Chủ nhật 22/12/2024 13:11 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội / Đô thị

Bà Rịa – Vũng Tàu: Quy hoạch hướng tới thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030

10:09 | 18/01/2024

(Xây dựng) - Bà Rịa-Vũng Tàu đặt mục tiêu đến năm 2030, cơ bản đủ tiêu chuẩn của thành phố trực thuộc Trung ương, đóng vai trò là “cực” phát triển quan trọng trong hệ thống đô thị của vùng Đông Nam bộ. Đến năm 2050 là trung tâm kinh tế biển quốc gia, cửa ngõ ra biển cho vùng Đông Nam bộ với cơ cấu đô thị đa trung tâm.

Bà Rịa – Vũng Tàu: Quy hoạch hướng tới thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030
Bà Rịa - Vũng Tàu phấn đấu đến năm 2030 sẽ là thành phố trực thuộc Trung ương.

Mục tiêu rõ ràng

Quy hoạch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 16/12/2023 đã xác định xây dựng tỉnh này phát triển toàn diện, trở thành một trong những khu vực động lực phát triển quan trọng của vùng Đông Nam bộ, là trung tâm kinh tế biển quốc gia và nằm trong nhóm 5 địa phương phát triển kinh tế biển hàng đầu của cả nước. Đến năm 2030, Bà Rịa – Vũng Tàu cơ bản đủ tiêu chuẩn của thành phố trực thuộc Trung ương với cơ cấu đô thị đa trung tâm, kết cấu hạ tầng giao thông đa phương thức.

Duy trì vững chắc vị trí trong nhóm 10 địa phương có quy mô GRDP và tổng thu ngân sách nhà nước cao nhất cả nước; phát triển kinh tế hài hòa với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân với GRDP bình quân đầu người đến năm 2030 khoảng 497 triệu đồng.

Nâng cao bảo vệ môi trường, quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng; bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.

Để mục tiêu trên thành hiện thực, Bà Rịa – Vũng Tàu đề ra kế hoạch cụ thể: Từ nay đến 2030, Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ phát triển mạnh hạ tầng số, hạ tầng dữ liệu, đẩy nhanh phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số trên địa bàn; nâng tỷ trọng kinh tế số chiếm 35-37% GRDP. Tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng trên 72-75%, các đô thị hạt nhân được “thông minh hóa”. Môi trường sống của người dân trên toàn tỉnh được nâng cao chất lượng với tỷ lệ nước sạch từ 99%-100%; rác thải được xử lý bằng công nghệ cao, không còn trôn lấp trực tiếp; tỷ lệ che phủ cây xanh đạt trên 45%, trong đó tỷ lệ che phủ rừng đạt 13,5%... kết cấu hạ tầng tại Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ được đầu tư đồng bộ, hiện đại đáp ứng nhu cầu phát triển của người dân.

4 vùng chức năng; 03 trục kinh tế động lực và 04 trụ cột kinh tế

Quy hoạch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tổ chức không gian phát triển tỉnh theo 4 vùng chức năng; xây dựng 03 trục kinh tế động lực và phát triển 04 trụ cột kinh tế.

Theo đó, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu xác định rõ 4 vùng chức năng là công nghiệp - cảng biển Nằm ở toàn bộ địa giới hành chính thị xã Phú Mỹ, thành phố Bà Rịa, khu vực phía Tây của huyện Châu Đức và phía Tây - Tây Nam của thành phố Vũng Tàu. Khu vực này tập trung phát triển công nghiệp, cảng biển và phát triển đô thị với động lực kinh tế chủ yếu là dịch vụ phục vụ công nghiệp và cảng biển, dịch vụ đa ngành; liên kết hiệu quả với vành đai công nghiệp, đô thị, dịch vụ, logistics dọc hành lang Vành đai 3, Vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh và các tuyến cao tốc của Vùng Đông Nam bộ; gắn kết với hành lang kinh tế Mộc Bài - Thành phố Hồ Chí Minh - Biên Hoà - Vũng Tàu và với hành lang kinh tế Xuyên Á. Phát triển hình thành các tổ hợp quy mô lớn về công nghiệp - dịch vụ - đô thị tại thành phố mới Phú Mỹ.

Vùng chức năng du lịch và đô thị biển, được Bà Rịa – Vũng Tàu giao “nhiệm vụ” cho phía Đông Nam của tỉnh, từ dọc Quốc lộ 55 và phía Đông Nam Quốc lộ 51 đến khu vực ven biển dọc đường tỉnh ĐT994 thuộc địa giới hành chính: thành phố Vũng Tàu, các huyện: Long Điền, Đất Đỏ, Xuyên Mộc. Nơi đây chủ yếu phát triển du lịch, các dịch vụ phục vụ du lịch. Phát triển chuỗi sản phẩm về du lịch nghỉ dưỡng, du lịch biển, đảo, du lịch thể thao - giải trí, văn hóa, sinh thái, y tế du lịch, bất động sản du lịch gắn với phát triển hệ thống đô thị du lịch Vùng Tàu – Long Hải – Phước Hải – Hồ Tràm – Bình Châu.

