Thứ bảy 27/04/2024 09:39 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến 2050:

Bài 1: Biến lợi thế làm động lực phát triển

19:35 | 05/08/2021

(Xây dựng) - Trong những năm gần đây, tỉnh Thái Nguyên được biết đến là trung tâm kinh tế, giáo dục, văn hóa; là cực tăng trưởng quan trọng của vùng miền núi và trung du phía Bắc và vùng Thủ đô. Môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh Thái Nguyên cũng không ngừng được cải thiện, vai trò, vị thế của Thái Nguyên ngày một nâng cao. Điểm số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh tăng qua các năm, theo đó Thái Nguyên xếp thứ 11/63 tỉnh, thành phố của cả nước về chỉ số PCI năm 2020 và là tỉnh dẫn đầu khu vực miền núi phía Bắc.

bai 1 bien loi the lam dong luc phat trien
Điểm số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh tăng qua các năm, thứ tự xếp hạng PCI Thái Nguyên xếp thứ 11/63 tỉnh, thành phố của cả nước.

Những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội trong nhiều năm qua, đặc biệt là trong nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã tạo ra thế và lực mới để Thái Nguyên tự tin vững bước vào thời kỳ phát triển mới. Với khát vọng xây dựng Thái Nguyên thành trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực trung du, miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội vào năm 2030.

Thái Nguyên – mảnh đất giàu tiềm năng phát triển

Tỉnh Thái Nguyên, là trung tâm chính trị, kinh tế của khu Việt Bắc nói riêng, của vùng trung du miền núi Đông bắc nói chung, là cửa ngõ giao lưu kinh tế xã hội giữa vùng trung du miền núi với vùng đồng bằng Bắc Bộ; phía Bắc tiếp giáp với tỉnh Bắc Kạn, phía Tây giáp với các tỉnh Vĩnh Phúc, Tuyên Quang, phía Đông giáp với các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Giang và phía Nam tiếp giáp với Thủ đô Hà Nội (cách 80 km); diện tích tự nhiên 3.562,82 km².

Với vị trí rất thuận lợi về giao thông, cách sân bay quốc tế nội bài 50 km, cách biên giới Trung Quốc 200km, cách trung tâm Hà Nội 75km và cảng Hải Phòng 200km. Thái Nguyên còn là điểm nút giao lưu thông qua hệ thống đường bộ, đường sắt, đường sông hình rẻ quạt kết nối với các tỉnh thành, đường quốc lộ 3 nối Hà Nội đi Bắc Kạn; Cao Bằng và cửa khẩu Việt Nam – Trung Quốc; quốc lộ 1B Lạng Sơn; quốc lộ 37 Bắc Ninh, Bắc Giang. Hệ thống đường sông Đa Phúc - Hải Phòng; đường sắt Thái Nguyên – Hà Nội - Lạng Sơn.

Thái Nguyên có địa hình không phức tạp lắm so với các tỉnh trung du, miền núi khác, đây là một thuận lợi của Thái Nguyên cho canh tác nông lâm nghiệp và phát triển kinh tế xã hội nói chung so với các tỉnh trung du miền núi khác. Được thiên nhiên ưu đãi về khí hậu và đất đai, Thái Nguyên có nhiều khả năng để phát triển nông lâm, công nghiệp, du lịch và các loại hình dịch vụ khác.

Diện tích rừng tự nhiên của tỉnh là 102.190 ha, diện tích rừng trồng khoảng 44.450 ha. Đây là một lợi thế to lớn cho việc phát triển rừng nguyên liệu phục vụ chế biến gỗ nhân tạo, chế biến làm nguyên liệu giấy. Diện tích đất nông nghiệp toàn tỉnh chiếm 23% diện tích tự nhiên, cây hàng năm chủ yếu là cây chè. Thái Nguyên là vùng đất thích hợp để phát triển cây chè. Chè Thái Nguyên, đặc biệt là chè Tân Cương là đặc sản từ lâu nổi tiếng trong và ngoài nước. Ngoài sản xuất lương thực, tỉnh còn có diện tích tương đối lớn để quy hoạch các đồng cỏ, phát triển mạnh chăn nuôi đại gia súc, chăn nuôi bò sữa.

