Thứ sáu 19/04/2024 10:53 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

“Bấm bụng” làm chủ nợ…

16:49 | 16/12/2019

(Xây dựng) - Nợ đọng đã và đang là vấn đề nhức nhối đối với các nhà thầu trong lĩnh vực xây dựng. Tình trạng nợ đọng kéo dài khiến nhà thầu gặp khó khăn, nhiều dự án không hoàn thành đúng kế hoạch. Điều đáng nói, dù các quy định về việc thanh toán nợ đã khá đầy đủ, song trên thực tế, các nhà thầu vẫn gặp khó khi đi đòi nợ vì nhiều lý do khác nhau.

bam bung lam chu no

Khó đong đếm nợ đọng xây dựng

Theo Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC), nợ đọng trong xây dựng cơ bản không chỉ ở các dự án gói thầu sử dụng vốn ngân sách Nhà nước, vốn trái phiếu Chính phủ mà ở tất cả các dự án thuộc các nguồn vốn, ở các loại gói thầu như tư vấn, xây lắp, mua sắm hàng hóa, vật tư... Cho đến nay, con số nợ đọng chính thức trong xây dựng cơ bản là rất khó đong đếm. Cách đây hai năm, số nợ đã dao động từ 30 đến trên 40 ngàn tỷ đồng. Thời gian nợ dài ngắn cũng khác nhau, trong đó có dự án, gói thầu kéo dài tới cả 10 – 12 năm. Có gói thầu của một doanh nghiệp nhỏ chỉ thi công trong 3 năm, khoản nợ đã lên tới cả trăm tỷ đồng, chiếm 10% giá gói thầu.

Còn theo PGS.TS Đinh Văn Nhã - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, hàng loạt công trình, dự án đầu tư công ở nhiều địa phương đã hoàn thành, đưa vào sử dụng nhưng không phê duyệt quyết toán. Có địa phương còn tới 3.000 dự án lớn nhỏ đã hoàn thành, đưa vào sử dụng nhưng chưa quyết toán; số địa phương còn 400 - 500 dự án chưa quyết toán có thể nói là “đếm không xuể”. Có thể do ngân sách địa phương không cân đối được nguồn để thanh toán nên cố tình kéo dài thời gian quyết toán, đợi đến khi nào ngân sách địa phương vượt thu, thậm chí đợi đến kỳ đầu tư trung hạn sau được phân bổ vốn mới quyết toán.

Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng các bộ, ngành, địa phương phân bổ kế hoạch vốn chưa sát thực tế, dẫn đến tỷ lệ giải ngân thấp; bố trí vốn khi chưa đủ điều kiện, sai nội dung nguồn vốn đầu tư, không tuân thủ thứ tự ưu tiên, không phân bổ hết vốn đầu tư ngay từ đầu năm, khiến việc giải ngân vốn đầu tư công bị kéo dài, làm hạn chế hiệu quả sử dụng vốn.

Trở thành chủ nợ “bất đắc dĩ”

Bàn về nguyên nhân dẫn đến tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản, có rất nhiều ý kiến khác nhau. Theo đại diện lãnh đạo một doanh nghiệp trong lĩnh vực cơ khí, một trong những nguyên nhân là do chủ đầu tư chiếm dụng vốn, hoặc khâu thu xếp vốn chưa tốt, hoặc vừa làm vừa thu xếp vốn. Nhà thầu thi công xong nhưng chủ đầu tư không có tiền trả, dẫn đến doanh nghiệp lại phải vay vốn ngân hàng với lãi suất cao, lợi nhuận thu về đương nhiên là thấp, cũng có khi lỗ lớn. Khi đã lỗ thì không có tiền trả lương người lao động, hoặc trả chậm. Cuối cùng, không chỉ có đời sống người lao động bị ảnh hưởng trực tiếp mà doanh nghiệp cũng bị ảnh hưởng không nhỏ.

Một nguyên nhân chủ quan nữa, theo đại diện Tập đoàn DELTA, do nhà thầu tìm hiểu năng lực tài chính chủ đầu tư không kỹ trước khi ký kết hợp đồng; năng lực của nhà thầu trong công tác đàm phán, ký kết hợp đồng với chủ đầu tư; năng lực trong việc quản lý và triển khai hồ sơ thanh quyết toán trong quá trình thi công vẫn còn yếu; chưa có biện pháp thu hồi nợ hiệu quả. Ngoài ra, vấn đề đầu tư dàn trải cũng là nguyên nhân chính gây nên hệ lụy là nợ đọng trong đầu tư xây dựng cơ bản lớn và ngày càng trầm trọng, vượt tầm kiểm soát làm cho công trình thi công dở dang, kéo dài…

Để tạo điều kiện thuận lợi trong việc thanh quyết toán giữa chủ đầu tư và nhà thầu, tránh nợ đọng trong xây dựng cơ bản, các doanh nghiệp cho rằng, trong pháp luật về đầu tư xây dựng như: Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu và các luật có liên quan khác cần phải có quy định bắt buộc chủ đầu tư phải có ngân hàng bảo lãnh vốn theo kế hoạch vốn của dự án, để chi trả cho nhà thầu theo hợp đồng đã ký kết như việc chủ đầu tư yêu cầu nhà thầu phải có bảo lãnh thực hiện hợp đồng. Điều này để đảm bảo tính bình đẳng giữa chủ đầu tư và nhà thầu. Hoặc chí ít ở giai đoạn cuối của phần khối lượng thanh toán thì chủ đầu tư phải có bảo lãnh giá trị vốn thanh toán cho nhà thầu.

