Thứ bảy 20/04/2024 11:19 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Bắc Giang: “Nông thôn mới, sức sống mới, diện mạo mới” cho huyện Lục Ngạn

17:41 | 28/02/2023

(Xây dựng) - Với nỗ lực, phấn đấu của cả hệ thống chính trị và toàn dân, đến nay chương trình xây dựng nông thôn mới của huyện Lục Ngạn đã đạt được nhiều kết quả rất đáng ghi nhận.

Bắc Giang: “Nông thôn mới, sức sống mới, diện mạo mới” cho huyện Lục Ngạn

Chú trọng nâng cao thu nhập cho người dân

Lục Ngạn là huyện miền núi của tỉnh Bắc Giang, có 12 xã vùng cao, toàn huyện còn 9 xã đặc biệt khó khăn thuộc xã khu vực 2. Dân số gồm 235.691 vạn người, gồm 8 dân tộc cùng sinh sống (Kinh, Tày, Nùng, Cao Lan, Sán Dìu, Sán Chí, Dao, Hoa), trong đó dân tộc thiểu số chiếm trên 49%.

Để thay đổi bộ mặt nông thôn và nâng cao đời sống người dân, thời gian qua, huyện Lục Ngạn luôn nỗ lực triển khai các giải pháp xây dựng nông thôn mới. Điểm thuận lợi là ngay từ khi bắt đầu triển khai thực hiện, chương trình luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ngành từ Trung ương, tỉnh, huyện đặc biệt sự đồng thuận của người dân trong suốt quá trình thực hiện chương trình.

Trong những năm qua, chính quyền địa và nhân dân trên địa bàn đã không ngừng nỗ lực, quyết tâm phấn đấu xây dựng nông thôn mới ngày càng khang trang, sáng xanh - sạch đẹp. Huyện đã chỉ đạo các xã tiếp tục tập trung làm hồ sơ công trình, hồ sơ chứng minh các tiêu chí nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu… Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ và người dân về xây dựng nông thôn mới với phương châm "Xây dựng nông thôn mới là quá trình liên tục, lâu dài, có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc".

Với quyết tâm ấy, huyện đã tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới, trong đó, chú trọng đối tượng là cán bộ cơ sở và Ban quản lý các xã.

Huyện cũng tổ chức tập huấn cho hàng trăm hộ dân về quy trình sản xuất sạch, an toàn, hữu cơ để nâng cao chất lượng sản phẩm chủ lực trên địa bàn. Đồng thời tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, công chức, viên chức, tổ chức tham quan học tập kinh nghiệm lẫn nhau, tạo phong trào thi đua rộng khắp giữa các địa phương, thôn, xóm, hộ gia đình.

Bắc Giang: “Nông thôn mới, sức sống mới, diện mạo mới” cho huyện Lục Ngạn

Đến nay, huyện Lục Ngạn đã có 14 xã về đích nông thôn mới. Đặc biệt, trong năm 2022, huyện đăng ký 3 thôn đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu gồm: Thôn Hạ Long (xã Giáp Sơn); thôn Ngọc Nương (xã Mỹ An); thôn Chể (xã Phượng Sơn).

Thôn Hạ Long đã có quyết định công nhận về đích nông thôn mới kiểu mẫu. Sau thời gian dồn sức thực hiện, hiện thôn Hạ Long đã hoàn thành 7/7 tiêu chí theo quy định. Trong đó, 100% đường trục thôn và ngõ xóm được cứng hoá; thôn đã xây dựng hơn 4km đường trục thôn và ngõ, xóm được lắp đặt đèn chiếu sáng. Người dân trong thôn đã đóng góp hơn 622,2 triệu đồng cho xây dựng nông thôn mới.

Lục Ngạn xác định kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, với hơn 80% dân số sống dựa vào sản xuât nông, lâm nghiệp thế mạnh của địa phương là phát triển cây ăn quả có giá trị kinh tế cao. Do đó, những năm qua, UBND huyện đã xây dựng và phát triển các vùng sản xuất hàng hóa trồng trọt tập trung, phát triển các sản phẩm trồng trọt chủ lực có lợi thế của huyện, gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm tạo đà đẩy mạnh giá trị sản phẩm nông nghiệp.

Đến nay, toàn huyện hiện có trên 27.000ha, trong đó vải thiều là 15.290ha, sản lượng ước đạt khoảng 90.000-130.000 tấn/năm (diện tích sản xuất theo quy trình Vietgap và Globalgap trên 11.600 ha); cây có múi càng được phát triển mở rộng với tổng diện tích 6.740ha sản lượng hàng năm ước đạt 50.000-60.000 tấn (trong đó: Cam 4.142ha, bưởi 2.252ha) sản lượng ước đạt trên 40.000 tấn/năm; giá trị sản xuất từ cây ăn quả hàng năm đạt khoảng 3.000- 3.500 tỷ đồng/năm. Ngoài công tác tập chung chỉ đạo phát triển sản xuất nâng cao giá trị sản phẩm UBND huyện còn tập trung chỉ đạo hướng dẫn phát triển cơ sở chế biến sản phẩm nông nghiệp, các làng nghề, các HTX tạo công ăn việc làm cũng như nâng cao giá trị sản phẩm, thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.