Bên cạnh đó, tiếp tục duy trì các hoạt động sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng, khai thác thủy sản, nhưng theo định hướng phát triển phục vụ du lịch. Phát triển nông nghiệp sinh thái, hữu cơ; nuôi trồng thủy sản hữu cơ, sản xuất sạch, an toàn thực phẩm…; nhằm mục tiêu cung cấp thực phẩm sạch, phục vụ du lịch và đời sống nhân dân trong tỉnh. Duy trì các hoạt động khai thác, nuôi trồng thủy hải sản ở mức hợp lý, giảm dần số lượng tàu cá; nâng cấp, hiện đại hoá các cảng cá, bến cá nhằm đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng hoạt động khai thác hải sản, bảo vệ môi trường, phát triển gắn với du lịch và phục vụ phát triển du lịch.

Vùng chức năng nông nghiệp và cân bằng sinh thái sẽ giao cho các huyện Đất Đỏ (phía Bắc Quốc lộ 55), huyện Xuyên Mộc (phía Bắc Quốc lộ 55), Châu Đức (phần phía Đông Quốc lộ 56). Khu vực này có nhiệm vụ vừa phát triển kinh tế vừa ổn định đời sống dân cư khu vực nông thôn, tăng mật độ che phủ của cây xanh, bảo vệ nguồn nước ngọt...

Vùng biển và hải đảo sẽ là nơi phát triển kinh tế biển với nhiều hoạt động đa dạng phù hợp với đặc thù của các đảo. Đặc biệt, phát triển Côn Đảo trở thành khu du lịch sinh thái biển đảo chất lượng cao, đẳng cấp khu vực và quốc tế; là khu bảo tồn di tích lịch sử quốc gia đặc biệt; khu bảo tồn hệ sinh thái đa dạng rừng, biển; đồng thời thực hiện nhiệm vụ quan trọng về bảo vệ quốc phòng và an ninh.

Quy hoạch Bà Rịa – Vũng Tàu vừa được Chính phủ phê duyệt xác định phát triển 03 trục kinh tế động lực với trục công nghiệp - Cảng biển Cái Mép - Thị Vải gắn với hệ thống giao thông liên cảng và Quốc lộ 5; trục công nghiệp - logistics dọc cao tốc Biên Hoà - Vũng Tàu và đường Vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh và trục du lịch ven biển dọc đường tỉnh ĐT994 và đường nối vào cao tốc Biên Hoà - Vũng Tàu.

Từ các trục kinh tế động lực này, Bà Rịa – Vũng Tàu xác định mục tiêu phát triển kinh tế với các ngành công nghiệp, kinh tế hàng hải, dịch vụ logistics, du lịch và phát triển các ngành dịch vụ chất lượng cao gắn với phát triển hệ thống đô thị hiện đại.

Tại Quy hoạch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu mới đây đã xác định rõ: Phấn đấu đến năm 2030, Bà Rịa - Vũng Tàu cơ bản đủ tiêu chuẩn của thành phố trực thuộc Trung ương, dự kiến thành lập thành phố đạt tiêu chí của đô thị loại I trực thuộc Trung ương được xác lập trên cơ sở các khu vực phát triển đô thị: Vũng Tàu, Bà Rịa, Phú Mỹ, Long Điền, Long Hải và sẽ nâng cấp nhiều đô thị vệ tinh.

Đến năm 2030, Bà Rịa – Vũng tàu sẽ có nhiều khu chức năng được phát triển như các khu, cụm công nghiệp; 04 vùng, khu du lịch; hình thành khu thương mại tự do gắn với cảng biển tại khu vực Cái Mép Hạ; Phát triển các tổ hợp đô thị, dịch vụ, trung tâm logistics cấp quốc gia, cấp vùng và cấp tỉnh, cảng cạn gắn với hệ thống cảng biển Cái Mép - Thị Vải và kết nối với Cảng hàng không quốc tế Long Thành (tỉnh Đồng Nai) phát triển một số trung tâm dịch vụ, thể thao, văn hóa quy mô lớn, đủ năng lực tổ chức các sự kiện thể thao, văn hóa cấp quốc gia và quốc tế.

Bà Rịa – Vũng Tàu đặt mục tiêu cho lộ trình đến năm 2050 sẽ chính thức trở thành trung tâm kinh tế biển quốc gia; trung tâm dịch vụ hàng hải của khu vực Đông Nam Á; trung tâm du lịch chất lượng cao đẳng cấp quốc tế; một trong những trung tâm công nghiệp lớn của vùng Đông Nam bộ có hệ thống kết cấu hạ tầng hoàn thiện, hiện đại, môi trường sống an toàn, trong lành, chất lượng cao; xã hội phát triển hài hòa với thiên nhiên, kinh tế phát triển hiệu quả theo hướng kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế cac-bon thấp và thực hiện mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0”.

Hoàng Trang

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load