Thứ tư 21/08/2024 21:16 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Kinh tế /

Từ khu công nghiệp đầu tiên đến đô thị xanh, hiện đại

Bài 3: Chuyển đổi công năng và nỗi niềm doanh nghiệp

16:50 | 18/08/2024

(Xây dựng) - Trở lại KCN Biên Hòa 1 lần này, chúng tôi có nhiều ngày đi thực tế tại các nhà máy, xí nghiệp và nhận thấy, đa số được xây dựng từ năm 1980 về trước với cơ sở hạ tầng quá cũ kỹ, đường sá làm trên những sườn đồi mấp mô đang xuống cấp nghiêm trọng. Cùng với việc các nhà máy, xí nghiệp liên tục xả thải ra môi trường, gây ô nhiễm nguồn nước sông Đồng Nai nên các doanh nghiệp phải di dời ra khỏi KCN Biên Hòa 1. Tuy nhiên, việc di dời cũng nan giải vì cần nguồn vốn “khủng” hỗ trợ doanh nghiệp tái sản xuất, người lao động chuyển đổi nghề, ổn định cuộc sống.

Bài 3: Chuyển đổi công năng và nỗi niềm doanh nghiệp
Cơ sở hạ tầng của một nhà máy trong KCN Biên Hòa đã xuống cấp trầm trọng, lối đi vào nhếch nhác với rác thải ngổn ngang bên lề đường. (Ảnh: Ly An)

Ô nhiễm nghiêm trọng

Bà Nguyễn Thị Thanh (gần 70 tuổi) sống ở gần KCN Biên Hòa 1 thuộc phường An Bình hơn 40 năm nay. Nhà bà Thanh bán quán cơm ven đường nhưng các doanh nghiệp thường xuyên xả thải qua những cột khói cao ngút trời, khói đen kịt kèm theo mùi hôi thối, rất khó chịu. “Gia đình tôi sống chung với chất thải công nghiệp, ai cũng lo lắng bị bệnh hô hấp nên thường xuyên đi khám, đám trẻ cũng thường ho, khó thở vì hít phải khí độc hại”.

Bơi thuyền ngược dòng về hướng thành phố Thủ Đức (Thành phố Hồ Chí Minh), chúng tôi gặp ông Nguyễn Tất Trung đang câu cá ven bờ sông Đồng Nai. Ông Trung tâm sự: Trước đây, dòng sông Đồng Nai đẹp, nước trong xanh, người dân còn ra tắm, giờ nước sông có mùi tanh hôi do chất thải đen kịt từ cống rãnh trong KCN Biên Hòa đổ ra. Chỉ tay về dòng nước đục ngầu, có chỗ nổi váng đỏ, ông Trung nói: “Doanh nghiệp xả thải ra đoạn này nhiều quá, nước nhiễm bẩn, chẳng còn ai dám lấy nước về dùng. Trời nắng thì đỡ, những hôm mưa lớn, doanh nghiệp lợi dụng xả thải nhiều hơn”.

Người dân nơm nớp nỗi lo vì hay tin, mỗi ngày các nhà máy, xí nghiệp ở đây có hơn 9.000m3 nước thải xả ra môi trường, trong đó khoảng 1.000m3 nước đấu nối qua KCN Biên Hòa II xử lý, còn lại các doanh nghiệp tự xử lý rồi xả trực tiếp ra sông Đồng Nai làm ô nhiễm nguồn nước.

Bài 3: Chuyển đổi công năng và nỗi niềm doanh nghiệp
Nhà máy sản xuất gạch men Thanh Thanh xả khói trực tiếp ra môi trường, gây ô nhiễm KCN Biên Hòa 1. (Ảnh: Ly An)

Đây là lý do vào năm 2008, tỉnh Đồng Nai trình Chính phủ xem xét, phê duyệt đề án di dời, chuyển đổi công năng KCN Biên Hòa 1. Một năm sau, Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương chuyển đổi công năng, di dời KCN Biên Hòa 1 ra khỏi thành phố Biên Hòa.

