(Xây dựng) - Thực hiện lời dạy của Bác về việc chăm lo cho thế hệ trẻ, tỉnh Bắc Ninh đã quy hoạch lại Trung tâm hoạt động thanh thiếu nhi với quy mô hiện đại hơn, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, học tập và vui chơi của con em trong tỉnh. Đồng thời, đảm bảo tiến độ xây dựng Công trình đền thờ Bác Hồ và công viên Văn Miếu.
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn cùng các lãnh đạo tỉnh trò chuyện với cô giáo và học sinh lớp học hát Quan họ tại Trung tâm Văn hóa thiếu nhi phía Nam tỉnh Bắc Ninh (cơ sở 2). (Ảnh Phương Thảo) |
Ưu tiên cho công tác an sinh
Dự án Đền thờ Bác Hồ và công viên Văn Miếu chính thức được khởi công tại thành phố Bắc Ninh vào ngày 13/1 vừa qua, ngay tại địa điểm của Trung tâm hoạt động thanh thiếu nhi. Sự kiện trọng đại này có sự tham dự của Tổng Bí thư Tô Lâm và Đoàn công tác Trung ương, lãnh đạo tỉnh, góp phần khẳng định ý nghĩa to lớn của công trình đối với Đảng bộ và nhân dân tỉnh Bắc Ninh.
Tuy nhiên, một vấn đề khác cũng được nhân dân đặc biệt quan tâm đó là công trình có sử dụng phần diện tích của Trung tâm hoạt động thanh thiếu nhi. Câu hỏi được nhiều người dân quan tâm nhất là: Trung tâm hoạt động thanh thiếu nhi tỉnh sẽ được quy hoạch lại ở đâu? Quy mô, kế hoạch, lộ trình thực hiện xây dựng như thế nào? Để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hoá, học tập kỹ năng và vui chơi của con em trong tỉnh.
Trung tâm hoạt động thanh thiếu nhi tỉnh được bố trí quỹ đất để xây dựng mới tại Khu trung tâm thể thao và công trình công cộng tỉnh Bắc Ninh với quy mô diện tích lớn hơn vị trí cũ. |
Để giải đáp những mong mỏi và băn khoăn của nhân dân, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, Giám đốc Sở Xây dựng Bắc Ninh Nguyễn Việt Hùng cho biết, theo chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, hiện nay, Trung tâm hoạt động thanh thiếu nhi tỉnh đã được bố trí quỹ đất để xây dựng mới tại Khu trung tâm thể thao và công trình công cộng tỉnh Bắc Ninh (khu vực Nhà thi đấu đa năng của tỉnh) với quy mô diện tích lớn hơn vị trí cũ. “Tôi xin được khẳng định là, quy mô sẽ lớn hơn rất nhiều”.
Với quy mô này, có thể khai thác các tiện tích đa chức năng phục vụ các hoạt động của thanh thiếu nhi, gắn hoạt động của Cung với các khu luyện tập, thi đấu thể dục thể thao, cây xanh, công trình công cộng có quy mô lớn liền kề của tỉnh. UBND tỉnh đã giao Sở Xây dựng lập đề xuất chủ trương đầu tư cùng với Dự án Đầu tư xây dựng Trung tâm huấn luyện thể thao và ký túc xá huấn luyện viên, vận động viên.
Để đảm bảo hoạt động của Trung tâm hoạt động Thanh thiếu nhi tỉnh Bắc Ninh không bị gián đoạn trong quá trình xây dựng công trình mới, tỉnh Bắc Ninh đã có phương án di chuyển tạm thời. Theo đó, các hoạt động của Trung tâm sẽ được chuyển đến Trung tâm văn hóa thể thao thành phố Bắc Ninh và một phần tại Trung tâm huấn luyện thể thao - sân vận động Suối Hoa. Việc tháo dỡ các hạng mục công trình hiện tại của Trung tâm hoạt động Thanh thiếu nhi chỉ được thực hiện sau khi giải phóng mặt bằng xong.
Song song với việc di chuyển tạm thời, Sở Xây dựng sẽ phối hợp với Tỉnh đoàn và Ban Quản lý Khu vực phát triển đô thị tập trung hoàn thiện trình tự, thủ tục đầu tư xây dựng công trình mới. Mục tiêu là sớm triển khai thi công, hoàn thành và đưa công trình vào sử dụng, đáp ứng mong mỏi của người dân và thế hệ thanh thiếu nhi trong tỉnh.
