Thứ bảy 27/07/2024 18:49 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Bạc Liêu: Chính sách nhà ở thực hiện ra sao?

Bài cuối: Vì sao các dự án “đóng băng”?

12:22 | 28/05/2024

(Xây dựng) – Theo các cơ quan chuyên môn, có nhiều nguyên nhân khiến các dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp giậm chân tại chỗ. Từ đó, chính quyền địa phương cần có giải pháp căn cơ để kêu gọi nhà đầu tư, xúc tiến thực hiện dự án.

Bài cuối: Vì sao các dự án “đóng băng”?
Ông Huỳnh Quốc Ca, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bạc Liêu nêu khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện Nghị quyết 33.

Khó tìm nhà đầu tư

Theo nhận định của các cơ quan chuyên môn tỉnh Bạc Liêu, việc triển khai thực hiện Nghị quyết 33 của Chính phủ thật sự là cơ hội cho nhiều lao động ở địa phương có thu nhập thấp được an cư. Đặc biệt là tình trạng nhiều nhà máy, xí nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện nay vẫn chưa xây dựng được nhà ở tập trung cho công nhân, nên có đến hàng trăm lao động phải sống trong những khu nhà trọ chật hẹp, ẩm thấp và không đảm bảo vệ sinh môi trường, làm ảnh hưởng đến sức khỏe sau những giờ lao động vất vả.

Thực tế đến nay, Bạc Liêu vẫn chưa xây dựng được một dự án nhà ở xã hội nào từ Nghị quyết 33 cũng như giải ngân từ gói 120.000 tỷ đồng tại Bạc Liêu vẫn là bằng 0.

Tại các hội nghị nhà ở xã hội, các cơ quan chuyên môn nhận định, nguyên nhân chưa xây dựng được dự án nhà ở xã hội nào không phải người dân không có nhu cầu mua nhà ở xã hội hay công nhân không có nhu cầu được sống trong các khu tập thể, mà gần như các dự án bất động sản trên địa bàn tỉnh đều “bất động”.

Bên cạnh đó, đại diện Sở Xây dựng cho rằng, lý do Bạc Liêu khó triển khai các dự án nhà ở xã hội là do địa phương không có quỹ đất sạch phục vụ cho việc kêu gọi đầu tư dự án nhà ở xã hội. Trong khi đó, các dự án nằm trong kế hoạch triển khai đều chưa thực hiện xong công tác giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, chỉ có duy nhất dự án nhà ở công nhân nằm trong Khu công nghiệp Trà Kha là có mặt bằng đất sạch, nhưng quy mô quá nhỏ.

Với thực trạng như vậy, chẳng có nhà đầu tư nào lại dám vào đăng ký xây dựng nhà ở xã hội khi đất chưa sạch và hạ tầng chưa có?! Thậm chí, có đất sạch rồi chưa chắc nhà đầu tư đã dám làm, vì lợi nhuận mang lại từ dự án nhà ở xã hội quá thấp, rủi ro lại cao. Điển hình như dự án nhà ở xã hội ở khóm 10 (phường 1, thành phố Bạc Liêu) triển khai cả chục năm nay vẫn “bất động”.

Đối với quỹ đất 20% của các dự án nhà ở thương mại, dự án khu đô thị dành cho phát triển nhà ở xã hội, đến nay nhiều chủ đầu tư vẫn chưa hoàn thành việc đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật theo quy định nên cũng chưa phát triển được các dự án nhà ở xã hội. Hoặc quỹ đất này đã dành cho việc bồi thường, tái định cư nên cũng không còn để triển khai các dự án nhà ở xã hội ngay ở khu vực đô thị vốn được xem là thị trường nhà ở có nhu cầu cao.

Trên thực tế, có những dự án phát triển nhà ở xã hội được xây dựng ở một số huyện vào những năm trước đây, nhưng đến nay các doanh nghiệp vẫn chưa bán được nhà, do phần lớn nhu cầu mua nhà chỉ tập trung ở khu vực đô thị.

Ngoài ra, việc vướng các cơ chế, chính sách trong quan hệ tín dụng và những ràng buộc trong xây dựng nhà ở xã hội cũng làm cho Đề án xây dựng nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu đến nay vẫn còn gặp khó và cần ngay các giải pháp để khai thông. Vì trên thực tế, nhiều địa phương khác đã làm được việc này và dòng vốn đã được “bơm vào” thị trường bất động sản nhưng ở Bạc Liêu rất khó bởi cần thị trường bất động sản minh bạch hóa, tránh làm giá. Thực tế, nhiều khu dân cư hiện nay treo đầy biển bán nhà nhưng vẫn không ai mua, mất đi cơ hội của những người có nhu cầu muốn mua nhà.

Tháo gỡ những vướng mắc

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bạc Liêu Huỳnh Hữu Trí cùng lãnh đạo các Sở, ngành, địa phương trực tiếp trao đổi, giải đáp, làm rõ các khó khăn, vướng mắc của các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh liên quan. Bên cạnh khó khăn về đất đai, chính sách, vấn đề nguồn ngân sách còn hạn chế nên chưa dành được nguồn kinh phí cho hỗ trợ, phát triển nhà ở xã hội theo quy định.

Bài cuối: Vì sao các dự án “đóng băng”?
Dự án Khu dân cư Thiên Long 16 năm chưa hoàn chỉnh hạ tầng.

Ông Trí đề nghị, thời gian tới, các Sở, ngành có liên quan tập trung đẩy nhanh tiến độ lập, điều chỉnh quy hoạch xây dựng, lập đề xuất chủ trương đầu tư dự án nhà ở xã hội; Dành nguồn ngân sách để hỗ trợ nhà đầu tư giải phóng mặt bằng; Đầu tư đấu nối hệ thống hạ tầng kỹ thuật ngoài dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. Đưa chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội vào chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội 5 năm và hàng năm của tỉnh.

Sở xây dựng chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan sớm hoàn thành việc lập điều chỉnh Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Bạc Liêu giai đoạn 2021-2030 và lập Kế hoạch phát triển triển nhà ở giai đoạn 2026-2030 trên địa bàn tỉnh.

Chủ động triển khai Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023 đến các tổ chức, cá nhân nhân có liên quan, rà soát những vướng mắc trong thực tiễn kịp thời tham mưu đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý. Đồng thời kiến nghị Bộ Xây dựng trình Chính phủ xem xét cho cơ chế đặc thù, ngoài thành phố Bạc Liêu, các huyện, thị xã được tiếp tục thực hiện nhà ở xã hội theo loại nhà liên kế thấp tầng...

UBND tỉnh Bạc Liêu mong muốn các chủ đầu tư tích cực phối hợp với chính quyền địa phương, các ngành chức năng để triển khai thực hiện các dự án bảo đảm hiệu quả, đúng quy định.

Đào Văn

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load