(Xây dựng) – Với vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên thuận lợi, truyền thống văn hóa đậm đà bản sắc, lực lượng lao động trình độ cao… tỉnh Hải Dương có rất nhiều lợi thế cạnh tranh so với các tỉnh, thành phố trong khu vực, là tiền đề để tỉnh phát triển bứt phá.
Vị trí của tỉnh Hải Dương so với các tỉnh, thành phố đồng bằng sông Hồng. |
Điều kiện tự nhiên thuận lợi, hạ tầng đồng bộ
Cách đây vài năm, tôi được anh bạn là chủ một doanh nghiệp chuyên xuất nhập khẩu lúa gạo, nông sản giữa Việt Nam và Campuchia nhờ dẫn đi thăm quan và tìm cơ hội đầu tư khu chế biến nông sản chuyên sâu ở Hải Dương. Sau một thời gian tìm hiểu, trước khi chia tay, anh bạn tôi khẳng định: “Tôi sẽ quay lại. Hải Dương có vị trí địa lý quá thuận lợi, hệ thống hạ tầng rất đồng bộ, hoàn chỉnh. Nếu không đầu tư vào đây thì phí quá”. Trong suốt câu chuyện của mình, anh luôn so sánh hệ thống hạ tầng của Hải Dương với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long nói chung, tỉnh An Giang quê hương anh nói riêng. Theo quan điểm của anh, với lợi thế quá lớn về hạ tầng nếu Hải Dương không phát triển bứt phá thì thực sự là một sự lãng phí không hề nhỏ.
Nhiều năm trong nghề báo, tiếp xúc với nhiều doanh nghiệp cả trong và ngoài nước, được nghe họ nhận xét về Hải Dương, quả thật những đánh giá của anh bạn tôi không hề quá lời. Thật may mắn cho Hải Dương khi địa phương này một vị trí địa lý vô cùng thuận lợi, nằm ở vị trí trung tâm đồng bằng sông Hồng, khoảng cách đến các tỉnh, thành phố lân cận như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Thái Bình chỉ từ 50 – 70km. Hải Dương cũng là đầu mối giao thương kinh tế, thương mại, trung chuyển hàng hóa giữa Hà Nội với nhiều tỉnh, thành phố vùng đồng bằng Bắc bộ, là địa phương trực tiếp liên kết không gian phát triển kinh tế của 5/7 tỉnh, thành phố đồng bằng sông Hồng, tạo thành hành lang kinh tế Hà Nội – Bắc Ninh – Hải Dương – Hải Phòng – Quảng Ninh.
Về giao thông đường bộ, Hải Dương nằm trên trục giao thông chính của Vùng trọng điểm kinh tế Bắc bộ với các tuyến cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, Nội Bài – Hạ Long và các Quốc lộ 5, 18 chạy ngang qua. Ngoài ra, các tuyến Quốc lộ 10, 17B, 37, 38B, đường sắt Hà Nội – Hải Phòng chạy qua tỉnh cũng là huyết mạch giao thông kết nối khu vực miền núi trung du phía bắc với các tỉnh ven biển đồng bằng Bắc bộ, tạo nên mạng lưới giao thông đường bộ hoàn chỉnh, trở thành xương sống cho giao thương kinh tế trong vùng, là điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh phát triển công nghiệp phụ trợ, đồng thời tối ưu hóa chi phí logistics cho doanh nghiệp nhờ phương thức vận chuyển hàng hóa đa phương tiện.
Hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại. |
Không chỉ có hệ thống đường bộ khá hoàn chỉnh, Hải Dương còn có năng lực đường thủy khá lớn với hệ thống sông ngòi chằng chịt, trong đó trên 400km đường sông có thể đáp ứng được tàu, thuyền từ 500 tấn trở lên hoạt động thường xuyên như sông Thái Bình, sông Luộc, sông Kinh Thầy, sông Kinh Môn, Lục Đầu Giang… Trên những con sông này, tàu thuyền đầy ắp nông, lâm sản, khoáng sản có thể từ các tỉnh miền núi phía Bắc xuôi dòng ra các tỉnh ven biển như Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình hoặc từ Quảng Ninh, Hải Phòng ngược dòng lên Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Phú Thọ… Giao thông đường sông thuận lợi đã góp phần giảm tải cho hệ thống giao thông đường bộ, cắt giảm chi phí vận chuyển cho các doanh nghiệp, giảm giá bán hàng hóa, tăng lợi thế cạnh tranh. Hiện nay, tỉnh Hải Dương đã quy hoạch xây dựng 2 cụm cảng thủy nội địa chính gồm: Cụm cảng Kinh Môn – Kim Thành – Phú Thái có khả năng tiếp nhận tầu cỡ 3.000 tấn; Cụm cảng thành phố Hải Dương – Thanh Hà có khả năng tiếp nhận tầu cỡ 2.000 tấn.
Năm 2022, Hải Dương được Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá là 1 trong 20 địa phương có chất lượng hạ tầng công nghiệp tốt nhất cả nước. Đây là lợi thế nổi trội khiến tỉnh Hải Dương lọt vào tầm ngắm của nhiều nhà đầu tư.
Cùng với hệ thống hạ tầng đồng bộ, quỹ đất dành cho phát triển công nghiệp Hải Dương còn tương đối dồi dào cũng là một lợi thế trong thu hút đầu tư. Tỉnh Hải Dương đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch 21 khu công nghiệp và 3 khu công nghiệp mở rộng với tổng diện tích trên 4.500ha. Hiện đã có 11 khu công nghiệp đang hoạt động, tỷ lệ lấp đầy đạt trên 87%. Nếu như quỹ đất công nghiệp của các tỉnh, thành phố lân cận như Bắc Ninh, Hà Nội, Hải Phòng ngày càng thu hẹp thì quỹ đất công nghiệp của Hải Dương vẫn còn rất dồi dào, định hướng lên tới 10.00ha, đáp ứng đủ cho nhu cầu của các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư lớn.
