Thứ ba 30/04/2024 06:14 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Bắc Giang: Khắc phục điểm nghẽn trong phát triển các cụm công nghiệp

12:31 | 15/04/2024

(Xây dựng) – Ngoài chủ trương phát triển mạnh mẽ các khu công nghiệp, tỉnh Bắc Giang cũng chú trọng đẩy mạnh phát triển cụm công nghiệp (CCN) có quy mô nhỏ, giá thuê đất thấp để thu hút nhà đầu tư, đẩy nhanh tiến độ công nghiệp hóa nền kinh tế. Tuy nhiên, công tác giải phóng mặt bằng chậm khiến việc triển khai CCN gặp nhiều khó khăn, có nguy cơ không hoàn thành kế hoạch đề ra.

Bắc Giang: Khắc phục điểm nghẽn trong phát triển các cụm công nghiệp
Bắc Giang chủ trương đẩy mạnh phát triển các cụm công nghiệp nhằm thu hút các nhà đầu tư, đa dạng hóa sản phẩm, thúc đẩy phát triển kinh tế trên địa bàn.

Hiện nay, toàn tỉnh Bắc Giang có 55 CCN, trong đó tỉnh đưa vào theo dõi kiểm điểm tiến độ 33 dự án do doanh nghiệp làm chủ đầu tư. Trong số này, đến nay có 8/22 CCN được thành lập trước năm 2020 đã cơ bản hoàn thành giải phóng mặt bằng (GPMB), tổ chức đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật. 6/11 CCN mới được thành lập năm 2022 đã được chấp thuận chủ trương đầu tư (Đông Sơn, Tân Sỏi, Khám Lạng, Danh Thắng - Đoan Bái, Nếnh, Ngọc Vân) và đang lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch chi tiết, các công việc tiếp theo sau thành lập CCN.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các cơ quan chức năng việc triển khai xây dựng và đưa vào hoạt động của các CCN trên địa bàn tỉnh Bắc Giang hiện cơ bản không bảo đảm kế hoạch đề ra. Nguyên nhân chính vẫn là do công tác bồi thường GPMB chậm. Việc lập hồ sơ đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa ở một số CCN kéo dài như: Tiên Hưng (Lục Nam), Trung Sơn - Ninh Sơn (thị xã Việt Yên), Đại Lâm, Nghĩa Hòa (Lạng Giang).

Ngoài ra, nhiều CCN phải điều chỉnh tiến độ đầu tư do công tác kiểm đếm, quy chủ đất; đất không rõ nguồn gốc, phân chia tài sản thừa kế, đất cho, tặng, bán qua nhiều chủ; một số hộ dân chưa đồng thuận, đòi hỏi giá bồi thường cao hơn giá Nhà nước quy định…

Bên cạnh đó, công tác thu hồi, chỉnh lý giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) gặp khó khăn do người dân không hợp tác, không giao trả giấy GCNQSDĐ (điển hình như tại các CCN: Hà Thịnh, Hợp Thịnh, Đoan Bái, Đoan Bái - Lương Phong 1, Đoan Bái - Lương Phong 2, huyện Hiệp Hòa; Lăng Cao, huyện Tân Yên…). Một số CCN phần diện tích GPMB còn rất ít nhưng cũng gặp trở ngại trong GPMB vì khu đất có nhiều ngôi mộ hoặc đang có tranh chấp về sử dụng đất (các CCN: Thanh Vân, Việt Nhật, huyện Hiệp Hòa; Nội Hoàng, Yên Lư, huyện Yên Dũng; Tăng Tiến, thị xã Việt Yên…).

Đối với các CCN mới thành lập từ năm 2022 đến nay, quá trình thực hiện lại vướng về quy hoạch vùng huyện, quy hoạch chung cấp xã, thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, lập nhiệm vụ quy hoạch chi tiết, lập quy hoạch chi tiết 1/500; vướng mắc về điểm đấu nối giao thông, thủ tục xin đấu nối giao thông gặp nhiều khó khăn…

Tại Hội nghị kiểm điểm tiến độ thực hiện một số dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng CCN trên địa bàn tỉnh do UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức mới đây, ông Phan Thế Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang nhấn mạnh việc thành lập, đưa các CCN vào hoạt động nhằm tạo thêm quỹ đất đầu tư phát triển công nghiệp. Thời gian qua, các địa phương, Sở, ngành trên địa bàn tỉnh đã nỗ lực thực hiện và đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, tiến độ thực hiện chậm do cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. Một số dự án khó triển khai là bởi ngay từ đầu lập quy hoạch đã có những sơ suất, cơ quan đề xuất, cơ quan thẩm định làm chưa chặt chẽ. Một số địa phương chưa vào cuộc tích cực, phối hợp giải quyết dứt điểm những vướng mắc.

Do đó, các dự án CCN thành lập mới cần khắc phục ngay những hạn chế nêu trên, lựa chọn đơn vị tư vấn đủ năng lực. Để đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng các CCN do doanh nghiệp làm chủ đầu tư, Sở Công Thương cần tiếp tục kiểm tra, đôn đốc các huyện, thị xã, thành phố, chủ đầu tư, các ngành liên quan tập trung hoàn thành các công việc theo tiến độ đề ra. Các Sở, ngành căn cứ tiến độ thực hiện các CCN phối hợp giải quyết từng phần việc.

Các huyện, thị xã, thành phố tập trung GPMB, xây dựng cụ thể kế hoạch, lộ trình thời gian, phân công trách nhiệm cho tổ chức, cá nhân trong giao đất, cho thuê đất, bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định; tăng cường tuyên truyền, vận động tạo sự đồng thuận trong nhân dân, người dân có đất thu hồi trong quá trình thực hiện các CCN. Tổ chức thiết lập, quản lý chặt chẽ hồ sơ trong GPMB, kịp thời giải quyết khiếu, nại tố cáo theo thẩm quyền.

Chủ đầu tư CCN cần đẩy nhanh tiến độ thưc hiện thủ tục hành chính, đầu tư xây dựng, xúc tiến thu hút đầu tư theo tiến độ đề ra. Triển khai thực hiện đầy đủ các thủ tục hành chính; tiếp cận mặt bằng, xây dựng hoàn thiện hạ tầng đối với diện tích đất được giao, nhất là trạm xử lý nước thải; tổ chức thu hút đầu tư thứ cấp. Đồng thời, việc đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật phải bảo đảm chất lượng, tiến độ. Sở Giao thông vận tải phối hợp rà soát các quy định, tham mưu, gỡ vướng cho chủ đầu tư trong việc đấu nối đường giao thông các CCN với tuyến quốc lộ trên địa bàn.

Chương Huyền - TS

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load