Đối với vốn ngoài ngân sách Nhà nước thì trong quá trình xét duyệt công tác cấp phép xây dựng cũng cần phải có các quy định về năng lực tài chính của chủ đầu tư. Chủ đầu tư có tài chính thực sự hay không, có khả năng thanh toán các chi phí cho công trình đó hay không, có cơ quan tài chính nào đứng ra bảo lãnh hay không... thì mới được cấp phép cho xây dựng.

Thiệt hại không nhỏ vì nợ đọng song đến thời điểm này, rất hiếm doanh nghiệp nào đứng ra kiện chủ đầu tư cả. Vì sao như vậy? Đại diện chủ nợ đều cho rằng, kiện chưa biết có đòi được tiền hay không nhưng những phiền toái do việc theo kiện gây ra cũng đủ khiến doanh nghiệp mệt mỏi rồi. Thêm nữa, việc kiện tụng lại khiến doanh nghiệp như có “vết”, sau này sẽ khó khăn khi đàm phán hợp đồng khác. “Kính chả bõ phiền” như vậy, nên các nhà thầu đành “bấm bụng” làm chủ nợ “bất đắc dĩ”.

Vân Anh

Theo

Cùng chuyên mục
  • Bắc Giang: Phát triển kết cấu hạ tầng là đột phá chiến lược để phát triển kinh tế

    (Xây dựng) – Xác định phát triển kết cấu hạ tầng là một đột phá chiến lược để thúc đẩy phát triển kinh tế, thời gian tới, tỉnh Bắc Giang sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác chỉ đạo, dành nguồn lực, thu hút đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, làm nền tảng để phát triển kinh tế - xã hội.

  • Quảng Ngãi thành lập Tổ “gỡ khó” cho Dung Quất

    (Xây dựng) – Tổ công tác vừa được thành lập có nhiệm vụ tham mưu cho UBND tỉnh Quảng Ngãi trong việc hỗ trợ, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phát triển Khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp Quảng Ngãi.

  • Khu công nghiệp Bình Đường - Thí điểm đầu tiên của chủ trương di dời lên phía Bắc của Bình Dương

    (Xây dựng) – Theo lãnh đạo tỉnh Bình Dương, việc di dời các khu công nghiệp lên phía Bắc của tỉnh là cần thiết nhưng cần đảm bảo lợi ích của các cá nhân, tập thể liên quan. Khu công nghiệp Bình Đường, Công ty TNHH Sung Hyun Vina sẽ là trường hợp đầu tiên nhằm thí điểm chuyển đổi công năng và di dời nhà máy, sau đó rút kinh nghiệm triển khai rộng ra toàn tỉnh Bình Dương.

  • Kon Tum: Huỷ gói thầu hơn 77 tỷ đồng

    (Xây dựng) - UBND tỉnh Kon Tum vừa đưa ra quyết định hủy thầu đối với Gói thầu số 03 trong Dự án Xác định ranh giới sử dụng đất, đo đạc, chỉnh lý bản đồ địa chính, lập hồ sơ ranh giới sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các đối tượng sử dụng đất có nguồn gốc từ nông lâm trường trên địa bàn tỉnh Kon Tum.

  • Bình Dương chọn Khu công nghiệp Bình Đường di dời thí điểm

    (Xây dựng) - Theo kế hoạch, Khu công nghiệp Bình Đường (phường An Bình, thành phố Dĩ An) sẽ được chính quyền tỉnh Bình Dương chọn để chuyển đổi công năng, thực hiện di dời thí điểm.

  • Triển lãm Quốc tế về Năng lượng Điện và Chiếu sáng Việt Nam - EL Vietnam 2024

    (Xây dựng) - Công ty Cổ phần Quảng cáo và Hội chợ Quốc tế Hà Nội (HADIFA) tổ chức Triển lãm Quốc tế về Xây dựng, Công nghiệp Mỏ và Giao thông - Contech Vietnam 2024 và Triển lãm Quốc tế về Năng lượng Điện và Chiếu sáng Việt Nam – EL Vietnam 2024 từ ngày 17 đến ngày 20/4/2024 tại Cung Triển lãm Kiến trúc Quy hoạch Xây dựng Quốc gia (N.E.C.C.).

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load