Tình hình ô nhiễm sông Đồng Nai trở nên nghiêm trọng đến mức, năm 2013, chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh buộc phải có văn bản đề nghị tỉnh Đồng Nai sớm di dời KCN Biên Hòa 1 để cứu sông Đồng Nai và 20 triệu người dân sống trên lưu vực sông, vì nước sông Đồng Nai là nguồn cung cấp nước sinh hoạt cho hàng triệu dân ở Thành phố Hồ Chí Minh thông qua Nhà máy nước Thủ Đức, Nhà máy nước Tân Hiệp và Nhà máy nước Bình An.

Đến tháng 2/2014, Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho Đồng Nai phê duyệt Đề án Chuyển đổi KCN Biên Hòa 1 nhưng tỉnh lúng túng vì “việc này chưa có tiền lệ”. Và cách đây không lâu, Đồng Nai mới ra “tối hậu thư” yêu cầu các doanh nghiệp dời đi.

Doanh nghiệp lo lắng

Là một trong những doanh nghiệp ủng hộ chủ trương di dời, ông Nguyễn Xuân Nam, Giám đốc Công ty TNHH MTV Khởi Nam cho biết, cách đây 5 năm, ông thuê nhà kho 200m2 để phụ kiện máy móc, trang thiết bị bán ra thị trường, nhưng khi có việc chuyển đổi công năng KCN Biên Hòa 1 thì chủ động trả lại mặt bằng. Việc di dời không gặp quá nhiều khó khăn, công việc sản xuất – kinh doanh được duy trì, đảm bảo công việc cho người lao động.

Bài 3: Chuyển đổi công năng và nỗi niềm doanh nghiệp
Các doanh nghiệp trong KCN Biên Hòa 1 vẫn đang duy trì kinh doanh, sản xuất nhưng sắp phải di dời. (Ảnh: Nguyên Dũng)

Nếu việc các doanh nghiệp chỉ thuê diện tích nhỏ để làm ăn trong KCN Biên Hòa 1 di dời khá thuận lợi thì đối với các công ty đã đầu tư nhiều tỷ đồng vào các dây chuyền sản xuất là vấn đề nan giải.

Ông Phan Văn Tứ, Giám đốc Công ty TNHH MTV Kim Vĩnh Thắng (đường số 3, KCN Biên Hòa 1, phường An Bình, thành phố Biên Hòa) nhớ lại, năm 2008, công ty được thành lập, chuyên đúc gang xám, gang cầu và mua bán gia công các sản phẩm cơ khí nhưng quy mô kinh doanh nhỏ lẻ. Đến năm 2010, công ty mở rộng kinh doanh, bỏ tiền đầu tư dây chuyền sản xuất, thì đùng một cái, vào năm 2014, ông Tứ nghe đến việc chuyển đổi công năng KCN Biên Hòa 1. Công việc kinh doanh, sản xuất khó khăn hơn, khách hàng hỏi về chuyện di dời, ông Tứ không biết trả lời sao, khi họ yêu cầu nâng công suất để ký kết hợp đồng “khủng”, công ty muốn làm trạm điện lớn hơn cũng không dám vì sắp phải di dời.

Ông Tứ tâm tư: “Niềm tin của bạn hàng đối với công ty lung lay, đơn hàng dần ít đi. Công ty có 50 lao động, nhiều người gắn bó từ khi thành lập đến nay, giờ đã hơn 50 tuổi sẽ gặp khó khi chuyển đổi nghề. Nếu không có phương án hỗ trợ phù hợp, công ty sẽ bán máy móc, phương tiện, thiết bị để có tiền giải quyết chế độ cho người lao động, trả nợ ngân hàng, rồi còn đồng nào dùng đồng đó. Doanh nghiệp không biết đi về đâu vì chưa thuê được mặt bằng để xây dựng lại xí nghiệp”.

