã cho biết: Để tiếp tục thu hút đầu tư, Long An sớm hoàn thiện quy hoạch Long An đến năm 2030 và định hướng đến năm 2050, đầu tư hoàn thiện hạ tầng giao thông ngoài hàng rào các khu, cụm công nghiệp. Bên cạnh đó, Long An sẽ tiếp tục cải cách hành chính, rút ngắn thời gian xét duyệt cấp chứng nhận đầu tư, chỉ trong 1 – 2 giờ khi doanh nghiệp nộp đủ hồ sơ. Long An sẽ phát triển công nghiệp theo hướng bền vững, do vậy các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường vì vậy chỉ dự án đầu tư có hàm lượng công nghệ cao, dịch vụ phụ trợ, logictic gắn với cảng biển và đô thị sinh thái chúng tôi mới tiếp nhận.
Có thể nói, các khu, cụm công nghiệp của tỉnh Long An đã thành công nhiệm vụ đặt nền móng đầu tiên cho việc thu hút doanh nghiệp FDI vào địa phương, thúc đẩy sự phát triển dân cư, đô thị và thương mại - dịch vụ ở các khu vực xung quanh. Với những thành quả đã đạt được Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh Long An đã được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều bằng khen, Huân chương lao động… và nhiều phần thưởng cao quý khác.
Mai Thanh
Theo