Về tài nguyên khoáng sản, Thái Nguyên được biết đến là nơi phong phú về chủng loại, là một lợi thế so sánh lớn trong việc phát triển các ngành công nghiệp luyện kim, khai khoáng… Thái Nguyên được đánh giá là tỉnh có trữ lượng than lớn thứ 2 trong các cả tỉnh thành cả nước bao gồm than mỡ, than đá được phân bố tập trung ở 2 huyện Đại từ và Phú Lương. Tiềm năng than mỡ có khoảng trên 15 triệu tấn, trong đó trữ lượng tìm kiếm thăm dò khoảng 8,5 triệu tấn, chất lượng tương đối tốt, tập trung ở các mỏ: Phấn Mễ, Làng Cẩm, Âm Hồn. Than đá với tổng trữ lượng tìm kiếm và thăm dò khoảng 90 triệu tấn tập trung ở các mỏ: Bá Sơn, Khánh Hoà, Núi Hồng. Ngoài ra Thái Nguyên cũng có nhiều khoáng sản kim loại, như: quặng sắt, thiếc, chì kẽm, vàng…

Bên cạnh đó, Thái Nguyên có nhiều khoáng sản vật liệu xây dựng trong đó đáng chú ý là đất sét xi măng ở 2 mỏ Cúc Đường và Khe Mo, trữ lượng khoảng 84,6 triệu tấn. Đá Cacbônat bao gồm đá vôi xây dựng, đá vôi xi măng, Đôlômit tìm thấy ở nhiều nơi. Riêng đá vôi xây dựng có trữ lượng xấp xỉ 100 tỷ m3. Đó là vùng nguyên liệu dồi dào cho sự phát triển ngành vật liệu xây dựng, trong đó có xi măng và đá ốp lát. Nhìn chung tài nguyên khoáng sản của tỉnh Thái Nguyên rất phong phú về chủng loại, trong đó có nhiều loại có ý nghĩa lớn trong cả nước. Tiềm năng sắt tạo cho Thái Nguyên một lợi thế so sánh lớn trong việc phát triển các ngành công nghiệp luyện kim, khai khoáng... để trở thành một trong các trung tâm luyện kim lớn của cả nước.

Thái Nguyên có nhiều khu du lịch nổi tiếng như: Hồ Núi Cốc, Hang Phượng Hoàng, Khu ATK, suối Mỏ Gà, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, Đền Đuổm, Chùa Phủ Liễn, đền Xương Rồng, đền Đội Cấn….Với nhiều điểm đến hấp dẫn, Thái Nguyên có thể hình thành các tuyển du lịch nối các điểm tham quan, du lịch trong tỉnh với các điểm du lịch của các tỉnh lân cận như đến cây đa Tân Trào (Tuyên Quang), Hồ Ba Bể (Bắc Kạn), Pắc Pó (Cao Bằng), Động Tam Thanh, Nhị Thanh và núi Mẫu Sơn (Lạng Sơn), Đền Hùng (Phú Thọ)…

bai 1 bien loi the lam dong luc phat trien
Khu du lịch huyền thoại Hồ Núi Cốc là một trong những điểm thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.

Dân số Thái Nguyên khoảng 1,2 triệu người, trong đó có 8 dân tộc chủ yếu sinh sống đó là Kinh, Tày, Nùng, Sán dìu, H’mông, Sán chay, Hoa và Dao. Ngoài ra, Thái Nguyên được cả nước biết đến là một trung tâm đào tạo nguồn nhân lực lớn thứ 3 sau Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh với 6 Trường Đại học, 11 trường Cao đẳng và trung học chuyên nghiệp, 9 trung tâm dạy nghề, mỗi năm đào tạo được khoảng gần 100.000 lao động.

Có thể thấy, Thái Nguyên có nhiều lợi thế để phát triển công nghiệp, vừa đẩy mạnh phát triển ngành du lịch, dịch vụ và đô thị, vừa phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp và bảo vệ môi trường. Trong những năm qua, được sự quan tâm của Chính phủ, các Bộ, ban, ngành Trung ương, cùng với sự nỗ lực, quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc, tỉnh Thái Nguyên đang có sự phát triển đồng bộ, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, một số mục tiêu, chỉ tiêu có sự phát triển bứt phá.

Thái Nguyên lựa chọn hướng phát triển kinh tế như thế nào?

Đến hết năm 2020, quy mô tổng sản phẩm trong tỉnh ước đạt trên 115.985 tỷ đồng, tương đương khoảng 5,04 tỷ USD, năng suất lao động bình quân năm 2020 ước đạt 140 triệu đồng/người, cao hơn bình quân chung của cả nước..

Tỉnh Thái Nguyên xác định, để tổ chức thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế giai đoạn 2021-2025, tỉnh đang tập trung xây dựng cơ chế thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao vào từng ngành, từng lĩnh vực mà tỉnh đang ưu tiên phát triển; quản lý, sử dụng có hiệu quả nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước, ưu tiên nguồn vốn này cho đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội. Bên cạnh đó, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư; hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ, nghiên cứu, chuyển giao khoa học kỹ thuật vào đời sống; đầu tư giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất thu hút các nhà đầu tư, phát triển hạ tầng giao thông và khu công nghiệp gắn kết với sự phát triển của vùng Thủ đô Hà Nội.