Trung tâm Văn hóa thiếu nhi phía Nam tỉnh Bắc Ninh (cơ sở 2) được khánh thành vào ngày 27/12/2024 tại huyện Gia Bình. |
Được biết, trước đó, vào 27/12/2024, Trung tâm Văn hóa thiếu nhi phía Nam tỉnh Bắc Ninh (cơ sở 2) đã được khánh thành. Được khởi công từ tháng 12/2019, trung tâm được xây dựng trên diện tích hơn 10.000m2 với tổng kinh phí gần 150 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh; nhằm tạo không gian lý tưởng cho thanh, thiếu nhi khu vực phía Nam bao gồm: Thị xã Thuận Thành, huyện Lương Tài, huyện Gia Bình tham gia vào các hoạt động văn hóa nghệ thuật, học tập, vui chơi giải trí, tổ chức các chương trình ngoại khóa bổ ích, lành mạnh. Thông qua các chương trình ngoại khóa đa dạng, trung tâm sẽ góp phần kích thích sự phát triển năng khiếu, thể chất, trí tuệ, sự năng động sáng tạo, từ đó phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất cho thiếu nhi.
Lời căn dặn của Người là ngọn “hải đăng” soi đường
Chia sẻ về những lần tỉnh Bắc Ninh vinh dự được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm và ý nghĩa của Công trình đền thờ Bác Hồ và công văn Văn Miếu được khởi công xây dựng tại thành phố Bắc Ninh vào đầu tháng 1 vừa qua, Giám đốc Sở Xây dựng Bắc Ninh thông tin, trong quá trình xây dựng và phát triển, tỉnh Bắc Ninh luôn được Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho những tình cảm và sự quan tâm đặc biệt. Bác đã 18 lần về thăm Đảng bộ và nhân dân Bắc Ninh, riêng 2 năm 1958 - 1959, tỉnh Bắc Ninh vinh dự được 5 lần đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm. Những lời căn dặn, chỉ bảo của Người thể hiện tính nhân văn sâu sắc, là bài học, là ngọn “hải đăng” soi đường, là động lực để Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh phấn đấu, xây dựng Bắc Ninh trở thành tỉnh giàu mạnh, văn minh
Ghi nhớ những tình cảm, sự quan tâm đặc biệt và lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sau gần 30 năm tái lập tỉnh, Đảng bộ và nhân dân Bắc Ninh đã và đang nỗ lực phấn đấu xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh, văn minh, giàu bản sắc văn hóa. Bắc Ninh cũng đang hướng tới mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2026, sớm hơn 3 năm so với dự kiến.
Chủ trương này đã được quán triệt xuyên suốt trong các nhiệm kỳ của Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh (2010-2015, 2015-2020, 2020-2025), thể hiện rõ nét trong định hướng Quy hoạch chung của tỉnh. Thành phố Bắc Ninh luôn được xác định là trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế - xã hội, là hạt nhân thúc đẩy sự phát triển của tỉnh. Đặc biệt là hệ thống các công trình trọng điểm như các công trình hành chính, công trình công cộng, công viên, quảng trường, bệnh viện, trường học... Trung tâm văn hóa - xã hội.
Các công trình truyền thống khoa bảng, di tích lịch sử - văn hóa (Làng Tiến sĩ, Văn Miếu Bắc Ninh...) và hệ thống hạ tầng xã hội cấp vùng, cấp đô thị của tỉnh. Tất cả đều được đầu tư xây dựng theo tiêu chí của đô thị loại I, đô thị trực thuộc Trung ương, góp phần đưa Bắc Ninh trở thành một trung tâm kinh tế - xã hội năng động, hiện đại và giàu bản sắc văn hóa.
Theo quy hoạch chung thị xã Bắc Ninh được duyệt từ những năm 2000-2005 và điều chỉnh trong các giai đoạn tiếp theo, trục đường Lý Thái Tổ - Lê Thái Tổ được xác định là trục phát triển trọng điểm, tập trung hệ thống các công trình quan trọng về hành chính, chính trị, văn hóa, kinh tế - xã hội. Trục đường này được xem là điểm nhấn trong phát triển không gian đô thị của thành phố Bắc Ninh, đại diện cho cả tỉnh, hướng tới các tiêu chí của đô thị loại I và thành phố trực thuộc Trung ương.
