Thứ sáu 24/01/2025 13:36 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Kinh tế /

Ba kịch bản kinh tế 2009

16:11 | 14/05/2009


Ảnh Đoàn Thanh

Với kịch bản cơ bản, CIEM đưa ra dự báo rằng, tăng trưởng kinh tế trong năm nay sẽ ở mức 4,69%, lạm phát trung bình là 9,4%, thâm hụt thương mại bằng 8,7% GDP, thâm hụt ngân sách 9,7% GDP và tốc độ tăng xuất khẩu âm tới 12,2%. Dự báo này của CIEM được đưa ra dựa trên giả định rằng, nhóm các nước đối tác thương mại của Việt Nam có mức tăng trưởng kinh tế khoảng 0,5%/năm; giá dầu thô trên thị trường thế giới sẽ giảm mạnh, xấp xỉ 55 USD/thùng, giảm 50% so với năm 2008 theo dự báo của Cơ quan Năng lượng Mỹ và IMF. Các giả định khác là do thực thi chính sách kích cầu nên đầu tư từ ngân sách Nhà nước theo giá hiện hành tăng 10% so với năm 2008; giải ngân vốn đầu tư nước ngoài (FDI) giảm 25% so với năm 2008; đồng thời Việt Nam sẽ thực thi các chính sách kinh tế vĩ mô một cách thận trọng…

Trong khi đó, với kịch bản lạc quan, tăng trưởng kinh tế sẽ là 5,56%, lạm phát trung bình 8,9%, tăng trưởng xuất khẩu âm 7,2%, thâm hụt thương mại và thâm hụt ngân sách tương ứng ở mức 8,5% và 9,4% so với GDP. Với kịch bản lạc quan, các giả định được đưa ra là tình hình kinh tế thế giới không quá bi quan và môi trường đầu tư của Việt Nam tiếp tục hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài. Vì thế, các nước bạn hàng thương mại của Việt Nam tăng trưởng GDP 1%, giá dầu thô là 60 USD, giá nhập khẩu nguyên liệu công nghiệp và giá xuất khẩu nông sản giảm tương ứng ở mức 20% và 15%. Còn giải ngân vốn FDI, sẽ chỉ giảm 15% so với năm 2008.

Trái ngược kịch bản lạc quan, kịch bản bi quan lại dựa trên giả định rằng các điều kiện tăng trưởng kinh tế bất lợi hơn so với những giả định của kịch bản cơ bản. Trong đó, các nước bạn hàng của Việt Nam tăng trưởng GDP ở mức 0%, giá dầu thô giảm mạnh, chỉ còn 40 USD/thùng. Hơn thế, giải ngân vốn FDI giảm tới 30% so với năm 2008; đồng Việt Nam mất giá danh nghĩa 3 điểm phần trăm. Với kịch bản này, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2009 giảm khoảng 1,3 điểm phần trăm so với dự báo theo kịch bản cơ bản, chỉ đạt mức 3,39%. Trong khi đó, lạm phát ở mức 8,2%, tăng xuất khẩu âm 25,5%, thâm hụt thương mại 9,2% và thâm hụt ngân sách là 10,1%.

Còn nhớ, vào thời điểm này năm ngoái, CIEM cũng đưa ra 3 kịch bản kinh tế cho năm 2008 và trên thực tế, nền kinh tế đã diễn biến rất sát với kịch bản bi quan mà CIEM đưa ra. Vì thế, điều mà dư luận trông đợi là liệu năm nay, nền kinh tế sẽ diễn biến theo kịch bản này.

Trao đổi với báo giới về vấn đề này, ông Đinh Văn Ân, Viện trưởng CIEM cho rằng, về mặt lý thuyết thì kịch bản cơ bản là dễ xảy ra nhất. Tuy nhiên, xét về quan điểm cá nhân, ông Ân lại nghiêng về kịch bản lạc quan.

Lý giải cho nhận định của mình, ông Ân cho rằng, Châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng không phải là “mắt” của khủng hoảng, mà chỉ chịu tác động do suy giảm thị trường. Hơn nữa, Việt Nam là nền kinh tế đang trong giai đoạn chuyển đổi, nên nhu cầu đầu tư, thị trường đầu tư vẫn rộng mở và hứa hẹn tăng trưởng. Cũng chính vì là nền kinh tế đang trong giai đoạn chuyển đổi, nên cầu có khả năng thanh toán của dân cư trên thực tế luôn cao hơn con số thống kê… “Tất cả những yếu tố này là cơ sở để tôi nhìn nhận nền kinh tế diễn ra theo chiều hướng tích cực hơn”, ông Ân khẳng định và cho rằng, thời điểm hiện nay đã là đáy của khủng hoảng, để từ đó nền kinh tế Việt Nam có thể đi lên.

Lạc quan như vậy, song ông Ân cũng thừa nhận rằng, dự báo chỉ là dự báo, những diễn biến trong thực tại còn phụ thuộc rất nhiều vào các yếu tố khách quan khác, cũng như sự điều hành của Chính phủ.

Đáng nói là, cùng thời điểm CIEM đưa ra báo cáo Kinh tế Việt Nam và 3 kịch bản tăng trưởng kinh tế trong năm 2009, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã họp và bàn thảo về việc điều chỉnh một số chỉ tiêu kinh tế trong năm nay. Theo đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế có thể đạt mức 5%, phấn đấu đạt 5,5 - 6%; lạm phát ở mức 6%; tăng trưởng xuất khẩu 3-5%... Như vậy, ngoại trừ sự giống nhau tương đối về chỉ số tăng trưởng GDP, thì các chỉ tiêu khác xem ra đã có sự khác biệt khá lớn giữa dự báo của CIEM và Chính phủ.

Ở đây, phải hiểu một điều rằng, dự báo chỉ là dự báo. Và đúng như ông Ân đã nói, thì để đạt được các mục tiêu quan trọng đã đưa ra, nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế thì vai trò điều hành của Chính phủ là rất quan trọng.

Nhật Hạ

Theo baoxaydung.com.vn

Từ khóa:
Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load