Giải bài toán di dời nhà máy, xí nghiệp

Là người lăn lộn trên thương trường mấy chục năm nay, Thạc sỹ Nguyễn Ngọc Tuấn (Phó Chủ tịch Hội Xuất nhập khẩu tỉnh Đồng Nai, cũng là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Luật sư Pháp chế doanh nghiệp Đồng Nai, Giám đốc Công ty TNHH Nai House) thấu hiểu nỗi niềm của doanh nghiệp và mong muốn họ sẽ vượt qua khó khăn trong di dời để ổn định kinh doanh, sản xuất.

Còn dưới góc nhìn của người nghiên cứu kinh tế, quản trị doanh nghiệp, ông Tuấn bày tỏ quan điểm: Vì lợi ích chung của địa phương và sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng Đông Nam bộ nên các công ty đang sản xuất kinh doanh tại KCN Biên Hòa 1 cần ủng hộ chủ trương di dời theo lộ trình của tỉnh. Các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động cần được di dời trước và hiện Đồng Nai bố trí một số khu, cụm công nghiệp, như KCN Giang Điền (huyện Trảng Bom) để công nhân đến làm việc, ổn định cuộc sống.

Ông Tuấn nói: “Các công ty có dây chuyền sản xuất quy mô lớn với nhiều máy móc, phương tiện, thiết bị hiện đại sẽ khó khăn hơn vì tốn nhiều thời gian, công sức di dời. Doanh nghiệp quốc doanh cần tiên phong đi trước tạo tiền đề cho doanh nghiệp ngoài quốc doanh, công ty có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) làm theo”.

Bài 3: Chuyển đổi công năng và nỗi niềm doanh nghiệp
Việc di dời KCN Biên Hòa 1 để cứu sông Đồng Nai và 20 triệu dân sống trên lưu vực sông Đồng Nai. (Ảnh: Nguyên Dũng)

Số liệu của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai chỉ ra rằng, hiện KCN Biên Hòa 1 còn 70 doanh nghiệp còn thời hạn hợp đồng thuê đất với hơn 21.000 lao động làm việc tại các doanh nghiệp, riêng lao động làm việc ở doanh nghiệp FDI trên 6.100 người, còn lại làm việc tại các doanh nghiệp trong nước với độ tuổi từ 30 tuổi trở lên.

Theo dự kiến, Đồng Nai sẽ chi 1.270 tỷ đồng để hỗ trợ chi phí ổn định đời sống cho người lao động và chi phí đào tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp sau khi di dời, được lấy từ chính việc đấu giá đất KCN Biên Hòa 1.

Ông Nguyễn Hữu Nguyên, Giám đốc Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai cho biết thêm, trong giai đoạn 1, việc di dời sẽ hoàn thành trước tháng 12/2024, bao gồm các doanh nghiệp nằm trong phần diện tích khu 1 (hơn 75ha) thuộc về phía Nam KCN Biên Hòa 1, tiếp giáp cầu An Hảo, xa lộ Hà Nội và khu Trung tâm hành chính - chính trị tỉnh Đồng Nai, còn ở giai đoạn 2, các doanh nghiệp nằm trong phần diện tích còn lại sẽ hoàn thành di dời trước tháng 12/2025.

Việc xây dựng khu Trung tâm chính trị - hành chính và đô thị, dịch vụ, thương mại mới văn minh, hiện đại sẽ tạo bộ mặt mỹ quan đặc trưng cho thành phố Biên Hòa, góp phần cải thiện môi trường, hạn chế ô nhiễm môi trường nước của hệ thống sông Đồng Nai.

KCN Biên Hòa 1 trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp là căn cứ Bình Đa, kháng chiến chống Mỹ có phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân, gần đó là Tổng kho Long Bình gắn với cuộc tập kích đầu tiên của bộ đội đặc công tỉnh Biên Hòa (mật danh U1) vào kho chứa vũ khí của quân đội Mỹ. Cho nên, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai đã chấp thuận chủ trương xây dựng nhà truyền thống để bảo tồn di sản văn hóa ngành Công nghiệp, tái hiện phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân và giáo dục truyền thống của vùng đất Biên Hòa – Đồng Nai cho thế hệ mai sau.

Bài 4: Phát triển đô thị xanh, bền vững ven sông Đồng Nai

Nguyên Dũng - Ly An

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load