Phối cảnh Đền thờ Bác Hồ và công viên Văn Miếu. |
Địa chỉ đỏ giáo dục tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
Việc xây dựng Đền thờ Bác Hồ tại thành phố Bắc Ninh mang ý nghĩa chính trị, văn hóa và tinh thần to lớn. Công trình là nơi thể hiện tình cảm thiêng liêng, lòng biết ơn vô hạn của người dân Bắc Ninh đối với Bác và là địa chỉ đỏ để giáo dục tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng cho thế hệ trẻ. Từ đó, khơi dậy niềm tự hào, hun đúc ý chí, tạo động lực to lớn để các thế hệ người dân Bắc Ninh không ngừng học tập, lao động, cống hiến cho sự phát triển của quê hương.
Sau khi hoàn thành, Đền thờ Bác Hồ và công viên Văn Miếu sẽ là một quần thể di tích lịch sử - văn hóa, nơi tưởng nhớ công ơn của Bác, đồng thời là không gian văn hóa, tinh thần để người dân bày tỏ lòng kính yêu vô hạn với vị lãnh tụ vĩ đại. Công viên sẽ lưu giữ những dấu ấn về 18 lần Bác Hồ về thăm Bắc Ninh, tạo sự kết nối với các di tích quan trọng khác như Văn Miếu Bắc Ninh, Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tỉnh Bắc Ninh và Bức phù điêu theo dòng lịch sử văn hiến Bắc Ninh - Kinh Bắc, góp phần lan tỏa những giá trị lịch sử, văn hóa của vùng đất giàu truyền thống này.
Ngoài ra, dự án khi được hoàn thành sẽ góp phần quan trọng trong việc phát triển hạ tầng đô thị, tăng cường không gian xanh. Đây cũng là nơi tổ chức các hoạt động giáo dục truyền thống, các sự kiện chính trị, sự kiện văn hóa, giúp bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của tỉnh Bắc Ninh. Từ đó, trở thành một điểm đến về văn hóa mang đậm bản sắc Bắc Ninh – Kinh Bắc, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Theo Quy hoạch chung đô thị Bắc Ninh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh tại Quyết định số 728/QĐ-TTg ngày 20/6/2023, khu vực Đền thờ Bác Hồ và quảng trường được kết nối hài hòa với Văn Miếu Bắc Ninh. Vị trí này nằm ở phía Đông trên đồi Văn Miếu, chếch xuống phía Nam, tạo thành một quần thể di tích liên hoàn, kết nối với di tích văn hóa Chùa Nác (Cao Sơn tự) và khu Công viên Văn Miếu rộng khoảng 16ha. Từ đó, tiếp tục liên kết với các không gian xanh khác như Công viên Nguyễn Văn Cừ, Công viên Hữu Nghị và Công viên hồ điều hòa Văn Miếu. Sự kết nối này đã được tính toán kỹ lưỡng và giữ nguyên ngay từ Quy hoạch chung thị xã Bắc Ninh giai đoạn 2000-2005 đến nay.
Giám đốc Sở Xây dựng Bắc Ninh thông tin thêm, Dự án công viên Văn Miếu được xây dựng với diện tích 4,7ha. Trong đó, Đền thờ Bác Hồ được khai thác trên cơ sở hình tượng Hoa sen để khái quát hoá nhân cách cao đẹp của Chủ tịch Hồ Chí Minh với gợi tả về lịch sử, văn hoá vùng đất Bắc Ninh - Kinh Bắc. Công trình được chia thành 3 lớp không gian, dọc theo trục của các công trình văn hoá tiêu biểu của thành phố.
Thứ nhất không gian quảng trường, kết nối không gian đô thị, không gian giữa Đền thờ Bác và Đài tưởng niệm các Anh hùng Liệt sĩ. Thứ hai là không gian sân kết đoàn, khai thác biểu tượng hoa sen trong vòng không gian của Lá Đề. Sân được đặt tên “Kết đoàn” để kỷ niệm Bác về thăm Bắc Ninh năm 1967 (Bác đã bắt nhịp bài ca kết đoàn để mọi người cùng đồng ca). Thứ Ba là đền thờ Bác được thiết kế quy mô 2 tầng, 8 mái cấu trúc gỗ truyền thống, diện tích 182m2, sân đền được đặt trên 1 hồ sen 1.100m2, hình hoa sen 8 cánh - một hình tượng đặc biệt với người Việt Nam (toàn bộ công trình đều được xã hội hoá). Về nguồn lực đầu tư đền thờ Bác Hồ từ 100% nguồn xã hội hóa từ các tổ chức, cá nhân và cộng đồng doanh nghiệp có lòng hảo tâm, hướng về Đảng, về Bác Hồ và nguồn cội văn hóa người Việt.
Nguyên Khánh
Theo