Thái Nguyên đã tập trung triển khai 7 chương trình đầu tư công mang tính trọng tâm, đột phá về phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội, điển hình là chương trình phát triển kết cấu hạ tầng đô thị, chương trình đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, chương trình phát triển kết cấu hạ tầng phía Nam tỉnh Thái Nguyên...

Điểm nhấn quan trọng trong phát triển kinh tế của tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2016-2020 là kinh tế luôn đạt tốc độ tăng trưởng cao, trong đó khu vực công nghiệp-xây dựng tăng vượt trội tại sự chuyển biến mạnh mẽ về chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Những cơ sở mang tính tiền đề để hiện thực hóa những nhiệm vụ này là ngày 20/5/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 664/QĐ-TTg phê duyệt Nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng, là căn cứ để Thái Nguyên phát triển đúng định hướng, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững.

bai 1 bien loi the lam dong luc phat trien
Thái Nguyên đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển đô thị.

Tại Quyết định phê duyệt Nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, việc xây dựng Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên phải đảm bảo đáp ứng các yêu cầu: Định hướng phát triển, sắp xếp không gian và phân bố nguồn lực cho các hoạt động kinh tế - xã hội hướng đến mục tiêu phát triển bền vững trên cả 3 trụ cột: Kinh tế, xã hội và môi trường; phù hợp với bối cảnh hội nhập quốc tế; đảm bảo tính liên kết, đồng bộ, khai thác và sử dụng hiệu quả hệ thống kết cấu hạ tầng hiện có giữa các ngành và các vùng liên huyện, các địa phương trên địa bàn tỉnh; ứng dụng công nghệ hiện đại, số hóa, thông tin, cơ sở dữ liệu trong quá trình lập Quy hoạch; đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn, kỹ thuật và phù hợp với yêu cầu phát triển, hội nhập quốc tế và liên kết vùng.

Để triển khai quyết định của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh đã kiện toàn Ban Chỉ đạo lập Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đồng thời xây dựng kế hoạch, thực hiện các bước: Lập, thẩm định và phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu.

Sở Kế hoạch và Đầu tư Thái Nguyên (cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo) đã tiến hành khảo sát và làm việc với một số đơn vị tư vấn quy hoạch uy tín trong và ngoài nước, trao đổi với các cơ quan chuyên môn Trung ương để xin ý kiến về phương án lựa chọn các đơn vị tư vấn. Với quan điểm vừa phát huy những kinh nghiệm và hiểu biết thực tại, vừa tận dụng những kiến thức quy hoạch hiện đại và xu hướng phát triển của thế giới, Ban Chỉ đạo lập quy hoạch tỉnh đã thống nhất lựa chọn phương án thuê đơn vị tư vấn nước ngoài kết hợp với đơn vị tư vấn trong nước.

Để cụ thể hóa các nhiệm vụ trọng tâm, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên đã chỉ đạo các huyện, thành phố, thị xã rà soát toàn bộ các quy hoạch, đặc biệt là quy hoạch ba loại rừng, đồng thời hoàn thành quy hoạch quản lý sử dụng đất trong tháng 3/2021. Các ngành, địa phương trong tỉnh cũng triển khai ngay việc rà soát và xây dựng dữ liệu hiện trạng để cung cấp cho đơn vị tư vấn, đảm bảo nhanh, chính xác, khoa học.

Khi được phê duyệt, Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên sẽ là cơ sở quan trọng để các cấp chính quyền tỉnh Thái Nguyên lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý toàn diện, thống nhất trong phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, hội nhập, đối ngoại trên địa bàn tỉnh; là căn cứ để hoạch định chính sách, xây dựng kế hoạch đầu tư và kiến tạo động lực phát triển sản xuất, kinh doanh, an ninh xã hội, an ninh, an toàn, văn minh; phấn đấu đến năm 2030 Thái Nguyên trở thành tỉnh công nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, là trung tâm kinh tế - xã hội, cực tăng trưởng có tác động lan tỏa đối với toàn Vùng Trung du và Miền núi phía Bắc, tạo dựng nền kinh tế xanh với các sản phẩm chủ lực có sức cạnh tranh cao.

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XX diễn ra vào tháng 10/2020 cũng quyết định những chủ trương lớn, quan trọng mang tính định hướng chung cho sự phát triển của tỉnh trong nhiệm kỳ tới và tầm nhìn cho những năm tiếp theo.

