(Xây dựng) - Mới đây, trong một chuyến tàu cao tốc 300 chỗ ngồi rời bến tàu quốc tế cao cấp Ao Tiên (Vân Đồn) ra khơi và cập cảng huyện đảo Cô Tô, một nhóm du khách quốc tế ra đến boong tàu bỗng đứng khựng lại, xua tay bảo “Nhầm… nhầm!”. Một cán bộ lữ hành tiến lại bảo: “Không nhầm cảng này nó vậy”.
Bến tàu Cô Tô chiều dài đường dẫn là 367,5m, xây dựng ngày 22/4/1997, hoàn thành 9/2000. |
Những người bạn đường quan tâm thoáng nghĩ, vị khách nước ngoài này tưởng tàu cập nhầm bến cũng có lý, bởi tàu vừa xuất bến ở một bên cảng khang trang, tiện nghi đẳng cấp hải cảng quốc tế, tàu đến đây một bến cảng nom như bến chượp nơi thu mua cá lạp xạp của ngư dân vùng biển làm mắm. Một bến cảng du lịch sập xệ. Cầu tàu lớp bê tông bong tróc trơ những thanh sắt hoen rỉ.
Bến cảng như nơi thu mua cá lạp xạp của ngư dân vùng biển làm mắm. |
Một bác cao niên, dáng bộ người dân sinh sống lâu năm ở đảo Thanh Lân giải thích: Tại các kỳ tiếp xúc của HĐND các cấp, cử tri huyện Cô Tô đã liên tục kiến nghị về tình trạng hư hỏng hai cầu cảng Thanh Lân và Cô Tô ở địa phương, đề nghị tỉnh chỉ đạo cơ quan chức năng quan tâm sửa chữa, nâng cấp để đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân vùng biển đảo và thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội vùng hải đảo. Nhất là hiện nay đảo Cô Tô đang là điểm tham quan, nghỉ dưỡng hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước. Mà huyện đảo nhỏ, không tự cân đối để đầu tư nâng cấp bến cảng này được. Ý kiến của cử tri có nhắc đi nhắc lại trong nhiều kỳ tiếp xúc đại biểu HĐND các cấp. Đại biểu có hứa sẽ phản ánh với kỳ họp HĐND tỉnh phiên gần nhất, nhưng rồi lại “quên”. Dân cứ ngóng chờ ngày lại ngày, năm lại năm.
Cảng Cô Tô dịp nghỉ lễ (1/5-30/4) gần 250 chuyến tàu ra vào cảng, đưa khoảng 16.000 lượt khách du lịch đến Cô Tô. |
Đã từ lâu, cầu cảng Thanh Lân và Cô Tô đã hư hỏng không đáp ứng được yêu cầu thuyền bè cập bến, giao thông cách trở, hiểm họa mất an toàn giao thông cả trên bến, dưới thuyền. Công trình cầu tầu bến cảng Thanh Lân xây dựng năm 2000, hoàn thành năm 2001, tổng chiều dài là 535m. Bến Cô Tô (cảng chính) được xây dựng ngày 22/4/1997, hoàn thành 9/2000, tổng chiều dài đường dẫn là 367,5m. Các công trình thủy đã hết thời hạn sử dụng, sửa chữa chắp vá để kéo dài thời gian sử dụng, hiểm họa kề kề.
Về mức độ sử dụng công trình, cảng Cô Tô riêng trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 vừa qua, khoảng gần 250 chuyến tàu ra vào cảng, đưa khoảng 16.000 lượt khách du lịch tới tham quan, nghỉ dưỡng trên huyện đảo Cô Tô và xã đảo Thanh Lân. Tàu thuyền đến Cô Tô thường xuất phát từ các bến tàu khu vực Hạ Long, bến Vũng Đục (Cẩm Phả) và bến Ao Tiên (Vân Đồn).
Cầu tàu trụ nứt vỡ, sàn lớp bê tông bong tróc trơ những thanh sắt hoen rỉ. |
Khách ra Cô Tô chủ yến là từ bến Ao Tiên (Vân Đồn). Bến cảng Ao Tiên diện tích 29,2ha, gồm diện tích mặt nước 23,3ha và diện tích mặt đất 5,8ha, cơ sở hạ tầng khang trang, vốn đầu tư trên 613 tỷ đồng. Hiện có 86 con tàu vận tải hành khách ra đảo, với trên 30 chiếc tàu loại 250-300 chỗ, tiện nghi sang trọng đưa khách du lịch ra thăm đảo Cô Tô. Tàu bè cập vào một bến cảng hết “đát” sử dụng, thiếu an toàn... khiến vị khách quốc tế tưởng tàu cập cảng nhầm bến.
Một cầu tàu đã hết hạn sử dụng chưa rõ lúc nào nó sập xuống, không lường hếu hậu quả. |
Công trình cầu cảng Thanh Lân và Cô Tô được xây dựng từ nhiều năm trước với mục tiêu ban đầu thuần phục vụ nhu cầu dân sinh địa phương. Hiện nay, ngành Du lịch của huyện Cô Tô ngày một phát triển, khách du lịch tăng, cầu cảng bị quá tải, còn cầu cảng Thanh Lân thì quá bé, độ sâu thấp, chỉ cập được tàu loại nhỏ. Hầu hết du khách muốn đến Thanh Lân phải mất thêm một chặng vài cây số từ thị trấn Cô Tô ra bến đò, rồi phải đi đò kiểu “tăng bo” chuyển tải mất khoảng 20 phút mới đến được xã đảo Thanh Lân.
Hệ thống cảng ở huyện đảo Cô Tô tuy là cảng nội địa nhưng ở ngoài khơi xa, giáp hải phận quốc tế, mang tầm cỡ cảng biển hàng hải. Cảng Cô Tô không chỉ đáp ứng nhu cầu giao thông quá giang của nhân dân trên đảo, mà còn là cảng lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, một bến cảng du lịch sầm uất, mặt tiền biên hải quốc gia, nhưng như bị bỏ quên.
Vũ Phong Cầm
Theo