Quỹ đất các khu công nghiệp đủ sức đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư. |
Ngoài vị trí địa lý thuận lợi, hệ thống giao thông thủy bộ hoàn chỉnh, quỹ đất cho phát triển công nghiệp dồi dào thì lực lượng lao động đông đảo, trẻ, tỷ lệ lao động qua đào tạo cao cũng là một lợi thế so sánh của Hải Dương với các tỉnh, thành phố khác trong khu vực. Tổng dân số của tỉnh khoảng 1.950.000 người, trong đó số người trong độ tuổi lao động gần 1,1 triệu. Tỷ lệ lao động qua đào tạo có cấp chứng chỉ ngày càng tăng. Nếu như năm 2015, tỷ lệ lao động qua đào tạo chỉ là 19% thì năm 2020, con số này đã tăng lên 25%. Tỉnh Hải Dương đặt mục tiêu gia tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 33% vào năm 2025 và 43% vào năm 2030. Đây là những con số hoàn toàn có thể khiến các nhà đầu tư an tâm khi quyết định đầu tư vào Hải Dương.
Truyền thống văn hóa đậm đà bản sắc
Không chỉ có núi non, sông ngòi, hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiện đại hay vị trí địa lý thuận lợi, Hải Dương còn là một vùng văn hóa vừa mang những giá trị chung của văn hóa dân tộc vừa mang những dấu ấn đậm nét, riêng có của văn hóa Xứ Đông xưa và Hải Dương ngày nay. Hải Dương được đánh giá là mảnh đất có bề dày lịch sử và trầm tích văn hóa, với những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đa dạng, độc đáo. Ở Hải Dương, đâu cũng có thể tìm thấy những dấu ấn thời kỳ đồ đá cũ, những di chỉ, di vật có giá trị của thời đại đồ đồng… Dấu tích của văn hóa Lý, Trần, Lê, Nguyễn đã trở thành dòng chảy liên tục và rực sáng trên vùng đất này, tạo nên một không gian văn hóa đặc biệt.
Hải Dương là vùng đất có nhiều giá trị văn hóa đặc sắc. |
Hải Dương có 127 di tích được xếp hạng quốc gia, nhiều di tích được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt như Côn Sơn - Kiếp Bạc, An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương, Văn miếu Mao Điền - Đền Xưa - Chùa Giám - Đền Bia. Hải Dương còn là nơi lưu giữ lịch sử về ba danh nhân vĩ đại của đất nước và thế giới, đó là Trần Hưng Ðạo - danh nhân quân sự, Nguyễn Trãi - danh nhân văn hóa, Chu Văn An - người thầy của muôn đời cùng nhiều danh nhân nổi danh trong lịch sử dân tộc. Tinh thần “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”, “Đem đại nghĩa thắng hung tàn/Lấy chí nhân thay cường bạo” của danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi hay lời căn dặn trước khi mất của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn “phải khoan thư sức dân làm kế rễ sâu gốc vững”… đều được hun đúc từ mảnh đất này, trở thành đại diện tiêu biểu cho cốt cách anh hùng trong chiến đấu chống giặc ngoại xâm nhưng lại rất hiền hòa, nhân ái khi đất nước vắng bóng giặc của dân tộc ta.
Hải Dương còn là đất học, đất khoa bảng. Hải Dương đứng đầu về số lượng tiến sỹ nho học của cả nước với 472 người, trong đó có 11 trạng nguyên. Làng Mộ Trạch ở huyện Bình Giang nổi danh là "Làng tiến sỹ" với 39 tiến sỹ dưới các triều đại phong kiến. Còn Văn Miếu Mao Ðiền (Cẩm Giàng) - Văn Miếu trấn Hải Dương xưa cũng là một minh chứng cho truyền thống hiếu học của con người xứ Ðông. Nhiều tiến sỹ nho học của Hải Dương là những tác giả nổi tiếng, để lại cho ngày nay hàng trăm tác phẩm có giá trị trên các lĩnh vực chính trị, quân sự, khoa học, văn học, ngoại giao như: Tuệ Tĩnh, Mạc Ðĩnh Chi, Phạm Sư Mạnh, Nguyễn Phi Khanh, Nguyễn Trãi, Vũ Hữu, Nguyễn Dữ... Hải Dương còn tự hào là quê hương của Nguyễn Thị Duệ - nữ tiến sỹ đầu tiên của Việt Nam.
Hải Dương là địa phương có truyền thống hiếu học. |
Những người con của Hải Dương nay - xứ Đông xưa vẫn luôn tự hào về những truyền thống văn hóa tốt đẹp của mảnh đất "địa linh, nhân kiệt", là nơi "ánh mặt trời tỏa sáng miền duyên hải" này. Trong thời đại Hồ Chí Minh, người dân Hải Dương vẫn đang nỗ lực kế thừa, phát huy những truyền thống tốt đẹp đó. Từ truyền thống văn hóa đậm sâu đó đã hun đúc, xây dựng nên tinh thần ham học hỏi, sáng tạo, cần cù, chịu thương chịu khó vươn lên trong cuộc sống.
Chính những giá trị văn hóa đậm sâu, riêng có này đã trở thành lợi thế cạnh tranh riêng có của Hải Dương, là “sức mạnh mềm” trong thu hút các doanh nghiệp tìm đến mảnh đất “địa linh nhân kiệt” này.
Vị Thủy
Theo