Hướng tới xây dựng nông thôn mới nâng cao

Bước sang giai đoạn 2021-2025, bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới đều nâng cao hơn so với giai đoạn trước, Theo đó, để công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao thì phải hoàn thành 19/19 tiêu chí và 75/75 chỉ tiêu, tăng 18 chỉ tiêu so với xã đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 và tăng 26 chỉ tiêu so với xã đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn trước, điều này đang đặt ra không ít khó khăn, thách thức cho các địa phương.

Bên cạnh đó, những tiêu chí mới về lĩnh vực nông nghiệp cũng rất khó thực hiện. Chẳng hạn, diện tích cây trồng phải có tưới chủ động đạt 80% trở lên trong khi đó, đặc thù của huyện Lục Ngạn với địa bàn rộng hệ thống kênh mương thủy lợi còn khiêm tốn. Hoặc tiêu chí “tỷ lệ người dân tham gia và sử dụng ứng dụng khám chữa bệnh từ xa”, tiêu chí văn hoá “có lắp đặt các dụng cụ thể dục thể thao ngoài trời ở điểm công cộng; các loại hình hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao được tổ chức hoạt động thường xuyên”...

Trước những khó khăn về bộ tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, Huyện uỷ, UBND huyện tập trung lựa chọn những xã có điều kiện cơ sở hạ tầng, vật chất cơ bản nhất để thực hiện về đích nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao. Đồng thời, tập trung tuyên truyền vận động thực hiện chủ trương bảo hiểm y tế toàn dân, cả hệ thống chính trị tích cực vào cuộc tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện cộng với các chính sách hỗ trợ, vận động toàn dân tham gia khám chữa bệnh điện tử. Xây dựng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Vận động mọi nguồn lực của địa phương cũng như xã hội hoá thực hiện lắp đặt các dụng cụ thể dục thể thao ngoài trời ở điểm công cộng nâng cao chất lượng đời sống tinh thần, thể dục thể thao của người dân.

Huyện cũng đồng thời xác định, xây dựng nông thôn mới là chương trình lâu dài, liên tục để phát triển toàn diện nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội nông thôn. Mục tiêu của chương trình lớn này cũng từng đề ra, xây dựng nông thôn mới là hành trình có điểm khởi đầu mà không có điểm kết thúc. Có nghĩa, một xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, vẫn phải duy trì và nâng cao các tiêu chí.

Bắc Giang: “Nông thôn mới, sức sống mới, diện mạo mới” cho huyện Lục Ngạn

Do đó, thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục nhân rộng kết quả thực hiện điểm mô hình thôn nông thôn mới kiểu mẫu để các địa phương học tập, đồng thời tập trung tuyên truyền những cách làm hay, sáng tạo, sự tham gia của cộng đồng trong thực hiện nông thôn mới kiểu mẫu để nâng cao ý thức tự giác, tự chủ, khơi dậy, phát huy năng động sáng tạo của người nông dân trong tổ chức thực hiện.

Bên cạnh đó, rà soát lại việc đầu tư xây dựng mới nhà văn hóa - khu thể thao xã, thôn, chú trọng đầu tư các công trình cấp thôn nhằm cải thiện trực tiếp điều kiện sinh hoạt và sản xuất của người dân cho phù hợp với việc sắp xếp, sáp nhập thôn, đơn vị hành chính cấp xã và nguồn vốn được giao năm 2022.

Huyện tiếp tục tập trung xây dựng đời sống văn hóa mới, tạo chuyển biến môi trường nông thôn; nâng cao vai trò, trách nhiệm của hệ thống chính trị, đảm bảo an ninh trật tự. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng và đưa vào hoạt động dự án nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt tập trung của huyện tại thôn Cai Lé (xã Kiên Thành), gắn với việc quy hoạch và xây dựng điểm tập kết, trung chuyển rác thải để vận chuyển về khu xử lý tập trung; nhân rộng, phát triển mô hình đường hoa - cây xanh các tuyến đường từ việc nhân rộng mô hình thôn nông thôn mới kiểu mẫu, tạo cảnh quan nông thôn xanh - sạch - đẹp.

Đặc biệt, huyện tiếp tục phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể và người có uy tín trong cộng đồng; không để xảy ra điểm nóng về an ninh, trật tự; nhân rộng mô hình lắp camera an ninh nhằm xây dựng nông thôn mới bình yên.

Phương Anh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load