Cụ thể là: Phát huy truyền thống cách mạng, tinh thần đoàn kết, thống nhất, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên quyết tâm xây dựng tỉnh Thái Nguyên ngày càng phát triển giàu mạnh, đời sống của người dân ngày càng hạnh phúc, ấm no, sung túc, phấn đấu đến năm 2025 thu nhập bình quân đầu người đạt trên 100 triệu đồng; GRDP bình quân đầu người đạt 150 triệu đồng. Đưa Thái Nguyên trở thành trung tâm kinh tế, công nghiệp lớn, hiện đại không những chỉ của vùng trung du miền núi phía Bắc mà còn của vùng Thủ đô Hà Nội vào năm 2030.

Cần có những giải pháp trọng tâm

Với những lợi thế sẵn có, để cụ thể hóa các nhiệm vụ trên, Thái Nguyên cần chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, nhất là hội nhập kinh tế quốc tế, để thu hút thêm nguồn lực, nâng cao sức mạnh tổng hợp, huy động tiềm năng của toàn xã hội. Ngoài ra, cần tận dụng tốt cơ hội Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và xu hướng chuyển dịch đầu tư đang diễn ra trên thế giới, đẩy mạnh thu hút và phát huy vai trò của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lớn để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tạo lan tỏa tích cực; ưu tiên thu hút các loại hình công nghiệp mũi nhọn, công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ, công nghiệp điện tử, thông tin, chế biến sâu các kim loại quý; liên kết chặt chẽ giữa khu vực đầu tư nước ngoài và khu vực dân doanh, phát triển doanh nghiệp nội địa và nâng cao năng lực tham gia vào chuỗi sản xuất đối với cộng đồng doanh nghiệp trong nước.

Ngoài ra, cần tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh, quan tâm công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch. Xác định rõ vai trò, vị trí của Thái Nguyên trong vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, vùng Thủ đô Hà Nội, tận dụng tốt lợi thế đường vành đai 5 Hà Nội, đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, tiếp tục đầu tư kết nối với các tỉnh Việt Bắc, sân bay quốc tế Nội Bài; coi trọng việc liên kết vùng để tạo động lực phát triển, xây dựng Thái Nguyên phát triển nhanh, bền vững, có kết cấu hạ tầng đồng bộ.

Các định hướng phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch, kế hoạch của Quốc gia, của Vùng miền núi và trung du phía Bắc và Vùng Thủ đô Hà Nội luôn khẳng định vị thế, vai trò của Thái Nguyên là trung tâm, là cực tăng trưởng quan trọng. Giai đoạn 2011 - 2019 tỉnh Thái Nguyên đã có nhiều chuyển biến tích cực trong mục tiêu phát triển kinh tế. Việc tăng một cách mạnh mẽ tỷ trọng của các ngành công nghiệp - xây dựng và giảm tỷ trọng trong ngành nông nghiệp đang là một xu hướng tất yếu hướng tới phát triển kinh tế toàn diện của tỉnh trong thời gian tới. Đồng thời, sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ khu vực kinh tế Nhà nước sang khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đã trở thành hướng đi ưu tiên cho phát triển kinh tế, góp phần giảm gánh nặng cho đầu tư công trên địa bàn tỉnh. Trong những năm qua, các chính sách xã hội tại Thái Nguyên được triển khai thực hiện có hiệu quả. Qua đó đã tạo sự đồng thuận, đồng tình hưởng ứng của Nhân dân với các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Trong giai đoạn 2020-2025, thành phố Thái Nguyên cần đặt ra các mục tiêu huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư nhằm phát triển đô thị theo hướng đô thị thông minh, có hạ tầng khung đô thị đồng bộ hiện đại. Từ đó, tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội, xứng tầm đô thị trung tâm của tỉnh Thái Nguyên.

Tiếp tục tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Sản xuất nông nghiệp an toàn, nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao. Phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã. Thực hiện hợp tác liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và nông hộ trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Giữ vững và nâng cao thương hiệu “Trà Thái Nguyên” đến với các thị trường trong và ngoài nước.

Xây dựng kết cấu hạ tầng Khu nông nghiệp công nghệ cao tỉnh Thái Nguyên, coi đây là mũi nhọn kinh tế của tỉnh.

Không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Triển khai đồng bộ các giải pháp đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, xây dựng Thái Nguyên trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho các tỉnh trong vùng và cả nước. Không ngừng nâng cao chất lượng chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Có thể thấy, những năm qua, cùng với sự bứt phá trong phát triển công nghiệp, Thái Nguyên đã phát huy nội lực, khai thác tiềm năng, lợi thế nên tốc độ tăng trưởng hằng năm đều cao hơn bình quân chung của cả nước, quy mô và năng lực sản xuất tất cả các ngành đều tăng.

Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến 2050:

Bài 2: Quy hoạch phải đi trước một bước

Thanh Thanh – Khánh An

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load